Sức khỏe tinh thần có nằm trong tầm kiểm soát của bạn không?
Nghiên cứu mới cho thấy niềm tin rằng bạn có thể cải thiện sức khỏe tinh thần của mình có liên quan với trạng thái tinh thần tích cực hơn
Mục lục
Số người phải vật lộn với tình trạng sức khỏe tinh thần kém và rối loạn tinh thần đang gia tăng trên khắp thế giới trong vài thập kỷ qua. Những người đang gặp khó khăn thì lại ngày càng gặp khó khăn hơn trong việc tiếp cận loại hỗ trợ mà họ cần—phải mất nhiều tháng chờ đợi mới đến lượt, ngay cả khi họ đủ điều kiện để được điều trị.
Dù rõ ràng là cần phải cải thiện hơn nữa khả năng tiếp cận với các biện pháp điều trị, nhưng điều đó không đồng nghĩa là mọi người phải vất vả với vấn đề sức khoẻ tinh thần. Trên thực tế, có nhiều điều mọi người có thể tự làm để duy trì được sức khỏe tinh thần tốt—và thậm chí còn phòng ngừa được các vấn đề sức khoẻ tinh thần. Theo nghiên cứu gần đây của chúng tôi, một trong những bước mà bạn tự thực hiện được để cải thiện sức khỏe tinh thần của mình có thể chỉ đơn giản là: tin tưởng rằng bạn sẽ làm được.
Trong nghiên cứu gần đây, chúng tôi đã đề nghị 3.015 người Đan Mạch trưởng thành trả lời bản khảo sát các câu hỏi về sức khỏe tinh thần—chẳng hạn như liệu họ có tin rằng mình có thể làm được điều gì đó để có trạng thái tinh thần khoẻ mạnh, liệu họ đã làm điều gì đó trong hai tuần qua để hỗ trợ sức khoẻ tinh thần hay không và liệu có phải họ đang phải khổ sở để giải quyết các vấn đề liên quan đến sức khỏe tinh thần. Sau đó, chúng tôi sẽ đánh giá mức độ khỏe mạnh về tinh thần của họ bằng cách sử dụng Thang đo về sức khỏe tinh thần Warwick–Edinburgh (phiên bản rút gọn), loại thang đo đang được các chuyên gia chăm sóc sức khỏe và các nhà nghiên cứu sử dụng rộng rãi để đo lường mức độ khỏe mạnh về tinh thần.
Như bạn mong đợi, chúng tôi thấy rằng những ai đã làm mọi việc để cải thiện sức khỏe tinh thần của mình thì đó sẽ là những người có sức khỏe tinh thần tốt nhất so với những người tham gia còn lại.
Tuy nhiên, điều thú vị là chúng tôi cũng phát hiện thấy—dù người tham gia có thực sự hành động để cải thiện sức khỏe tinh thần của họ hay không—thì những người tin rằng họ có thể làm được điều gì đó để giữ cho tinh thần khỏe mạnh sẽ có xu hướng có sức khỏe tinh thần tốt hơn những người không có niềm tin này.
Vì vậy, mặc dù cách tốt nhất để cải thiện sức khỏe tinh thần là thực hiện theo các bước, nhưng thậm chí chỉ cần niềm tin rằng bạn có thể cải thiện được sức khỏe tinh thần thì cũng đã có tác động lớn, tốt hơn đến sức khỏe tinh thần tổng thể rồi.
Mặc dù nghiên cứu của chúng tôi không xem xét đến những lý do giải thích về mối liên kết giữa niềm tin và cải thiện sức khỏe tinh thần, nhưng có thể giải thích điều này bằng một khái niệm tâm lý được gọi là “điểm kiểm soát sức khỏe”. Theo khái niệm này, những người có điểm kiểm soát hướng nội tin rằng thái độ và hành vi của chính họ sẽ kiểm soát được sức khỏe của họ. Mặt khác, những người có điểm kiểm soát sức khỏe hướng ngoại nghĩ rằng sức khỏe tinh thần của họ phần lớn bị kiểm soát bởi các yếu tố hoặc hoàn cảnh nằm ngoài tầm kiểm soát của họ (chẳng hạn như bởi người khác hoặc do tình cờ).
Điểm kiểm soát sức khỏe hướng nội sẽ ảnh hưởng đến cách nhìn, lối sống hoặc cơ chế đối phó của con người trong tiềm thức. Điểm kiểm soát sức khỏe hướng nội cũng ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần — và nghiên cứu trước đây đã chỉ ra mối liên quan giữa loại niềm tin này với việc có ít triệu chứng trầm cảm, lo lắng và căng thẳng hơn.
Quan điểm này giải thích tại sao những người tham gia nghiên cứu có niềm tin rằng họ có thể làm điều gì đó để thay đổi sức khỏe tinh thần của mình, thì cũng sẽ có mức sức khỏe tinh thần cao hơn. Và bản thân phát hiện này đã chỉ ra được tiềm năng phòng ngừa bệnh rất lớn cho mọi người, vì mức sức khỏe tinh thần cao có liên quan đến nguy cơ phát triển chứng rối loạn tinh thần thông thường thấp hơn từ 69 đến 90%.
Giữ tinh thần khỏe mạnh
Qua nhiều cuộc nghiên cứu, chúng tôi biết rằng có rất nhiều điều đơn giản mà mọi người có thể làm hàng ngày để hỗ trợ và thậm chí cải thiện sức khỏe tinh thần của mình. Đây là lý do tại sao chúng tôi thúc đẩy chiến dịch Act-Belong-Commit, chiến dịch đưa ra các tiêu chí gồm “ABC: hành động – Cùng nhau – Làm những điều có nghĩa” dựa trên nghiên cứu về sức khỏe tinh thần mà tất cả mọi người đều có thể áp dụng được, bất kể là họ có đang phải đối phó với vấn đề về sức khỏe tinh thần hay không.
Hành động
Nên tích cực hoạt động về thể chất, tinh thần, xã hội và tinh thần. Làm điều gì đó—chẳng hạn như đi dạo, đọc sách, chơi trò chơi hoặc thực hiện một sở thích nào đó. Một người có cơ thể và tâm trí tích cực có thể đạt được hạnh phúc và giúp loại bỏ những suy nghĩ hoặc lo lắng thái quá về những điều có thể nằm ngoài tầm kiểm soát của bản thân.
Cùng nhau
Duy trì tình bạn và các mối quan hệ xã hội thân thiết, tham gia vào các hoạt động nhóm và các sự kiện cộng đồng. Làm điều gì đó với ai đó—cho dù đó chỉ là đi ăn tối với bạn bè hay tham gia một giải đấu thể thao giải trí. Dành thời gian cùng với người khác sẽ giúp bạn cảm thấy gắn kết và hoà đồng hơn với mọi người.
Làm những việc có nghĩa
Đặt ra các mục tiêu và thử thách cho bản thân để vượt qua, tham gia vào các hoạt động mang lại mục đích và ý nghĩa trong cuộc sống bao gồm cả việc tham gia các hoạt động tình nguyện giúp đỡ người khác. Nên làm điều gì đó có ý nghĩa. Điều này có thể giúp bạn xây dựng được ý nghĩa, tầm quan trọng và giá trị bản thân.
Cả ba tiêu chí này sẽ là nền tảng giúp bạn có được sức khỏe tinh thần tốt. Bạn chỉ cần thực hiện một số trong các hoạt động này thôi thì cũng sẽ thu được nhiều lợi ích về sức khỏe, bao gồm mức độ hài lòng trong cuộc sống cao hơn và giảm nguy cơ rối loạn tinh thần, giảm việc lạm dụng rượu và thậm chí là suy giảm nhận thức. Việc cảm thấy năng động hơn, kết nối xã hội tốt hơn và tham gia vào các hoạt động có ý nghĩa thường liên quan đến sức khỏe tốt hơn và tuổi thọ cao hơn.
Là một phần trong nghiên cứu nên chúng tôi có thể chỉ ra rằng việc hiểu biết nguyên tắc ABC có thể tạo ra sự khác biệt quan trọng. Trong số những người biết về các tiêu chí này thì khoảng 80% nói rằng ABC đã cung cấp cho họ kiến thức mới về những gì họ có thể làm để hỗ trợ sức khỏe tinh thần của mình và khoảng 15 % cho biết họ đã hành động để cải thiện trạng thái tinh thần.
Khánh Nam biên dịch.
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times