Nghiên cứu hiện nay: Nhịn ăn gián đoạn giúp chống ung thư và giảm độc tính của hóa trị

Các nghiên cứu sơ bộ cho thấy việc nhịn ăn kéo dài là an toàn với một số bệnh nhân ung thư, có thể làm giảm tác dụng phụ do hóa trị và ức chế sự phát triển của khối u.

Vào ngày 10/09/2020, anh Fred Evrard, 48 tuổi, được chẩn đoán bị bệnh ung thư đại tràng giai đoạn 3. Khối u trong cơ thể anh có chiều dài khoảng 4 inch (hơn 10 cm).

Là một huấn luyện viên võ thuật khỏe mạnh và lực lưỡng – với cách ăn uống và lối sống lành mạnh – [chẩn đoán ung thư] là một cú sốc [đối với anh].

Đau đớn tột cùng, anh nằm trên giường ba ngày mà không ăn không uống gì.

Ba ngày sau, anh Evrard bắt đầu vực dậy và sẵn sàng đối mặt với bệnh tật.

Anh bắt đầu đọc tất cả [các tài liệu] về ung thư và các phương pháp điều trị tự nhiên. Anh đã tìm thấy nhiều ca phục hồi thành công và đảo ngược ung thư nhờ phương pháp nhịn ăn. Những phát hiện này đã thôi thúc anh tự mình thử nghiệm.

Anh Evrard bắt đầu nhịn ăn trong 21 ngày. Khát vọng sống đã giúp anh tiến bước về phía trước.

Sau 21 ngày nhịn ăn, ảnh chụp cộng hưởng từ (MRI) của anh cho thấy một sự thay đổi điều kỳ diệu: Chiều dài khối u đại tràng đã giảm từ 4 inch xuống còn dưới 2.5 inch (khoảng 6.35 cm), và đường kính cũng giảm đáng kể.

Sau khi nhịn ăn, anh áp dụng cách ăn keto, hay chính xác hơn là cách ăn kiêng chỉ dùng thịt. Nguyên nhân là do anh không thể ăn bất cứ thứ gì có chất xơ vì bị viêm ruột nặng. Trong thời gian đó, anh cũng áp dụng phương pháp nhịn ăn gián đoạn và chỉ ăn một bữa mỗi ngày.

Trong cuộc chiến với bệnh ung thư, anh Evrard đã trải qua 3 đợt hóa trị. Việc nhịn ăn đã giúp làm giảm tác động tiêu cực của hóa trị đến mức anh hầu như không phải chịu các tác dụng phụ như rụng tóc, buồn nôn, hay mệt mỏi quá mức. Các chỉ số miễn dịch trong máu của anh cũng ở mức bình thường. Trong đợt hóa trị thứ hai, anh ăn uống trở lại và gặp phải những tác dụng phụ trầm trọng. Anh lại nhịn ăn trong đợt hóa trị thứ ba và đạt được kết quả tuyệt vời.

Vào ngày 02/01/2021, anh bắt đầu nhịn ăn trong khoảng 5 ngày và ăn keto trong 2 ngày vào cuối tuần để hoàn thành vòng thứ hai của 21 ngày nhịn ăn.

Vào ngày 10/01/2021, bốn tháng sau khi được chẩn đoán bị bệnh ung thư, anh Evrard được chụp MRI một lần nữa và làm các xét nghiệm máu khác. Bác sĩ nở một nụ cười trên môi và nói với anh rằng, “Anh Evrard, anh đã không còn bị ung thư nữa rồi.”

Nhịn ăn gián đoạn giúp chống ung thư như thế nào?

Từ đầu những năm 1900, các nhà khoa học đã nhận thấy tác động tích cực của việc kiểm soát ăn uống đối với sức khỏe của sinh vật. Nghiên cứu vào thời điểm đó cho thấy kiểm soát ăn uống có thể làm chậm hoặc thậm chí ngừng phát triển khối u ở chuột thí nghiệm, cũng như trì hoãn ung thư tái phát. Các nhà khoa học đã tiến hành hàng trăm nghiên cứu trên các loài sinh vật khác nhau, bao gồm nấm men, giun tròn, ruồi giấm, chuột, khỉ vàng, v.v. Sau khi thử nghiệm trên động vật, người ta bắt đầu thực hiện các thí nghiệm quy mô nhỏ trên người. Các nghiên cứu sơ bộ cho thấy việc nhịn ăn kéo dài là an toàn với một số bệnh nhân ung thư, có thể làm giảm tác dụng phụ do hóa trị và ức chế sự phát triển của khối u.

1. Tác dụng chống ung thư của phương pháp nhịn ăn

Nhịn ăn và cách ăn keto có thể khiến cơ thể ở trong trạng thái chuyển hóa ketone. Các tế bào ung thư chỉ có thể tồn tại bằng cách chuyển hóa glucose và glutamine, và chúng không thể chuyển hóa các thể ketone. Do đó, cách ăn này tương đương với việc cắt bỏ khẩu phần ăn của tế bào ung thư.

Nhịn ăn và hạn chế calorie có thể làm giảm sản xuất các yếu tố tăng trưởng, cytokine gây viêm, và hormone đồng hóa. Điều này giúp đẩy nhanh những thay đổi tương ứng trong quá trình chuyển hóa và nồng độ hormone trong cơ thể, chẳng hạn như giảm tiết insulin, tăng độ nhạy insulin, giảm tiết testosterone và estrogen.

Nhịn ăn và hạn chế calorie cũng làm giảm căng thẳng oxy hóa, tăng tác dụng chống oxy hóa, giảm tổn thương DNA do gốc tự do gây ra, và kích hoạt quá trình sửa chữa DNA. Các thí nghiệm trên tế bào cũng chứng minh việc nhịn ăn và hạn chế calorie có thể làm tăng quá trình tự thực bào. Đây là quá trình tái chế “rác” tế bào và loại bỏ các bộ phận bị hư hỏng. Nhịn ăn cũng có thể ức chế sự tăng sinh tế bào và làm chậm quá trình lão hóa tế bào.

Những cơ chế đã được nghiên cứu kỹ lưỡng trên có thể giúp cơ thể chống lại ung thư – như nhiều nghiên cứu đề xuất.

Một nghiên cứu trên động vật tại Đại học Wisconsin cho thấy, so với những con khỉ không hạn chế calorie, những con khỉ ăn ít hơn 30% calorie đã giảm 50% tỷ lệ bị bệnh ung thư rải rác (phổ biến nhất là ung thư biểu mô tuyến tiêu hóa).

Một nghiên cứu được thực hiện bởi Đại học Johns Hopkins với thời gian theo dõi trung bình là 11 năm cho thấy việc can thiệp tích cực vào lối sống có thể làm giảm 16% nguy cơ bị các bệnh ung thư liên quan đến béo phì (như ung thư thực quản, ung thư đại trực tràng, ung thư thận, ung thư tuyến tụy, ung thư dạ dày, ung thư gan, ung thư túi mật, ung thư tuyến giáp, ung thư tử cung, ung thư buồng trứng, ung thư vú sau mãn kinh, và đa u tủy xương). Các nhà nghiên cứu tin rằng điều này là do sự can thiệp vào lối sống có thể giúp các đối tượng trên giảm cân nặng.

Một nghiên cứu chung được thực hiện bởi các nhà khoa học ở Hoa Kỳ và Pháp cho thấy cách ăn kiêng kết hợp với vitamin C có thể điều trị hiệu quả một số loại ung thư.

2. Nhịn ăn có thể làm tăng hiệu quả và giảm tác dụng phụ của hóa trị

Nghiên cứu lâm sàng về việc nhịn ăn ở bệnh nhân ung thư vẫn còn trong giai đoạn ban đầu. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy việc nhịn ăn trong thời gian ngắn có thể làm giảm độc tính đồng thời nâng cao hiệu quả của các hóa chất, từ đó cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân ung thư. Điều này là do việc nhịn ăn làm tăng khả năng chống lại căng thẳng của tế bào khỏe mạnh, trong khi khiến tế bào khối u trở nên nhạy cảm với các hóa chất do thiếu chất dinh dưỡng.

Các thí nghiệm trên động vật cho thấy tác dụng ức chế khối u của việc nhịn ăn có thể so sánh với tác dụng của hóa trị; sự kết hợp giữa nhịn ăn và hóa trị [giúp bệnh nhân] đạt được hiệu quả chống ung thư tốt nhất và giảm thể tích khối u đáng kể nhất. Hơn nữa, hướng tiếp cận này khiến tế bào lympho thâm nhiễm khối u nhiều nhất. Các thí nghiệm đã chứng minh rằng việc nhịn ăn cũng kích thích sản xuất các tế bào tiền thân dòng lympho.

Nghiên cứu hiện nay: Nhịn ăn gián đoạn giúp chống ung thư và giảm độc tính của hóa trị

Các thí nghiệm trên động vật cho thấy việc kết hợp nhịn ăn với hóa trị có tác dụng chống ung thư tốt nhất. (Ảnh: The Epoch Times)

Một thử nghiệm lâm sàng quy mô nhỏ cho thấy nhịn ăn ngắn hạn giúp giảm độc tính huyết học ở bệnh nhân ung thư vú điều trị hóa trị so với nhóm đối chứng. Số lượng hồng cầu và tiểu cầu ở những bệnh nhân này tăng đáng kể sau khi hóa trị, trong khi các chỉ dấu phản ánh tổn thương DNA tăng tương đối ít, cho thấy việc nhịn ăn có thể làm giảm tổn thương DNA do hóa trị gây ra và giúp đẩy nhanh quá trình phục hồi DNA.

Một nghiên cứu trên 20 bệnh nhân với các loại khối u khác nhau (chủ yếu là ung thư vú, ung thư buồng trứng và ung thư tử cung) cho thấy so với những bệnh nhân nhịn ăn trong vòng 24 giờ trước khi hóa trị, bệnh nhân nhịn ăn trong khoảng thời gian dài hơn (48 giờ và 72 giờ) đã giảm tỷ lệ bạch cầu hạt trung tính và bệnh lý thần kinh, và tăng ít các chỉ dấu tổn thương DNA.

Một thử nghiệm khác với hơn 30 bệnh nhân ung thư phụ khoa cho thấy những bệnh nhân hóa trị nhịn ăn thường ít gặp phải tình trạng đau đầu, suy nhược, và viêm dạ dày hơn. Họ cũng có điểm độc tính hóa trị thấp hơn đáng kể và ít phải trì hoãn hóa trị hơn. Ngoài ra, những bệnh nhân nhịn ăn đã cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống và giảm mệt mỏi sau hóa trị so với những bệnh nhân ăn uống bình thường.

Thiên Vân biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Flora Zhao
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Cô Flora Zhao là một ký giả sức khỏe của The Epoch Times. Để tham khảo thêm các mẹo bổ ích, bạn có thể gửi email theo địa chỉ: [email protected]
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn