Bệnh suy giáp tiềm ẩn nguy cơ sa sút trí tuệ

Một nghiên cứu mới đây đã phát hiện ra rằng, những người lớn tuổi bị suy giáp, hay còn gọi là tuyến giáp kém hoạt động, có thể tăng nguy cơ mắc chứng sa sút trí tuệ.

Các nhà nghiên cứu cũng cho biết, ở những người suy giáp được điều trị bằng liệu pháp thay thế hormone, nguy cơ tiến triển thành sa sút trí tuệ thậm chí còn cao hơn [so với những người không điều trị].

Suy giáp xảy ra khi tuyến giáp sản xuất không đủ lượng hormone tuyến giáp, từ đó làm chậm quá trình trao đổi chất. Các triệu chứng bao gồm: mệt mỏi, tăng cân và sợ lạnh.

Theo ông Chien-Hsiang Weng, trợ lý giáo sư lâm sàng về y học gia đình tại Trường Y Warren Alpert thuộc Đại học Brown, tác giả chính của nghiên cứu này trên tạp chí Neurology, cho biết: “Trong một số trường hợp, các rối loạn tuyến giáp có liên quan đến các triệu chứng sa sút trí tuệ có thể phục hồi nếu được điều trị.”

“Mặc dù cần thêm nhiều nghiên cứu để xác nhận những phát hiện trên, mỗi người chúng ta nên nhận thức được rằng, các vấn đề về tuyến giáp là yếu tố nguy cơ có thể dẫn đến sa sút trí tuệ, và những liệu pháp điều trị hiện nay có thể ngăn ngừa hoặc làm chậm sự suy giảm nhận thức không thể đảo ngược này.”

Với nghiên cứu trên, các nhà nghiên cứu đã phân tích hồ sơ sức khỏe của 7,843 người mới được chẩn đoán sa sút trí tuệ tại Đài Loan, và so sánh họ với 7,843 người không mắc sa sút trí tuệ.

Tuổi trung bình của đối tượng nghiên cứu là 75. Trong số những người này, các nhà nghiên cứu tìm ra những người có tiền sử suy giáp hoặc cường giáp. Cường giáp, hay còn gọi là tuyến giáp hoạt động quá mức, xảy ra khi tuyến giáp sản xuất quá nhiều hormone. Tình trạng này có thể làm tăng sự trao đổi chất và gây ra các triệu chứng bao gồm: giảm cân ngoài ý muốn, nhịp tim nhanh hoặc không đều, hồi hộp hoặc lo lắng.

Có tất cả 102 người bị suy giáp và 133 người bị cường giáp. Các nhà nghiên cứu không tìm thấy mối liên quan nào giữa cường giáp và chứng sa sút trí tuệ.

Trong số những người sa sút trí tuệ, có 68 người bị suy giáp (0,9%) so với 34 người bị suy giáp trong nhóm không sa sút trí tuệ (0,4%). Khi các nhà nghiên cứu điều chỉnh các yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến nguy cơ sa sút trí tuệ, như giới tính, tuổi tác, tăng huyết áp và tiểu đường, họ phát hiện rằng, những người trên 65 tuổi bị suy giáp có nguy cơ sa sút trí tuệ cao hơn 80% so với những người cùng tuổi không có vấn đề về tuyến giáp.

Với những người dưới 65 tuổi, tiền sử suy giáp không liên quan đến tăng nguy cơ sa sút trí tuệ.

Khi các nhà nghiên cứu chỉ xem xét những người đang dùng thuốc điều trị suy giáp, họ nhận thấy rằng, những người này có nguy cơ sa sút trí tuệ cao gấp 3 lần so với những người không dùng thuốc.

Ông Weng cho biết, “Điều này có thể là do những người này nhiều khả năng đã gặp phải các triệu chứng suy giáp nặng hơn khi đang tiến hành điều trị.”

Nghiên cứu quan sát trên không chứng minh rằng suy giáp là một nguyên nhân dẫn đến sa sút trí tuệ; mà chỉ cho thấy có mối liên quan giữa hai tình trạng này. Nghiên cứu có một hạn chế là không tính đến mức độ nghiêm trọng của từng trường hợp suy giáp riêng lẻ.

Các đồng tác giả bổ sung đến từ Đại học Arizona tại Tucson; Phòng khám Mayo ở Rochester, Minnesota; và Viện Y học tại Đại học Y Trung Sơn ở Đài Trung, Đài Loan.

Bài báo lần đầu được xuất bản bởi Đại học Brown, xuất bản lại trên Futurity.org theo Giấy phép Creative Commons 4.0.

Thanh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times

Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn