Mảng da sậm màu có thể là dấu hiệu của bệnh tiểu đường

Quan sát cơ thể của bạn, đặc biệt là ở các nếp gấp trên da, để tìm các mảng màu nâu hoặc đen có cảm giác sần sùi hoặc thậm chí có mùi khó chịu. Vùng da mất thẩm mỹ thường bị cho là do ‘vệ sinh kém’ này thực ra là bệnh gai đen.

Các mảng da bị acanthosis nigricans (bệnh gai đen) không có đường viền rõ ràng và được phân bố đối xứng. Tổn thương thường xuất hiện ở những nếp gấp da hoặc vùng hay bị cọ sát.

Các vùng thường gặp: mặt sau và bên cạnh cổ, bẹn và nách; trong đó hơn 90% trường hợp sẽ xuất hiện ở cổ.

Các vị trí ít gặp hơn gồm: eo (vùng da cọ xát với dây thắt lưng), dưới ngực, phía trước khuỷu tay, và mặt sau của các đốt ngón tay. Trường hợp nặng thậm chí có thể xuất hiện các tổn thương ở các vùng như rốn, môi, miệng.

Tại sao bị bệnh gai đen? Bệnh này không liên quan gì đến thói quen vệ sinh cá nhân, mà là dấu hiệu cảnh báo cho cơ thể. Có một số nguyên nhân phổ biến khiến người ta phát triển bệnh gai đen:

1. Tình trạng kháng insulin và bệnh tiểu đường

Yilun Chiang, bác sĩ điều trị tại Khoa Nội tiết của Bệnh viện Shin Kong Wu Ho-Su Memorial ở Đài Loan, đã chỉ ra rằng cơ chế chính xác gây ra bệnh gai đen vẫn chưa được hiểu đầy đủ. Tuy nhiên, hiện tại người ta tin rằng việc tiết quá nhiều insulin là một trong những yếu tố quan trọng.

Ở điều kiện bình thường, insulin đưa đường trong máu vào tế bào để ổn định lượng đường trong máu. Khi cơ thể trở nên kém nhạy cảm với insulin và hình thành tình trạng kháng insulin, cơ thể phải tiết ra nhiều insulin hơn để ổn định lượng đường trong máu. Lượng insulin quá mức có thể kích thích sự tăng sinh tế bào của tế bào da, gây kết tủa melanin và tăng sừng hóa (làm dày lớp ngoài của da), cuối cùng dẫn đến bệnh gai đen.

Kháng insulin là dấu hiệu sớm của bệnh tiểu đường loại 2. Tình trạng này có thể được cải thiện với sự điều trị kịp thời và điều chỉnh cách ăn uống cùng với lối sống. Nếu không được kiểm soát, tình trạng kháng insulin có thể tiến triển thành bệnh tiểu đường loại 2.

Những người bị kháng insulin thường có đặc điểm béo phì hoặc vòng eo lớn bên cạnh triệu chứng da sẫm màu và dày lên. Những người có tình trạng như vậy đôi khi cũng gặp hội chứng chuyển hóa.

Một cuộc khảo sát đối với thanh thiếu niên cho thấy bệnh gai đen có liên quan mật thiết với béo phì, tiền sử gia đình bị tiểu đường, huyết áp cao, và ít hoạt động thể chất; trong đó béo phì có mối liên hệ mật thiết nhất với bệnh gai đen.

Những người bị bệnh tiểu đường loại 1 và loại 2 cũng có thể phát triển bệnh gai đen. Liu Peng-Tzu, bác sĩ điều trị tại Khoa Y học Gia đình của Bệnh viện Shin Kong Wu Ho-Su Memorial, cho biết một số người trẻ bị bệnh tiểu đường loại 1 sẽ phát triển bệnh gai đen, ngay cả khi không béo phì. Ông giải thích rằng mặc dù nhóm người này không bị kháng insulin, nhưng họ cũng có thể cảm thấy khó chịu hoặc thay đổi về da nếu lượng đường trong máu cao.

2. Rối loạn nội tiết

Các rối loạn như hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS: là bệnh tác động lên buồng trứng làm kinh nguyệt rối loạn dẫn đến sự hình thành các nang nhỏ bên trong buồng trứng), suy giáp, và suy tuyến thượng thận cũng có thể dẫn đến tế bào da sinh trưởng bất thường.

3. Thuốc

Một số loại thuốc có thể ảnh hưởng đến sự tiết insulin hoặc gây ra tình trạng giống như kháng insulin, chẳng hạn như thuốc tránh thai, corticosteroid, diethylstilbestrol (estrogen không steroid), niacin và các dẫn xuất của nó, hormone tăng trưởng, thuốc điều trị tuyến giáp, v.v.

4. Ung thư

Bệnh gai đen ác tính chủ yếu liên quan đến ung thư biểu mô tuyến của các cơ quan trong bụng, đặc biệt là ung thư dạ dày. Bệnh nhân ung thư tuyến tụy, buồng trứng, vú hoặc thực quản cũng có thể phát triển bệnh gai đen. Bệnh gai đen liên quan đến ung thư có thể xảy ra trước, cùng lúc, hoặc sau khi chẩn đoán ung thư.

Các yếu tố khác gây ra bệnh gai đen bao gồm di truyền, bệnh tự miễn, v.v.

Bác sĩ Yilun Chiang cho biết, độ tuổi khởi phát bệnh gai đen có thể từ trẻ sơ sinh đến người lớn. Bệnh gai đen có nhiều khả năng xảy ra ở người lớn hơn ở trẻ em nếu nguyên nhân là khối u ác tính gây ra.

Hãy cẩn thận với các mảng da sậm màu không ngứa

Các mảng da sậm màu có phải là dấu hiệu chắc chắn của bệnh gai đen không?

Bác sĩ Yilun Chiang đã chỉ ra rằng bệnh gai đen có một đặc điểm là thường không ngứa lắm. Nói chung, vùng da bị ảnh hưởng của bệnh gai đen nhẹ sẽ trông dơ bẩn. Khi các triệu chứng trở nặng hơn, khu vực này sẽ dần dần loang rộng và dày lên, đồng thời các nếp nhăn trên da cũng sẽ sâu hơn; thậm chí có thể có sự phát triển giống như mụn cóc trên lớp biểu bì.

Bác sĩ Liu Peng-Tzu nói rằng ông sẽ hỏi bệnh nhân xem vùng bị ảnh hưởng có bị ngứa không và họ có thường cảm thấy muốn gãi không.

Nếu bệnh nhân nói có, thì nguyên nhân của tổn thương này thường là do viêm da dị ứng. Viêm da dị ứng đặc trưng với ngứa tại vùng bị ảnh hưởng; vùng viêm do gãi quá nhiều có thể gây ra sự tích tụ hắc tố, làm cho vùng da bị tổn thương trở nên sẫm màu và trông dơ bẩn.

Vì bệnh gai đen phổ biến hơn ở những người bị kháng insulin và bệnh tiểu đường, các bác sĩ sẽ ưu tiên sàng lọc bệnh khi chẩn đoán những người có nguy cơ cao bị bệnh tiểu đường.

Do đó, một số người được phát hiện bệnh tiểu đường sau khi trải qua các xét nghiệm máu thường cho thấy mức đường huyết lúc đói từ 100 đến 125 mg/dL hoặc mức huyết sắc tố HbA1c từ 5.7 đến 6.4%. Chỉ số kháng insulin (HOMA-IR) cũng có thể đo được. Nếu tỷ số đường huyết lúc đói và insulin máu lớn hơn hoặc bằng 2, có nghĩa là người bệnh kháng insulin.

Cũng có người được chẩn đoán bệnh tiểu đường. Tại phòng khám ngoại trú của bác sĩ Liu Peng-Tzu, người ta thường bắt gặp những nhân viên văn phòng ở độ tuổi 30 bị bệnh gai đen. Những bệnh nhân này đến phòng khám vì những bất thường trên da ảnh hưởng đến vẻ ngoài của họ và không thể loại bỏ sau khi làm sạch kỹ lưỡng.

Một bệnh nhân có chỉ số BMI (Chỉ số khối cơ thể: là trọng lượng của một người tính bằng kilogam chia cho bình phương chiều cao tính bằng mét) cao khoảng 29 nhưng không có các triệu chứng điển hình của tiểu đường (ăn nhiều, uống nhiều, tiểu nhiều, sụt cân). Tuy nhiên, đường huyết lúc đói của anh ấy là từ 130 đến 150 mg/dL; về mặt y tế, nếu vượt quá 126 mg/dL, người ấy được xem là bị bệnh tiểu đường.

Bệnh nhân nói rằng anh ta được thông báo rằng lượng đường trong máu của anh quá cao trong khi kiểm tra y tế tại trường đại học, nhưng không đặc biệt chú ý đến vì không có bất kỳ triệu chứng nào. Sau hơn 10 năm, anh ấy không chỉ bị bệnh gai đen mà còn bị bệnh tiểu đường do tình trạng kháng insulin trong nhiều năm.

Bác sĩ Liu Peng-Tzu nói rằng hầu hết bệnh nhân bị kháng insulin lâu dài hoặc bị bệnh tiểu đường nặng trước khi họ phát triển bệnh gai đen.

Bệnh gai đen có thể trị được không?

Hiện tại không có phương pháp điều trị cụ thể cho bệnh gai đen. Cách chính để đối phó với bệnh gai đen là điều trị nguyên nhân và để cho vùng da tổn thương tự lành một cách tự nhiên.

Kháng insulin và bệnh tiểu đường là nguyên nhân chính gây ra bệnh gai đen; vì thế cải thiện tình trạng kháng insulin và kiểm soát lượng đường trong máu có thể ngăn tổn thương da này trở nên tệ hơn.

“Điều quan trọng nhất là giải quyết vấn đề căn bản của tình trạng kháng insulin,” bác sĩ Liu Peng-Tzu cho biết. Ví dụ, nhiều bệnh nhân có bệnh gai đen bị béo phì, vì vậy họ nên điều chỉnh cách ăn uống, tập thể dục nhiều hơn và tích cực giảm cân.

Vùng da bị tổn thương sẽ dần dần chuyển hoá. Vùng sẫm này sẽ dần dần mờ đi khi [bệnh nền] được cải thiện, và tình trạng viêm của vùng da bị ảnh hưởng giảm đi.

Bên cạnh việc điều trị bệnh nền còn có một số cách để ngăn ngừa bệnh gai đen trở nên tệ hơn như sau:

1. Giảm tiếp xúc với ánh nắng mặt trời vì ánh sáng mặt trời kích thích tế bào hắc tố.

2. Giảm kích thích vật lý, chẳng hạn như giảm ma sát và trầy xước.

3. Tránh chà xát quá mức vùng da tổn thương để ngăn chặn sự lắng đọng thêm hắc tố.

Tuy nhiên, vùng da bị tổn thương sậm màu sẽ không biến mất hoàn toàn và trông vẫn hơi khác vùng da bình thường xung quanh. Tsai Yi-shan, giám đốc khoa da của Yes Clinic, Đài Loan, nói rằng phương pháp điều trị da là sử dụng tia laser hóa hơi hoặc cung cấp một số loại thuốc mỡ acid để giúp da trao đổi chất.

Mặc dù những phương pháp này có thể cải thiện vùng da bị ảnh hưởng đôi chút, nhưng không có cách nào để loại bỏ nó hoàn toàn.

Cần lưu ý rằng bệnh gai đen sẽ tái phát nếu người bệnh không kiểm soát tốt đường huyết và cân nặng trong tương lai. Những người đã từng bị bệnh gai đen có nhiều khả năng tái phát bệnh hơn những người không có tiền sử bệnh.

Tân Dân biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Camille Su
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Camille Su là một ký giả chuyên viết về mảng sức khỏe bao gồm các chủ đề về bệnh tật, dinh dưỡng và điều tra. Liên lạc với cô qua email [email protected]
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn