Béo phì ở trẻ em: Những điều bạn không được nghe trên bản tin

Béo phì đang ngày càng gia tăng ở trẻ em. Đâu là nguyên nhân? Những thay đổi về “lối sống” chẳng hạn như ăn trái cây và rau củ hoặc tập thể dục nhiều hơn là không đủ để bù đắp tác hại của “kẻ cướp sức khỏe” tàng hình này.

Các hướng dẫn mới về điều trị béo phì ở trẻ em của Viện Nhi khoa Hoa Kỳ kêu gọi điều trị sớm và tích cực – bao gồm thuốc giảm cân cho trẻ 6 tuổi và phẫu thuật giảm béo cho thanh thiếu niên 13 tuổi – thay vì “chờ đợi thận trọng hoặc trì hoãn không cần thiết trong việc điều trị thích hợp cho trẻ em.”

Các hướng dẫn ngay lập tức gây tranh cãi, các nhà phê bình cánh tả lo ngại về khả năng tiếp cận điều trị không bình đẳng và các nhà bình luận bảo thủ cho rằng các hướng dẫn đưa ra cách giải quyết dễ dàng khi lựa chọn lối sống không lành mạnh. Các nhà phê bình từ khắp nơi đã ghi nhận những hậu quả tiềm ẩn lâu dài về việc cho trẻ em sử dụng thuốc và thực hiện phẫu thuật không đảo ngược đối với thanh thiếu niên.

“Lựa chọn lối sống” thường có nghĩa là chăm tập thể dục hơn cùng với hạn chế thực phẩm chế biến sẵn và tăng lượng trái cây, rau củ hơn trong khẩu phần ăn, nhưng không ai trong giới chính thống đề xuất giải pháp cho phép trẻ em ăn nhiều chất béo bão hòa tự nhiên hơn.

Nhiều năm trước, đồng tác giả và đồng nghiệp của tôi – bà Mary Enig, một tiến sĩ khoa học dinh dưỡng, đã có một cuộc trò chuyện thú vị với một quan chức tại Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ. Cơ quan này đã nghiên cứu cách tốt nhất để khiến heo mập lên. Nghiên cứu này chưa từng được công bố. Khi họ cho heo ăn sữa nguyên chất hoặc dầu dừa, heo vẫn gầy – họ thấy rằng cách tốt nhất để heo mập là cho chúng ăn sữa tách béo.

Các hướng dẫn về cách ăn uống của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ quy định sữa giảm chất béo dành cho tất cả người Mỹ trên 2 tuổi. Liệu chính sách này – được khởi xướng vào những năm 1990 – có thể giải thích sự gia tăng bệnh béo phì ở trẻ em Mỹ không? Một vài nghiên cứu chỉ ra rằng đây có thể là nguyên nhân.

Nghiên cứu đầu tiên được công bố vào năm 2006 trên Tập san American Journal of Clinical Nutrition, đã xem xét cách ăn uống và các chỉ số về chuyển hóa trên trẻ 4 tuổi ở Thụy Điển. “Chỉ số khối cơ thể cao có liên quan đến tỷ lệ phần trăm năng lượng từ chất béo thấp,” và cân nặng lớn hơn liên quan đến tình trạng kháng insulin nhiều hơn, đặc biệt là ở trẻ em gái. Nói cách khác, trẻ em theo cách ăn ít chất béo có xu hướng thừa cân và có các chỉ số báo trước về bệnh tiểu đường sau này.

Nghiên cứu thứ hai, được công bố vào năm 2013 trên Tập san Archives of Diseases of Children, đã xem xét cụ thể các trẻ em tiêu thụ sữa ít chất béo, so sánh chỉ số khối cơ thể của những trẻ uống sữa tách béo 1% và những trẻ uống “sữa nguyên chất” 2%. (Tôi đặt từ “sữa nguyên chất” trong dấu ngoặc kép vì sữa nguyên chất thương mại chứa 3.5% chất béo và sữa nguyên chất thu được từ trang trại có thể chứa tới 5% chất béo.)

Trên tất cả các phân nhóm chủng tộc, dân tộc và tình trạng kinh tế xã hội, những người uống sữa tách béo 1% “có tỷ lệ thừa cân hoặc béo phì đã hiệu chỉnh tăng lên. Trong phân tích dọc, trẻ em uống sữa tách béo 1% ở cả 2 và 4 tuổi có nhiều khả năng trở nên thừa cân/béo phì trong khoảng thời gian này.” Nói cách khác, trẻ em uống sữa tách béo có nhiều khả năng trở nên béo hơn – giống như heo vậy!

Bây giờ chúng ta hãy xem loại sữa mà trẻ em nhận được ở các trường công lập. Trẻ em được cung cấp sữa tách kem 1% hoặc sữa socola – bạn đoán xem trẻ thích loại nào hơn? Sữa socola được đặt trên khay của trẻ, sau đó trẻ có thể dùng hoặc từ chối – bạn hãy thử đoán xem trẻ sẽ lựa chọn như thế nào? Hãy cùng xem các thành phần trong sữa socola được cung cấp cho con trẻ của chúng ta với niềm tin rằng loại sữa này sẽ giúp trẻ thon gọn:

“Sữa không béo, đường, chứa ít hơn 1%: ca cao (chế biến bằng kiềm), bột bắp, muối, carrageenan, hương vị tự nhiên và nhân tạo, vitamin A palmitate, vitamin D3.”

Thành phần đầu tiên là sữa không béo (thậm chí không phải là sữa 1%), và thành phần thứ hai là đường – khoảng 14 gram đường bổ sung cho một khẩu phần 8 1/2 ounce, hoặc khoảng 1 muỗng canh.

Do đó, khoa học chỉ ra rằng cho trẻ uống sữa không béo, đặc biệt là kết hợp với đường, là một công thức khiến trẻ béo phì và khiến chúng bị bệnh tiểu đường sau này. Nhưng còn nhiều điều nữa – được liệt kê trong các thành phần phụ là “hương vị nhân tạo”, một thuật ngữ thường được sử dụng cho bột ngọt ẩn giấu.

Ngành công nghiệp thực phẩm và Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ nhấn mạnh rằng không có vấn đề gì với MSG (bột ngọt), tuy nhiên, nếu tìm kiếm “béo phì do bột ngọt” trong PubMed, bạn sẽ tìm thấy gần 100 trích dẫn. Thật khó để khiến động vật trong nghiên cứu ăn quá nhiều và trở nên béo phì – để nghiên cứu bệnh béo phì – vì vậy các nhà khoa học cho chuột cống, chuột nhắt, chuột đồng ăn bột ngọt để khiến chúng ăn nhiều hơn và tăng cân.

Hầu hết các trích dẫn là nghiên cứu trên động vật, không phải thử nghiệm trên người, và ngành công nghiệp thực phẩm đã lập luận rằng lượng bột ngọt cung cấp cho động vật (để tăng cân) nhiều hơn so với lượng mà con người tiêu thụ. Hoặc, họ nói rằng mối liên hệ giữa tăng cân và bột ngọt thực sự là mối liên quan giữa tăng cân và thực phẩm chế biến, vì bột ngọt có trong hầu hết các loại thực phẩm chế biến.

Điều gì xảy ra khi chúng ta tiêu thụ một lượng nhỏ bột ngọt như một loại gia vị hàng ngày – như những đứa trẻ đi học uống sữa socola? Một nghiên cứu năm 2008, được công bố trên Tập san Obesity, xác nhận rằng bột ngọt thực sự có liên quan đến việc tăng cân ở người chứ không phải do được đưa vào thực phẩm chế biến. Trong thử nghiệm với thiết kế nghiên cứu tốt này, các nhà nghiên cứu tại Đại học North Carolina– Chapel Hill đã nghiên cứu 750 đàn ông và phụ nữ Trung Quốc, tuổi từ 40 đến 59, sống ở ba ngôi làng nông thôn Trung Quốc.

Hầu hết các đối tượng nghiên cứu đã chuẩn bị bữa ăn tại nhà mà không có thực phẩm chế biến thương mại và khoảng 82% sử dụng bột ngọt. Những người tham gia sử dụng lượng bột ngọt cao nhất có tỷ lệ thừa cân gần gấp ba lần so với những người không sử dụng bột ngọt, ngay cả khi tính đến hoạt động thể chất và lượng calorie.

Vì vậy, các em học sinh của chúng ta đang nhận được những quả bom đường ít béo với một nhúm bột ngọt gây béo phì cho bữa trưa từ ngày này qua ngày khác. Có ai còn thắc mắc rằng béo phì đang gia tăng? Những thay đổi về “lối sống” chẳng hạn như ăn trái cây và rau củ hoặc tập thể dục nhiều hơn là không đủ với “kẻ cướp sức khỏe” tàng hình này.

Nghe có vẻ khác thường, nhưng giải pháp cho vấn đề béo phì ở trẻ em là tăng chất béo bão hòa tự nhiên chứa các vitamin quan trọng, đặc biệt là vitamin A: Sữa nguyên kem, bơ, pho mát, thịt nấu chín với chất béo. Những thực phẩm này hỗ trợ quá trình trao đổi chất lành mạnh của tuyến giáp và sản xuất hormone theo cách giúp trẻ luôn tràn đầy năng lượng và săn chắc. Trên hết, những thực phẩm này đem lại cảm giác no và ổn định lượng đường máu nên trẻ sẽ ít ham mê thực phẩm chế biến sẵn, trong đó có nhiều loại chứa bột ngọt.

Quan điểm thể hiện trong bài viết này là quan điểm của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times. Epoch Health hoan nghênh các cuộc thảo luận chuyên nghiệp và thân thiện. Để gửi ý kiến, vui lòng làm theo các hướng dẫn và gửi qua biểu mẫu của chúng tôi tại đây.

Thanh Long biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times

Sally Fallon Morell
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Bà Sally Fallon Morell là chủ tịch sáng lập của Weston A. Price Foundation và là người sáng lập A Campaign for Real Milk (Chiến dịch sử dụng sữa thật). Bà là tác giả của sách dạy nấu ăn bán chạy nhất có tên là “Nourishing Traditions” (Tạm dịch: Nuôi Dưỡng theo Phương Thức Truyền Thống - đồng tác giả với Tiến sĩ Mary G. Enig) và nhiều cuốn sách khác về cách ăn uống và sức khỏe.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn