Lúa mạch: Loại hạt cổ xưa giúp ngăn ngừa táo bón và giảm mỡ nội tạng

Lúa mạch là loại hạt có nhiều lợi ích về mặt dinh dưỡng và y học. Giá trị dinh dưỡng của lúa mạch đã thu hút sự chú ý của cộng đồng trong những năm gần đây. Nhiều nghiên cứu cho thấy rằng lúa mạch có thể cải thiện đường ruột, giảm táo bón, và giảm mỡ nội tạng.

Vào năm 2007, nghiên cứu từ Nhật Bản cho thấy lúa mạch có thể làm giảm mỡ nội tạng và cholesterol lipoprotein tỷ trọng thấp (cholesterol xấu). 44 người đàn ông Nhật Bản bị tăng cholesterol máu với chỉ số khối lượng cơ thể trên 22kg/m2 đã được phân ngẫu nhiên thành hai nhóm.

Nhóm thử nghiệm ăn cơm trộn với lúa mạch, và nhóm giả dược dùng cơm không có lúa mạch trong 12 tuần. Kết quả cho thấy so với nhóm giả dược, nhóm thử nghiệm đã giảm mỡ nội tạng và cholesterol lipoprotein tỷ trọng thấp.

Nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản phía Tây (Western Japan Research Center) cũng phát hiện ra rằng lúa mạch nếp cũng hữu ích cho sức khỏe. Nghiên cứu được công bố trong Tập san Nhân chủng Sinh lý học (Journal of Physiological Anthropology) vào năm 2017.

Theo hướng dẫn từ nhóm nghiên cứu, những người chăm sóc ở nhà dưỡng lão làm món cơm trộn lúa mạch nếp như món ăn chính cho người già trong năm tháng.

Nghiên cứu tìm thấy rằng trong 28 người cao tuổi (với tuổi trung bình là 89) ăn theo cách này, 14 người bị táo bón đã tăng nhu động ruột đáng kể, với mức trung bình hàng tháng từ 9.2 đến 12.1 lần. Điều này cho thấy việc ăn đủ chất xơ, chẳng hạn như từ lúa mạch, có thể kích thích nhu động của người cao tuổi. Họ cũng giảm sử dụng thuốc nhuận tràng một cách rõ rệt.

Hơn nữa, những người cao tuổi tham gia nghiên cứu cũng thích ăn lúa mạch nếp hơn những thức ăn giàu chất xơ khác, như lúa mạch không chứa gluten và nấm.

Lúa mạch giàu carbonhydrate, protein, chất xơ hòa tan β-glucan, chất xơ không hòa tan, vitamin B, v.v. Chất xơ hòa tan có ích cho cơ thể, giúp giảm táo bón và giảm cân. β-glucan trong lúa mạch có thể ức chế sự tăng mức glucose máu sau bữa ăn, giảm mức cholesterol, và là nguồn thức ăn cho vi khuẩn ruột, do đó giúp điều hòa môi trường trong ruột và cải thiện nhu động.

Sức khỏe và trường thọ

Cải thiện đường ruột không chỉ là vấn đề điều chỉnh táo bón – việc duy trì vi hệ đường ruột tốt cũng đóng một vai trò quan trọng trong sức khỏe tổng thể.

Tuổi thọ trung bình của người Nhật Bản đứng hàng cao nhất trong số các quốc gia trên thế giới. Đặc biệt hơn, số người sống trăm tuổi hoặc hơn ở thành phố Kyotango cao gấp ba lần huyện Kyoto. Theo thống kê chính quyền Kyotango, có 124 người sống trăm tuổi vào ngày 01/01/2022, và cứ 100,000 người thì có 237 người sống trăm tuổi – cao hơn 3.3 lần so với cấp độ quốc gia ở các khu vực khác của Nhật Bản.

Giáo sư Yiji Naito, Khoa Nghiên cứu Đại học Y dược Kyoto, đã nghiên cứu “bí mật” của những người sống trăm tuổi tại thành phố Kyotango. Ông khám phá ra rằng lượng vi khuẩn Clostridum butyricum trong đường ruột ở người cao tuổi ở đây nhiều hơn đáng kể so với người cao tuổi ở thành phố Kyoto bên cạnh.

Giáo sư Yuji phỏng đoán rằng những người cao tuổi địa phương có lượng lớn clostridium butyricum trong vi hệ đường ruột liên quan đến cách ăn giàu chất xơ. Chuyển hóa của Clostridium butyricum có thể làm tăng số lượng tế bào miễn dịch và giảm viêm, cũng như bảo vệ não và hệ thần kinh trung ương. “Có lẽ đây là một trong những lý do quan trọng giúp họ sống lâu.”

Theo ông Yuji, nghiên cứu phân tích gene của vi khuẩn ruột ở người thời xưa cho thấy sự đa dạng và phong phú hơn ở người hiện đại. Dưỡng chất và khoáng chất cần thiết cho sức khỏe tối ưu không thể được tạo ra nếu không có nhiều loại vi khuẩn ruột di truyền. Tuy nhiên, phương pháp ăn uống hiện đại, chứa nhiều thực phẩm không lành mạnh, bao gồm chất béo động vật, đường, thực phẩm qua chế biến, dẫn đến giảm số lượng Clostridium butyricum trong ruột.

Theo hướng dẫn của chính phủ Nhật Bản năm 2020, lượng chất xơ từ thực phẩm cần cho nam giới ở độ tuổi từ 18 đến 64 là ít nhất 21 gram mỗi ngày và ít nhất là 18 gram cho nữ giới.

Chất xơ có khá nhiều trong rau củ nhưng ít hơn trong thực phẩm như cá và thịt. Một cách hiệu quả để hấp thụ chất xơ là ăn lúa mạch, gạo lức, gạo mầm, hay bánh mì nguyên cám như thức ăn chính, cùng với đậu, trái cây, nấm, rong biển, cà rốt khô, bí đỏ, rễ ngưu bàng, măng, bông cải xanh, mộc nhĩ, natto (thực phẩm truyền thống Nhật Bản làm từ đậu nành nguyên hạt), đậu xanh, đậu đỏ, và nấm đông cô.

Cô Elen Wang đã làm việc cho ấn bản Nhật ngữ của The Epoch Times từ năm 2007.

Chú thích của dịch giả:

Clostridium butyricum: Trực khuẩn Gram dương sản sinh ra acid butyric trong nội bào tử kỵ khí hoàn toàn, tồn tại bằng cách lên men nhờ một α-polyglucan giống amylopectin tích lũy nội bào (granulose) làm chất nền. Clostridium Butyricum là sinh vật sống trong đất ở nhiều nơi khác nhau trên thế giới, phổ biến trong sữa chua và pho mát. Clostridium butyricum có thể ức chế vi khuẩn gây bệnh trong đường ruột và kích thích sự phát triển của các lợi khuẩn như Bifidobacterium và Lactobacillus.

Ngọc Thuần biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Ellen Wan
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Bà Ellen Wan đã làm việc cho ấn bản Nhật ngữ của The Epoch Times từ năm 2007.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn