Cá có thực sự lành mạnh? Lợi ích và rủi ro khi tiêu thụ cá

Bài viết này sẽ giải thích chi tiết về vấn đề thủy ngân trong cá và những yếu tố nguy cơ dẫn đến cá nhiễm thủy ngân, cũng như rủi ro và lợi ích của việc tiêu thụ hay không tiêu thụ cá.

Ngay từ khi sơ khai, cá đã luôn là một nguồn protein quan trọng cho con người. Cá là món ăn thơm ngon, bổ dưỡng, giàu acid béo không no, và rất có lợi cho sức khỏe con người. Tuy nhiên, người Mỹ thường tiêu thụ hải sản rất ít, trung bình chỉ có 5% người Mỹ ăn hải sản nhiều hơn một lần mỗi tuần.

Bên cạnh giá cả đắt đỏ, nhiều người không ăn cá hay các loài động vật có vỏ là do chúng chứa nhiều kim loại nặng. Hiện nay, có một số định nghĩa về kim loại nặng. Chẳng hạn, kim loại nặng là bất kỳ nguyên tố hóa học kim loại nào có nguyên tử khối cao và khối lượng riêng lớn hơn ít nhất năm lần so với nước. Kim loại nặng được tìm thấy trong hải sản bao gồm chì, asen, cadmium và thủy ngân. Trong đó, cá nhiễm thủy ngân  là nguyên nhân khiến nhiều người cảm thấy lo ngại nhất.

Cá nhiễm thủy ngân và những tác hại đối với sức khỏe con người

Thủy ngân là kim loại nặng có hoạt tính cao và là chất gây ô nhiễm môi trường phổ biến, có thể gây ra một loạt các ảnh hưởng bất lợi đến sức khỏe con người. Một điều độc đáo về thủy ngân là kim loại này tồn tại trong tự nhiên dưới ba dạng: nguyên tố, chất vô cơ và hữu cơ. Thủy ngân dạng nguyên tố có dạng chất lỏng khi ở nhiệt độ phòng. Nếu không may uống phải, cơ thể sẽ chỉ hấp thụ một lượng nhỏ vì thủy ngân không thể vượt qua các hàng rào mô. Tương tự, thủy ngân vô cơ (ví dụ như chu sa) cũng bị hấp thu rất ít sau khi uống. Tuy nhiên, dạng hữu cơ thường gặp nhất của thủy ngân là metyl thủy ngân, lại được cơ thể con người hấp thu dễ dàng.

Thủy ngân có thể được giải phóng ra ngoài từ các nguồn tự nhiên (ví dụ như núi lửa) và nguồn của con người (ví dụ như các nhà máy điện chạy bằng than và khai thác vàng). Sau khi ra ngoài môi trường, thủy ngân hòa vào nước mưa rồi rơi xuống hồ và đại dương. Tại đây, sinh vật phù du sẽ tiêu hóa và chuyển thủy ngân thành metyl thủy ngân.

Quá trình tích tụ sinh học methyl thủy ngân diễn ra trong chuỗi thức ăn thủy sản. Các loại tôm nhỏ ăn các sinh vật phù du chứa metyl thủy ngân và tích tụ thủy ngân trong cơ thể. Sau đó, các loại cá nhỏ sẽ ăn những con tôm này, và cá lớn lại ăn cá nhỏ. Vì vậy, thuỷ ngân được tích tụ sinh học trong chuỗi thức ăn thủy sản, cho đến khi các loài cá lớn như cá mập, hoặc con người tiêu thụ.

Cá có thực sự lành mạnh? Lợi ích và rủi ro khi tiêu thụ cá

Thủy ngân rất nguy hiểm đối với con người, bởi vì hợp chất này vô cùng độc hại và có thể gây ngộ độc. Thủy ngân có thể phá hủy hệ thần kinh trung ương. Các triệu chứng của ngộ độc thủy ngân và hàm lượng thuỷ ngân cao quá mức bao gồm: tê hoặc ngứa các ngón tay, môi và ngón chân, lo lắng, trầm cảm, khó nghe và nói khó, khó đi lại, đau cơ và khớp, kích thích, các vấn đề về trí nhớ, dị cảm, mất điều hòa vận động và run.

Thủy ngân cũng có thể ức chế sự phát triển của trẻ nhỏ. Đặc biệt ở thai nhi, hệ thần kinh dễ bị tổn thương do ảnh hưởng của thủy ngân nhất. Vào những năm 1950 và 1960, những trường hợp ngộ độc metyl thủy ngân nghiêm trọng đã được phát hiện ở thành phố Minamata của Nhật bản, khi người dân địa phương ăn cá và động vật có vỏ nhiễm thủy ngân trong nước thải từ một nhà máy hóa chất. Các triệu chứng điển hình của bệnh Minamata bao gồm: rối loạn cảm giác, mất điều hòa vận động, rối loạn nhịp tim, rối loạn thính giác và run. Trong những trường hợp vô cùng nghiêm trọng, người bệnh có thể mất trí, tê liệt, thậm chí tử vong. Đối với một số phụ nữ mang thai khi ăn phải hải sản nhiễm thủy ngân, con của họ thậm chí còn bị dị tật phát triển thần kinh.

Ngoài ra, vào đầu những năm 1970, một vụ bùng phát ngộ độc metyl thủy ngân đã xảy ra ở Iraq sau khi người dân ăn phải một số hạt giống nhập khẩu được tẩm thuốc diệt nấm metyl thủy ngân vốn không dùng cho người. Các triệu chứng của ngộ độc thủy ngân tương tự như bệnh Minamata, gây tổn thương hệ thần kinh trung ương ở trẻ sơ sinh, thông qua việc bà mẹ ăn ngũ cốc trong lúc mang thai. Vì vậy, có khuyến nghị rằng những bà mẹ mang thai, phụ nữ đang có kế hoạch thụ thai trong sáu tháng tới, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ nên hạn chế phơi nhiễm với thủy ngân trong cá.

Các loại cá khác nhau chứa hàm lượng metyl thủy ngân khác nhau, tùy thuộc vào mức độ ô nhiễm môi trường, tuổi đời và vị trí trong chuỗi thức ăn.

Các loài có tuổi đời dài và nằm ở cuối chuỗi thức ăn, chẳng hạn như cá ngừ mắt to, cá mập, cá kiếm, và cá thu vua sẽ chứa nồng độ thủy ngân cao hơn những loài cá khác. Ví dụ, tuổi đời của cá kiếm có thể từ 15 đến 20 năm và do tiêu thụ lượng thức ăn lớn, nồng độ thủy ngân trung bình trong cá kiếm thường ở mức cao, 0.995 PPM (phần triệu). Ngược lại, tuổi đời của cá hồi chỉ từ 4 đến 5 năm, do đó mức thủy ngân trung bình của cá hồi là 0.022 PPM.

cá nhiễm thủy ngân
Mức thủy ngân trung bình của cá hồi là 0.022 PPM (Ảnh: Pixabay)

Tiêu thụ cá nhiễm nhiều selen hơn thuỷ ngân được cho là an toàn

Một khi được hấp thụ, thủy ngân sẽ đi vào cơ thể người và vô hiệu hóa các enzyme phụ thuộc selen, được gọi là seleno-enzyme. Seleno-enzyme đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ bộ não của chúng ta. Trong khi hoạt động, não bộ sẽ liên tục sử dụng oxy và tạo ra các sản phẩm phụ có thể phá hủy lipid và protein của chính nó. Tuy nhiên, seleno-enzyme có thể ngăn chặn hoặc đảo ngược quá trình oxy hóa này. Vì vậy, seleno-enzyme vô cùng quan trọng đối với sức khỏe của chúng ta.

Khi liên kết với selen, thủy ngân sẽ vô hiệu hóa và cản trở chức năng của các seleno-enzyme.

Điều này cũng có nghĩa là selen có một loại tác dụng bảo vệ: khi lượng selen nhiều hơn thủy ngân, sẽ có thêm nhiều seleno-enzyme dư lại [không bị thủy ngân ức chế] tiếp tục hoạt động.

Ngoài ra, vì selen có ái lực liên kết cao với thủy ngân, nên khi hai nguyên tố này gặp nhau, chúng sẽ kết hợp tạo thành một chất mới, từ đó ngăn cản cơ thể hấp thụ thủy ngân. Do đó, thuỷ ngân không còn khả năng liên kết với những thứ khác, chẳng hạn như mô não. Tuy nhiên, khi hàm lượng thủy ngân quá cao và bắt đầu ức chế đáng kể các hoạt động của seleno-enzyme, sức khỏe não bộ sẽ bị ảnh hưởng.

Vậy loại thực phẩm nào chứa hàm lượng selen cao?

Cá có thực sự lành mạnh? Lợi ích và rủi ro khi tiêu thụ cá
(Ảnh: Pixabay)

Có tới 16 trên 25 nguồn thực phẩm giàu selen nhất là cá đại dương, chẳng hạn như cá ngừ vây vàng, cá bơn và cá mòi. Suy xét đến các tác dụng của selen, các nhà nghiên cứu đã đề xuất một giải pháp mới để [đo lường] độ an toàn của hải sản là “Giá trị lợi ích sức khỏe của selen” (SeHBV).

Hải sản có SeHBV dương tính (trên 0) là an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng do chứa lượng selen dư thừa để liên kết với thủy ngân. Ngược lại, nếu cá có SeHBV âm tính (dưới 0) thì được cho là không an toàn. [Nếu] áp dụng phương pháp đo lường an toàn mới này, hầu hết các loại cá thường được tiêu thụ phổ biến ở Hoa Kỳ sẽ chứa nhiều selen hơn thủy ngân, và vì vậy an toàn cho mọi người.

Cá có thực sự lành mạnh? Lợi ích và rủi ro khi tiêu thụ cá

Trong một nghiên cứu năm 2007 trên tạp chí Biological Trace Element Research, nồng độ tuyệt đối của thủy ngân và selen đã được xác định ở 15 loại cá được đánh bắt ở vùng biển gần Hawaii. Và tác dụng của selen giúp bảo vệ [cơ thể] khỏi độc tính của thủy ngân đã được chứng minh trong tất cả các loại cá được đánh giá.

I. Những lợi ích và rủi ro của việc tiêu thụ cá

Cá rất giàu dinh dưỡng với hàm lượng protein cao, vì vậy cá đã trở thành một phần quan trọng của cách ăn uống lành mạnh. Nhiều nghiên cứu chứng minh rằng việc ăn cá mang lại nhiều lợi ích cho não, mắt, tim và cơ thể. Mặc dù vậy, cũng có những rủi ro tiềm tàng do kim loại nặng và chất ô nhiễm trong cá.

1. Lợi ích của việc tiêu thụ cá

Cá rất giàu dinh dưỡng: gồm protein, vitamin D và các loại vitamin khác, i-ốt, omega-3, acid béo, và khoáng chất. Ví dụ, 4 ounce (113g) cá hồi cung cấp gần 100% vitamin D cần cho cơ thể mỗi ngày.

Bảo vệ tim: Cá được cho là một trong những thực phẩm tốt nhất cho sức khỏe của tim. Trong một phân tích gộp vào năm 2007 trên Tạp chí Tâm thần học Lâm sàng (Journal of Clinical Psychiatry), acid béo không bão hòa omega-3 có trong cá cho thấy hiệu quả chống trầm cảm đáng kể. Theo một phân tích gộp khác vào năm 2011 trên tạp chí Public Health Nutrition, ăn cá mức độ ít (1 bữa/tuần) và trung bình (2 đến 4 bữa/tuần) có thể phòng ngừa tử vong do bệnh mạch vành một cách hiệu quả. Cá giàu acid béo omega-3 bao gồm cá hồi, cá ngừ, cá mòi và cá thu.

Cá rất tốt cho phụ nữ mang thai và thai nhi: Acid Docosahexaenoic (DHA), một acid béo omega-3 quan trọng, tồn tại với số lượng lớn trong não và võng mạc. DHA rất quan trọng đối với sự phát triển của mắt và não. Một nghiên cứu năm 2008 tại Hoa Kỳ được đăng trên tạp chí Environmental Health Perspectives cho thấy việc tiêu thụ hải sản trong thời kỳ mang thai giúp đem lại những lợi ích đáng kể cho sự phát triển vận động, ngôn ngữ và tổng chỉ số IQ của em bé.

Bảo vệ cơ thể khỏi các bệnh đột quỵ, trầm cảm, Alzheimer, và các bệnh kinh niên khác: Một acid béo omega-3 quan trọng khác là acid eicosapentaenoic (EPA), có nhiều trong các loại cá béo vùng nước lạnh, như cá hồi. Cùng với DHA, EPA giúp chống viêm trong cơ thể, vì vậy làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim, ung thư, và tiểu đường. Ngoài ra, cả DHA và EPA đều đóng vai trò quan trọng trong quá trình trao đổi chất.

Tăng sức khỏe não bộ: Cá được coi là “thực phẩm [tốt] cho não bộ.” Trong một nghiên cứu vào năm 2014 trên Tạp chí Y học Dự phòng Hoa Kỳ (the American Journal of Preventive Medicine), các nhà nghiên cứu đã so sánh dung tích não bộ của những người ăn cá và những người không ăn cá. Kết quả cho thấy việc ăn cá nướng trong lò hoặc cá nướng áp chảo có liên quan đến khối lượng chất xám trong não người, nhưng không liên quan đến mức acid béo omega-3. Theo một trong các nhà nghiên cứu, Tiến sĩ, Bác sĩ Cyrus Raji, từ Trung tâm Y tế Pittsburgh và Đại học Y khoa Pittsburgh, những người ăn cá nướng trong lò hoặc cá nướng áp chảo hàng tuần có thể cải thiện sức khỏe não bộ và giảm nguy cơ mắc các vấn đề về nhận thức và bệnh Alzheimer. Tuy nhiên, ăn cá chiên lại không cho thấy kết quả tương tự như vậy.

Cá có thể được sử dụng trong thực đơn ăn kiêng: So sánh với các loại thịt khác như thịt đỏ và thịt gia cầm, hầu hết các loại cá đều chứa ít chất béo và calo hơn, đồng thời cung cấp protein nạc chất lượng cao. Vì vậy, nhiều người muốn giảm cân đang cố gắng thêm cá vào các bữa ăn của mình.

2. Rủi ro của việc tiêu thụ cá

Một số loại cá nhiễm thủy ngân với hàm lượng cao: Mặc dù có nhiều rủi ro liên quan đến ngộ độc thủy ngân hoặc nhiễm lượng lớn thủy ngân, [nhưng] như đã đề cập trước đó, chỉ cần chúng ta chọn cá có SeHBV dương tính, thì sẽ không có vấn đề gì.

Cá có thể bị nhiễm ký sinh trùng và vi khuẩn: Ký sinh trùng không thể tự sống nên chúng phải tìm vật chủ để tồn tại. Các loại ký sinh trùng thường gặp ở cá bao gồm giun đũa (nematodes), sán lá (trematodes), sán dây (cestodes). Cá sẽ bị nhiễm ký sinh trùng sau khi ăn vật chủ trước đó của ký sinh trùng. Và con người có thể vô tình trở thành vật chủ mới khi ăn cá bị nhiễm ký sinh trùng. Sau khi xâm nhập vào cơ thể người, giun đũa có thể gây bệnh anisakiasis, sán lá có thể gây ra bệnh sán lá, và sán dây có thể gây bệnh nhiễm trùng sán dây. Tuy nhiên, không giống như chất ô nhiễm hay độc tính khác, ký sinh trùng tồn tại trong tự nhiên, [không phải do nhân tạo]. Vì vậy, sẽ không đáng lo ngại miễn là chúng ta ăn cá đã nấu chín kỹ lưỡng. Tuy nhiên, những người ăn cá sống, chẳng hạn như món sashimi và sushi, sẽ có nguy cơ nhiễm ký sinh trùng hoặc vi khuẩn.

Một số loại cá chứa PCB và Dioxin có độc tính cao: Polychlorinated biphenyls (PCB) là hợp chất clo hữu cơ tổng hợp được sử dụng trong quy trình công nghiệp và thương mại trước đây. Những hợp chất này đã bị cấm ở Hoa Kỳ kể từ năm 1977. Do tính phân huỷ rất chậm, PCB tích tụ trong trầm tích dưới đáy hồ, sông, và vùng ven biển, cũng như trong cá. Dioxin là sản phẩm phụ của clo hữu cơ trong quy trình đốt chất thải, tẩy trắng giấy, thuốc trừ sâu và sản xuất nhựa polyvinyl clorua.

Cả PCB và dioxin đều có thể gây ra các vấn đề về thần kinh và làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh ung thư, như ung thư hắc tố, ung thư gan, và ung thư túi mật. Mặc dù không ăn cá có thể tránh khỏi việc phải tiêu hóa những chất hóa học này ở một mức độ nhất định, nhưng nguồn thực phẩm chứa nhiều PCB và dioxin nhất không phải là cá. Theo một bài báo được đăng vào tháng 08/2020 trên tạp chí Khoa học và Công nghệ Môi trường (Environmental Science & Technology), các nguồn thực phẩm chứa nhiều PCB và dioxin khác là thịt (50%), các sản phẩm sữa (25%) và các loại thực phẩm khác (như rau). Cá chỉ chiếm 15% tổng số thực phẩm trong khẩu phần ăn của chúng ta có chứa các hóa chất này.

Hơn nữa, mức PCB và dioxin trong thực phẩm được dự kiến là sẽ giảm theo thời gian, bởi vì sản xuất và chế biến PCB đã bị cấm vào năm 1977, và chất thải dioxin đã giảm hơn 90% kể từ năm 1987.

Kết luận: Những so sánh về lợi ích và rủi ro của việc tiêu thụ cá dường như cho thấy rằng ăn cá sẽ có lợi nhiều hơn hại cho sức khỏe. Ngoài ra, mặc dù tiêu thụ cá có những rủi ro, nhưng nhìn chung, cá vẫn là thực phẩm lành mạnh hơn so với thịt đỏ và một số sản phẩm khác.

II. Lợi ích và rủi ro của việc không tiêu thụ cá

Như đã đề cập ở trên, cá có thể hấp thu các chất độc hại, chẳng hạn như thủy ngân và PCB từ nước và thức ăn. Vậy tránh ăn cá sẽ có những lợi ích nhất định. Tuy nhiên, có phải việc tránh tiêu thụ cá sẽ có lợi nhiều hơn hại hay không?

1. Lợi ích của việc không tiêu thụ cá

Không ăn cá có thể tránh ngộ độc thủy ngân và các chất ô nhiễm khác: Một số loài cá chứa nhiều thủy ngân nhất bao gồm cá kình, cá mập, cá kiếm, cá thu, cá chép, cá ngừ mắt to và cá tuyết. Tuy nhiên, các nhà khoa học hiện nay tin rằng phép đo Giá trị lợi ích sức khỏe của selen có thể đánh giá độ an toàn của hải sản rất tốt. Ví dụ, như trong hình minh họa thứ hai, khi cân nhắc về hàm lượng selen có trong cá, cá ngừ mắt to và cá cờ đều an toàn cho cơ thể, vì SeHBV của chúng đều dương tính. Ngoài ra, nếu chúng ta ngừng ăn cá vì muốn tránh nhiễm PCB, thì trừ khi chúng ta từ bỏ hầu hết các loại thịt khác (như thịt đỏ), nếu không thì mức PCB có thể tăng lên do chúng ta ăn nhiều thịt hơn [để thay thế cho cá].

Tránh dị ứng do cá: Dị ứng cá khác với dị ứng hải sản, bởi vì hải sản cũng bao gồm động vật có vỏ (như tôm hùm). Dị ứng cá có thể gặp ở mọi lứa tuổi, vì vậy trước đây một số người ăn cá mà không bị vấn đề gì có thể đột nhiên dị ứng với cá. Và khác với những loại dị ứng khác, dị ứng cá có thể tồn tại trong suốt cuộc đời. Các triệu chứng phổ biến của dị ứng cá bao gồm khó thở, ho, nôn mửa, tiêu chảy, nghẹn cổ họng, sưng tấy, nổi mề đay và giảm huyết áp. Trong những trường hợp nặng, người bị dị ứng cá thậm chí có thể rơi vào trạng thái lơ mơ. Vì vậy, tránh tiêu thụ cá là điều bắt buộc cho bất kỳ người nào mắc chứng dị ứng cá.

Kiêng ăn cá giúp củng cố sự bền vững của đại dương và thủy sinh: Số lượng các cá thể cá tự nhiên bị giết mỗi năm ước tính từ 0.97 đến 2.74 nghìn tỷ. Theo báo cáo Living Planet (Hành tinh sống) năm 2018 của Quỹ Thiên nhiên Thế giới (WWF), 6 tỷ tấn cá và các động vật không xương sống khác đã bị đánh bắt kể từ năm 1950. Các quần thể cá trên thế giới đã gần như cạn kiệt do [sự phát triển] của công nghiệp đánh bắt cá, đồng thời các hoạt động của ngành công nghiệp này cũng gây ô nhiễm đại dương và phá hỏng sinh cảnh biển. Không tiêu thụ cá có thể giúp ngăn ngừa đại dương bị tàn phá và củng cố sự bền vững của đời sống thủy sinh.

Cá cũng là động vật có tri giác và hoạt động xã hội: Bằng chứng khoa học cho thấy rằng cá là động vật có tri giác, có thể trải nghiệm cơn đau, cảm xúc và hình thành tình bạn. Cá thông minh hơn nhiều so với tưởng tượng của chúng ta trước đây, chúng có biểu hiện của một loạt hành động tinh tế. Cá thậm chí còn phát triển các tập tính phức tạp, phối hợp với đồng loại, và sử dụng các công cụ. Vì vậy, một số nhà khoa học thực sự ủng hộ việc bảo vệ cá ở một mức độ tương tự so với bất kỳ loài động vật có xương sống khác. Không ăn cá sẽ giúp chúng không bị tra tấn trong quá trình đánh bắt và giết thịt để làm thực phẩm.

2. Rủi ro của việc không tiêu thụ cá

Tăng nguy cơ mất thính giác: Người ta tìm thấy một mối tương quan nghịch biến giữa tổng lượng acid béo không bão hòa omega-3 và tình trạng mất thính giác phổ biến do tuổi tác. Hơn nữa, cũng có tồn tại một mối tương quan nghịch giữa acid béo không bão hòa omega-3 chuỗi dài với tình trạng giảm thính lực do tai biến. Bởi vì acid béo không bão hòa omega-3 chủ yếu có trong dầu cá, việc không ăn cá sẽ khiến chúng ta mất đi sự bảo vệ của những acid béo này, từ đó làm tăng nguy cơ phát triển chứng mất thính giác.

Tăng nguy cơ tử vong do bệnh tim: Theo một nghiên cứu trên Tạp chí Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ, cho dù chỉ với một hoặc hai khẩu phần cá mỗi tuần, đặc biệt là các loại cá có EPA VÀ DHA cao, cũng có thể làm giảm nguy cơ tử vong do mắc bệnh mạch vành đến 36%. Điều này là do chất béo omega-3 trong cá giúp chống lại rối loạn nhịp tim, giảm huyết áp và nhịp tim, và cải thiện chức năng của mạch máu. Do đó, không ăn cá có thể làm tăng nguy cơ tử vong do mạch vành.

Không ăn cá có hại cho bà mẹ mang thai và trẻ em: Nhiều bằng chứng cho thấy ăn ít hơn 12 ounce (340g) cá mỗi tuần có thể gây hại cho bà mẹ mang thai và trẻ em. Trong một nghiên cứu năm 2007 trên The Lancet, 11,875 phụ nữ mang thai ở tuần 32 được hỏi về tần suất ăn cá.

Sau đó, các nhà nghiên cứu đã so sánh kết quả về sự phát triển tinh thần và nhận thức của con họ. kết quả cho thấy, những bà mẹ ăn cá ít hơn 340g mỗi tuần trong suốt thời kỳ mang thai có liên quan tới sự gia tăng đáng kể nguy cơ giảm kỹ năng giao tiếp và chỉ số IQ bằng lời nói của trẻ so với bạn cùng lứa có mẹ ăn nhiều hơn 340g mỗi tuần trong thai kỳ. Hơn nữa, những bà mẹ không ăn hải sản trong suốt thời kỳ mang thai cũng cho thấy kết quả phát triển tinh thần tệ hơn ở trẻ.

Tăng nguy cơ đột quỵ, trầm cảm, bệnh Alzheimer, và các bệnh kinh niên khác: Như đã nói đến ở trên, việc tiêu thụ cá đầy đủ có thể giúp ngăn chặn nhiều bệnh kinh niên. Vì vậy, khi không ăn cá sẽ làm nguy cơ mắc những căn bệnh này.

III. Giảm thiểu ảnh hưởng của thủy ngân, kim loại nặng do ăn cá

Nếu ăn cá, bạn nên cân nhắc một số điều dưới đây để đảm bảo tính an toàn hơn.

  1. Chọn các loại cá có SeHBV dương tính: Như đã nói đến ở trên, tỷ lệ selen trên thủy ngân (SeHBV) thay vì lượng thủy ngân tuyệt đối sẽ quyết định loại cá đó có an toàn hay không. Dựa vào SeHBV, chúng ta nên tránh ăn cá mập, cá kiếm, cá kình và cá thu vua. Ngoài ra, bởi vì các chất hóa học trong cá tích tụ dần theo độ tuổi, cho nên chúng ta nên chọn cá nhỏ hơn đối với cùng một loại cá. Những phần cá chúng ta nên tránh bao gồm da, chất béo, ruột vì nồng độ các chất hóa học và chất ô nhiễm ở những phần này cao hơn so với phần thịt.
  2. Chọn mua các loại cá bền vững nhất: Bạn có thể đóng góp cho một hệ sinh thái lành mạnh hoặc sự bền vững của các loài hải sản, bằng cách chọn mua các loại cá có tính bền vững nhất. Nhiều tổ chức như Ocean Conservancy, đã đề ra hướng dẫn lựa chọn các loài cá lành mạnh và bền vững.
  3. Chế biến cá bằng các phương pháp nấu ăn thích hợp: Thật không may, phương thức nấu ăn ít có ảnh hưởng đến hàm lượng metyl thủy ngân trong cá. Tuy nhiên, như đã đề cập trước đó, ăn cá nướng trong lò hoặc cá nướng áp chảo hàng tuần có thể cải thiện sức khỏe não bộ và giảm nguy cơ mắc các vấn đề về nhận thức và bệnh Alzheimer. Nhưng ăn cá chiên không mang lại kết quả tương tự. Có ý kiến cho rằng phương pháp chiên có thể cố định các hóa chất độc hại vào trong cá, từ đó làm mất đi lợi ích sức khỏe của việc ăn cá.
  4. Nấu chín cá: Bất kể bạn chọn phương pháp nấu ăn nào, hãy nhớ rằng phải nấu cá thật kỹ, để tiêu diệt các loại ký sinh trùng, virus và/hoặc vi khuẩn có hại, và tránh mắc bệnh.
  5. Thực hiện các phương pháp phòng ngừa ngộ độc thủy ngân: Nếu bạn có thể tự bắt cá, hãy kiểm tra các khuyến nghị mới nhất trong khu vực, để tránh khả năng ngộ độc thủy ngân. Khi đặt món sushi tại nhà hàng, hãy đảm bảo rằng bạn biết mình đang ăn loại cá nào, bởi vì nhiều cuộn sushi sử dụng cá có chứa thủy ngân. Nếu bạn nghi ngờ mình đã tiếp xúc với thủy ngân, hãy rửa tay thật kỹ trước khi chạm vào bất kỳ thứ gì. Bạn cũng có thể làm các xét nghiệm định lượng thủy ngân trong máu hoặc nước tiểu khi cần thiết, chẳng hạn như lúc chuẩn bị mang thai.
  6. Tiêu thụ một số loại thực phẩm để loại bỏ kim loại nặng ra khỏi cơ thể: Bạn nên ăn các loại trái cây tươi và rau xanh chứa nhiều chất chống oxy hóa và chất xơ, giúp hỗ trợ quá trình giải độc tự nhiên của cơ thể. Các loại thực phẩm và chất dinh dưỡng có thể loại bỏ kim loại nặng bao gồm rau mùi ta, kẽm, selen, cây kế sữa và vitamin C.

Health 1+1 là nền tảng thông tin y tế và sức khỏe của Trung Quốc có uy tín nhất ở ngoại quốc. Thứ Ba đến thứ Bảy hàng tuần, từ 9 đến 10 giờ sáng theo giờ chuẩn miền Đông trên truyền hình và trực tuyến, chương trình gồm có những thông tin mới nhất về virus corona, phòng ngừa, điều trị, nghiên cứu khoa học và chính sách, cũng như bệnh ung thư, bệnh kinh niên, sức khỏe tình cảm và tinh thần, miễn dịch, bảo hiểm y tế, và các khía cạnh khác để cung cấp cho quý vị sự chăm sóc, trợ giúp đáng tin cậy và chu đáo.

Vân Hi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn