Không phải ai cũng có thể nhịn ăn gián đoạn, vì sao?

Nhịn ăn gián đoạn là một phương pháp ăn kiêng phổ biến. Tuy nhiên việc nhịn ăn có thể gây ra một gánh nặng lớn cho dạ dày và đường ruột, bởi thời gian nhịn ăn thường dài.

Ngày càng có nhiều người gặp các vấn đề về tiêu hóa, với những triệu chứng mà đôi khi người bệnh không nhận ra là có liên quan đến hệ tiêu hóa. Bên cạnh việc đi khám bác sĩ để được kê loại thuốc phù hợp, một số thực phẩm cũng có thể giúp cải thiện các triệu chứng.

Bác sĩ Lai Jui-Hsin, giám đốc Phòng khám Hanmingtang của Đài Bắc, nhận thấy rằng ngày càng có nhiều bệnh nhân bị các vấn đề về tiêu hóa đến phòng khám. Cô nói rằng một số triệu chứng được phát hiện bởi chính bệnh nhân, trong khi những triệu chứng khác rất khó phát hiện.

Các triệu chứng tiêu hóa mà bệnh nhân ý thức được bao gồm đầy hơi, nấc cụt, đau dạ dày, trào ngược acid, cảm giác nóng rát trong dạ dày, táo bón, và tiêu chảy.

Các triệu chứng tiêu hóa khó phát hiện bao gồm tức ngực, đau ngực, đánh trống ngực, hoặc rối loạn giấc ngủ và tâm trạng.

Bác sĩ Lai cho biết, nhiều bệnh nhân tại phòng khám bị đau ngực và đánh trống ngực do dạ dày gây ra, chẳng hạn như trào ngược acid. Khi acid trào ngược đến đoạn giữa của thực quản, tức là ở ngực, sẽ ăn mòn niêm mạc thực quản, gây khó chịu ở ngực trong một thời gian lâu, khiến người bệnh tưởng tim có vấn đề.

Viêm dạ dày và đầy hơi cũng sẽ gây tức ngực. Do cơ hoành nằm phía trên dạ dày và phía trên cơ hoành là khoang ngực nên các triệu chứng về tim và phổi sẽ xuất hiện khi áp lực của dạ dày chèn lên khoang ngực.

Nhịn ăn và cà phê

Cách ăn uống là nguyên nhân trực tiếp nhất của các vấn đề về tiêu hóa.

Nguyên nhân chính gây ra các vấn đề về tiêu hóa là do ăn uống quá nhiều, ăn quá nhanh, ăn quá no, và nhịn ăn quá lâu.

Ví dụ, áp lực kinh doanh hoặc công việc, hoặc bữa ăn không đúng giờ của người lao động trong ngành dịch vụ thường dẫn đến tình trạng đói quá mức. Một số người đói quá lâu và thường ăn quá nhiều vào bữa tiếp theo.

Ngoài ra, nhịn ăn gián đoạn là một phương pháp ăn kiêng phổ biến. Bác sĩ Lai cho rằng nhịn ăn là một gánh nặng lớn cho dạ dày và đường ruột, bởi thời gian nhịn ăn thường dài.

“Tôi thực sự không khuyên bạn nên nhịn ăn”, bác sĩ Lai nói, “trừ khi dạ dày của bạn rất khỏe mạnh.”

Lấy ví dụ như thực hành nhịn ăn gián đoạn 16/8, bao gồm việc hạn chế lượng thức ăn và đồ uống chứa calorie trong một khoảng thời gian cố định là 8 giờ mỗi ngày. Trong cách làm này, bác sĩ Lai cho rằng tốt nhất nên đi ngủ sớm sau bữa tối để không bị đói quá lâu. Tuy nhiên, nhiều người ăn tối trước 8 giờ, và thức đến 1 hoặc 2 giờ đêm trước khi đi ngủ. Điều này sẽ dẫn đến tiết acid dạ dày bất thường.

Cô chia sẻ: “Đối với những người có kế hoạch giảm cân, tôi nghĩ việc điều chỉnh cách ăn uống sẽ tốt hơn là nhịn ăn.

Các loại thực phẩm có xu hướng kích thích dạ dày bao gồm: đồ nướng, chiên, cay, thực phẩm có đá, bữa ăn quá nhiều dầu mỡ, và thức uống chứa quá nhiều caffein.

Bạn không cần phải tránh hoàn toàn những thực phẩm này, nhưng nên ăn chừng mực. Ví dụ, một lượng nhỏ ớt thêm vào bữa ăn có thể tăng thêm hương vị và giúp trao đổi chất. Những người bị hội chứng lạnh và thiếu hụt dưỡng chất có thể ăn một ít ớt để cải thiện các vấn đề về tiêu hóa. Tuy nhiên, nếu mọi người thường ăn những bữa ăn rất cay hoặc chứa nhiều muối, cơ thể sẽ mất cân bằng.

7 loại thực phẩm tốt cho dạ dày

Tiến sĩ Lai nói: “Khi các bệnh nhân hỏi tôi nên ăn gì nhiều hơn, tôi sẽ trả lời nên ăn ít đi những gì”. Dưới đây, bác sĩ gợi ý 7 loại thực phẩm dễ tiêu với dạ dày, ruột và lá lách, cũng phù hợp với mọi thể trạng. Tuy nhiên, tiến sĩ cũng lưu ý ngay cả thức ăn ngon cũng nên ăn có chừng mực.

Rễ cam thảo: Tính bình, vị ngọt, có thể điều hòa chức năng của dạ dày, giảm bớt sự khó chịu của dạ dày và lá lách. Nhiều loại thuốc thảo dược Trung Quốc chứa cam thảo vì cam thảo có thể làm giảm tác dụng phụ và kích ứng của các loại thảo mộc khác gây khó chịu cho dạ dày-ruột.

Viên cam thảo có thể uống trực tiếp với nước nóng hoặc làm vị thuốc trong các món canh hầm.

Canh tứ vị thuốc: Bốn vị thuốc chủ yếu được dùng trong món canh là: khoai mỡ, nấm hương, hạt kỷ tử (makhanas), hạt sen, đều là những vị rất ôn hòa, có tác dụng bổ tỳ ích vị, thích hợp cho cả gia đình.

Đậu bắp: Đậu bắp cùng với các loại thực phẩm và thảo mộc có tính nhớt khác có tác dụng nuôi dưỡng dạ dày nhờ chất nhớt giúp bảo vệ màng nhầy của dạ dày. Lan lục bình, một loại thảo mộc của Trung Y, khi cắn sẽ có cảm giác nhớt và chủ yếu được dùng để điều trị vết loét. Đậu bắp có tác dụng tương tự lan lục bình.

Khoai mỡ Nhật Bản: Khoai mỡ có thể dưỡng phế âm và dưỡng vị âm. Khoai mỡ sống của Nhật Bản có nhiều chất nhớt hơn và có tác dụng bảo vệ dạ dày tốt hơn so với khoai mỡ thông thường.

Mộc nhĩ đen và trắng: Đều có tính bình với tác dụng giải nhiệt không đáng kể. Nấm có chất gelatin, có tác dụng bồi bổ dạ dày nhưng bệnh nhân gout nên ăn ít. Ngoài ra, mộc nhĩ đen tốt cho thận, mộc nhĩ trắng có tác dụng bôi trơn phế, cải thiện chứng phế âm hư.

Trà lúa mạch: Lúa mạch có thể cải thiện chức năng của lá lách và dạ dày, nhưng không nên uống trà thay cho lượng nước uống hàng ngày.

Nước ấm: Uống nước ấm đã đun sôi hàng ngày rất tốt cho dạ dày và đường ruột. Nước ấm có thể duy trì nhu động bình thường của dạ dày và ruột, đồng thời giúp loại bỏ chất thải trong cơ thể. Bạn không cần phải uống nước quá nóng; nhiệt độ nước và nhiệt độ cơ thể có thể gần như nhau. Vào mùa hè, bạn có thể uống nước ở nhiệt độ phòng; vào mùa đông, khi nhiệt độ phòng quá thấp, bạn cần thêm một ít nước nóng.

Tiến sĩ Lai cho biết rằng màng nhầy của đường tiêu hóa kéo dài lên đến miệng. Vì vậy, việc ngậm nước đá trong miệng cho đến khi ấm rồi mới nuốt xuống cũng sẽ ảnh hưởng đến đường tiêu hóa.

Hai công thức trà tốt cho tiêu hóa

Dưới đây là hai loại trà thảo dược Trung Quốc để cải thiện chứng đau dạ dày và nhu động ruột bất thường.

Đối với những người thường xuyên bị đau dạ dày, hoặc dạ dày và ruột bị ảnh hưởng bởi căng thẳng, hai loại trà thảo dược Trung Quốc dưới đây có thể giúp cải thiện tình hình.

Giảm đau dạ dày

Thành phần: Nhân sâm Mỹ, rễ mẫu đơn trắng, rễ cam thảo theo tỷ lệ 3:3:1 hoặc 2:2:1.

Sự kết hợp của ba loại thảo mộc này có thể cải thiện chứng co thắt dạ dày, nhu động ruột và các tình trạng liên quan khác.

Giảm stress

Thành phần: Hoắc hương Trung Quốc (hay bạc hà Ấn Độ), vỏ quýt khô, bạc hà theo tỷ lệ 3:3:1.

Cảm xúc và căng thẳng dễ ảnh hưởng đến dạ dày và đường ruột, từ đó dễ dẫn đến nhiều bệnh tật. Trong Trung Y, tạng can (lá gan) có liên quan đến cảm xúc, và hoắc hương Trung Quốc, vỏ quýt khô và bạc hà có thể cải thiện chức năng gan.

Kim Khuê biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Health 1+1
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Health 1+1 là nền tảng thông tin y tế và sức khỏe của Trung Quốc có uy tín nhất ở ngoại quốc. Thứ Ba đến thứ Bảy hàng tuần, từ 9 đến 10 giờ sáng theo giờ chuẩn miền Đông trên truyền hình và trực tuyến, chương trình gồm có những thông tin mới nhất về virus corona, phòng ngừa, điều trị, nghiên cứu khoa học và chính sách, cũng như bệnh ung thư, bệnh mãn tính, sức khỏe tình cảm và tinh thần, miễn dịch, bảo hiểm y tế, và các khía cạnh khác để cung cấp cho quý vị sự chăm sóc, trợ giúp đáng tin cậy và chu đáo.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn