Nước là tốt nhất – Những lựa chọn thay thế thức uống có đường để có sức khỏe tốt hơn

Nước giải khát chiếm một phần lớn trong lượng thức uống hàng ngày của trẻ em và người lớn.

Nước giải khát – được đặt tên như vậy để phân biệt với thức uống có cồn, hiện diện khắp nơi trong cuộc sống hàng ngày của nhiều người. Gần 2/3 trẻ em ở Hoa Kỳ, trong đó gần một nửa trẻ em từ 2 đến 4 tuổi, tiêu thụ thức uống có đường hàng ngày và gần 60% người lớn uống nước giải khát thường xuyên.

Nước giải khát thường là nước có các hương liệu cùng với đường hoặc các chất làm ngọt nhân tạo khác như syrup bắp có hàm lượng đường cao, sucrose, nước ép trái cây cô đặc và hầu hết đều không chứa nhiều chất dinh dưỡng có lợi. Nước giải khát bao gồm soda, nước trái cây, nước uống thể thao và nước tăng lực.

Thường xuyên tiêu thụ thức uống có đường gây ra nhiều tác hại cho cơ thể. Bao gồm việc tăng nguy cơ bị các bệnh kinh niên như bệnh tim, bệnh gout và tử vong sớm. Hơn nữa, đường có thể gây nghiện.

Một số loại nước giải khát, như thức uống có gas và nước ép trái cây, có tính acid và có thể dẫn đến mòn răng và làm hỏng men răng.

Đường và bệnh tiểu đường

Một báo cáo được công bố vào năm 2019 trên Tập san Diabetes Care (Chăm sóc Bệnh tiểu đường) cho thấy việc tiêu thụ nhiều thức uống có đường có liên quan đến tăng nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường loại 2. Các nhà nghiên cứu đã phân tích dữ liệu từ hơn 111,000 người trong hơn 20 năm và phát hiện rằng việc tăng 4 ounce (118ml) thức uống có đường mỗi ngày trong 4 năm sẽ làm tăng 16% nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường loại 2 trong 4 năm tiếp theo.

Nghiên cứu cũng cho thấy việc tiêu thụ thêm 4 ounce (118ml) thức uống chứa chất làm ngọt nhân tạo mỗi ngày sẽ làm tăng 18% nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường loại 2. Tuy nhiên, thay thế 8 ounce (240ml) thức uống có đường bằng nước, cà phê hoặc trà mỗi ngày có thể làm giảm nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường loại 2 từ 2 đến 10%.

Chúng ta có thể uống gì khác?

1. Nước là tốt nhất

Nước là nguồn sống và là chất dinh dưỡng thiết yếu với nhiều chức năng quan trọng trong cơ thể. Theo Trường Y khoa Công cộng Harvard, nước chiếm khoảng 60% trọng lượng cơ thể của người trưởng thành và đóng vai trò điều hòa nhiệt độ cơ thể, bôi trơn khớp và mô, cải thiện làn da và giúp ích cho quá trình tiêu hóa. Ngoài ra, nghiên cứu đã chứng minh rằng việc cung cấp đủ nước cho cơ thể sẽ mang lại những lợi ích như kiểm soát cân nặng và cải thiện chức năng nhận thức.

Để có được sức khỏe tốt nhất, chúng ta nên uống nhiều nước lọc hơn. Việc mất nước có thể gây ra các triệu chứng như đau đầu, chóng mặt, mệt mỏi, khô da và mất độ đàn hồi của da. Mất nước cũng có thể dẫn đến các tình trạng như nhiễm trùng đường tiết niệu, bệnh tim mạch, đột quỵ và sỏi thận.

2. Cà phê và trà

Cà phê và trà không có chất làm ngọt nhân tạo cũng là những lựa chọn thay thế nước giải khát có lợi cho sức khỏe.

Một bài tổng quan được công bố vào năm 2019 cho thấy uống 2 đến 3 tách trà mỗi ngày có thể làm giảm nguy cơ bị tiểu đường loại 2, tử vong sớm, bệnh tim và đột quỵ.

Nhiều nghiên cứu đã phát hiện rằng uống cà phê không chỉ giúp giảm nguy cơ bị tiểu đường loại 2 mà còn giúp giảm huyết áp, giảm nguy cơ tử vong và ngăn ngừa suy giảm nhận thức.

Tuy nhiên, tiêu thụ quá nhiều caffeine có thể gây hại cho sức khỏe. Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) khuyến nghị lượng caffeine trong cơ thể của người trưởng thành không nên vượt quá 400mg – tương đương với hàm lượng caffeine có trong 4 đến 5 tách cà phê.

Mặc dù những thức uống này góp phần [lớn] vào lượng chất lỏng tổng thể nhưng cũng có tác dụng lợi tiểu mạnh, có khả năng dẫn đến mất nước tế bào. Vì vậy, cần uống cà phê và trà một cách điều độ.

3. Sữa và sữa đậu nành

Nếu bạn cảm thấy việc từ bỏ thức uống có đường gặp nhiều trở ngại, hãy chú ý kiểm soát lượng đường hấp thụ hàng ngày.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, lượng đường nạp vào không được vượt quá 10% tổng lượng calorie hàng ngày. Nếu tính dựa trên lượng calorie tiêu thụ hàng ngày là 2000kcal thì lượng đường được phép tiêu thụ là 200kcal, tương đương với 50g đường.

Uống sữa, sữa đậu nành lượng vừa phải cũng có thể là giải pháp tốt để thay thế nước ngọt.

Sữa thường chứa 5% đường lactose tự nhiên, mang lại hương vị ngọt ngào. Sữa bao gồm khoảng 90% nước và cung cấp các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể người, bao gồm protein, vitamin A và vitamin D.

4. Trái cây và nước ép trái cây

Nước ép trái cây có đường làm tăng nguy cơ bị bệnh tiểu đường. Nếu bạn thực sự muốn uống nước ép trái cây, hãy chọn nước ép trái cây nguyên chất 100%. Tuy nhiên, cách tốt nhất là ăn thay vì uống nước trái cây.

Một tổng quan và phân tích gộp được công bố trên Tập san The American Journal of Clinical Nutrition (Dinh dưỡng Lâm sàng Hoa Kỳ) vào tháng Tư với hơn 10,000 người tham gia để đánh giá các tác động khác nhau của fructose từ các nguồn thực phẩm khác nhau đối với sức khỏe con người. Kết quả cho thấy việc tiêu thụ nước ép trái cây 100% với liều lượng thấp hơn, tức là lượng calorie không vượt quá 10% mức năng lượng tiêu thụ hàng ngày, giúp giảm trọng lượng và chỉ số khối cơ thể. Tuy nhiên, khi lượng calorie từ nước ép trái cây 100% vượt quá 10% mức năng lượng tiêu thụ hàng ngày, số đo vòng eo của những người tham gia đã tăng nhẹ.

Chất làm ngọt không đường

Chất làm ngọt không đường được sử dụng rộng rãi trong thức uống và thực phẩm, thường được dán nhãn là “không đường” hoặc “ít calorie.”

Chất làm ngọt không đường, còn được gọi là chất làm ngọt có hàm lượng calorie thấp, chất làm ngọt cường độ cao, chất làm ngọt nhân tạo và chất thay thế đường, có hàm lượng calorie thấp hoặc không có calorie nhưng mang lại mức độ ngọt cao hơn so với chất làm ngọt chứa calorie như đường ăn và syrup bắp.

FDA đã chấp thuận sáu chất làm ngọt không đường làm phụ gia thực phẩm, bao gồm acesulfame potassium, aspartame, advantame, neotame, saccharin, và sucralose.

Tuy nhiên, Tổ chức Y tế Thế giới đã đưa ra hướng dẫn mới vào tháng Năm liên quan đến chất làm ngọt không đường, khuyến nghị không nên dùng những chất này để kiểm soát cân nặng hoặc giảm nguy cơ bị các bệnh không lây nhiễm. Tổng quan về các bằng chứng hiện có cho thấy việc sử dụng các chất làm ngọt không đường kéo dài có thể mang đến những nguy hại tiềm ẩn, bao gồm cả tăng nguy cơ bị các bệnh tim mạch, tiểu đường loại 2 và tử vong ở người lớn.

Nam Khanh biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Lisa Bian
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Lisa Bian, là chuyên gia chăm sóc sức khỏe có bằng Cử nhân Khoa học Y khoa. Với nền tảng kiến thức phong phú, bà đã tích lũy được hơn ba năm kinh nghiệm thực tế với tư cách là bác sĩ Trung y. Ngoài chuyên môn lâm sàng, bà còn là nhà văn thành đạt ở Nam Hàn, có những đóng góp quý giá cho The Epoch Times. Những tác phẩm sâu sắc của bà bao gồm nhiều chủ đề, bao gồm y học tích hợp, xã hội, văn hóa Nam Hàn và quan hệ quốc tế.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn