Chuyên gia dinh dưỡng chia sẻ về việc sử dụng men tiêu hóa

Táo bón thường khiến mọi người khó chịu. Vì vậy, không ít người uống men tiêu hóa hoặc men vi sinh để điều trị táo bón. Tuy nhiên, các chuyên gia dinh dưỡng nhắc nhở rằng men tiêu hóa không có tác dụng thúc đẩy nhu động ruột. Lợi khuẩn trong đường ruột cần được nuôi dưỡng lâu dài, dùng men tiêu hóa hay men vi sinh để cấp cứu không nhất định là hiệu quả, đó chỉ là giải pháp tạm thời, là trị ngọn không trị gốc.

Men tiêu hóa là sản phẩm được làm từ các nguyên liệu thô như trái cây hoặc các loại thực vật sau quá trình lên men lâu dài. Từ này có nguồn gốc từ Nhật Bản, ban đầu được gọi là enzyme. Enzyme là những chất cần thiết để cơ thể tiêu hóa, hấp thụ, phân hủy và bài tiết thức ăn đã ăn vào. Thành phần của enzyme trên thị trường rất phức tạp, không chỉ đơn thuần là enzyme mà còn có hàng trăm chất được tạo ra sau quá trình lên men như polysaccharide, acid hữu cơ, ethanol, pectin, protein, vitamin, khoáng chất, v.v..

Cô Liêu Mẫn Hàm (Liao Minhan), chuyên gia dinh dưỡng người Đài Loan cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Epoch Times rằng, sau khi thức ăn đi vào cơ thể từ miệng, đầu tiên nó sẽ đi qua dạ dày, ruột non và cuối cùng là ruột già, và ở lại đây trong 30 ~ 48 giờ. Vì vậy thông thường, trong cơ thể sẽ tồn đọng thức ăn đã được ăn vào trong 1 ~ 2 ngày, và việc đại tiện 3 lần/ngày hoặc 3 ngày/lần đều là điều bình thường.

Cô Liêu cho biết, mọi người nói rằng có thể đi đại tiện ngay sau khi uống enzyme, điều này là không hoàn toàn đúng. Các loại men tiêu hóa được bán trên thị trường chủ yếu là hỗ trợ tiêu hóa, không có chức năng thúc đẩy nhu động ruột nên không thể vừa dùng xong liền giải quyết được tình trạng táo bón. Một số người sau khi dùng cảm thấy có hiệu quả ngay lập tức, có thể là do đã thêm vào các chất kích thích như senna, Magnesium oxide và các chất nhuận tràng khác để thúc đẩy nhu động đường tiêu hóa.

Cô Liêu Mẫn Hàm giải thích thêm rằng lợi khuẩn trong ruột cần thời gian để nuôi dưỡng, khi bị táo bón mà chỉ mới uống men tiêu hóa hoặc men vi sinh thì có rất ít tác dụng. Cần bổ sung men tiêu hóa hoặc men vi sinh mỗi ngày trong thời gian 2 tuần đến 1 tháng thì mới có thể cải thiện môi trường đường ruột và thúc đẩy đại tiện.

Cô cũng nhắc nhở, bổ sung đủ chất xơ và nước là cách cơ bản để cải thiện tình trạng táo bón chức năng, bổ sung men tiêu hóa hay men vi sinh chỉ là phương pháp phụ trợ tạm thời.

Cô Liêu Mẫn Hàm cho rằng phần lớn táo bón là do thói quen, có thể cải thiện thông qua cách ăn uống và thói quen sinh hoạt:

  1. Tăng lượng chất xơ ăn vào, nên hấp thụ 25 ~ 35 gam mỗi ngày.
  2. Uống đủ nước, mỗi ngày nên uống ít nhất 2,000ml nước đun sôi để nguội.
  3. Hấp thụ lượng chất béo vừa phải để bôi trơn đường ruột.
  4. Vận động thích hợp và xoa bóp vùng bụng để giúp nhu động ruột hoạt động tốt.
  5. Bổ sung hoặc hấp thụ vừa phải các thực phẩm giàu men vi sinh và vitamin B1.
  6. Tập thói quen đi đại tiện đều đặn, không nên nhịn đại tiện.

Cô Liêu Mẫn Hàm cho biết táo bón và bệnh trĩ có quan hệ mật thiết với nhau, thời gian ngồi xổm trong nhà vệ sinh không nên quá 10 phút để tránh mắc bệnh trĩ. Việc duy trì tâm trạng thoải mái cũng rất quan trọng, bởi những cảm xúc như tức giận, lo lắng, căng thẳng cũng sẽ làm giảm nhu động ruột và gây táo bón.

Enzyme từ càng nhiều loại thực phẩm hỗn hợp thì càng tốt? Bác sĩ Trung Y: không nhất định

Có rất nhiều enzym được tạo ra từ quá trình lên men của hàng chục loại rau củ quả, không ít người cho rằng loại enzym như thế rất phong phú về chủng loại và tốt cho cơ thể.

Bác sĩ Lý Thanh, bác sĩ Trung Y sống ở Nhật Bản nói với Epoch Times rằng: “Theo quan niệm của Trung Y truyền thống, mỗi loại thực phẩm và thực vật đều có những đặc điểm và thuộc tính riêng, đồng thời cũng có nguyên lý tương sinh tương khắc. Về việc dùng thực phẩm cũng cần xem xét các thành phần có thuộc tính khác nhau này khi kết hợp với nhau sẽ sinh ra tác dụng gì. Hầu hết các loại trái cây đều tương đối ‘lạnh’, việc kết hợp nhiều loại trái cây hoặc rau củ với nhau để tạo ra enzyme có thể làm mất dược tính của một số thành phần.”

Bác sĩ Lý Thanh nói rằng các loại enzyme trên thị trường có thành phần phức tạp và không chỉ đơn thuần là ‘enzyme’. Đối với những người có thể chất lạnh, khí hư, dạ dày và đường ruột không tốt, ăn đồ lạnh sẽ khiến bệnh nặng hơn. Các sản phẩm lên men truyền thống như sữa chua, natto, douchi, kim chi, v.v. sẽ hiệu quả hơn vi khuẩn acid lactic.

Lý Gia Duy, Vương Giai Nghi thực hiện
Liên Thư Hoa biên tập
Xuân Hoàng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ

Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn