Hướng dẫn cơ bản về ung thư da: Triệu chứng, nguyên nhân, điều trị và giải pháp tự nhiên

Nhiều cuộc điều tra dịch tễ đã cho thấy sự gia tăng của cả ung thư da không hắc tố (NMSC) và ung thư hắc tố trong vài thập niên qua. Bài viết dưới đây cung cấp những thông tin hữu ích, giúp độc giả biết cách phát hiện sớm và phòng ngừa căn bệnh phổ biến này.

Các loại ung thư da

Có ba loại ung thư da chính: ung thư biểu mô tế bào đáy (BCC), ung thư biểu mô tế bào vảy (SCC) và ung thư hắc tố. Mặc dù một trong số này có các loại phụ và cũng có những loại ung thư da hiếm gặp, nhưng bài viết này sẽ không đề cập đến những loại này.

1. Ung thư biểu mô tế bào đáy (BCC)

Còn được gọi là ung thư da tế bào đáy, ung thư biểu mô tế bào đáy là loại ung thư da phổ biến nhất, chiếm 80% tổng số ca ung thư da ở Hoa Kỳ.

Đúng như tên gọi, BCC bắt đầu từ các tế bào đáy ở phần dưới của lớp biểu bì và liên tục phân chia để thay thế các tế bào vảy bị bào mòn trên bề mặt da.

BCC thường gặp ở những người da trắng nhưng cũng có thể xuất hiện ở những người da màu. Ở những người da trắng, BCC thường biểu hiện dưới dạng các khối u tròn, màu da, các vết sưng giống như ngọc trai hoặc các mảng da màu hồng. BCC thường xuất hiện dưới dạng vết sưng màu nâu hoặc đen bóng ở những người có làn da nâu hoặc đen.

Có bốn biến thể chính của BCC, bao gồm ung thư biểu mô thể nốt, lan tỏa trên bề mặt, xơ cứng và ung thư biểu mô tế bào đáy sắc tố.

Mặc dù BCC thường xuất hiện ở vùng đầu (mặt, tai và da đầu), cổ, vai và cánh tay, nhưng cũng có thể phát sinh ở bất cứ đâu trên cơ thể, bao gồm ngực, lưng, bụng và chân, thường có xu hướng gặp ở vùng da lộ bên ngoài tiếp xúc với mặt trời. Sự phát triển của BCC thường liên quan với nhiều năm tiếp xúc với ánh nắng mặt trời thường xuyên hoặc tắm nắng trong nhà.

Chẩn đoán và điều trị BCC kịp thời là rất quan trọng vì loại ung thư da này có thể phát triển sâu và rộng. BCC hiếm khi di căn hoặc lan rộng. Tuy nhiên, trong những trường hợp vô cùng hiếm gặp, chúng có thể dẫn đến tử vong.

Việc loại bỏ không hết tế bào ung thư có thể dẫn đến tái phát ở cùng một vùng da.

2. Ung thư biểu mô tế bào vảy (SCC)

Ung thư biểu mô tế bào vảy được xếp hạng là ung thư da phổ biến thứ hai, gặp ở những người có làn da sáng và tối. Ước tính có 1.8 triệu trường hợp SCC được chẩn đoán ở Hoa Kỳ mỗi năm.

Tế bào vảy là những tế bào dẹt ở lớp ngoài cùng của biểu bì, liên tục bong ra khi những tế bào mới được sản sinh.

Thông thường, SCC biểu hiện dưới dạng vết sưng đỏ, rắn, mảng có vảy hoặc vết loét tái phát. SCC có thể lan tràn đến các bộ phận khác của cơ thể và thường phát triển nhanh hơn BCC. Tuy nhiên, nếu được phát hiện sớm thì có thể điều trị dễ dàng.

Thông thường, SCC xuất hiện trên các vùng da tiếp xúc thường xuyên với ánh nắng mặt trời, bao gồm tai, mặt, cổ, cánh tay, ngực và lưng. SCC còn có khả năng xâm nhập sâu vào da dẫn đến biến dạng [da].

3. Ung thư hắc tố

Loại ung thư da phổ biến thứ ba là ung thư hắc tố. Mặc dù chỉ chiếm 1% trong tổng số ung thư da, nhưng ung thư hắc tố được xem là nguy hiểm nhất vì có thể di căn sang các bộ phận khác của cơ thể. Ung thư hắc tố gây ra nhiều ca tử vong do ung thư da nhất.

Ung thư hắc tố phát triển khi các tế bào hắc tố, tế bào chuyên trách sản xuất melanin, tăng sinh không kiểm soát. Đôi khi ung thư hắc tố có thể bắt nguồn từ nốt ruồi hiện có hoặc đột nhiên xuất hiện dưới dạng một đốm đen nổi bật so với vùng da xung quanh.

Bốn loại ung thư da hắc tố chính là thể lan rộng trên bề mặt, nốt, lentigo và ung thư hắc tố vùng đầu.

Các triệu chứng và dấu hiệu sớm của ung thư da

Nói chung, bất kỳ đốm da mới xuất hiện hoặc thay đổi nào tồn tại trong hai tuần hoặc lâu hơn đều có thể là ung thư da. Ung thư da thường không có triệu chứng ở giai đoạn đầu nhưng các triệu chứng có thể xuất hiện bất cứ lúc nào.

Các triệu chứng ung thư da phổ biến bao gồm:

  • Xuất hiện đốm da mới, chẳng hạn như nốt ruồi/vết sưng mới.
  • Thay đổi về kích thước, hình dạng hoặc màu sắc của nốt ruồi hiện có.
  • Nốt ruồi bắt đầu chảy máu.
  • Xuất hiện mảng/vết sưng phẳng, màu hồng, đỏ hoặc nâu.
  • Vết thương/vết loét không lành, dẫn đến chảy máu hoặc hình thành vảy.
  • Vết thương có vảy/có vảy ngứa, chảy máu hoặc đau đớn.
  • Vết sưng sáng bóng, màu đỏ hoặc cùng màu da trên bề mặt da.
  • Đốm đỏ thô hoặc có vảy.
  • [Nốt da] tăng trưởng với vùng rìa không đều hoặc gờ lên.
  • Nổi mụn như mụn cóc.
  • Nổi vết như vết sẹo không có đường viền rõ ràng.
  • Sự phát triển của mảng da có màu sắc bất thường, chẳng hạn như trắng, hồng, đen, xanh hoặc đỏ.

Các triệu chứng cụ thể của bệnh ung thư

1. Ung thư biểu mô tế bào đáy

Vì BCC thường xuất hiện ở những vùng cơ thể tiếp xúc với ánh nắng nên cần chú ý các dấu hiệu sau trên đầu, cổ, vai, cánh tay, ngực, lưng, bụng và chân:

  • Vết loét dai dẳng, không lành. Nhìn có thể mờ, sáng bóng, hồng, trắng ngọc trai hoặc đỏ. Vết loét như vậy cũng có thể có cảm giác mềm, thô ráp và vùng rìa gờ lên, hoặc chảy máu, tiết dịch và đóng vảy.
  • Vết loét trên da không lành trong vòng bốn tuần mà không có nguyên nhân rõ ràng.
  • Sự hiện diện của một cục/vết sưng/nốt sần, có thể nhỏ, phát triển chậm và có màu hồng sáng, trắng hoặc đỏ ở người da trắng và màu đen hoặc nâu ở người da màu.
  • Các mảng đỏ trên da, có thể kèm theo ngứa, kích ứng hoặc đau.
  • Một khối u nhỏ màu hồng với chu vi hơi nhô cao, cong và vết lõm ở giữa có thể đóng vảy theo thời gian, có thể hình thành các mạch máu nhỏ trên bề mặt.
  • Một vùng giống như vết sẹo có bề ngoài phẳng, màu trắng, vàng hoặc bóng như sáp, thường không có ranh giới rõ ràng. Đây có thể là dấu hiệu của BCC xâm lấn.

2. Ung thư biểu mô tế bào vảy

SCC có thể phát sinh ở bất kỳ bộ phận nào trên cơ thể nhưng chủ yếu xảy ra ở những vùng tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Những ung thư này cũng có thể phát triển trên các vết sẹo, vết loét hoặc vùng da bị thương, thường khiến vùng da xung quanh có dấu hiệu bị tổn thương do ánh nắng mặt trời như nếp nhăn, thay đổi sắc tố và mất độ đàn hồi.

Các dấu hiệu của SCC như sau:

  • Mảng màu đỏ dai dẳng, dày và có vảy với viền không đều, có thể đóng vảy hoặc chảy máu.
  • Xuất hiện vùng da to lên với vết lõm ở trung tâm chảy máu hoặc ngứa, có khả năng cho thấy sự phát triển nhanh chóng.
  • Vết loét hở dai dẳng chảy máu hoặc đóng vảy và kéo dài trong vài tuần.
  • Nổi mụn như mụn cóc, đóng vảy và đôi khi có thể chảy máu.

3. Ung thư hắc tố

Ung thư hắc tố thường xuất hiện ở những vùng da tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời, nhưng cũng có thể xuất hiện ở những vùng được che kín.

Các dấu hiệu ban đầu của ung thư hắc tố thường bao gồm sự thay đổi trên nốt ruồi hiện có hoặc sự xuất hiện của một nốt mới, có sắc tố hoặc không điển hình.

Các dấu hiệu cảnh báo ABCDE của ung thư hắc tố bao gồm:

  • Không đối xứng (Asymmetry): Hầu hết các ung thư hắc tố đều không đối xứng. Trong trường hợp này, đốm/nốt ruồi có hình dạng không đều với hai phần trông rất khác nhau.
  • Ranh giới (Border): Ranh giới vùng da không đều, lởm chởm hoặc hình vỏ sò.
  • Màu sắc (Color): Vết đốm có thể có nhiều màu sắc, như màu rám nắng, nâu hoặc đen hoặc các mảng màu trắng, đỏ hoặc xanh.
  • Đường kính (Diameter): Ung thư hắc tố thường lớn hơn 6mm khi được chẩn đoán. Tuy nhiên, càng nhỏ và được phát hiện sớm thì càng tốt.
  • Tiến triển (Evolving): Nốt ruồi/điểm thay đổi về kích thước, hình dạng hoặc màu sắc. Vết đốm cũng có thể bắt đầu chảy máu, ngứa hoặc đóng vảy.
Hướng dẫn cơ bản về ung thư da: Triệu chứng, nguyên nhân, điều trị và giải pháp tự nhiên
Hãy để ý dấu hiệu ABCDE ở nốt ruồi trên cơ thể bạn. (Minh họa Shutterstock/Thiết kế bởi The Epoch Times)

Cách tiếp cận trên bắt nguồn từ ý tưởng rằng hầu hết các nốt ruồi điển hình trên cơ thể đều có hình dáng giống nhau, trong khi các ung thư hắc tố tự tách biệt chúng là những ngoại lệ như “vịt con xấu xí” không đặc trưng.

Nguyên nhân chính gây ung thư da

Ánh nắng mặt trời, đặc biệt là tia cực tím (UV) có hại của mặt trời, là nguyên nhân chính của bệnh ung thư da.

Tia UV có thể gây ung thư da theo hai cách: gây tổn thương DNA, dẫn đến ung thư và làm suy yếu khả năng miễn dịch, khiến hệ miễn dịch khó chống lại các tế bào ung thư hơn. Điều quan trọng cần lưu ý là nguy cơ không chỉ được xác định bởi lượng ánh nắng mặt trời tiếp xúc hoặc loại da; thời gian và cường độ phơi nhiễm, đặc biệt là trong thời thơ ấu và thanh thiếu niên, cũng là những yếu tố quan trọng.

Nguyên nhân chính của BCC là do tiếp xúc với tia UVB. Sử dụng giường tắm nắng và một số phương pháp điều trị y tế liên quan đến tia UV có thể làm tăng nguy cơ BCC.

Đáng chú ý, do nguy cơ phát triển ung thư da, Úc, Brazil và Iran đã cấm tắm nắng trong nhà, trong đó có hơn 20 quốc gia cấm trẻ vị thành niên. Gần một nửa trong số 50 tiểu bang ở Hoa Kỳ cấm người dưới 18 tuổi sử dụng các thiết bị tắm nắng trong nhà.

Mặc dù nguyên nhân chính gây ra SCC là do tiếp xúc với tia UV, nhưng việc tiếp xúc lâu dài với các chất gây ung thư, như hắc ín trong thuốc lá, cũng có thể góp phần hình thành SCC. Các nguyên nhân SCC tiềm ẩn khác bao gồm sẹo bỏng lâu năm, vết loét hoặc vết loét dai dẳng và các loại virus gây u nhú ở người (HPV), đặc biệt là ở vùng sinh dục.

Không giống như BCC và SCC, nguy cơ bị ung thư hắc tố có liên quan nhiều hơn đến tình trạng cháy nắng ở tuổi thiếu niên, đặc biệt là ở độ tuổi từ 15 đến 20. Bức xạ tia cực tím, liên quan chặt chẽ đến đột biến DNA, đóng vai trò chính trong việc gây ra ung thư hắc tố.

Hướng dẫn cơ bản về ung thư da: Triệu chứng, nguyên nhân, điều trị và giải pháp tự nhiên
Tiếp xúc quá nhiều với tia UV có thể làm tổn thương DNA của tế bào da, dẫn đến sự gia tăng các tế bào bị đột biến có thể phát triển thành khối u. (Minh họa Shutterstock/Thiết kế bởi The Epoch Times)

Các giai đoạn của ung thư da

Phân loại giai đoạn bệnh phụ thuộc vào loại ung thư da và được cho là phù hợp nhất với ung thư hắc tố.

1. Ung thư biểu mô tế bào đáy

Việc phân giai đoạn thường không cần thiết đối với hầu hết các BCC vì xu hướng lan rộng của bệnh là rất hiếm. Việc xác định giai đoạn trở nên có ý nghĩa chủ yếu khi ung thư đạt đến kích thước đáng kể.

Hầu hết các bác sĩ ung thư thường sử dụng hệ thống phân giai đoạn sau:

  • Giai đoạn 0 (BCC tại chỗ): Ung thư chỉ giới hạn ở lớp biểu bì hoặc lớp da phía trên và chưa lan đến các lớp sâu hơn hoặc các hạch bạch huyết.
  • Giai đoạn 1: Ung thư nhỏ hơn 2cm và chưa di căn đến các hạch bạch huyết hoặc cơ quan lân cận. Tuy nhiên, khối u có thể biểu hiện một yếu tố làm tăng nguy cơ tái phát hoặc lan rộng, như xâm nhập các dây thần kinh nhỏ của da.
  • Giai đoạn 2: Ung thư lớn hơn 2cm và biểu hiện hai hoặc nhiều đặc điểm làm tăng khả năng tái phát hoặc di căn, mặc dù nó vẫn còn khu trú.
  • Giai đoạn 3: Ung thư đã di căn đến các hạch bạch huyết khu vực hoặc bề mặt xương nhưng chưa di căn xa.
  • Giai đoạn 4: Ung thư đã di căn đến nhiều hạch bạch huyết, xương hoặc các cơ quan khác. Kích thước có thể khác nhau.

2. Ung thư biểu mô tế bào vảy

Ung thư biểu mô tế bào vảy có 5 giai đoạn sau:

  • Giai đoạn 0: Giai đoạn này không phải ung thư xâm lấn. Nó liên quan đến các tế bào bất thường chỉ giới hạn ở lớp da trên cùng.
  • Giai đoạn 1: Ung thư đã xâm lấn sâu vào da nhưng chưa lan đến các hạch bạch huyết lân cận hoặc các mô lành [xung quanh].
  • Giai đoạn 2: Ung thư đã xâm lấn sâu vào da và biểu hiện một hoặc nhiều đặc điểm nguy cơ cao (ví dụ: thâm nhiễm các lớp dưới da) nhưng chưa lan đến các hạch bạch huyết khu vực hoặc các mô lành xung quanh.
  • Giai đoạn 3: Giai đoạn này biểu thị sự lan rộng của ung thư ra ngoài da, liên quan đến các khu vực bên dưới, chẳng hạn như hạch bạch huyết hoặc các cấu trúc khác như cơ, xương hoặc sụn.
  • Giai đoạn 4: Ung thư đã di căn đến một hoặc nhiều cơ quan xa

3. Ung thư hắc tố

Ung thư hắc tố cũng có 5 giai đoạn:

  • Giai đoạn 0: Ung thư hắc tố chỉ giới hạn ở lớp biểu bì và rất khó có khả năng xâm lấn cũng như chưa di căn đến bất kỳ hạch bạch huyết nào.
  • Giai đoạn 1: Ung thư hắc tố nguyên phát mỏng và giới hạn ở da. Nó chưa lan đến các hạch bạch huyết.
  • Giai đoạn 2: Ung thư hắc tố dày hơn, lan rộng đến lớp hạ bì, chưa đến các hạch bạch huyết nhưng có khả năng lan đến cao hơn.
  • Giai đoạn 3: Ung thư hắc tố đã lan rộng cục bộ đến các hạch bạch huyết gần đó hoặc các vị trí da dọc theo hệ bạch huyết.
  • Giai đoạn 4: Ung thư hắc tố đã di căn qua đường máu đến các vị trí xa của cơ thể, bao gồm da hoặc mô mềm, các hạch bạch huyết ở xa hoặc các cơ quan ở xa. Phân loại ở giai đoạn này dựa trên vị trí di căn xa.

Ai có nhiều khả năng bị ung thư da

Ung thư da có thể ảnh hưởng đến bất kỳ ai, nhưng một số đặc điểm nhất định có thể làm tăng nguy cơ bị ung thư da nói chung, bao gồm:

  • Màu da tự nhiên sáng hơn, điển hình là loại da 1 và 2 theo thang phân loại Fitzpatrick.
  • Da dễ bị bỏng, tàn nhang hoặc đỏ bừng hoặc trở nên đau đớn khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.
  • Tiền sử bị cháy nắng hoặc phồng rộp da khi còn nhỏ.
  • Mắt xanh dương hoặc xanh lục.
  • Tóc vàng hoặc đỏ.
  • Một số loại nốt ruồi và có nhiều nốt ruồi.
  • Tiền sử gia đình bị bệnh ung thư da.
  • Tiền sử cá nhân bị bệnh ung thư da.
  • Tuổi lớn hơn. Khi già đi, sự tiếp xúc với ánh nắng mặt trời và tổn thương da sẽ tích tụ, làm tăng nguy cơ phát triển ung thư. Trên 50 tuổi là một yếu tố nguy cơ.
  • Tiếp xúc lâu dài với ánh sáng mặt trời (bức xạ tia cực tím). Đây được xem là rủi ro có thể thay đổi quan trọng nhất.
  • Tiếp xúc với thạch tín.
  • Hệ miễn dịch yếu.
  • Nam giới.
  • Tiền sử dùng giường tắm nắng.
  • Bị chứng khô da sắc tố, một chứng rối loạn di truyền hiếm gặp liên quan đến quá mẫn cảm với tia UV.
  • Dùng thuốc ức chế miễn dịch.

Các loại ung thư cụ thể có thêm các yếu tố nguy cơ.

1. Ung thư biểu mô tế bào đáy

  • Tiếp xúc với các loại bức xạ khác (ví dụ: điều trị) hoặc hóa chất nhất định.
  • Bị bỏng, sẹo hoặc nhiễm trùng (ví dụ: virus gây u nhú ở người).
  • Bị chứng dày sừng quang hóa.
  • Hội chứng Gorlin.
  • Hút thuốc ở phụ nữ.
  • Hội chứng Bazex-Dupré-Christol.
  • Hội chứng Rombo.

2. Ung thư biểu mô tế bào vảy

  • Nhiễm HIV.
  • Bị bỏng, sẹo hoặc nhiễm trùng (ví dụ: virus gây u nhú ở người).
  • Bị chứng dày sừng quang hóa.

3. Ung thư hắc tố

  • Có nhiều nốt ruồi không điển hình. Càng có nhiều nốt ruồi trên cơ thể thì nguy cơ phát triển ung thư hắc tố càng cao.
  • Tiền sử cá nhân bị ung thư vú hoặc tuyến giáp.

Chẩn đoán ung thư da

Có một số xét nghiệm phát hiện và chẩn đoán ung thư da, bao gồm:

  • Khám da: Đây là bước đầu tiên để phát hiện ung thư da. Chuyên gia y tế sẽ kiểm tra da một cách cẩn thận, tìm kiếm những khối u bất thường đồng thời đánh giá kích thước, màu sắc, hình dạng và cấu trúc của chúng.
  • Sinh thiết da: Để sinh thiết da, bác sĩ lấy một mẫu tế bào da để kiểm tra chi tiết dưới kính hiển vi, thường được thực hiện bởi một chuyên gia giải phẫu bệnh.
  • Xét nghiệm DNA của mẫu sinh thiết: Được sử dụng nếu nghi ngờ chẩn đoán và trong trường hợp ung thư hắc tố, để hướng dẫn điều trị.
  • Nhuộm hóa mô miễn dịch (IHC): Xét nghiệm này sử dụng kháng thể để phát hiện các kháng nguyên hoặc dấu ấn trong mẫu mô, cho thấy sự hiện diện của các tế bào ung thư.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI): MRI có thể được sử dụng để phát hiện các tế bào ung thư hoặc khối u đã di căn. MRI được sử dụng để đánh giá giai đoạn hơn là phát hiện bệnh.
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT): Quy trình chụp ảnh này có thể phát hiện các tế bào ung thư hoặc khối u trên khắp cơ thể nếu các xét nghiệm trước đó cho thấy ung thư đã tiến triển. CT thường được sử dụng trong đánh giá giai đoạn.

Sinh thiết

Có một số phương pháp sinh thiết, bao gồm:

  • Sinh thiết cạo: Sử dụng một lưỡi dao vô trùng để lấy [phần da] phát triển trông bất thường.
  • Sinh thiết dùi lỗ: sử dụng dụng cụ chuyên dụng để lấy ra các phần hình tròn của da hoặc mô.
  • Sinh thiết rạch cắt: Một phần da được lấy đi bằng dao mổ.
  • Sinh thiết trọn khối: Toàn bộ vùng da hoặc vùng phát triển bất thường được phẫu thuật cắt bỏ.
  • Sinh thiết “quang học”: Sinh thiết “ảo” tiên tiến không dùng kim mà sử dụng các kỹ thuật hình ảnh 3D như kính hiển vi đồng tiêu phản xạ để thu được hình ảnh của các tổn thương. Cách tiếp cận này không gây đau đớn và không xâm lấn.

Các biến chứng của ung thư da

Các loại ung thư da khác nhau có các biến chứng khác nhau.

1. Ung thư biểu mô tế bào đáy

  • Tái phát.
  • Xâm lấn các mô lân cận, bao gồm cả sự bào mòn xương, nếu để [u] phát triển rất lớn.
  • Ung thư di căn (rất hiếm).
  • Tăng tính mẫn cảm với các loại ung thư da khác.
  • Tử vong (hiếm).

2. Ung thư biểu mô tế bào vảy

  • Lan tràn đến vị trí khác.
  • Xâm lấn các mô lân cận.
  • Khó chịu.
  • Giảm chức năng.
  • Vấn đề thẩm mỹ.
  • Tử vong

3. Ung thư hắc tố

  • Di căn (phổ biến).
  • Nhiễm trùng thứ phát do hàng rào bảo vệ da bị phá vỡ.
  • Sẹo do tổn thương hoặc phương pháp điều trị.
  • Phù bạch huyết, thường xảy ra sau khi vét hạch hoặc do bệnh.
  • Tái phát cục bộ, đặc biệt trong các trường hợp nặng.
  • Trầm cảm và lo lắng do vấn đề thẩm mỹ.
  • Tử vong.

Các phương pháp điều trị ung thư da

Ung thư da có khả năng điều trị cao. Kế hoạch điều trị cụ thể được xác định bởi những yếu tố sau:

  • Loại ung thư da.
  • Mức độ phát triển hoặc lan rộng của ung thư.
  • Vị trí u.
  • Giai đoạn ung thư (nếu có).

1. Phẫu thuật cắt rộng

Đây là phương pháp chính để điều trị ung thư da. Đối với hầu hết mọi người, chỉ cần phẫu thuật là đủ mà không cần điều trị thêm. Bác sĩ phẫu thuật sẽ loại bỏ toàn bộ khối u và diện cắt an toàn của mô xung quanh bằng dao mổ. Mô này được gửi đến phòng thí nghiệm để phân tích. Nếu diện cắt còn u, có thể cần phải phẫu thuật thêm sau đó cho đến khi đạt được diện cắt không còn ung thư.

Quy trình này thường được sử dụng cho các BCC và SCC nhỏ, giai đoạn sớm chưa lan rộng. Với tỷ lệ chữa khỏi trên 95% ở hầu hết các vùng cơ thể.

Nếu là ung thư hắc tố việc phân giai đoạn sẽ xác định xem có cần điều trị thêm sinh thiết hạch hoặc vét hạch hay không.

Vi phẫu Mohs là một hình thức phẫu thuật cắt bỏ, được thực hiện theo từng bước trong một lần [phẫu thuật]. Bác sĩ phẫu thuật sẽ loại bỏ khối u và một phần nhỏ mô xung quanh, mã hóa màu sắc và lập bản đồ tương ứng. Sau khi kiểm tra mô dưới kính hiển vi trong phòng thí nghiệm tại chỗ, bác sĩ phẫu thuật sẽ quay lại để loại bỏ thêm mô nếu phát hiện thấy tế bào ung thư. Quá trình này lặp lại cho đến khi không còn ung thư.

Phẫu thuật Mohs là tiêu chuẩn vàng để loại bỏ BCC, đem lại tỷ lệ chữa khỏi cao nhất lên tới 99% đối với các khối u được điều trị lần đầu đồng thời giảm thiểu tổn thương cho các mô lành.

Phương pháp này cũng có hiệu quả cao trong việc loại bỏ SCC, bảo tồn mô lành và đạt tỷ lệ chữa khỏi lên tới 97% cho các phương pháp điều trị ban đầu. Phẫu thuật Mohs thường được khuyên dùng cho SCC ở những vùng quan trọng/nhạy cảm như mặt, ngón tay, ngón chân và bộ phận sinh dục. Phẫu thuật Mohs cũng được ưu tiên cho những bệnh nhân bị ức chế miễn dịch, SCC tái phát, SCC có đặc điểm ác tính và SCC xâm nhập sâu từ 2mm trở lên.

2. Xạ trị

Quy trình dùng chùm tia X năng lượng thấp này chủ yếu chỉ định cho các trường hợp BCC hoặc SCC đầy khó khăn trong đó phẫu thuật không phải là một lựa chọn khả thi, đặc biệt ở những bệnh nhân lớn tuổi hoặc những người có sức khỏe yếu không nên phẫu thuật. Xạ trị kém chính xác hơn và đạt tỷ lệ chữa khỏi là 90%.

Có một số loại xạ trị cho SCC:

  • Xạ trị bề mặt: Chùm tia xạ nhắm vào ngay dưới da để điều trị khối u.
  • Xạ trị ngoài: Chùm tia xạ năng lượng cao nhắm vào khối u để loại bỏ tế bào ung thư.
  • Liệu pháp áp sát (xạ trị trong): Cấy ghép phóng xạ được đưa vào bên trong hoặc gần khối u.

3. Liệu pháp miễn dịch

Liệu pháp miễn dịch dùng hệ miễn dịch của chính bệnh nhân để chống lại bệnh ung thư như ung thư hắc tố. Các chất tự nhiên hoặc được sản xuất trong phòng thí nghiệm giúp gia tăng, định hướng hoặc phục hồi khả năng phòng vệ bẩm sinh của cơ thể chống lại bệnh ung thư. Có nhiều loại liệu pháp miễn dịch khác nhau:

  • Liệu pháp ức chế điểm kiểm soát miễn dịch: Bằng cách ngăn chặn các protein điểm kiểm tra tự nhiên này, các chất ức chế điểm kiểm soát miễn dịch cho phép tế bào T của cơ thể loại bỏ tế bào ung thư hiệu quả hơn.
  • Interleukin-2 (IL-2): IL-2 gia tăng sự phát triển và chức năng của các tế bào miễn dịch khác nhau, đặc biệt là tế bào lympho, có thể nhắm mục tiêu và loại bỏ các tế bào ung thư.
  • Liệu pháp yếu tố hoại tử khối u (TNF): TNF là một loại protein được sản xuất bởi các tế bào bạch cầu để đáp ứng với nhiễm trùng hoặc kháng nguyên và có thể tiêu diệt tế bào khối u.

Một hình thức trị liệu miễn dịch khác, liệu pháp vaccine, sử dụng các chất kích hoạt hệ miễn dịch để xác định vị trí và tiêu diệt khối u. Liệu pháp vaccine có thể được sử dụng cho ung thư hắc tố giai đoạn cuối và hiện đang được nghiên cứu trong các thử nghiệm lâm sàng.

4. Liệu pháp quang động (PDT)

Bác sĩ chuyên khoa da sử dụng thuốc bôi hoặc thuốc chích để tăng nhạy cảm tổn thương với ánh sáng, sau đó điều trị bằng ánh sáng xanh, laser nhuộm xung hoặc ánh sáng mặt trời có kiểm soát. Quá trình này kích hoạt một phản ứng tiêu diệt ung thư da. Sau đó, bệnh nhân phải tránh ánh nắng mặt trời ít nhất 48 tiếng để không tiếp xúc với tia cực tím gây hoạt hóa thuốc và có khả năng gây cháy nắng trầm trọng.

Quy trình này được sử dụng cho một số BCC và SCC bề mặt nhưng không áp dụng cho SCC xâm lấn.

5. Phẫu thuật lạnh

Nitrogen lỏng được sử dụng bằng dụng cụ có đầu bông hoặc thiết bị phun để đóng băng và loại bỏ khối u. Điều này có thể khiến tổn thương và vùng da xung quanh bị phồng rộp, đóng vảy và cuối cùng bong ra, chỉ để lại làn da lành.

Phương pháp này có hiệu quả đối với các BCC và SCC nhỏ hơn, bề mặt và phù hợp với những bệnh nhân bị rối loạn chảy máu hoặc mẫn cảm với thuốc mê. Phẫu thuật lạnh đạt tỷ lệ chữa khỏi từ 85 đến 90% nhưng ít được dùng cho BCC xâm lấn.

6. Nạo và đốt điện (Phẫu thuật điện)

Các bác sĩ da liễu nạo hoặc cạo bỏ ung thư da bằng thìa nạo, sau đó sử dụng nhiệt hoặc hóa chất để loại bỏ bất kỳ tế bào ung thư nào còn sót lại và bịt kín vết thương. Quy trình này thường được lặp lại trong cùng một đợt điều trị cho đến khi hết tế bào ung thư.

Phẫu thuật điện phù hợp với hầu hết các tổn thương BCC nhỏ. Tỷ lệ chữa khỏi gần 95% trong các trường hợp BCC nhỏ và các SCC nhỏ, bề ngoài hoặc xâm lấn tối thiểu.

7. Hóa trị

Những loại thuốc này tiêu diệt hoặc ức chế sự phát triển của tế bào ung thư biểu mô vảy di căn hoặc tế bào ung thư hắc tố. Hóa chất có thể được dùng bằng đường uống hoặc chích. Trong một số trường hợp, thuốc được chích trực tiếp vào các khu vực nhất định như dịch não tủy, các cơ quan hoặc khoang cơ thể, nhắm mục tiêu vào các tế bào ung thư ở những khu vực đó (hóa trị liệu khu vực).

8. Liệu pháp nhắm trúng đích

Bằng cách sử dụng thuốc hoặc hóa chất để xác định và chống lại các tế bào ung thư, phương pháp này có thể điều trị ung thư hắc tố tiến triển. Có nhiều loại trị liệu nhắm trúng đích khác nhau, bao gồm:

  • Liệu pháp ức chế truyền tín hiệu: Thuốc ức chế truyền tín hiệu làm gián đoạn sự liên lạc giữa các phân tử trong tế bào, có khả năng dẫn đến cái chết của tế bào ung thư.
  • Liệu pháp virus Oncolytic: Phương pháp này sử dụng một loại virus lây nhiễm có chọn lọc và tiêu diệt các tế bào ung thư hắc tố trong khi bỏ qua các tế bào bình thường. Talimogene laherparepvec, một loại virus herpes đã được biến đổi, là một dạng liệu pháp điều trị bằng virus oncolytic. Talimogene laherparepvec được chích trực tiếp vào các khối u da và hạch bạch huyết.
  • Thuốc ức chế tạo mạch: Những chất này cản trở sự hình thành các mạch máu mới mà các khối u cần để phát triển.

9. Thuốc bôi

Đối với BCC bề mặt, các loại kem hoặc gel được bôi trực tiếp lên vùng da bị ảnh hưởng để điều trị ung thư da bề mặt với nguy cơ để lại sẹo tối thiểu. Các loại thuốc bôi tại chỗ này bao gồm imiquimod, kích thích hệ miễn dịch nhắm vào các tế bào ung thư và thuốc hóa trị tại chỗ 5-fluorouracil (5FU), giúp loại bỏ tế bào ung thư.

10. Thuốc uống

Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã chấp thuận hai loại thuốc uống để điều trị cho người lớn bị BCC tiến triển là vismodegib và sonidegib. Những loại thuốc này chặn tín hiệu di truyền trong tế bào ung thư.

Ảnh hưởng của tinh thần đến ung thư da

Trong khi nghiên cứu cho thấy rằng việc duy trì thái độ tích cực có thể không ảnh hưởng trực tiếp đến tỷ lệ sống sót hoặc tiến triển của bệnh ung thư, thì nghiên cứu khác cho thấy rằng sự lạc quan và lối suy nghĩ tích cực có thể nâng cao chất lượng cuộc sống cho những bệnh nhân ung thư. Nhiều bệnh nhân ung thư cảm thấy việc sống lạc quan và tích cực sẽ cải thiện toàn diện quan điểm sống của họ. Một số người cũng tin rằng cách suy nghĩ lạc quan và tích cực của họ có thể ảnh hưởng tích cực đến việc quản lý bệnh tật, kết quả điều trị và cơ hội sống sót.

Các phương pháp tiếp cận tự nhiên đối với bệnh ung thư da

Có một số cách tự nhiên tiềm năng cho bệnh ung thư da. Tuy nhiên, các phương pháp này chỉ nên được sử dụng để bổ sung cho các phương pháp điều trị thông thường và dưới sự chấp thuận của bác sĩ.

1. Nhịn ăn gián đoạn

Trong một nghiên cứu, hai chu kỳ nhịn ăn gián đoạn kéo dài 48 tiếng có hiệu quả tương đương với hai đợt hóa trị trong việc làm chậm sự phát triển và lây lan của ung thư hắc tố ở chuột. Kết hợp nhịn ăn với hóa trị đem lại kết quả tốt hơn so với việc chỉ hóa trị và làm giảm sự di căn ung thư hắc tố sang các cơ quan khác.

2. Tinh bột nghệ

Vì một số tế bào ung thư hắc tố kháng lại hóa chất thông thường, chất curcumin, một polyphenol trong củ nghệ, nguyên nhân tạo ra màu vàng, đem đến những khả năng mới trong điều trị ung thư.

Curcumin đã cho thấy tiềm năng trong việc chống lại các tế bào ung thư hắc tố khi nuôi cấy tế bào trong phòng thí nghiệm. Curcumin có thể cản trở sự phát triển và lan rộng của các tế bào ung thư hắc tố và kích hoạt quá trình tự hủy. Curcumin còn được biết đến với đặc tính chống viêm và chống oxy hóa.

3. Trà xanh

Trà xanh nổi tiếng với đặc tính chống ung thư và chống viêm. Catechins, một nhóm chất chống oxy hóa mạnh đặc biệt chú ý có trong trà xanh, bao gồm epicatechin (EC), epigallocatechin (EGC), epicatechin gallate (ECG) và epigallocatechin gallate (EGCG). Trong số này, EGCG nổi bật với khả năng chống viêm và chống ung thư đặc biệt trong các nghiên cứu trên động vật.

Một nghiên cứu khác cho thấy việc bôi tại chỗ caffeine trong trà đã giúp giảm 72% các khối u da không phải ung thư hắc tố và giảm 44% các khối u da không ác tính. Ngoài ra, EGCG bôi tại chỗ giúp giảm 66% bệnh ung thư da không phải ung thư hắc tố và giảm 55% các khối u không ác tính.

Nghiên cứu nuôi cấy tế bào và động vật mở rộng cho thấy rằng catechin trong trà xanh ảnh hưởng đến nhiều con đường sinh học khác nhau và có thể gây chết tế bào theo chương trình và ngừng chu kỳ tế bào trong tế bào khối u mà không ảnh hưởng đến tế bào bình thường. Cần có những nghiên cứu lâm sàng sâu hơn ở người.

4. Tinh dầu trầm hương

Tinh dầu trầm hương có nguồn gốc từ cây Nhũ hương, có nguồn gốc từ Ấn Độ và các vùng Trung Đông và Phi Châu.

Trong một nghiên cứu, tinh dầu trầm hương cho thấy khả năng chống lại các tế bào ung thư hắc tố trong môi trường phòng thí nghiệm bằng cách khiến tế bào chết theo con đường sinh học chuyên biệt, trong khi các tế bào da bình thường không bị ảnh hưởng. Ngoài ra, khi thử nghiệm trên chuột có ung thư hắc tố của người, tinh dầu trầm hương đã làm giảm kích thước u.

Các phát hiện cho thấy rằng sản phẩm này có thể đóng vai trò như một phương pháp điều trị mới tiềm năng cho bệnh ung thư hắc tố, nhắm mục tiêu có chọn lọc và loại bỏ các tế bào ung thư hắc tố trong khi vẫn giữ lại các tế bào bình thường.

5. Gừng

Gừng, một loại gia vị và cây thuốc có lịch sử lâu đời trong nền văn hóa Ấn Độ và Trung Quốc, chứa hơn 400 hợp chất.

Được biết đến với đặc tính chống viêm, kháng khuẩn, chống sinh mạch (ngăn chặn sự phát triển của mạch máu) và chống ung thư, chiết xuất gừng đã cho thấy tác dụng chống khối u đáng kể đối với ung thư hắc tố không sắc tố trong nuôi cấy tế bào trong phòng thí nghiệm. Một số nghiên cứu đã cho thấy tác dụng chống ung thư da của gừng.

6. Kem chứa chiết xuất cà tím

Một nghiên cứu ở Anh cho thấy một loại kem có chứa nồng độ 0.005% solasodine glycoside, một hợp chất có nguồn gốc từ cà tím, có thể là phương pháp điều trị an toàn và hiệu quả đối với bệnh dày sừng cũng như BCC và SCC giai đoạn sớm.

Ngăn ngừa ung thư da

Ung thư da không thể ngăn ngừa hoàn toàn vì một số yếu tố nguy cơ gây ung thư da là không thể kiểm soát được, chẳng hạn như tuổi tác và di truyền. Tuy nhiên, bạn có thể làm những điều sau để giảm thiểu nguy cơ phát triển ung thư da.

  • Tránh tiếp xúc lâu với ánh nắng mặt trời và các nguồn bức xạ tia cực tím khác: Mặc quần áo bảo hộ cũng như bôi kem chống nắng khi cần thiết. Tránh sử dụng thiết bị tắm nắng trong nhà. Mỗi vết cháy nắng phồng rộp làm tăng đáng kể nguy cơ mắc ung thư hắc tố trong đời.
  • Tránh tiếp xúc với thạch tín và hóa chất có hại.
  • Tránh tổn thương da và bỏng nhiệt.
  • Uống trà xanh: Nhờ có polyphenol, trà xanh có thể giúp ngăn ngừa ung thư da không phải ung thư hắc tố bằng cách gia tăng sửa chữa DNA.
  • Uống cà phê: Nam giới uống nhiều cà phê có nguy cơ phát triển ung thư hắc tố thấp hơn. Caffeine trong cà phê có thể là yếu tố quan trọng góp phần làm giảm nguy cơ này. Tuy nhiên, mối liên quan này không được tìm thấy ở phụ nữ.
  • Tự kiểm tra làn da thường xuyên: Chú ý đến những nốt ruồi/đốm mới và những thay đổi ở vùng da hiện có. Bạn phát hiện vấn đề càng sớm thì kết quả điều trị càng tốt. Hãy đến gặp bác sĩ da liễu được hội đồng chứng nhận nếu thấy bất kỳ sự phát triển đáng ngờ nào trên da.

Bài viết được xem xét về mặt y tế bởi Tiến sĩ Beverly Timeding.

Thanh Long biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times

Mercura Wang
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Mercura Wang là ký giả của thời báo The Epoch Times. Liên lạc với cô qua email: [email protected]
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn