9 loại thảo mộc và gia vị chống lại điện từ trường

Cách phục hồi cơ thể nhờ công dụng mạnh mẽ của các loại thảo mộc và gia vị

Các loại thảo mộc, gia vị (và nấm) có thể bảo vệ chúng ta khỏi những thiệt hại tiềm ẩn do phơi nhiễm với bức xạ điện từ trường nhân tạo.

Sự phơi nhiễm của chúng ta với các trường điện từ tần số vô tuyến (EMF) nhân tạo đã tăng lên đáng kể trong những thập niên gần đây. Từ điện thoại di động và máy tính xách tay đến các điểm truy cập Wi-Fi, bộ định tuyến, đồng hồ thông minh, ăng-ten trên tháp di động, thiết bị Bluetooth và điện thoại không dây, tất cả những thiết bị này khiến chúng ta gần như không thể tránh được EMF nhân tạo.

Mặc dù chính phủ và ngành công nghiệp đảm bảo rằng việc phơi nhiễm gần như liên tục với các nguồn bức xạ này là an toàn, nhưng các tiêu chuẩn hiện tại về việc phơi nhiễm với EMF chủ yếu dựa trên các hiệu ứng nhiệt. Tuy nhiên, điều gây hại nhất có thể là sự xâm nhập vào mô trực tiếp, không sinh nhiệt.

Các ảnh hưởng sức khỏe lâu dài tiềm tàng của việc tiếp xúc với EMF liều thấp hiếm khi được nghiên cứu trước khi ra mắt hàng loạt các công nghệ này. Một nghiên cứu năm 2009 được công bố trên Pathophysiology đã báo cáo rằng việc tiếp xúc lâu dài với EMFs “làm tăng nguy cơ bị cả bệnh Alzheimer và ung thư vú.”

Cụ thể, EMFs có thể thâm nhập vào các mô và làm giảm sản xuất melatonin. Điều này có thể góp phần vào sự phát triển hoặc tiến triển của bệnh Alzheimer và ung thư vú.

EMFs cũng có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản ở cả nam và nữ. Một nghiên cứu được công bố trên Tập san Tiết niệu Trung Âu năm 2014 đã kiểm tra khả năng vận động của tinh trùng và sự phân mảnh DNA trong các mẫu tinh trùng của những người đàn ông khỏe mạnh sau khi tiếp xúc với điện thoại di động ở “chế độ đàm thoại” trong 5 giờ. So với nhóm đối chứng, tiếp xúc với bức xạ điện thoại di động làm giảm khả năng vận động của tinh trùng và tăng mức độ phân mảnh DNA.

Vào năm 2017, một nghiên cứu thuần tập tiến cứu trên 913 phụ nữ mang thai được công bố trên tập san Scientific Reports đã kết luận rằng những phụ nữ tiếp xúc với lượng bức xạ EMF cao hơn có nguy cơ sảy thai cao gấp 2.72 lần so với những phụ nữ tiếp xúc với EMF thấp hơn.

“Nghiên cứu này giúp cung cấp bằng chứng mới, trực tiếp từ quần thể người, rằng bức xạ không ion hóa [từ trường] MF có thể gây ra tác động sinh học bất lợi đối với sức khỏe con người,” các tác giả viết.

EMF cũng làm tăng sản xuất các gốc tự do và các loại oxy phản ứng dẫn đến tăng căng thẳng oxy hóa. Các nghiên cứu gần đây đã kết luận rằng căng thẳng oxy hóa đóng vai trò chính trong nguyên nhân của các bệnh kinh niên, chẳng hạn như bệnh tim mạch, lão hóa, ung thư và rối loạn chức năng não. Do đó, việc tiếp xúc lâu dài với EMFs có thể góp phần gây ra bệnh kinh niên là điều hợp lý.

Ví dụ, dựa trên nguy cơ ung thư não gia tăng liên quan đến việc dùng điện thoại không dây, Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế đã phân loại các trường điện từ vô tuyến là có thể gây ung thư cho con người.

Ủy ban khoa học của Hội đồng Âu Châu về Các rủi ro sức khỏe mới nổi và mới được xác định đã đồng tình rằng các EMF tần số thấp “có thể gây ung thư” dựa trên bằng chứng về tỷ lệ gia tăng bệnh bạch cầu ở trẻ em và bệnh Alzheimer ở ​​người lớn.

Phơi nhiễm với EMF cũng có thể dẫn đến hiện tượng quá mẫn cảm điện từ (EHS), được đặc trưng bởi sự xuất hiện của các triệu chứng sau khi tiếp xúc với EMF.

Các triệu chứng bao gồm cả viêm cấp tính đến kinh niên ở nhiều hệ cơ quan, nhưng chủ yếu xuất hiện ở da hoặc hệ thần kinh. Ví dụ, mệt mỏi, chóng mặt, nhức đầu, các vấn đề về tập trung hoặc trí nhớ, trầm cảm, cảm giác da nóng rát và rối loạn giấc ngủ là những triệu chứng phổ biến của EHS.

Nghiên cứu hiện tại cho thấy việc giảm phơi nhiễm EMF nhân tạo có thể cải thiện sức khỏe và thể chất, đặc biệt là ở những nhóm người nhạy cảm. Hiện có nhiều chiến lược khác nhau để giảm thiểu EMF, chẳng hạn như che chắn và giữ khoảng cách. Tuy nhiên, một chiến lược thường bị bỏ qua là các loại thảo mộc và gia vị.

Với nhiều hợp chất chống oxy hóa và chống viêm, các loại thảo mộc và gia vị có thể giúp cơ thể chữa lành những tổn thương do tiếp xúc với EMF nhân tạo. Bằng cách khai thác khả năng chữa bệnh của các loại thảo mộc, chúng ta có thể phục hồi tốt hơn khi phải tiếp xúc với lượng EMF ngày càng tăng.

Bạn hãy luôn tham khảo ý kiến của nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe trước khi dùng các loại thảo mộc, chất bổ sung hoặc muốn thay đổi thuốc hoặc phác đồ y tế.

Dưới đây là danh sách các loại thảo mộc và gia vị đã được nghiên cứu về khả năng bảo vệ trước EMF.

1. Nghệ

Củ nghệ có tác dụng chống viêm, chống oxy hóa và điều hòa miễn dịch. (Ảnh: Shutterstock)
Củ nghệ có tác dụng chống viêm, chống oxy hóa và điều hòa miễn dịch. (Ảnh: Shutterstock)

Đông Y đã dùng củ nghệ trong hàng ngàn năm, đặc biệt là để điều trị các tình trạng viêm nhiễm. Một bài đánh giá năm 2021 được công bố trên Biofactors đã phân tích các nghiên cứu trước đây và xác nhận rằng nghệ có tác dụng chống viêm, chống oxy hóa và điều hòa miễn dịch, đồng thời có thể được dùng để điều trị “rối loạn điều hòa miễn dịch, oxy hóa và viêm.”

Củ nghệ cũng là một loại thảo mộc chống bức xạ mạnh mẽ một phần do khả năng giảm viêm. Curcumin, một hợp chất có trong nghệ, có khả năng đóng vai trò chính trong tác dụng ức chế viêm và ngăn ngừa tổn thương do tiếp xúc với EMF.

Phơi nhiễm EMF có thể làm tăng sản xuất các cytokine gây viêm, chẳng hạn như yếu tố hoại tử khối u-alpha, interleukin-6 và interleukin-1beta. Những cytokine này có thể góp phần hình thành các bệnh thần kinh. Theo một nghiên cứu được công bố trên Tập san Neuroinflammation, curcumin có thể ức chế sản xuất các cytokine gây viêm sau khi tiếp xúc với bức xạ EMF.

Một nghiên cứu được công bố trên Tập san Giải phẫu thần kinh hóa học vào năm 2022 đã báo cáo rằng EMF phát ra từ điện thoại di động trong một giờ mỗi ngày trong 28 ngày đã làm giảm đáng kể tổng số tế bào thần kinh ở vùng hải mã của chuột so với nhóm đối chứng. Cấu trúc tế bào thần kinh cũng bị thay đổi theo hướng tiêu cực. Tuy nhiên, theo các tác giả, chất curcumin cung cấp “sự bảo vệ đáng kể” giúp chống lại thiệt hại do EMF gây ra.

Những nghiên cứu này cho thấy rằng việc tiêu thụ nghệ có thể làm giảm tác động tiêu cực của bức xạ EMF nhân tạo đối với cơ thể.

Củ nghệ có thể được tiêu thụ như thực phẩm và thường có mặt trong các món ăn của Ấn Độ như cà ri. Nghệ cũng là một thành phần tuyệt vời trong các món súp, món hầm và hàng trăm món ăn khác. Ngoài ra, củ nghệ có thể dùng dưới dạng salad. Bạn cũng có thể thêm bột nghệ vào sinh tố, nước sốt hay rắc lên trên rau. Các chất bổ sung của nghệ được bày bán rộng rãi.

THẬN TRỌNG: Không nên bổ sung nghệ trong khi mang thai. Củ nghệ là một chất làm loãng máu và có thể cản trở tác dụng của thuốc làm loãng máu. Những người bị thiếu sắt, tiểu đường, các vấn đề về túi mật, các vấn đề về đông máu hoặc lạc nội mạc tử cung nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng nghệ.

2. Bạch quả

Bạch quả đã được xác định là có ít nhất 50 tác dụng sinh lý hữu ích khác nhau. (Ảnh: Ginkgo Biloba/Shutterstock)
Bạch quả đã được xác định là có ít nhất 50 tác dụng sinh lý hữu ích khác nhau. (Ảnh: Ginkgo Biloba/Shutterstock)

Bạch quả là một trong những loài cây sống lâu đời nhất. Trung Y dùng bạch quả để bài tiết năng lượng ứ trệ trong các cơ quan quan trọng và kích thích lưu thông máu khắp cơ thể.

Thời nay, bạch quả được dùng để làm dịu cơn đau đầu, hỗ trợ điều trị các bệnh hô hấp, tiểu đường, chống trầm cảm và lo lắng, chống lại các gốc tự do, và bảo vệ não khỏi quá trình lão hóa nhờ đặc tính chống oxy hóa phong phú.

Bạch quả cũng có thể chống lại bức xạ EMF. Trong một nghiên cứu được công bố trên Tập san Hóa học Lâm sàng Quốc tế, chuột tiếp xúc với EMF từ điện thoại di động (nhóm chứng) trong một giờ mỗi ngày trong bảy ngày đã bị tổn thương oxy hóa ở não.

Tuy nhiên, những con chuột được cho uống bạch quả trước khi tiếp xúc với điện thoại di động không bị căng thẳng oxy hóa. Các tác giả kết luận rằng bạch quả đã “ngăn” mô não bị tổn thương do tiếp xúc với EMF.

Bạn có thể dùng bạch quả dưới dạng trà, cồn, chiết xuất lá, hạt rang hoặc ở dạng viên nén.

THẬN TRỌNG: Bạch quả có hoạt tính kháng tiểu cầu và có thể làm tăng tác dụng của các thuốc chống đông máu khác. Hãy tham khảo ý kiến ​của nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe trước khi dùng. Hạt bạch quả tươi ở dạng thô có thể gây độc và được xem là không an toàn. Phụ nữ đang mang thai hoặc cho con bú nên tham khảo ý kiến ​​của nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe trước khi dùng ginkgo.

3. Nhân sâm

Nhân sâm tươi. Nhân sâm có đặc tính chống ung thư và bảo vệ thần kinh. (Ảnh: Shutterstock)
Nhân sâm tươi. Nhân sâm có đặc tính chống ung thư và bảo vệ thần kinh. (Ảnh: Shutterstock)

Trung Y dùng nhân sâm như một chất làm tăng khả năng thích ứng của cơ thể (adaptogen) vì nhiều công dụng chữa bệnh, bao gồm chống lão hóa và chống đột biến [gene].

Gần đây, các nghiên cứu đã xác minh nhiều lợi ích sức khỏe của nhân sâm, bao gồm các đặc tính chống ung thư và bảo vệ thần kinh, cũng như tác dụng dược lý trong điều trị bệnh tiểu đường và bệnh tim mạch.

Nhân sâm cũng có thể chống lại phơi nhiễm phóng xạ. Một nghiên cứu được công bố vào năm 2014 đã chứng minh rằng khi chuột tiếp xúc với bức xạ điện thoại di động trong 4 giờ mỗi ngày trong 12 ngày, các tế bào gan sẽ bị tổn thương và xuất hiện tổn thương oxy hóa. Tuy nhiên, các tế bào gan không bị tổn thương ở những con chuột được uống nhân sâm.

Một nghiên cứu khác cho thấy tác dụng bảo vệ thần kinh của nhân sâm ở vùng hải mã và ngăn ngừa suy giảm trí nhớ ở chuột sau khi tiếp xúc với EMF.

Ngoài ra, nhân sâm cũng cung cấp khả năng bảo vệ chống lại tổn thương DNA do bức xạ gamma gây ra.

Nhân sâm có thể được dùng dưới dạng trà, cồn, chiết xuất hoặc chất bổ sung thường dưới dạng viên nang.

THẬN TRỌNG: Nhân sâm có thể tương tác với một số loại thuốc theo toa. Cả nhân sâm Á Châu và Mỹ Châu đều có thể tương tác với thuốc làm loãng máu. Nhân sâm châu Á cũng có thể tương tác với thuốc chẹn kênh canxi, các loại thuốc huyết áp khác cũng như statin, thuốc chống trầm cảm và hóa trị. Phụ nữ có thai hoặc cho con bú nên tham khảo ý kiến ​​của nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe trước khi dùng nhân sâm.

4. Trà xanh

Trà xanh có tác dụng chống viêm, chống oxy hóa, chống viêm khớp, kháng khuẩn và kháng virus. (Ảnh: Thinkstock)
Trà xanh có tác dụng chống viêm, chống oxy hóa, chống viêm khớp, kháng khuẩn và kháng virus. (Ảnh: Thinkstock)

Y học cổ truyền Á Châu đã dùng trà xanh để điều trị nhiều bệnh, với đặc tính nổi tiếng nhất là hàm lượng chất chống oxy hóa dồi dào.

Các nghiên cứu đã xác nhận nhiều lợi ích sức khỏe của trà xanh bao gồm ngăn ngừa ung thư và bệnh tim mạch, cũng như tác dụng chống viêm, chống oxy hóa, chống viêm khớp, kháng khuẩn và kháng virus.

Trà xanh cũng có thể chống lại phơi nhiễm EMF.

Trà xanh có thể bảo vệ tế bào thần kinh trong não chống lại bức xạ điện thoại di động. Trà xanh chứa các polyphenol giúp ngăn ngừa chết tế bào thần kinh khi tiếp xúc với điện thoại di động trong 24 giờ ở tế bào chuột nuôi cấy.

Ở những người công nhân tiếp xúc với EMF từ đường dây điện cao thế, bổ sung polyphenol trà xanh trong 12 tháng cũng có tác dụng làm giảm tổn thương oxy hóa.

Các tác giả viết: “Chúng tôi nhận thấy tác động tiêu cực của đường dây điện cao thế đối với sức khỏe của người lao động. Bổ sung polyphenol trà xanh dài hạn có thể là một giải pháp bảo vệ hiệu quả giúp chống lại các vấn đề sức khỏe do đường dây điện cao thế gây ra.”

Bạn có thể dùng trà xanh dưới dạng trà, chiết xuất hoặc chất bổ sung như viên nang.

THẬN TRỌNG: Những trường hợp sau nên tham khảo ý kiến nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe trước khi dùng trà xanh: thiếu máu, rối loạn lo âu, rối loạn đông máu, bệnh tim, tiểu đường, cao huyết áp, bệnh tăng nhãn áp, hội chứng ruột kích thích, bệnh gan, hoặc loãng xương, phụ nữ có thai hoặc cho con bú.

5. Cây biển súc

Cây biển súc chứa phenolics và flavonoid có đặc tính chống oxy hóa và chống ung thư. (Ảnh: Shutterstock)
Cây biển súc chứa phenolics và flavonoid có đặc tính chống oxy hóa và chống ung thư. (Ảnh: Shutterstock)

Các thầy lang dùng cây biển súc để điều trị ung thư vì chứa phenolic và flavonoid mang các đặc tính chống oxy hóa và chống ung thư. Loại thảo dược này cũng được nghiên cứu về khả năng điều trị các bệnh liên quan đến lão hóa.

Cây biển súc, thường được gọi là cây rau đắng, cũng có thể chống lại tổn thương do tiếp xúc với EMF.

Tiếp xúc với các EMF tần số vô tuyến, chẳng hạn như máy tính xách tay và điện thoại di động làm giảm khả năng vận động và phát triển của tinh trùng. Một nghiên cứu được công bố vào năm 2011 đã báo cáo về tác dụng bảo vệ của cây biển súc sau khi tiếp xúc với EMF ở chuột.

Sau hai tháng tiếp xúc với EMF, tinh trùng bị giảm vận động và xuất hiện khiếm khuyết trong hình thái. Tuy nhiên, ở những con chuột được bổ sung chiết xuất cây biển súc vẫn bảo toàn khả năng vận động và phát triển của tinh trùng.

Lá non của cây biển súc có thể ăn sống hoặc nấu chín, hoặc sấy khô để pha trà. Hạt cây cũng có thể được ăn ở dạng nguyên hạt hoặc sấy khô và nghiền thành bột để làm bánh. Các chất bổ sung, chẳng hạn như viên nang, cũng được bày bán sẵn.

THẬN TRỌNG: Nếu bạn đang dùng thuốc theo toa hoặc có thai hoặc cho con bú, hãy nên tham khảo ý kiến ​​của nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe trước khi dùng cây biển súc.

6. Hương thảo

Hương thảo là một loại thảo mộc đa năng có thể được dùng trong các loại trà, tinh dầu và nấu ăn hàng ngày. Hương thảo cũng là một liệu pháp hiệu quả với một số công dụng. (Ảnh: ShutterStock)
Hương thảo là một loại thảo mộc đa năng có thể được dùng trong các loại trà, tinh dầu và nấu ăn hàng ngày. Hương thảo cũng là một liệu pháp hiệu quả với một số công dụng. (Ảnh: ShutterStock)

Hương thảo có lịch sử trị bệnh từ ít nhất 500 năm trước Công nguyên. Theo truyền thống, loại thảo dược này được dùng để giảm nhẹ nhiều tình trạng khác nhau, từ suy giảm tinh thần đến động kinh, đau đớn và vô sinh.

Thời nay, hương thảo được nghiên cứu về khả năng làm giảm viêm nhiễm và suy giảm thần kinh. Hương thảo cũng có thể bảo vệ cơ thể khỏi những tổn thương tiềm ẩn do tiếp xúc với EMF.

Phơi nhiễm với EMF làm giảm mức độ hormone nam ở chuột, bao gồm cả testosterone. Tuy nhiên, mức độ hormone nam ở chuột được dùng chiết xuất lá hương thảo đã cho thấy sự cải thiện. Ngoài ra, cây hương thảo còn ức chế tác động phá hủy của trường điện từ đối với mô tinh hoàn.

Vào năm 2021, một nghiên cứu khác được công bố trên Nghiên cứu ô nhiễm và khoa học môi trường đã kết luận rằng chiết xuất lá hương thảo “đem lại sự bảo vệ đáng kể” chống lại tổn thương gan do EMF gây ra ở chuột.

Bạn có thể dùng hương thảo dưới dạng thực phẩm tươi hoặc khô, cũng như chiết xuất.

THẬN TRỌNG: Những trường hợp sau nên tham khảo ý kiến của nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe trước khi dùng hương thảo: viêm dạ dày ruột, lạc nội mạc tử cung, táo bón, động kinh, bệnh thoái hóa thần kinh và mất ngủ, phụ nữ có thai hoặc cho con bú.

7. Hương nhu

Hương nhu có tác dụng chống viêm, trị đái tháo đường, chống căng thẳng, chống ung thư, bảo vệ cơ thể khỏi phóng xạ, bảo vệ hệ thần kinh, tim mạch, lá gan, và điều hòa miễn dịch. (Ảnh: Infinity T29/Shutterstock)
Hương nhu có tác dụng chống viêm, trị đái tháo đường, chống căng thẳng, chống ung thư, bảo vệ cơ thể khỏi phóng xạ, bảo vệ hệ thần kinh, tim mạch, lá gan, và điều hòa miễn dịch. (Ảnh: Infinity T29/Shutterstock)

Khác với húng quế ngọt trong các món sốt pesto, hương nhu đã được biết đến từ hàng nghìn năm nhờ các đặc tính chữa bệnh. Người theo đạo Hindu ở tiểu lục địa Ấn Độ xem loại thảo mộc này là điều linh thiêng.

Khoa học đã chứng minh hương nhu có tác dụng chống viêm, trị đái tháo đường, chống căng thẳng, chống ung thư, bảo vệ khỏi phóng xạ, bảo vệ hệ thần kinh, tim mạch, lá gan và điều hòa miễn dịch.

Hương nhu là một chất làm tăng khả năng thích ứng, giúp ích cho hoạt động chống oxy hóa nội sinh của cơ thể để chống lại căng thẳng oxy hóa. Ví dụ, hương nhu chứa nhiều chất phytochemical như acid rosmarinic, eugenol, apigenin và acid carnosic.

Các hợp chất này có tác dụng ngăn ngừa ung thư da, gan, khoang miệng và phổi do hóa chất bằng cách tăng hoạt động chống oxy hóa, thay đổi biểu hiện gene bao gồm điều chỉnh lại quá trình chết theo chương trình và ức chế di căn, cũng như ngăn ngừa tổn thương DNA do bức xạ.

Ngoài ra, hương nhu cũng có chứa flavonoid, chẳng hạn như orintin và vicenin, giúp bảo vệ chuột chống lại bệnh tật và tử vong do bức xạ gamma gây ra.

Do khả năng chống oxy hóa, giảm căng thẳng oxy hóa và bảo vệ chống lại bức xạ gamma, hương nhu có thể giúp bảo vệ cơ thể khỏi EMFs.

Lá hương nhu có thể được dùng để chế biến món ăn ở Đông Nam Á với vị cay, và hương thơm mùi chanh, chẳng hạn các món xào của Thái Lan.

THẬN TRỌNG: Những người đang dùng thuốc làm loãng máu, có mức đường máu thấp, phụ nữ có thai hoặc đang cố gắng thụ thai không nên dùng hương nhu.

8. Nhân sâm Ấn Độ

Nhân sâm Ấn Độ có đặc tính chống oxy hóa, chống viêm, điều hòa miễn dịch, giảm căng thẳng, ngăn ngừa bệnh Parkinson, Alzheimer, tiểu đường, bảo vệ tim mạch, bảo vệ thần kinh và chống ung thư. (Ảnh: Eskymaks/Shutterstock)
Nhân sâm Ấn Độ có đặc tính chống oxy hóa, chống viêm, điều hòa miễn dịch, giảm căng thẳng, ngăn ngừa bệnh Parkinson, Alzheimer, tiểu đường, bảo vệ tim mạch, bảo vệ thần kinh và chống ung thư. (Ảnh: Eskymaks/Shutterstock)

Là chất làm tăng khả năng thích ứng phổ biến nhất thế giới, nhân sâm Ấn Độ đã được dùng từ thời cổ đại cho sức khỏe sinh sản và hiện đang được dùng cho nhiều loại bệnh từ giảm lo lắng đến tăng tuổi thọ.

Các nghiên cứu khoa học xác nhận rằng nhân sâm Ấn Độ có chứa chất chống oxy hóa, chống viêm, điều hòa miễn dịch, giảm căng thẳng, ngăn ngừa bệnh Parkinson, Alzheimer, tiểu đường, bảo vệ tim mạch, bảo vệ thần kinh và chống ung thư.

Ví dụ, nhân sâm Ấn Độ ức chế sự di căn của ung thư vú ở chuột với tác dụng phụ tối thiểu. Thảo dược này cũng giúp giảm thiểu tác dụng phụ không mong muốn của xạ trị gamma bằng cách bảo vệ gan khỏi bị tổn thương và tăng khả năng chống oxy hóa ở chuột.

Các đặc tính bảo vệ mạnh mẽ của nhân sâm Ấn Độ một phần có thể là do khả năng chống oxy hóa và chống lại căng thẳng oxy hóa. Ví dụ, y học Ayurvedic đã dùng nhân sâm Ấn Độ trong hàng nghìn năm để điều trị nhiều chứng rối loạn thần kinh. Một tổng quan hệ thống gần đây về các tài liệu khoa học đã kết luận rằng thảo dược này giúp bảo vệ não khỏi căng thẳng oxy hóa.

Nhờ các đặc tính chống oxy hóa mạnh mẽ và có thể bảo vệ chống lại căng thẳng oxy hóa do các tác nhân gây căng thẳng vật lý và hóa học, chẳng hạn như bức xạ, nên nhân sâm Ấn Độ cũng có thể chống lại các dạng bức xạ khác, bao gồm cả EMF tần số vô tuyến.

Nhân sâm Ấn Độ có thể được dùng dưới dạng trà, cồn, bột hoặc chất bổ sung.

THẬN TRỌNG: Phụ nữ có thai không nên dung nhân sâm Ấn Độ. Nhân sâm Ấn Độ có thể làm giảm huyết áp, mức đường máu và tăng mức hormone tuyến giáp. Vì vậy, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi dùng.

9. Nấm linh chi

Nấm linh chi có nhiều lợi ích cho sức khỏe như ngăn ngừa và đẩy lùi ung thư, tăng miễn dịch, giảm mệt mỏi. (Ảnh: wasanajai/Shutterstock)
Nấm linh chi có nhiều lợi ích cho sức khỏe như ngăn ngừa và đẩy lùi ung thư, tăng miễn dịch, giảm mệt mỏi. (Ảnh: wasanajai/Shutterstock)

Mặc dù về mặt cấu tạo là một loại nấm chứ không phải thảo mộc, nhưng nấm linh chi có nhiều lợi ích cho sức khỏe, chẳng hạn như ngăn ngừa và đẩy lùi ung thư, tăng miễn dịch và giảm mệt mỏi.

Nấm linh chi cũng có thể bảo vệ khỏi bức xạ EMF. Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Food Chemistry năm 2010 đã cho thấy nấm linh chi giúp sửa chữa các tế bào bị tổn thương do bức xạ gamma. Các tác giả kết luận rằng việc dùng nấm linh chi “là một phương pháp đầy hứa hẹn để bảo vệ khỏi phơi nhiễm phóng xạ.”

Chiết xuất nấm linh chi cũng đã được chứng minh là có tác dụng ức chế viêm, loại bỏ các gốc tự do và giảm tổn thương oxy hóa.

Do khả năng giảm căng thẳng oxy hóa và sửa chữa các tế bào bị tổn thương do bức xạ gamma, nấm linh chi có thể giúp bảo vệ cơ thể khỏi các trường điện từ tần số vô tuyến.

Nấm linh chi có thể được dùng dưới dạng nguyên cây nấm hoặc trà, cồn hoặc chiết xuất.

THẬN TRỌNG: Nấm linh chi có thể gây chóng mặt, khô miệng, ngứa, buồn nôn, đau dạ dày và phát ban. Những người bị rối loạn chảy máu hoặc huyết áp thấp, cũng như phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú nên tham khảo ý kiến ​​của nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe trước khi dùng linh chi. Những người sắp trải qua phẫu thuật không nên ăn nấm linh chi.

Như những ví dụ trên có thể chứng minh, các loại thảo mộc và gia vị (và nấm) có thể bảo vệ chúng ta khỏi những thiệt hại tiềm ẩn do phơi nhiễm với EMF nhân tạo. Nếu biết cách khai thác công dụng mạnh mẽ của chúng, các loại thảo mộc và gia vị có thể giúp chúng ta hồi phục tốt hơn – ngay cả khi phơi nhiễm với nguồn bức xạ ngày càng nhiều.

Tú Liên biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times

Sina McCullough
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Tiến sĩ Sina McCullough là tác giả của "Go Wild: How I Reverse Chronic & Autoimmune Disease" - (tạm dich:Tôi đã chống lại bệnh mãn tính và bệnh tự nhiễm như thế nào), đồng thời là tác giả của cuốn "Hands Off My Food" và "Beyond Labels," (tạm dịch: Đừng can thiệp vào thức ăn của tôi" và “Phía bên kia của nhãn mác"). Cô có bằng tiến sĩ dinh dưỡng tại Đại học California – Davis. Cô ấy là một nhà thảo dược bậc thầy, bác sĩ được chứng nhận của Gluten Free Society và dạy học tại nhà cho ba đứa con của cô.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn