Chế độ ăn nhiều đường gây hại cho đường ruột của bạn

Chế độ ăn nhiều đường làm tổn thương lớp chất nhầy bảo vệ đường ruột và làm tăng nguy cơ tiêu chảy dai dẳng, đau bụng và chảy máu trực tràng.

Một nghiên cứu từ trường Đại học Texas, Trung tâm Y tế Tây Nam, đã phát hiện ra rằng những con chuột ăn đường nhiều bị viêm đại tràng nghiêm trọng hơn do tăng lượng vi khuẩn có hại và giảm vi khuẩn có lợi ở đại tràng. Các nhà nghiên cứu cho chuột ăn nhiều loại đường khác nhau như glucose, fructose và sucrose trong 7 ngày.

Chế độ ăn nhiều đường làm tổn thương lớp chất nhầy bảo vệ đường ruột và làm tăng nguy cơ tiêu chảy dai dẳng, đau bụng và chảy máu trực tràng. Các vi khuẩn có hại, chẳng hạn như Akkermansia, sản xuất các enzyme làm phá huỷ lớp chất nhầy vốn là hàng rào bảo vệ đại tràng của bạn khỏi sự xâm nhập của các vi khuẩn khác, trong khi các loại lợi khuẩn khác như lactobacillus và Bacteroides fragilis làm tăng rõ rệt lớp bảo vệ này.

Khi các nhà nghiên cứu cho các con chuột không ăn đường ăn phân của những con chuột ăn nhiều đường, chúng cũng có những thay đổi tương tự. Điều này cho thấy tổn thương ở ruột chủ yếu là do sự phát triển của các vi khuẩn có hại gây ra bởi chế độ ăn nhiều đường.

Tôi thấy điều này rất đáng lo ngại bởi vì kể từ những năm 1960, các nhà máy thực phẩm đã thêm xi-rô ngô chứa hàm lượng fructose cao và bổ sung các loại đường khác vào tất cả các loại thực phẩm và đồ uống để làm chúng ngon hơn. Trong thời gian này, tỷ lệ mắc bệnh viêm đại tràng, bệnh Crohn, và hội chứng ruột kích ứng cũng tăng lên rõ rệt.

Nhiều nghiên cứu khác cũng cho thấy chế độ ăn nhiều đường làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim và một số bệnh ung thư theo cơ chế tương tự. Tình trạng viêm ruột mãn tính trong bệnh Crohn và viêm loét đại tràng có liên quan đến tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.

Chế độ ăn nhiều đường gây hại cho đường ruột của bạn
Chế độ ăn nhiều đường làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim và một số bệnh ung thư (Ảnh: Pixabay)

Đường phá hủy đường ruột của bạn như thế nào?

Có hơn 100 nghìn tỷ vi khuẩn sống trong đại tràng của bạn, có công dụng giúp điều hòa hệ miễn dịch của bạn. Trong khi lợi khuẩn chung sống hòa bình với cơ thể bạn nhờ nguồn thức ăn trong đường ruột, thì vi khuẩn có hại không hài lòng với thức ăn bạn đưa vào và cố gắng xâm nhập vào tế bào niêm mạc đại tràng của bạn.

Hệ miễn dịch của bạn cố gắng bảo vệ bạn bằng cách sản xuất lượng lớn tế bào bạch cầu và các chất hoá học có tác dụng phá hủy màng ngoài của vi khuẩn có hại, cố gắng tiêu diệt chúng. Tổn thương do vi khuẩn xâm nhập vào đại tràng sẽ làm kích hoạt hệ miễn dịch và gây viêm. Cả vi khuẩn tốt và xấu đều đang cạnh tranh nhau để giành không gian sống trong ruột của bạn.

Đường trong thực phẩm và đồ uống sẽ được hấp thụ ở đoạn ruột trên, nhưng nếu tiêu thụ quá nhiều đường sẽ khiến cho một phần đường đi qua ruột mà không được hấp thụ. Lượng đường tồn đọng lại trong đại tràng sẽ gây hại cho bạn bằng cách kìm hãm sự phát triển của lợi khuẩn và kích thích sự phát triển quá mức của vi khuẩn gây hại.

Đặc biệt là, đường không được hấp thu trong đại tràng có thể ngăn cản lợi khuẩn sản xuất một loại protein quan trọng gọi là “Roc” (chất điều hòa quá trình xâm nhập), cần thiết cho sự phát triển của lợi khuẩn như Bacteroides thetaiotaomicron (B. theta) có trong đại tràng.

Nếu không có protein “Roc”, B. theta sẽ không phát triển và sinh sôi và cho phép các vi khuẩn có hại thay thế lợi khuẩn.

Các nhà nghiên cứu đã chứng minh điều này bằng cách tạo một chủng B. theta có khả năng sản xuất protein ROC không bị ức chế bởi đường, và thấy rằng các chủng vi khuẩn biến đổi gen này có thể phát triển trong đại tràng của những con chuột được cho ăn nhiều đường. Nếu những kết quả trên xảy ra tương tự ở người, thì việc ăn nhiều đường có thể ảnh hưởng đến số lượng vi khuẩn tốt và xấu trong đại tràng của bạn.

Chế độ ăn nhiều đường gây hại cho đường ruột của bạn
Đường trong thực phẩm và đồ uống sẽ được hấp thụ ở đoạn ruột trên (Ảnh: Pixabay)

Khuyến nghị của tôi

Lối sống và những thực phẩm bạn tiêu thụ sẽ quyết định các loại vi khuẩn ở đại tràng. Đường được hấp thu trong ruột [non] trước khi tiến vào đại tràng, nhưng nếu bạn ăn quá nhiều đến mức khiến cơ thể không hấp thụ hết, đường sẽ tích tụ ở đại tràng và làm vi khuẩn gây hại phát triển quá mức. Tôi khuyến nghị rằng bạn nên hạn chế tất cả các nguồn bổ sung đường trong chế độ ăn, đặc biệt là tất cả đồ uống có đường.

Đường bổ sung có rất nhiều tên gọi khác nhau. Hãy đọc thành phần trên bất kỳ loại thực phẩm bạn mới mua.

Và bạn có thể nhận ra mình đang tiêu thụ thêm đường nếu thấy một trong những cụm từ sau: dextrose khan, đường nâu, nước mía ép, đường bột, siro ngô, siro ngô dạng đặc, tinh thể dextrose, dextrose, chất làm ngọt từ ngô dạng đặc, đường fructose, mật hoa quả, đường galactose, xi-rô ngô có hàm lượng fructose cao (HFCS), đường glucose, mật ong, đường nghịch đảo, đường lactose, siro mạch nha, maltose, siro cây phong, mật đường, mật hoa, siro bánh kếp, đường thô, đường ép mía, đường sucrose, v.v. Đường chiết xuất từ ​​trái cây (chẳng hạn như nho hoặc táo) cũng không lành mạnh hơn các loại đường khác.

Tiến sĩ Gabe Mirkin tốt nghiệp trường Y Đại học Harvard và Đại học Y học Baylor. Ông là một trong số rất ít bác sĩ được chứng nhận 4 chuyên khoa: Y học thể thao, dị ứng và miễn dịch học, nhi khoa và miễn dịch nhi khoa. Là một bác sĩ hành nghề trong hơn 50 năm và là người dẫn chương trình phát thanh trong 25 năm, ông cung cấp cho chúng ta tin tức y khoa và lời khuyên lối sống lành mạnh.

Vân Hi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Xem thêm:

Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn