Nghiên cứu: Quốc gia hạnh phúc thứ hai thế giới có tỷ lệ rối loạn sức khỏe tâm thần cao đáng kinh ngạc

Phải chăng hạnh phúc ở quốc gia hạnh phúc thứ hai trên thế giới lại có sự thay đổi?

Có thể, theo nghiên cứu mới cho thấy Đan Mạch – đất nước có dân số được xếp thuộc hàng hạnh phúc nhất thế giới trong một thập niên – có tỷ lệ rối loạn sức khỏe tâm thần cao đáng ngạc nhiên.

Nghiên cứu hoàn toàn khác

Tiến sĩ Lars Vedel Kessing, giáo sư tâm thần học tại Đại học Copenhagen, Đan Mạch và đồng tác giả của nghiên cứu, nói với The Epoch Times, “Điều này chưa bao giờ được khảo sát trước đây [ở Đan Mạch].”

Ước tính rằng, tại một thời điểm nào đó trong cuộc đời, có 82.6% dân số (con số đáng kinh ngạc) đã được điều trị chứng rối loạn sức khỏe tâm thần trong môi trường bệnh viện hoặc bởi các bác sĩ đa khoa hay bác sĩ tâm thần tư nhân. Tỷ lệ này cao hơn đáng kể so với báo cáo trước đây, làm nổi bật mức độ phổ biến và ảnh hưởng lớn hơn của các rối loạn sức khỏe tâm thần đối với xã hội.

Tiến sĩ Kessing nói, “Tại Đan Mạch, chúng tôi đã nhận được đề cử là quốc gia hạnh phúc nhất. Chúng tôi có hệ thống chăm sóc y tế phức tạp và nhiều nguồn lực. Tỷ lệ bị bệnh tâm thần cao hơn chúng tôi tin ban đầu. Nghiên cứu này cho thấy bệnh tâm thần không phải là số ít mà là đa số.”

Nghiên cứu đã kiểm tra các rối loạn sức khỏe tâm thần mà những người tham gia gặp phải, bao gồm lo lắng, trầm cảm, rối loạn lưỡng cực và tâm thần phân liệt. Sự phân loại này cho phép hiểu biết sâu sắc hơn về bối cảnh sức khỏe tâm thần rộng lớn của Đan Mạch.

Nghiên cứu cũng tập trung vào việc kê toa thuốc hướng tâm thần như phương pháp điều trị và phát hiện ra rằng 70.4% dân số được kê toa thuốc hướng tâm thần để điều trị rối loạn sức khỏe tâm thần.

Những phát hiện này làm sáng tỏ gánh nặng xã hội tiềm ẩn của các rối loạn sức khỏe tâm thần và nhấn mạnh vai trò của liệu pháp dược lý trong việc kiểm soát các tình trạng này.

Các tác giả thừa nhận sự cần thiết phải khám phá thêm về hiệu quả lâm sàng và độ an toàn của các loại thuốc hướng tâm thần được kê toa nằm ngoài phạm vi của nghiên cứu này.

Mối liên quan giữa rối loạn sức khỏe tâm thần và kết quả kinh tế xã hội

Nghiên cứu của Đan Mạch đã khám phá xem các rối loạn sức khỏe tâm thần có thể ảnh hưởng như thế nào đến kết quả kinh tế xã hội bằng cách phân tích dữ liệu kinh tế tổng hợp về sức khỏe và kinh tế xã hội về việc làm, thu nhập và giáo dục quốc gia.

Kết quả cho thấy những người được chẩn đoán rối loạn sức khỏe tâm thần có tỷ lệ thất nghiệp cao hơn, thu nhập thấp hơn và khả năng sống một mình cao hơn.

Lo lắng, trầm cảm, và rối loạn tâm trạng có thể khiến công việc ổn định trở nên khó khăn vì khó tập trung, hoàn thành đúng thời hạn hoặc quản lý căng thẳng một cách hiệu quả.

Tiến sĩ Kessing cho biết, căng thẳng và kiệt sức có thể gây ra các vấn đề về sức khỏe tâm thần ở bất kỳ quốc gia nào, dù được xếp hạng hạnh phúc nhất hay không. Những người bệnh tâm thần thường khó để có và giữ được việc làm, điều này thường gây ra nhiều căng thẳng hơn, tạo nên một chu kỳ tự kéo dài.

Bệnh tâm thần đặt ra những thách thức đáng kể cho những người mong muốn theo đuổi giáo dục đại học. Những học sinh bị chứng rối loạn sức khỏe tâm thần phải đối mặt với nguy cơ học tập kém do thường xuyên vắng mặt và tỷ lệ hoàn thành chương trình học thấp hơn.

Nhiều trở ngại liên quan đến bệnh tâm thần và giáo dục có thể đóng vai trò là rào cản, cản trở mọi người phát huy hết tiềm năng giáo dục và dẫn đến những hậu quả lâu dài cho sự nghiệp tương lai và triển vọng kinh tế xã hội.

Tại sao việc giảm kỳ thị về sức khỏe tâm thần lại quan trọng

Những phát hiện từ nghiên cứu của Đan Mạch có ý nghĩa sâu rộng đối với các chuyên gia chăm sóc y tế, các nhà hoạch định chính sách và xã hội. Theo các tác giả, đó là lời nhắc nhở để ưu tiên các dịch vụ sức khỏe tâm thần, giảm bớt sự kỳ thị xung quanh và khuyến khích môi trường trợ giúp cho những người đang gặp khó khăn.

Tiến sĩ Kessing cho biết, “Dữ liệu này sẽ khuyến khích xã hội dồn sức lực và cố gắng vào việc nghiên cứu bệnh tâm thần cũng như tác động của bệnh đến cuộc sống.” Những người bệnh rối loạn tâm thần thường bị gia đình và đồng nghiệp đánh giá sai, thậm chí còn có sự tự kỳ thị.

Tiến sĩ Kessing nhấn mạnh vai trò quan trọng của sự cô đơn trong việc kéo dài những thách thức mà những người bệnh tâm thần phải đối mặt.

Đối với một số người, đối mặt với chứng rối loạn tâm thần có nghĩa là, sống cô lập, thiếu sự giúp đỡ và thấu hiểu từ gia đình và xã hội. Việc tự kỳ thị có thể là rào cản trong quá trình phục hồi của bệnh nhân tâm thần. Cảm giác xấu hổ và tội lỗi có thể tạo gánh nặng cho những người bệnh tâm thần, cản trở họ tìm kiếm sự giúp đỡ khi cần.

Tiến sĩ Kessing cho biết, những người bị ảnh hưởng bởi chứng rối loạn tâm thần có thể cảm thấy thoải mái khi biết rằng tình trạng bệnh này không có gì đáng xấu hổ và nhiều người khác cũng đã phải đối mặt với những thử thách tại một thời điểm nào đó trong cuộc đời.

Tương lai của sức khỏe tâm thần nằm trong tầm tay

Theo tiến sĩ Kessing, nghiên cứu của Đan Mạch đã mở ra những hướng nghiên cứu trong tương lai. Các nghiên cứu theo chiều dọc có thể cung cấp cái nhìn sâu sắc về hành trình suốt đời của những người bệnh rối loạn sức khỏe tâm thần. Và nghiên cứu về thuốc hướng tâm thần và các phương pháp điều trị khác, như can thiệp trao đổi chất, đưa ra hướng điều trị.

Ngọc Thuần biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times.

Michelle Standlee
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Cô Michelle Standlee, là y tá có chứng chỉ hành nghề và ký giả sức khỏe của The Epoch Times. Cô có kinh nghiệm làm y tá và nhà văn y tế, cô viết về các chủ đề bao gồm sức khỏe tâm thần và hành vi, sức khỏe phụ nữ và trẻ em, chăm sóc sức khỏe truyền thống, y học bổ sung và y học thay thế.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn