Bác sĩ đề xuất công cụ tự đánh giá để phát hiện sớm chứng sa sút trí tuệ

Sa sút trí tuệ là một bệnh não (tổn thương não) dẫn đến giảm chức năng của bộ não. Số người bị bệnh sa sút trí tuệ đang ngày càng gia tăng theo từng năm trong bối cảnh dân số già đi như hiện nay.

Theo thống kê của Bộ Y tế và Phúc lợi Đài Loan, dân số người bị sa sút trí tuệ sẽ vượt quá 300,000 người vào năm 2022, trong đó 96% là trên 65 tuổi, và xu hướng đang hướng tới những bệnh nhân trẻ hơn.

Tiến sĩ Lưu Trung Bình, một bác sĩ người Đài Loan, cho biết nếu những người cao tuổi trong gia đình thường đãng trí và mất bình tĩnh vì điều này mà không muốn đi khám chữa bệnh thì rất có thể đó là biểu hiện của “chứng mất trí nhớ.”

Mới đây, Tiến sĩ Lưu, một bác sĩ chuyên khoa tim mạch đã đăng lên Facebook một vài điểm chung về các bệnh thường gặp. Ông cho biết một số bệnh khó chữa bao gồm ung thư và các bệnh miễn dịch. Mặt khác, một số bệnh như cao huyết áp và tăng cholesterol không khó điều trị, vấn đề duy nhất ở đây là bệnh nhân không nhận ra mình cần điều trị.

Sự thiếu hiểu biết của bệnh nhân về tình trạng sức khỏe không tốt và căn bệnh khó chữa khỏi của mình, từ chối nhận trợ giúp và không sẵn sàng điều trị đã trở thành vấn đề khó giải quyết nhất… Đó là bệnh sa sút trí tuệ.

Tiến sĩ Lưu đã chia sẻ một số trường hợp thực tế mà ông gặp gần đây. Ông cho biết một người thân và một người bạn đã hỏi ý kiến của ông về chứng mất trí nhớ có thể xảy ra đối với cha mẹ của họ.

Cả hai đều là những người đàn ông và phụ nữ cao tuổi năng động và thành công trong sự nghiệp từ khi còn trẻ. Điều khó hiểu ở đây là, họ dường như không nhận ra rằng họ có thể đang bắt đầu ‘thoái hóa.’

Họ thường đổ lỗi cho người khác vì không giải thích rõ ràng mọi chuyện và để đồ đạc lung tung chỗ này chỗ kia nên không tìm được. Tệ hơn nữa là họ không thích nói về vấn đề suy giảm khả năng nhận thức của mình trong cuộc sống hàng ngày.

Thang đo tám điểm giúp phát hiện sớm sa sút trí tuệ

“Vậy cần làm thế nào và bắt đầu điều trị từ đâu khi những người cao tuổi không có ‘ý thức nhận biết bệnh tật,’ hoặc không nhận ra rằng họ đang bị bệnh, và không biết vấn đề là gì?”

Tiến sĩ Lưu giải thích rằng khi bạn thấy cha mẹ mình thường xuyên quên nơi để đồ, thường xuyên đánh rơi tiền, quên những việc được yêu cầu lúc trước và thường xuyên nổi cáu với người khác về điều đó, thì đó có thể là một triệu chứng của “sa sút trí tuệ rất sớm.”

Tiến sĩ Lưu gợi ý rằng vấn đề này có thể được xác nhận bằng “Thang đo sàng lọc chứng sa sút trí tuệ rất sớm.” Nếu thỏa mãn hơn hai trong số tám câu hỏi, những người cao tuổi nên được thuyết phục thừa nhận về việc hoạt động tinh thần có vấn để và điều trị y tế càng sớm càng tốt.

Thang điểm này là một nỗ lực nhằm khắc phục sự thờ ơ thường thấy ở hầu hết bệnh nhân mắc chứng “sa sút trí tuệ rất sớm,” những người có thể không nhận thức được những lo lắng của các thành viên trong gia đình, và do đó không sẵn sàng đi khám.

Thông qua việc tự đánh giá này, những người cao tuổi sẽ nhận thức rõ hơn về các vấn đề của chính họ và có thể làm tăng cảm giác khẩn cấp của bệnh nhân.

“Thang đo sàng lọc chứng sa sút trí tuệ rất sớm” bao gồm tám câu hỏi sau:

  • Khó khăn trong việc đưa ra phán đoán chính xác: chẳng hạn như dễ trở thành nạn nhân của trò lừa đảo, đưa ra quyết định tài chính kém, hoặc mua một món quà không phù hợp với người nhận.
  • Giảm hứng thú với các hoạt động và sở thích.
  • Lặp lại các câu hỏi, câu chuyện và câu nói giống nhau liên tục.
  • Khó khăn trong việc học cách sử dụng các công cụ, thiết bị và tiện ích. Ví dụ: TV, âm thanh nổi, điều khiển từ xa, máy lạnh, máy giặt, máy nước nóng hoặc lò vi sóng.
  • Quên tháng và năm.
  • Khó giải quyết các vấn đề tài chính phức tạp. Ví dụ: cân bằng thanh toán cá nhân hoặc gia đình, hóa đơn và thuế thu nhập.
  • Khó nhớ thời gian hẹn.
  • Có các vấn đề về tư duy và trí nhớ dai dẳng.

Tiến sĩ Lưu nhắc nhở chúng ta rằng Đài Loan hiện đang bước vào một xã hội già hóa, và chứng sa sút trí tuệ đang ở xung quanh chúng ta. Bằng cách xác định bệnh nhân sớm nhất có thể và tìm kiếm điều trị y tế, cũng như thông qua sự giúp đỡ của người thân, bạn bè và phúc lợi xã hội, chúng ta có thể cùng nhau giúp đỡ những người cao tuổi trong gia đình đối phó với những nguy hiểm tiềm ẩn sớm hơn.

Quan điểm được trình bày trong bài viết này là ý kiến ​​của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times. Epoch Health hoan nghênh các cuộc thảo luận chuyên môn và tranh luận thân thiện. Nếu có đóng góp, vui lòng làm theo các nguyên tắc này và gửi thông qua biểu mẫu của chúng tôi tại đây.

Tú Liên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times

David Chu
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Ông David Chu là một ký giả sống ở London, đã làm việc trong lĩnh vực tài chính gần 30 năm tại các thành phố lớn ở Trung Quốc và hải ngoại, bao gồm Nam Hàn, Thái Lan, và các nước Đông Nam Á khác. Ông sinh ra trong một gia đình chuyên về Y học Cổ truyền Trung Quốc và có nền tảng về văn học Trung Quốc cổ đại.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn