Những người tập thiền lâu năm điều chỉnh cảm xúc nhanh nhạy và trầm tĩnh hơn

Trong suốt thế kỷ 20, khoa học đã luôn hoài nghi về những chủ đề như vậy. Tuy nhiên, trong vài năm gần đây, một số nghiên cứu đã có thể xác minh những lợi ích của thiền định.

những người tập thiền lâu năm
Ảnh: Sam Kolder/Pexels

Y học thân- tâm càng được nhiều người trên thế giới đón nhận, trong đó thiền định nổi lên là một phương pháp giản dị, dễ thực hành và mang lại nhiều lợi ích.

Trong quá khứ, thiền định gắn liền với các nhà sư và các nhà hiền triết – những người đi tìm kiếm sự giác ngộ. Ngày nay, thiền đã lan rộng đến quần chúng khi ngày càng có nhiều người tìm kiếm sự tĩnh lặng và thuần khiết chỉ có trong khoảnh khắc định lại khi thiền định.

Một dẫn chứng là môn yoga – một trong những hình thức thiền được nghiên cứu nhiều nhất. Yoga đã từng là một hoạt động ít được chú ý, nhưng hiện nay các phòng tập yoga xuất hiện khắp mọi nơi. Nhiều người tập yoga theo bản năng, một số khác bị lôi cuốn bởi các kết quả khoa học. Ngày nay, các nhà nghiên cứu đã tích lũy đủ bằng chứng khoa học để các bác sĩ tự tin giới thiệu yoga cho bệnh nhân của họ.

Thiền định thường được kết hợp với sự tĩnh lặng, nhưng các động tác xoắn và uốn cong của yoga khiến nó giống như một bài thiền chuyển động. Với các động tác này thì trạng thái tinh thần cũng quan trọng như các tư thế của cơ thể.

Một hình thức thiền ít được nghiên cứu hơn là khí công, đôi khi còn được gọi là “yoga Trung Quốc”. Khí công đã được thực hành từ hàng nghìn năm nay. Tập luyện khí công được cho là mang lại sức khỏe tốt hơn và tâm hồn bình an hơn, nhưng khoa học vẫn đang tiếp tục khám phá những lợi ích mà nó mang lại.

Có nhiều loại hình yoga (Hatha, Iyengar, Kundalini, v.v.), và cũng có nhiều loại hình khí công. Có lẽ loại hình nổi tiếng nhất là Thái cực quyền, giống như một điệu múa uyển chuyển giữa người tập và một luồng năng lượng vô hình.

Vậy con người nhận được lợi ích gì từ việc thực hành những chuyển động thân và tâm này? Một nghiên cứu mới đây về một loại hình khí công khác, được gọi là Pháp Luân Công, đã làm sáng tỏ phần nào câu hỏi này. Kết quả được công bố trong ấn phẩm tháng 2 năm 2020 của tạp chí Brain and Cognition.

cảm xúc của những người tập thiền lâu năm
Một phụ nữ đang thiền định Pháp Luân Đại Pháp. Sau một thử nghiệm với quét não, một nhóm những người tập thiền lâu năm đã có thể biến đổi cấu trúc giải phẫu của não theo những cách đáng ngạc nhiên. (Minghui.org)

Tiến sĩ Ben Bendig và nhóm của ông quyết định nghiên cứu Pháp Luân Công vì một số lý do. 

Lý do đầu tiên, đó là một môn khí công đã rất nhanh chóng phổ biến, khi lần đầu tiên được ra mắt công chúng ở Trung Quốc vào năm 1992. Trong vòng bảy năm, ước tính có khoảng 70 triệu đến 100 triệu học viên Pháp Luân Công trên khắp Trung Quốc. Tuy nhiên, không giống như yoga, mới chỉ có một số ít nghiên cứu đánh giá tác dụng của việc thực hành Pháp Luân Công.

Một nguồn cảm hứng khác cho Bendig là các bằng chứng mang tính giai thoại, bao gồm một số báo cáo về việc những người tập Pháp Luân Công có những thay đổi tốt về mặt sức khỏe thể chất và tinh thần. Năm 1998, chính phủ Trung Quốc đã tiến hành khảo sát các học viên Pháp Luân Công trên khắp đất nước. Họ phát hiện ra rằng 98% trong số 31,000 học viên được khảo sát đã có những cải thiện sức khỏe đáng kể ngay sau khi họ bắt đầu tập luyện. Hơn 90% cho biết đã bị các chứng bệnh khác nhau trước khi luyện tập, và hơn 70% đã hồi phục “hoàn toàn hoặc gần hoàn toàn” các chứng bệnh của họ.

Một số học viên đã ghi nhận những kết quả khó tin: các bệnh suy nhược và chấn thương biến dạng được cho là đã biến mất khi thực hành Pháp Luân Công đều đặn. Nhưng chưa có nghiên cứu nào lý giải về điều này.

Theo kinh nghiệm của chính ông Bendig với môn khí công này, Pháp Luân Công đã giúp ông giảm bớt triệu chứng trầm cảm và các cơn đau mãn tính của ông. Nhưng ông muốn có bằng chứng định lượng về hiệu quả của phương pháp này.

Ông nói, “Rõ ràng là Pháp Luân Công mang đến nhiều lợi ích, vì đó là một môn khí công rất phổ biến, nhưng nghiên cứu về môn khí công này vẫn còn ít ỏi.”

Nhóm của Bendig đã tập trung tìm hiểu tác dụng về mặt tinh thần của Pháp Luân Công. Họ muốn xem việc thực hành Pháp Luân Công có tác động gì đến não bộ trong thời gian dài. Họ xem xét hai nhóm người – một nhóm gồm những người mới học các bài công pháp của Pháp Luân Công, và một nhóm khác đã thường xuyên luyện công ít nhất hai năm. Cả hai nhóm đều được kiểm tra nhận thức khi bắt đầu tiến hành nghiên cứu. Sau đó, các nhóm đã được kiểm tra lại ngay sau một buổi tập Pháp Luân Công kéo dài 90 phút.

“Họ đã thực hiện cùng một hoạt động. Sự khác biệt là mức độ trải nghiệm với hoạt động đó,” Bendig nói. “Các học viên lâu năm cho thấy khả năng nhận thức được cải thiện, đặc biệt trong các điều kiện đòi hỏi sự phối hợp của cả hai bán cầu não. Sau khi thiền định, các học viên lâu năm có cải thiện rất nhiều về mặt phối hợp liên bán cầu mà những người mới tập chưa có.”

Điều chỉnh cảm xúc tốt hơn

So với các thói quen tập thể dục thông thường như bài tập tim mạch hoặc tập tạ, các bài tập của Pháp Luân Công rất nhẹ nhàng và chậm rãi. Có một số bài tập kéo giãn nhẹ nhàng và một bài tập trong đó hai tay di chuyển theo hình mạch quanh cơ thể. Một số tư thế được giữ trong một thời gian dài. Hai mắt vẫn nhắm trong suốt các bài tập, trong khi nền nhạc luyện công Trung Quốc được phát trong toàn bộ quá trình tập.

Cả hai nhóm trong nghiên cứu đều thực hiện các động tác nhẹ nhàng giống nhau với cùng một bản nhạc, vậy tại sao những người mới tập lại có kết quả bài kiểm tra nhận thức kém hơn? Dù nhóm các học viên lâu năm quen động tác hơn, ông Bendig suy đoán lợi ích mà họ nhận được đến từ trí óc hơn là từ cơ thể.

Một phần thiết yếu của việc tập Pháp Luân Công là cố gắng duy trì một tâm trí minh mẫn. Không giống như một số phương pháp thiền định, việc thực hành Pháp Luân Công không chú trọng vào hơi thở hoặc bất kỳ hoạt động tinh thần có chủ ý nào, ví dụ như niệm trì chú. Mặc dù các động tác Pháp Luân Công rất dễ thực hiện, nhưng việc đưa tâm trí vào trạng thái tập trung thư giãn có thể mất nhiều năm để thành thục và thậm chí ban đầu có thể mất phương hướng.

Ông Bendig nói, “Các học viên lâu năm đã thành thạo việc đưa tâm trí đến trạng thái này. Trong khi những người mới tập, họ càng thả lỏng bao nhiêu thì họ càng thực hiện kém bấy nhiêu.”

Thiền định trong dân gian được coi là một phương pháp nhìn thấu những thiếu sót và những phiền muộn của con người. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người thiền định xử lý và điều chỉnh cảm xúc theo cách khác và tốt hơn những người không thiền định.

Nghiên cứu của ông Bendig bổ sung thêm rằng những người thiền định có thể xử lý cảm xúc nhanh hơn và ít bị phân tâm hơn so với những người không thiền, dẫn đến việc ít can thiệp hơn vào các hoạt động nhận thức.

“Tôi đoán rằng các học viên Pháp Luân Công lâu năm sẽ ít bị ảnh hưởng bởi những cảm xúc tiêu cực, họ cũng không bị phân tâm bởi những tín hiệu cảm xúc tích cực,” ông Bendig nói. “Những tín hiệu cảm xúc tích cực khiến người mới tập bị phân tâm, nhưng bằng cách nào đó các học viên lâu năm không bị phân tâm. Tôi không nhất định dự đoán được kết quả này. Nhìn chung, các học viên Pháp Luân Công có thể điều tiết cảm xúc của mình tốt hơn ”.

Tất nhiên, tập Pháp Luân Công bao gồm nhiều thứ hơn là các bài tập khí công. Các học viên lâu năm cũng cố gắng giữ tiêu chuẩn đạo đức cao trong cuộc sống ngày của họ; trọng tâm của việc thực hành Pháp Luân Công là chiểu theo các đặc tính của vũ trụ: Chân – Thiện – Nhẫn. Tuy nhiên việc thực hành Chân – Thiện – Nhẫn ảnh hưởng thế nào trong việc tăng cường chức năng nhận thức (như kết quả nghiên cứu của ông Bendig) thì vẫn chưa được tìm hiểu.

Bài học rút ra từ nghiên cứu này là sự kiên nhẫn. Nếu quý vị đã thử tập thiền định nhưng thất vọng vì không thể tập trung, hãy tăng cường luyện tập hơn nữa.

“Nó sẽ mang lại kết quả ấn tượng cho mọi người”, ông Bendig nói.

Do Conan Milner thực hiện
Ngân Giang biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Xem thêm:

Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn