Bản tin đặc biệt

Khởi đầu năm mới lành mạnh và đầy hứng khởi với 10 giải pháp sức khỏe

Rất ít người có thể kiên trì với những quyết tâm trong năm mới. Năm nay, hãy giảm bớt áp lực và học cách cải thiện cuộc sống bằng cách làm ít hơn.

Với sự nhiệt huyết của một năm mới đầy tiềm năng, việc đưa ra những quyết tâm cho năm tới dường như là một ý tưởng tuyệt vời. Chúng ta muốn làm tốt hơn và tốt hơn nữa. Tuy nhiên, ai cũng biết rằng điều đó thật khó thực hiện và hầu hết chúng ta đều thất bại dù có ý định tốt nhất.

Theo một cuộc thăm dò gần đây của Forbes Health/OnePoll, quyết tâm của năm mới trung bình chỉ kéo dài 3.74 tháng, với chỉ 6% có thể kiên trì thực hiện sau 12 tháng.

Các quyết tâm thường đại diện cho một điều gì đó khác ngoài những thứ cần “làm.” Nhiều nhiệm vụ hơn đòi hỏi nhiều năng lượng hơn hẳn so với những hoạt động bận rộn vốn đã phải thực hiện trong cuộc sống hàng ngày.

Điều gì sẽ xảy ra nếu việc không đạt được mục tiêu trong năm mới không phải do lười biếng, thiếu kỷ luật hay do tính cách không kiên trì mà chỉ là do bạn đã không chọn đúng thời điểm?

(Ảnh: The Epoch Times)
(Ảnh: The Epoch Times)

Trí tuệ cổ xưa cho cuộc sống hiện đại

Trước khi chủ nghĩa cộng sản phá hủy văn hóa truyền thống Trung Hoa, xã hội thời xưa xoay quanh việc hòa hợp với Thần, một phần qua việc quan sát sự biểu hiện của Thần trong tự nhiên.

Khởi đầu năm mới lành mạnh và đầy hứng khởi với 10 giải pháp sức khỏe

Ông Jonathan Liu, một bác sĩ Trung y, nói với The Epoch Times, “Con người nên hoạt động nhẹ nhàng và giảm thiểu các hoạt động nặng nhọc càng nhiều càng tốt.”

Người xưa quan sát thấy vào mùa đông, năng lượng của trái đất thu vào bên trong để củng cố và bảo toàn cho mùa xuân. Khái niệm đó nói lên rằng chúng ta cũng nên làm như vậy – sống chậm lại trong những tháng mùa đông, đi ngủ sớm hơn, thức dậy muộn hơn, và tiết kiệm năng lượng. Mùa đông, giống như một sự kết thúc tự nhiên của vòng đời theo mùa, là thời gian để nghỉ ngơi, nạp lại năng lượng, cũng như suy ngẫm về bản thân và một năm đã qua.

Đó là một phần lý do tại sao chúng ta gặp khó khăn trong việc thực hiện các quyết tâm như tập thể dục thường xuyên và bắt đầu các dự án mới vào giữa mùa đông. Đơn giản là chúng ta phù hợp hơn để bắt đầu những loại hoạt động này sau vài tháng vào mùa xuân, khi toàn bộ bán cầu đang thức dậy, tiếp tục phát triển và hoạt động. Nhưng điều đó không có nghĩa là không thể thực hiện nhiều giải pháp trong mùa đông để cải thiện đáng kể cuộc sống bản thân.

Những tháng mùa đông là thời điểm hoàn hảo để nhìn lại bản thân. Viết nhật ký là một cách tuyệt vời cho việc hướng nội và tập trung sự chú ý vào thế giới nội tâm của bạn. (Ảnh: dekazigzag/Shutterstock)
Những tháng mùa đông là thời điểm hoàn hảo để nhìn lại bản thân. Viết nhật ký là một cách tuyệt vời cho việc hướng nội và tập trung sự chú ý vào thế giới nội tâm của bạn. (Ảnh: dekazigzag/Shutterstock)

Các giải pháp không căng thẳng cho năm 2024

Một khái niệm cổ xưa của Trung Hoa tiêu biểu cho ý tưởng làm ít hơn là “vô vi.” Vô vi được hiểu theo nhiều cách, bao gồm không hành động, không làm gì cả, và không gắng sức ép buộc. Alan Watts, một triết gia người Anh và tự xưng là “nghệ sĩ giải trí tâm linh,” mô tả vô vi là nguyên tắc không ép buộc trong bất cứ việc gì bạn làm.

Thay vì không làm gì, vô vi thuận theo tự nhiên hơn – không gắng sức ép buộc mà chỉ để mọi thứ diễn ra tự nhiên. Như ông Alan Watts đã phát biểu một cách đầy hùng hồn, “Vô vi là nghệ thuật chèo thuyền, chứ không phải nghệ thuật đua thuyền.”

Một lưu ý nhanh về Dopamine

Bộ não tiết ra một lượng lớn dopamine khi chúng ta cảm thấy thích thú với một hoạt động nào đó. Thật không may, nhiều hoạt động tạo ra dopamine có ảnh hưởng không tốt như nợ nần hoặc nghiện ngập. Ví dụ, ăn thực phẩm béo chứa đường có thể cung cấp một lượng lớn dopamine cũng như béo phì, tiểu đường, và bệnh gan.

Tiến sĩ Anna Lembke, giáo sư tâm thần học tại Stanford University, nói với The Epoch Times trong một cuộc phỏng vấn rằng, để cân bằng lại hệ thống khen thưởng–dopamine, chúng ta cần kiềm chế các hành vi làm tăng vọt dopamine trong bốn tuần.

Việc đột ngột từ bỏ một thói quen nào đó có thể khó khăn. Tuy nhiên, bạn thường chỉ cần nhận ra nguồn cơn của sự thôi thúc và kiềm chế bản thân trong vài phút cũng có thể đủ để phá vỡ lực hấp dẫn của dopamine. Hãy ghi nhớ điều đó khi chúng ta xem xét các quyết tâm cho năm mới phù hợp với mùa đông này.

Trì hoãn mua sắm bốc đồng

Các nhà bán lẻ là chuyên gia trong việc lôi kéo chúng ta mua hàng và với sự ra đời của mua sắm trực tuyến, việc mua hàng tự phát chỉ là một cú nhấp chuột. Chúng ta không còn bị giới hạn bởi địa lý, thời gian mở tiệm hay thậm chí là lựa chọn. Nếu chúng ta thôi thúc muốn sở hữu một thứ gì đó (bất cứ thứ gì) vào lúc nửa đêm, chúng ta có thể nhấp chuột và nhận hàng vào buổi sáng. Chúng ta thậm chí không cần phải có tiền để trả – miễn là vẫn thẻ tín dụng vẫn còn hạn mức.

Các chuyên gia thường xuyên khuyên rằng cách tốt nhất để giải quyết thói quen chi tiêu quá mức và mua sắm theo cảm tính hoặc bốc đồng là không làm gì cả. Đơn giản chỉ cần trì hoãn việc mua hàng. Hãy dừng lại một chút. Hãy đợi một hoặc hai ngày và xem liệu bạn có còn muốn điều đó nhiều như trước không. Một khi dopamine biến mất và tâm trí bình tĩnh hơn, bạn sẽ thấy việc tránh mua sắm không cần thiết dễ dàng hơn nhiều.

Ngừng lướt mạng xã hội

Trái ngược với niềm tin phổ biến, mạng xã hội không cải thiện cuộc sống hay giúp chúng ta kết nối. Thay vào đó, mạng xã hội khiến nhiều người trong chúng ta cảm thấy lo lắng, chán nản và cô đơn hơn. Một nghiên cứu năm 2023 cho thấy “dành nhiều thời gian hơn cho mạng xã hội có liên quan đến mức độ cô đơn cao hơn, đặc biệt đối với những người dùng mạng xã hội như một phương tiện để duy trì các mối quan hệ.”

Vậy tại sao chúng ta vẫn mải miết lướt mạng xã hội? Đó là hình thức thẩm định xã hội (có một số niềm tin và giá trị chỉ có thể được đồng thuận nhờ trải nghiệm xã hội chung của nhóm) kỳ lạ, mang lại cảm giác tích cực được kích hoạt bởi dopamine. Các công ty truyền thông xã hội khai thác điều này, cựu chủ tịch Facebook Sean Parker cho biết trong một bài phát biểu năm 2017, theo báo cáo của Tập san Engineering and Tech (Kỹ thuật và Công nghệ).

Ông nói, “Thỉnh thoảng chúng tôi cần cung cấp cho bạn một chút dopamine, bởi vì ai đó đã thích hoặc nhận xét về một bức ảnh hoặc một bài đăng.”

Những cơn tăng dopamine nhỏ này có thể gây nghiện.

Một bài báo của các nhà nghiên cứu tại Harvard University lưu ý, “Các nền tảng như Facebook, Snapchat, và Instagram tận dụng mạch thần kinh rất giống nhau được sử dụng bởi máy đánh bạc và cocaine để giữ chúng ta sử dụng sản phẩm kể trên nhiều nhất có thể.”

Đối với nhiều người, việc lướt mạng xã hội đã trở thành một phản ứng bản năng trước bất kỳ khoảnh khắc buồn chán nào. Mặc dù các nhà sản xuất nền tảng tuyên bố mục đích dự định là giúp chúng ta kết nối, nhưng họ đưa ra một bức tranh thực tế được tuyển chọn kỹ càng có thể khuyến khích sự so sánh và ghen tị trong xã hội.

Khởi đầu năm mới lành mạnh và đầy hứng khởi với 10 giải pháp sức khỏe

Lạm dụng mạng xã hội có thể làm gián đoạn giấc ngủ và ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần bằng cách làm tăng cảm giác trầm cảm, lo lắng và cô lập, đồng thời làm suy giảm khả năng tham gia vào các mối quan hệ thực tế giữa con người với nhau.

Vì vậy, lần tới khi bạn muốn xem bạn bè mình đang làm gì hoặc ai “thích” nhận xét mới nhất của bạn thì hãy cố gắng dừng lại. Đây có thể là một sự thôi thúc mạnh mẽ để bạn rời xa mạng xã hội, vì vậy để bắt đầu, bạn chỉ cần tự nhủ hãy đợi một phút. Sau đó bạn sẽ kéo dài từ 1 phút lên thành 10 phút. Hãy chọn những thời điểm cụ thể trong ngày để chủ động kiểm tra mạng xã hội nhằm phá bỏ thói quen bắt buộc phải kiểm tra nó. Nếu thói quen mới phù hợp hơn với bạn, hãy đăng cập nhật trạng thái lưu ý rằng bạn đang kiểm tra một lúc và đăng xuất.

Thay vào đó, hãy thử gọi điện cho người bạn đó và mời họ đi ăn trưa, đi dạo bên ngoài. Bạn cũng có thể ngâm mình trong bồn nước nóng với tách trà yêu thích và một cuốn sách hay. Sức khỏe tinh thần của bạn sẽ tốt hơn nhiều.

Dừng so sánh bản thân với người khác

Giải pháp này phối hợp tốt với việc hạn chế sử dụng mạng xã hội bởi vì các nền tảng này là nguồn gốc chính gây ra so sánh xã hội.

Như tất cả chúng ta đều biết, cuộc sống mà chúng ta nhìn thấy trên mạng xã hội hay chiếc xe hơi mà người hàng xóm mới mua không phản ánh thực tế cuộc sống của họ. Vậy mà, điều đó lại khiến chúng ta so sánh bản thân với người khác. Và không may, so sánh thường dẫn đến khổ não.

(Ảnh thiết kế bởi The Epoch Times, Shutterstock)
(Ảnh thiết kế bởi The Epoch Times, Shutterstock)

So sánh xã hội có thể làm mất đi ý thức về giá trị bản thân, theo một nghiên cứu về người dùng Facebook được công bố trên Tập san Advances in Journalism and Communications (Những Tiến bộ trong Báo chí và Truyền thông).

Nghiên cứu cho biết: “Khi người dùng Facebook so sánh bản thân với người khác, họ tự mình hạ thấp lòng tự tôn và hạ thấp sự hài lòng trong cuộc sống.”

Tác giả lưu ý trong một bài viết đăng trên Tập san Journal of Adult Development (Sự phát triển Người trưởng thành) năm 2006 về so sánh xã hội rằng, “Nếu mỗi cá nhân chúng ta nhận thức được việc liên tục so sánh bản thân với người khác là một phần của chu kỳ cảm xúc và hành vi tiêu cực, có lẽ chúng ta sẽ ít bị cám dỗ hơn khi so sánh bản thân với người khác.”

Khởi đầu năm mới lành mạnh và đầy hứng khởi với 10 giải pháp sức khỏe

Thay vào đó, hãy tập trung vào bản thân và tất cả những điều tốt đẹp trong cuộc sống của bạn. Viết ra và dành thời gian suy nghĩ về những điều tốt đẹp đó mỗi ngày. Hành động tuy nhỏ nhưng có thể tạo ra những thay đổi đáng kể trong nhìn nhận của bạn, giúp bạn đánh giá cao những điều tốt đẹp trong cuộc sống hàng ngày – đồng thời thu hút thêm nhiều điều tốt hơn nữa.

Buông bỏ những phàn nàn

Một khi ngừng so sánh bản thân, bạn cũng có thể thấy mình ít phàn nàn hơn. Tất nhiên, bạn vẫn sẽ phải bỏ thói quen nói chuyện với những lời phàn nàn. Mọi người gắn kết với nhau nhờ những lời nói yêu thương.

Quan điểm tiêu cực của chúng ta cũng được truyền tải bởi tin tức, chương trình truyền hình, phim ảnh và mạng xã hội. Thời nay, con người ta phàn này về mọi thứ. Điều đó có thể hiểu được trong tình trạng hỗn loạn của thế giới này, mặc dù việc phàn nàn khiến chúng ta rơi vào vòng xoáy tiêu cực khó thoát ra.

Vấn đề là phàn nàn khiến chúng ta chú tâm vào phương diện tiêu cực. Trạng thái tiêu cực như thế có thể khiến bạn khó nhìn ra những điều tốt đẹp trong cuộc sống, những điều mà có thể bạn coi là đương nhiên.

Nếu bạn thấy mình đang phàn nàn, dù là lời đã nói ra hay chỉ là ý [nghĩ] trong đầu, bạn chỉ cần dừng quá trình đó lại. Nếu đã thành một lối mòn, có thể bạn sẽ phải tập luyện một chút. Chỉ cần thấy [bóng dáng] của phàn nàn, bạn hãy để suy nghĩ đó rời đi.

Cuộc sống này phần lớn phụ thuộc vào góc nhìn của chính chúng ta. Chỉ nhìn vào những gì chúng ta không có là một thói quen đáng từ bỏ. (Ảnh: papitchaya/Shutterstock)
Cuộc sống này phần lớn phụ thuộc vào góc nhìn của chính chúng ta. Chỉ nhìn vào những gì chúng ta không có là một thói quen đáng từ bỏ. (Ảnh: papitchaya/Shutterstock)

Từ bỏ ăn kiêng và thực hiện ăn uống chú tâm

Ăn kiêng thường là một quyết tâm phổ biến trong năm mới. Là một quốc gia ngày càng béo phì, chúng ta dễ bị ám ảnh bởi việc ăn kiêng và giảm cân. Kết quả là chúng ta có một mối quan tâm phức tạp với thực phẩm. Một cách để thay đổi quan điểm là hãy nghĩ về thực phẩm là thứ vốn được tạo ra với mục đích là cung cấp cho con người chất dinh dưỡng và trị liệu. Thức ăn nuôi dưỡng, chữa lành và giữ cho chúng ta khỏe mạnh để có thể tránh được bệnh tật.

Hãy thực hành ăn uống chú tâm. Thay vì ăn kiêng kham khổ, hãy quan sát những gì bạn ăn, tập trung vào cảm giác của bạn trong khi ăn cũng như sau khi ăn. Lưu ý xem các loại thực phẩm khác nhau cung cấp năng lượng cho bạn như thế nào hay khiến bạn cảm thấy nặng nề, mệt mỏi hoặc khó chịu.

Hãy chú ý đến cảm giác của bản thân khi bạn ăn uống thứ gì đó mà bạn cho là không lành mạnh. Bạn có thể nhận ra những cảm giác nhất định liên quan đến việc ăn quá nhiều hoặc ăn vặt các loại thực phẩm ít dinh dưỡng có hàm lượng calorie cao, như khoai tây chiên và đồ ăn nhẹ chứa đường.

Ăn uống vô thức, ăn vì buồn chán hoặc để đạt được cảm giác dễ chịu nhờ dopamine, đều là những yếu tố chính dẫn đến việc ăn quá nhiều hoặc ăn những thực phẩm khiến chúng ta cảm thấy khó chịu.

Khi bạn tập trung vào mùi, vị và kết cấu của món ăn — cũng như cảm giác với món ăn — bạn có xu hướng ăn từ tốn hơn và cảm thấy hài lòng hơn với bữa ăn của mình. Điều này có thể dẫn đến việc ăn ít hơn và ăn thực phẩm có chất lượng tốt hơn.

Bằng cách ăn uống chú tâm, bạn cũng có thể nhai thức ăn lâu hơn, điều này giúp cải thiện hoạt động tiêu hóa cũng như giúp cơ thể hấp thụ nhiều chất dinh dưỡng từ thức ăn hơn.

Không làm gì 15 phút mỗi ngày

Không làm gì chỉ là một viễn cảnh đầy hấp dẫn đối với hầu hết mọi người – chúng ta thường có quá nhiều việc phải làm và dường như thời gian không bao giờ đủ dùng. Tuy nhiên, vì chúng ta đã quen với cuộc sống náo nhiệt và “bận rộn,” nên việc không làm gì có thể là một khó khăn và hầu hết chúng ta đều không làm được.

Không làm gì là một trong những điều hữu ích nhất mà chúng ta có thể tự làm cho mình. (Ảnh: D. Kucharski K. Kucharska/Shutterstock)
Không làm gì là một trong những điều hữu ích nhất mà chúng ta có thể tự làm cho mình. (Ảnh: D. Kucharski K. Kucharska/Shutterstock)

Hãy nhớ về Vô Vi. Trong một thế giới mà tâm trí của chúng ta bị kéo theo mọi hướng trong mọi khoảnh khắc ta thức giấc, chúng ta hiếm khi có được trạng thái “thuận theo tự nhiên.” Hãy dành 15 phút mỗi ngày tĩnh lặng đứng hoặc ngồi và không làm gì có thể là một phương pháp thực hành rất hữu ích cho cơ thể, tâm trí và tinh thần của chúng ta.

Mới đầu, trạng thái không làm gì cả có thể khiến bạn cảm thấy hơi khó chịu. Tâm trí của bạn có thể tận hưởng sự tự do vừa được phóng thích khỏi các nhiệm vụ (chẳng hạn như công việc hoặc trường học) và các hoạt động quay cuồng. Tuy nhiên, bằng cách luyện tập, bạn sẽ bình tâm lại và bắt đầu tận hưởng sự bình yên và tĩnh lặng mà có thể đã lâu bạn chưa trải qua, hoặc có lẽ bạn chưa bao giờ trải qua phải không bạn? (Không sao cả, bạn cứ thử thực hành.)

Tập trung vào hơi thở

Chúng ta thường quên lợi ích của việc hít thở sâu – điều mà chúng ta có thể được khuyên nên làm khi còn là trẻ thơ mỗi lúc phấn khích. Nhiều nền văn hóa – từ các thiền sinh ở Ấn Độ đến các võ sĩ ở Trung Hoa và Nhật Bản – đã sử dụng sức mạnh của hơi thở trong nhiều thiên niên kỷ để chữa lành bệnh tật, duy trì sức khỏe và áp dụng vào các môn thực hành tâm linh.

Có rất nhiều kỹ thuật thở có thể giúp chúng ta bình tĩnh, cải thiện sự lo lắng, giảm căng thẳng, chữa lành bệnh tật và giúp chúng ta suy nghĩ thông suốt hơn.

(Ảnh: The Epoch Times/Shutterstock)
(Ảnh: The Epoch Times/Shutterstock)

Nếu bạn cảm thấy choáng ngợp, căng thẳng hoặc thất vọng – hãy tạm dừng – và hít một hơi (hoặc hai hơi) thật sâu, và bạn sẽ thấy cảm giác của mình thay đổi như thế nào. Oxygen là chất dinh dưỡng cần thiết nhất cho cơ thể bạn và do căng thẳng cũng như hít thở không đúng cách, nhiều người trong chúng ta không được cung cấp đủ oxygen. Thở bằng mũi đặc biệt quan trọng. Nếu bạn muốn tìm hiểu thêm về sức mạnh của hơi thở và một số kỹ thuật hữu ích, bạn có thể đọc bài viết trước của tôi “Sức mạnh thiết yếu và thường bị bỏ qua của hơi thở”.

Hãy ngừng chối bỏ thực tế

Chúng ta là một nền văn hóa đề cao tham vọng, không ngừng tiến về phía trước trong cuộc tìm kiếm vĩnh viễn để đạt được điều gì đó hơn thế nữa. Tuy nhiên, tuân theo triết lý này có nghĩa là, khi không ngừng theo đuổi thứ bạn không có, sẽ luôn có thứ bạn muốn. Bạn sẽ không bao giờ hài lòng với cuộc sống hiện tại.

Ở một mức độ nhất định, tâm lý theo đuổi này có nghĩa là bạn đang chối bỏ thực tế. Bạn không chấp nhận cuộc sống mà bạn có. Đó có thể là một phản ứng lành mạnh trước những hoàn cảnh không lành mạnh, nhưng đó cũng thường là nguồn gốc của những đau khổ không cần thiết. Sự chấp nhận dẫn đến sự hài lòng — một trong những trạng thái êm dịu và bình tĩnh nhất mà chúng ta có thể tận hưởng.

(Ảnh: The Epoch Times/Shutterstock)
(Ảnh: The Epoch Times/Shutterstock)

Như Lão Tử, một nhà hiền triết Trung Hoa và là tác giả của tác phẩm Đạo Đức Kinh nổi tiếng đã nói, “Hài lòng với những gì đang có; vui mừng với cách mọi thứ đang diễn ra. Khi ta nhận ra ta chẳng thiếu thứ gì thì cả thế giới đều thuộc về ta.”

Lời kết

Khởi đầu một năm mới không nhất thiết phải đồng nghĩa với những quyết tâm thêm phần căng thẳng cho cuộc sống vốn đã căng thẳng của chúng ta. Thay vào đó, bạn hãy cho phép bản thân làm ít hơn. Cách tiếp cận này sẽ giúp bạn đơn giản hóa cuộc sống của mình và, hy vọng rằng, bạn sẽ tận hưởng nhiều hơn. Lần tới khi bạn cảm thấy buộc phải thực hiện một dự án mới hoặc đồng ý với một cam kết khác – hãy dừng lại, hít một hơi thật sâu và chợp mắt một lúc.

Thanh Long, Tú Liên biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times