Tăng sức chịu đựng để thành công hơn

Mức năng lượng là một yếu tố dự báo quan trọng của sự thành công, và mức năng lượng này không cố định như bạn vẫn nghĩ

Sức chịu đựng là chìa khóa để gặt hái thành công trong cuộc sống. Nhưng làm thế nào để có một sức chịu đựng tốt? Dưới đây là 10 giải pháp hữu ích.

Nếu định nghĩa thành công là đạt được những gì bản thân đặt ra, thì tất cả chúng ta đều mong muốn thành công dưới một dạng hoặc hình thức nào đó. Tất cả chúng ta đều muốn những cố gắng của mình có hiệu quả hơn là dẫn đến thất bại.

Mặc dù, theo cách dùng hiện đại, “thành công” đồng nghĩa với danh tiếng, giàu có và quyền lực, nhưng những theo đuổi nông cạn này không phải là những thành tựu duy nhất trong cuộc sống.

Chúng ta có thể nhắm đến sự thành công trong hôn nhân, tình bạn, đức tin hoặc thực hiện các hoạt động giúp thế giới trở nên tốt đẹp hơn. Chúng ta cũng có thể thành công trong việc tận hưởng cuộc sống, phát triển nhân đức hoặc sống một cách phóng khoáng.

Tôi tin rằng chúng ta nên khuyến khích tất cả các thế hệ tham vọng nhất có thể để chạm đến những loại thành công thực sự quan trọng. Và để làm được như vậy, chúng ta cần thảo luận chuyên sâu về những đặc điểm tính cách nào thực sự dẫn đến thành công.

Những điều khác biệt ở người thành công

Nếu đã từng tiếp xúc gần gũi với một người thành công, qua thời gian lâu, một trong những điều cơ bản bạn sẽ nhận thấy ở họ là nguồn năng lượng và sức chịu đựng nhiều hơn đáng kể so với người bình thường. Những người thành công thường tràn đầy năng lượng – cả về thể chất lẫn tinh thần.

Tất nhiên, sức chịu đựng không phải là thứ cần thiết duy nhất để thành công, nhưng bất kỳ sự mưu cầu đáng giá nào cũng cần đến rất nhiều nghị lực. Một nguồn năng lượng ổn định sẽ giúp hoàn thành tất cả các việc phải làm và vượt qua những trắc trở.

Trên con đường theo đuổi mục đích, trí thông minh không tự dưng chuyển thành thành công. Thật khó để tạo dựng một thứ gì đó mới trong thế giới hiện thực. Thành công thường đến với những người gắn bó lâu dài với một ý tưởng [nhất định] và khao khát tiếp tục học hỏi và phát triển trong suốt chặng đường.

Nếu một cuộc đua kéo dài đủ lâu, người chiến thắng không phải là người nhanh nhất mà là người có sức chịu đựng tốt nhất. Tôi cho rằng đây là mô hình hữu ích nhất để suy nghĩ về thành công trong thế giới hiện đại này. [Mặc dù] bị đánh giá thấp nhưng sức chịu đựng chính là chìa khóa thành công.

Sức chịu đựng không phải là một đặc điểm tính cách cố định

Sức chịu đựng là khả năng duy trì sự cố gắng qua một quãng thời gian dài. Đặc điểm thường gặp ở những người tràn đầy năng lượng này dường như đến từ nguồn nhiệt huyết vô tận đối với các hoạt động trong cuộc sống.

Trong một thời gian dài, tôi đã nghĩ rằng mức năng lượng là một đặc điểm tương đối cố định. Chúng ta không thể tác động gì nhiều để tạo ra sự thay đổi. Một số người có nhiều năng lượng và một số người thì không.

Nhưng tôi đã phát hiện ra một số lỗ hổng trong lý thuyết đó khi suy ngẫm về cuộc sống của chính mình. So với giữa hai người khác nhau, trạng thái cảm xúc thậm chí còn tạo ra sự khác biệt về mức năng lượng lớn hơn.

Vào những ngày cảm thấy chán nản hoặc căng thẳng, tôi hoàn toàn cạn kiệt năng lượng. Nhưng, vào những ngày đầy hào hứng bởi sự tiến bộ hoặc hy vọng về một ý tưởng mới, tôi cảm thấy mình có đủ năng lượng để làm tất cả mọi thứ.

Sức khỏe thể chất của tôi dường như cũng giữ một vai trò nhất định nhưng với tác động ít đột ngột hơn. Sự thay đổi về sức khỏe thể chất xảy ra sau các yếu tố đầu vào [các thay đổi] thực tế một khoảng thời gian nhất định. Chẳng hạn, tôi có thể vẫn ổn khi ngủ ít hơn và ăn uống vô độ trong một thời gian, nhưng cuối cùng sẽ vẫn phải gánh chịu những hậu quả.

Trạng thái cảm xúc và sự sẵn sàng về thể chất như thể là hai phiên bản hoàn toàn khác nhau tồn tại bên trong tôi. Cuộc sống của tôi có thể sẽ đi theo những quỹ đạo vô cùng khác biệt khi một trong những “phần bản thân” này chiếm thế thượng phong và bắt đầu điều phối các hoạt động.

Suy nghĩ đó đã tác động sâu sắc đến cách thức thực thi công việc hiệu quả của tôi, khiến tôi phải tìm cách nâng cao vĩnh viễn mức năng lượng của mình.

10 cách thiết thực để tăng sức chịu đựng

Sự thay đổi cơ bản nhất trong suy nghĩ của tôi là từ bỏ một mô hình phổ biến nhưng vô ích – rằng năng lượng giống như một chiếc bình dần cạn kiệt khi sử dụng.

Tôi nhận ra rằng năng lượng đã tiêu hao không nhất thiết bị mất đi, mà giống như một khoản đầu tư, có thể sinh ra một nguồn năng lượng mới. Việc tìm kiếm các vòng phản hồi tích cực giúp tăng sức sống thêm cấp số nhân, và tránh những vòng phản hồi tiêu cực, đã trở thành một phần quan trọng trong việc quản lý năng lượng của tôi.

Dưới đây là những thực hành hữu ích nhất đối với tôi:

1. Rèn luyện thể chất

Tôi không nghĩ mình có bất cứ điều gì thú vị để nói ở đây, nhưng gần như mọi người đều đánh giá thấp sức mạnh của việc chăm sóc cơ thể tốt hơn một chút.

2. Cải thiện sức co bóp của tim

Dành một giờ mỗi ngày để vận động cơ thể và tăng nhịp tim. Một nghiên cứu tổng hợp năm 2006 trên Tập san Psychological Bulletin cho thấy tập thể dục thường xuyên là một cách đáng tin cậy để tăng cảm giác tràn đầy năng lượng, giảm mệt mỏi. Đối với tôi, những chuyến đi bộ dài quanh khu phố đồi núi đã trở thành một trong những khoảng thời gian tuyệt vời nhất trong ngày và là cách giải tỏa căng thẳng tuyệt vời.

3. Ưu tiên giấc ngủ

Hãy cố gắng đi ngủ vào một thời điểm hợp lý cũng như không lãng phí thời gian buổi tối trước màn hình điện tử.

4. Ăn uống đúng cách để nạp năng lượng

Ngoài những vấn đề sức khỏe lâu dài (một yếu tố quan trọng khác cần cân nhắc), để có nguồn năng lượng [dồi dào] từ việc ăn uống, hãy lắng nghe cơ thể và ăn những thực phẩm khiến bạn luôn cảm thấy thoải mái và không gây sụt giảm mức năng lượng vào giữa ngày.

5. Thực hành tâm lý

Phương pháp này thật sự có thể tạo ra điều kỳ diệu. Tôi tin rằng hầu hết mọi người đều chưa đạt đến mức năng lượng tối đa thực sự. Điều cản trở họ chỉ đơn giản là những gì họ tin là có thể.

Liệu có tồn tại hiệu ứng giả dược ở đây hay không? Câu trả lời chắc hẳn là có. Hiệu ứng giả dược là một hiện tượng đã được chứng minh và dường như đang phát triển mạnh mẽ hơn theo thời gian. Phản ứng ngạc nhiên về điều này cho thấy chúng ta đã vô cùng đánh giá thấp sức mạnh của niềm tin trong việc hình thành và kích hoạt cơ thể vật lý như thế nào.

6. Thay đổi suy nghĩ

Ví dụ, việc liên tục nói “Tôi cảm thấy mệt mỏi,” sẽ làm củng cố niềm tin rằng bạn là người dễ mệt mỏi. Đó là lý do vì sao tôi hiếm khi dùng cụm từ này. Thay vào đó, tôi tự nhủ rằng mình là người có nguồn năng lượng vô tận. Và khi thực sự mệt mỏi, tôi tự nhủ rằng một đêm nghỉ ngơi chính là điều tôi cần cho một ngày làm việc tiếp theo.

7. Lạc quan khi đối mặt với thách thức

Nghiên cứu trên Tập san Social Science & Medicine cho thấy sức chịu đựng có tương quan với cách nhìn tích cực khi ở trong nghịch cảnh. Sự lạc quan sẽ giúp tăng mức năng lượng theo cấp số nhân trong khi sự bi quan thì ngược lại.

8. Hành động như người mà bạn muốn trở thành

Trong cuốn sách “Outliers,” tác giả Malcolm Gladwell chỉ ra rằng phần lớn những cầu thủ khúc côn cầu giỏi nhất được sinh ra trong khoảng thời gian từ tháng Giêng đến tháng Ba. Lợi thế sinh sớm khiến những trẻ này và mọi người xung quanh nghĩ rằng các em là những người chơi giỏi hơn. Không có gì ngạc nhiên khi các trẻ sinh sớm cuối cùng đã rèn luyện đủ sức chịu đựng để trở thành người dẫn đầu.

9. Tiến bộ nhanh chóng

Con người thường được tưởng thưởng bằng những chỉ số tiến bộ rõ ràng – một lý do chính giải thích vì sao trò chơi điện tử lại phổ biến đến vậy và vì sao chúng ta thích đánh dấu các mục trong danh sách. Tôi cố gắng bắt đầu mỗi ngày bằng hai giờ làm việc cho những nhiệm vụ quan trọng nhất. Thực hành này đã thay đổi đáng kể mức năng lượng của tôi trong quãng thời gian còn lại của một ngày.

10. Giải tỏa căng thẳng

Căng thẳng kinh niên không chỉ có hại cho sức khỏe lâu dài mà còn làm giảm mức năng lượng. Điều này giống như một gánh nặng tinh thần khiến bạn ngạt thở và phải cố gắng để vượt qua. Vì vậy, hãy cố gắng tìm cách giảm bớt căng thẳng phù hợp – có thể là đi bộ đường dài, tắm nước nóng hoặc nói chuyện với một người bạn – chỉ cần đừng để căng thẳng gia tăng mà không giải quyết.

Trang blog This Evergreen Home của anh Mike (cùng với vợ là cô Mollie) là nơi họ chia sẻ những trải nghiệm của mình về cách sống đơn giản, chủ động, và có kết nối trong xã hội hiện đại. Quý vị có thể theo dõi bằng cách ghi danh để nhận bản tin hai lần một tuần.

Tú Liên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times

Mike Donghia
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Mike (và vợ anh ấy, Mollie) viết blog tại This Evergreen Home. Đây là nơi họ chia sẻ những kinh nghiệm sống đơn giản, có chủ đích và có tương quan trong thế giới hiện đại này. Bạn có thể theo dõi bằng cách đăng ký nhận bản tin hai lần một tuần của họ.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn