Làm thế nào để tránh tình trạng béo phì ở tuổi trung niên?

Theo thời gian, khi bạn già đi, cơ thể sẽ giảm dần khối lượng cơ và trở nên thiếu năng lượng, nhưng lại tích tụ mỡ nhiều hơn. Việc tăng cân từ khối mỡ có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của bạn.

Bạn sẽ rất dễ cảm thấy bối rối trước những lời khuyên về cách ăn uống và tập thể dục, nhưng đây chính là chìa khóa để tránh tình trạng thừa cân khi về già. Khi bước qua những độ tuổi 30, 40, 50 và cả sau đó, bạn có thể thực hiện các bước dưới đây để phòng tránh tình trạng cơ bắp mềm nhão liên quan đến vấn đề tuổi tác.

Quá trình trao đổi chất bắt đầu thay đổi khi bạn già đi. Cơ thể sẽ đốt cháy ít calo hơn và tiêu hóa thức ăn kém hơn. Khối lượng cơ bắt đầu giảm, và cân nặng bắt đầu tăng. Trừ khi bạn tập thể dục thường xuyên và điều chỉnh cách ăn uống, tình trạng thừa cân ở tuổi trung niên có thể nhanh chóng trở thành tình trạng béo phì.

Theo tiến sĩ Mark Mattson, một chuyên gia về lão hóa và tập luyện của Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ (NIH) cho biết: “Ở một giai đoạn nào đó, khi già đi, mọi người bắt đầu mất dần khối lượng cơ và tăng lượng mỡ ở bụng.” Lối sống lười biếng chính là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tình trạng béo phì ở tuổi trung niên. Tến sĩ Mattson nói: “Thói quen ăn uống quá đà và lười vận động có thể đẩy nhanh tiến trình lão hóa của quá trình trao đổi chất trong cơ thể.”

Một yếu tố quan trọng trong những thay đổi liên quan đến tuổi tác là leptin, một chất hóa học giúp não bộ đưa ra các tín hiệu ngừng ăn [khi thấy đủ]. Tín hiệu leptin không còn hoạt động hiệu quả khi bạn già đi, khiến bạn có thể thấy đói ngay cả khi vừa mới ăn xong. Tình trạng béo phì cũng làm giảm hiệu quả của leptin.

Tiến sĩ Josephine M. Egan, một chuyên gia của NIH về bệnh tiểu đường và lão hóa cho biết: “Khi bạn ăn bất cứ thứ gì, hệ thống khen thưởng trong não bộ sẽ được kích hoạt, giúp bạn cảm nhận hương vị thơm ngon của món ăn và cảm thấy hài lòng. Với người có mức cân nặng trung bình, họ sẽ có thể thỏa mãn cảm giác thèm ăn khi ăn một lượng nhỏ.” Tuy nhiên, khi tuổi tác và cân nặng đều tăng lên, bạn có thể cần ăn nhiều hơn để cảm thấy no đủ như cũ.

Tình trạng lão hóa và béo phì cũng có thể ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa glucose, loại đường mà cơ thể tạo ra từ thức ăn và dùng để sản sinh năng lượng. Những thay đổi này có thể dẫn đến bệnh tiểu đường, làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, mù lòa, cắt cụt chi do hoại tử và nhiều bệnh lý khác.

Tiến sĩ Mattson nói: “Béo phì làm tăng nguy cơ và giảm tuổi khởi phát đối với nhiều bệnh liên quan đến tuổi tác. Về lâu dài, ngay cả não bộ cũng sẽ bị ảnh hưởng. Các bằng chứng mới đây cho thấy bệnh tiểu đường và tình trạng béo phì kéo dài có thể dẫn đến những thay đổi trong tế bào não khiến chúng lão hóa nhanh hơn.”

Khi bước qua tuổi 50, cơ thể bạn có thể cần ít calo hơn. Nhưng điều quan trọng là cần duy trì cách ăn uống hợp lý, vì vậy đừng bỏ qua các loại thực phẩm lành mạnh. Quá nhẹ cân và dư cân đều khiến sức khỏe bị suy giảm, đặc biệt với người cao tuổi. Để biết thêm các mẹo về phương pháp ăn uống lành mạnh sau tuổi 50, hãy truy cập trang web “Những thực phẩm nào đang có trên bàn ăn của bạn? Sự lựa chọn thông minh để lão hóa khỏe mạnh” của Viện Y Tế Quốc Gia.

Tập thể dục và vận động thường xuyên cũng rất quan trọng. “Không quan trọng ở độ tuổi nào, hoạt động thể chất luôn mang lại lợi ích cho bạn,” Tiến sĩ Egan nói. Hãy thảo luận với nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe về những phương pháp an toàn để điều chỉnh mô hình tập luyện khi bạn già đi. Nếu bạn đang có vấn đề sức khỏe, chẳng hạn như bệnh viêm khớp hoặc vừa trải qua một cuộc phẫu thuật, hãy thử hỏi về các mẹo giúp bạn có thể tập luyện một cách an toàn. Hãy cùng thảo luận [với bác sĩ] để tìm ra phương pháp tập luyện phù hợp nhất dành cho bạn.

Tập trung vào tập luyện thể chất và ăn uống lành mạnh, vì đây chính là chìa khóa để tránh tình trạng béo phì ở tuổi trung niên và các vấn đề sức khỏe đi kèm. Chiến dịch tập thể dục và hoạt động thể chất Go4Life của Viện Y tế Quốc Gia được thiết kế đặc biệt cho những người cao tuổi. Để biết thêm các mẹo giúp bạn có thể bắt đầu, hãy lập kế hoạch, đặt mục tiêu và hơn thế nữa, hãy truy cập go4life.nia.nih.gov.

Những lựa chọn sáng suốt

Những điều đơn giản để có cuộc sống khỏe mạnh khi về già:

  • Cam kết thực hiện cách ăn uống lành mạnh.
  • Hạn chế ăn vặt.
  • Uống nhiều nước.
  • Di chuyển nhiều hơn. Hãy đi cầu thang bộ hoặc đi bộ thay vì dùng thang máy
  • Ngủ nhiều hơn.
  • Hạn chế sử dụng rượu bia. Trong rượu có chứa lượng lớn calo và có thể làm trầm trọng thêm vấn đề sức khỏe thường gặp ở người cao tuổi.
  • Tránh các sản phẩm thuốc lá.

Tài liệu tham khảo

Thanh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times
National Institutes of Health
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Viện Y tế Quốc gia (NIH) là cơ quan nghiên cứu y sinh lớn nhất thế giới, thuộc Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Hoa Kỳ.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn