Âm nhạc có lợi cho sức khỏe của chúng ta như thế nào

Các bằng chứng khoa học và những trải nghiệm của con người cho thấy âm nhạc không chỉ là giai điệu maf có thể thay đổi toàn diện sức khỏe thể chất và tinh thần của chúng ta

Bà Angie Mack đã sống và thở trong bầu không khí âm nhạc từ thơ ấu. Khi còn nhỏ, bà đã hát và nhảy theo những đĩa nhạc của Neil Diamond mà cha của bà bật. Đến tuổi thiếu niên, bà đã chơi chuông tay trong dàn hợp xướng nhà thờ. Sau đó, với vai trò là trợ lý điều dưỡng có chứng chỉ hành nghề, bà chăm sóc bệnh nhân tại viện dưỡng lão và tham gia chơi nhạc phúc âm. Hiện tại, bà hướng dẫn âm nhạc cho sinh viên và diễn xuất tại studio của mình tại tiểu bang Wisconsin.

Là một người sống sót sau căn bệnh ung thư vú, bà Mack đã trực tiếp trải nghiệm những thay đổi tích cực về sức khỏe thể chất và tinh thần mà âm nhạc đem lại cho bản thân và cho những học trò của mình.

Bà Mack nói với The Epoch Times, “Trải nghiệm với căn bệnh ung thư vú khiến tôi nhận ra rằng tự thân tôi phải sống sót.” Âm nhạc đã giúp bà vượt qua những biến chứng của quá trình điều trị.

Từ việc xoa dịu tâm lý lo âu đến điều chỉnh nhịp tim, các nghiên cứu cho thấy âm nhạc—dù là nghe nhạc hoặc chơi nhạc cụ—đều có thể tác động sâu rộng đến sức khỏe tổng thể.

Âm nhạc cải thiện sức khỏe tinh thần

Bà Mack nói, nhiều người thực sự không hiểu sang chấn tinh thần có thể đi kèm với bệnh tật. Liệu pháp âm nhạc có thể hữu ích cho việc điều trị chứng rối loạn căng thẳng sau sang chấn tâm lý (post-traumatic stress disorder-PTSD) và kiểm soát các triệu chứng của bệnh nhân.

Âm nhạc cũng giúp điều trị các chứng rối loạn tâm thần khác.

Âm nhạc giúp bạn bày tỏ cảm xúc

Một số học sinh của bà Mack bị trầm cảm, lo âu và các tình trạng khác. Bà cho biết, “Sau khi làm việc với trẻ em và các gia đình trong hơn 20 năm, tôi có thể nói với bạn rằng thế hệ tương lai của chúng ta cần sự giúp đỡ ngay lập tức trong việc biểu đạt cảm xúc,” đồng thời lưu ý rằng tỷ lệ tự tử ở giới trẻ đang gia tăng.

Theo một báo cáo gần đây của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), tỷ lệ tự tử ở thanh thiếu niên từ 15 đến 19 tuổi đã tăng 57%. Ngoài ra, tỷ lệ tự tử ở thanh niên từ 20 đến 24 tuổi đã tăng 63% trong giai đoạn 2001-2021.

Bà Mack nói, “Chúng ta cần nơi an toàn hơn để thanh thiếu niên bộc lộ cơn thịnh nộ và bối rối mà các em có thể đang cảm nhận từ nội tâm.”

Âm nhạc có thể là một công cụ mạnh mẽ giúp các em giải tỏa các cảm xúc bị dồn nén, mang đến một lối biểu đạt cảm xúc phi ngôn ngữ. Các thể loại và phong cách âm nhạc khác nhau có thể ghi lại nhiều cảm xúc khác nhau, từ niềm vui và sự phấn khích cho đến nỗi buồn và sự tức giận.

Nhiều người tìm thấy niềm an ủi trong âm nhạc đã có những trải nghiệm cảm xúc của chính họ. Lắng nghe lời bài hát hoặc giai điệu cộng hưởng với cảm xúc có thể tạo ra sự kết nối và thấu hiểu.

Âm nhạc cải thiện chứng tự kỷ, lo âu, trầm cảm

Cô Lori Ann Locke, một nhà trị liệu âm nhạc có chứng chỉ hành nghề, đồng tình với quan điểm cho rằng âm nhạc có tác động sâu rộng đến sức khỏe và tinh thần. Lớn lên cùng với một người hàng xóm cần được chăm sóc đặc biệt đã dạy cô Locke cách thấu hiểu những người có khả năng khác nhau. Cô bắt đầu chơi piano từ năm 7 tuổi và sau đó quyết định trở thành giáo viên dạy nhạc.

Nhiều năm sau, cô Locke trở thành nhà trị liệu âm nhạc. Cô làm việc với các bệnh nhân Alzheimer và rối loạn thần kinh, một số người được chẩn đoán cùng lúc nhiều loại bệnh như tự kỷ và rối loạn lo âu.

Cô cho biết, “Khi học sinh trị liệu bằng cách chơi một loại nhạc cụ, thì họ hình thành kỹ năng ứng phó; khi họ cảm thấy lo lắng, họ có thể chơi trống hoặc piano dù không trong đợt trị liệu.”

Một phân tích gộp năm 2020 trong tập san Psychiatry Research (Nghiên Cứu Tâm Thần Học) đã chứng minh rằng liệu pháp bổ trợ bằng âm nhạc đã cải thiện đáng kể sức khỏe hành vi, bao gồm các triệu chứng tiêu cực như rút khỏi tương tác xã hội và thờ ơ với xã hội, các triệu chứng trầm cảm, và cả chất lượng cuộc sống ở những người bị tâm thần phân liệt.

Bệnh nhân không phải là đối tượng duy nhất được hưởng lợi từ việc can thiệp bằng âm nhạc. Một nghiên cứu năm 2021 cho thấy liệu pháp âm nhạc và yoga cho nhân viên y tế trong đợt bùng phát COVID-19 có hiệu quả trong việc giảm các triệu chứng trầm cảm, lo lắng và căng thẳng.

Một số nghiên cứu còn cho thấy rằng, trẻ tự kỷ có thể hưởng lợi từ liệu pháp âm nhạc kết hợp các chuyển động nhịp nhàng như vỗ tay hoặc diễu hành.

Một bài đánh giá năm 2013 trên tập san Frontiers in Integrative Neuroscience (Biên Giới Trong Khoa Học Thần Kinh Tích Hợp) cho thấy âm nhạc và liệu pháp vận động có thể hỗ trợ cả kỹ năng vận động thô và tinh, đồng thời tăng khả năng giao tiếp thông qua các kỹ năng vận động này.

Khoa học khẳng định lợi ích sức khỏe thể chất của âm nhạc

Đối với bà Mack, âm nhạc không chỉ mang lại thăng hoa về cảm xúc, mà những giai điệu và nhịp điệu còn giúp xoa dịu thể chất trước sự tàn phá của căn bệnh ung thư. Các nghiên cứu khoa học đã xác nhận trải nghiệm này.

Hạ huyết áp

Các nghiên cứu cho thấy âm nhạc có thể giúp điều chỉnh sức khỏe tim mạch và điều hòa huyết áp.

Một nghiên cứu năm 2019 được công bố trên tập san Explore (Khám Phá) nhấn mạnh rằng âm nhạc được điều chỉnh ở tần số 432 Hz có thể làm giảm huyết áp, nhịp tim và nhịp hô hấp tốt hơn âm nhạc được điều chỉnh ở tần số 440 Hz vốn là tiêu chuẩn hiện đại ngày nay.

Tiêu diệt tế bào ung thư

Nghiên cứu cho thấy âm nhạc có thể tác động lên các tế bào ung thư. Một nghiên cứu năm 2016 trên tập san Evidenced-Based Complementary and Alternative Medicine (Y Học Thay Thế Và Bổ Sung Dựa Trên Bằng Chứng) đã thảo luận về cách các dòng tế bào ung thư vú phản ứng với âm nhạc.

Nghiên cứu cho thấy âm nhạc ảnh hưởng đến dòng tế bào ung thư vú MDA-MB-231 và dòng tế bào ung thư vú bộ ba âm tính, bằng cách làm giảm khả năng sống của tế bào và gây ra quá trình chết tế bào theo chương trình- vốn là quá trình cơ thể sử dụng để tiêu diệt các tế bào không khỏe mạnh.

Cải thiện trí nhớ

Theo một bài báo trên tập san Neuroscience & Biobehavioral Reviews (Tổng Quan Sinh Học Hành Vi và Khoa Học Thần Kinh) năm 2020, âm nhạc mang lại lợi ích sâu rộng cho những người gặp chứng rối loạn thần kinh như sa sút trí tuệ, giảm các triệu chứng về tâm trạng, giảm bớt kích động và gợi lên những ký ức có ý nghĩa của cá nhân.

Khi bà Locke chơi bản nhạc mà một bệnh nhân sa sút trí tuệ biết hồi còn nhỏ, âm thanh của bản nhạc đó đã khiến cho bệnh nhân nói chuyện nhiều hơn và cải thiện khả năng hồi tưởng. Theo kinh nghiệm của bà, việc hát các bài thánh ca cũng khiến bệnh nhân hát theo từng từ. Điều này chứng minh sức mạnh của âm nhạc trong việc thu hút bệnh nhân Alzheimer bằng cách chạm tới những ký ức xa xưa của họ.

Bạn cũng có thể thử hát trong khi chơi nhạc cụ. Bà Mack cho biết, việc kết hợp các chuyển động phối hợp cả hai bên cùng với âm nhạc, như gõ nhẹ bằng cả hai tay hoặc di chuyển cả hai chân, sẽ có tác dụng đáng kể. Có thể kể đến như chơi piano, khiêu vũ hoặc tham gia chơi trống.

Trong một nghiên cứu năm 2014, khi những người tham gia phối hợp các chuyển động ở cả hai bên cơ thể, các nhà nghiên cứu nhận thấy hoạt động mạnh hơn tại một số vùng nhất định của não, bao gồm cả vùng dưới vỏ não. Điều này rất quan trọng đối với chức năng nhận thức và điều hòa cảm xúc.

Âm nhạc có lợi cho trẻ sơ sinh trong NICU

Liệu pháp âm nhạc và các biện pháp can thiệp dựa trên âm nhạc khác trong các đơn vị chăm sóc đặc biệt cho trẻ sơ sinh (neonatal intensive care units-NICU) có thể làm giảm nhịp tim và hô hấp, cải thiện giấc ngủ và lượng thức ăn của trẻ sơ sinh, đồng thời giảm lo lắng cho các bà mẹ, theo một tổng quan y văn của tập san Medicine (Y Học) năm 2019.

Một nghiên cứu khác năm 2021 được công bố trên Journal of Advanced Nursing (Tập San Điều Dưỡng Nâng Cao) cho rằng âm nhạc có tiềm năng đáng kinh ngạc trong việc hỗ trợ sức khỏe trẻ sơ sinh. Các nhà nghiên cứu tuyên bố rằng liệu pháp âm nhạc có thể là một biện pháp can thiệp không dùng thuốc hiệu quả để hỗ trợ trẻ sơ sinh thiếu tháng bằng cách điều chỉnh nhịp tim, nhịp hô hấp, mức độ stress và cho ăn bằng đường miệng, đồng thời làm giảm sự lo lắng của bà mẹ.

Trong khi các nghiên cứu cho thấy âm nhạc có thể trợ giúp sức khỏe của trẻ sơ sinh, một bài báo năm 2014 trên tập san Advances in Neonatal Care (Tiến Bộ Trong Chăm Sóc Trẻ Sơ Sinh) đã lưu ý những hạn chế của nghiên cứu hiện có.

Thứ nhất, quy mô nghiên cứu thường nhỏ. Thứ hai, Viện Hàn Lâm Nhi Khoa Hoa Kỳ khuyến nghị nên giữ âm thanh trong NICU dưới 45 decibel để bảo vệ sức khỏe thính giác của trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, mức âm thanh được sử dụng trong một số nghiên cứu cao hơn nhiều. Quá nhiều âm thanh, kể cả âm nhạc, có thể vượt quá mức an toàn và làm gián đoạn nhịp tim, huyết áp, nhịp thở, quá trình oxy hóa và chu kỳ giấc ngủ của trẻ sơ sinh.

Âm nhạc giúp giảm viêm

Theo một nghiên cứu năm 2021 trên tập san Brain, Behavior, & Immunity–Health (Sức Khoẻ Miễn Dịch, Hành Vi, Não Bộ), âm nhạc có thể điều hòa khả năng chống viêm, làm giảm các tế bào bạch cầu viêm, các protein tín hiệu, kháng thể, các hormone và chất dẫn truyền thần kinh của hệ miễn dịch.

Nghiên cứu đã chỉ ra khi nghe những loại âm nhạc dễ chịu và thư giãn, những người tham gia giảm mức độ hormone gây căng thẳng, bao gồm cortisol, epinephrine và norepinephrine.

Âm nhạc không chỉ là một hình thức nghệ thuật mà còn có thể giúp tâm trí chúng ta trầm ổn và thể chất của chúng ta cường tráng.

Bà Locke bày tỏ, “Chúng ta là âm nhạc. Nhịp tim của chúng ta giống như cái trống. Đó là một phần của chúng ta.”


Thiên Vân biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times.

Michelle Standlee
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Cô Michelle Standlee, là y tá có chứng chỉ hành nghề và ký giả sức khỏe của The Epoch Times. Cô có kinh nghiệm làm y tá và nhà văn y tế, cô viết về các chủ đề bao gồm sức khỏe tâm thần và hành vi, sức khỏe phụ nữ và trẻ em, chăm sóc sức khỏe truyền thống, y học bổ sung và y học thay thế.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn