Nghiên cứu: Nguy cơ bị bệnh Parkinson của những người thuộc Thủy quân lục chiến Trại Lejeune cao hơn 70% so với các trại khác

Một phân tích mới của các thành viên thuộc bộ ngoại giao Hoa Kỳ tiết lộ rằng các cựu chiến binh từng phục vụ tại Căn cứ Thủy quân lục chiến Trại Lejeune có nguy cơ rất cao bị bệnh Parkinson, một căn bệnh ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng triệu người do chất độc TCE trong nguồn nước.

Một nghiên cứu quy mô lớn được công bố trên JAMA Neurology với sự tham gia của 350,000 cựu chiến binh Trại Lejeune cho thấy, nguy cơ bị bệnh Parkinson của Thủy quân lục chiến đóng tại căn cứ tiểu bang North Carolina này từ năm 1975 đến 1985 đã tăng 70% so với những người đóng quân tại Trại Pendleton ở tiểu bang California.

Các nhà nghiên cứu cho rằng nguy cơ tăng cao này là do việc tiếp xúc với trichloroethylene TCE, một chất có trong nước mà binh lính tiêu thụ, dùng để tắm rửa và chế biến thức ăn tại Trại Lejeune.

Các gia đình, nhà trẻ bị ảnh hưởng bởi tình trạng ô nhiễm

Trại Lejeune, căn cứ Thủy quân lục chiến lớn nhất tại Hoa Kỳ, gồm nhiều trung tâm huấn luyện và chỉ huy quân sự cũng như các cơ sở bổ sung như nhà trẻ, trường học, khu nhà ở gia đình, phòng tập thể dục và bệnh viện.

Năm 1982, Thủy quân lục chiến phát hiện nước uống từ hai trong số tám nhà máy lọc nước ở căn cứ bị nhiễm các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (VOCs – volatile organic compounds). Những hóa chất này thường được tìm thấy trong nhiên liệu dầu mỏ, chất lỏng thủy lực, chất pha loãng sơn và chất tẩy khô.

Nguồn ô nhiễm chính đến từ nhà máy lọc nước Tarawa Terrace, trong đó nước tại đây bị nhiễm perchloroethylene (PCE) hay tetrachloroethylene (TCE) trong nước. Ô nhiễm là do chất thải không được xử lý đúng tại tiệm giặt khô ngoài cơ sở, ABC One-Hour Cleaners.

Theo Cơ quan Đăng ký Chất độc và Bệnh tật, một cơ quan y tế công cộng liên bang, người ta tin rằng việc tiếp xúc với TCE, PCE, vinyl clorua và các chất gây ô nhiễm khác trong nước tại Trại Lejeune có thể làm tăng nguy cơ bị bệnh ung thư và các vấn đề khác. Những bệnh này bao gồm bệnh thận, đa u tủy xương, bệnh bạch cầu và dị tật bẩm sinh, ảnh hưởng đến sức khỏe của tất cả cư dân, bao gồm trẻ sơ sinh, trẻ em, công nhân dân sự và nhân viên Thủy quân lục chiến và Hải quân đóng tại Trại Lejeune.

Nghiên cứu gần đây đã kiểm tra hồ sơ sức khỏe của 172,128 cựu chiến binh đến từ Trại Lejeune và 168,361 người đến từ Trại Pendleton, tất cả đều đã phục vụ ít nhất ba tháng từ năm 1975 đến năm 1985 tại các trại. Các quan sát tiếp theo được tiến hành từ ngày 01/01/1997 – 17/02/2021.

Cả hai nhóm đều có những đặc điểm nhân khẩu tương tự nhau, với đa số là nam giới da trắng có độ tuổi trung bình là 59.

Nghiên cứu tiết lộ, trong tổng số những người tham gia, 430 cựu chiến binh được chẩn đoán bị bệnh Parkinson, với 279 ca đến từ Trại Lejeune và 151 ca đến từ Trại Pendleton. Phân tích được thực hiện bởi các nhà nghiên cứu, xác định rằng các cựu chiến binh Trại Lejeune phải đối mặt với nguy cơ bị bệnh Parkinson cao hơn 70% so với những người đóng quân tại căn cứ Thủy quân lục chiến khác không có nước bị ô nhiễm.

Nghiên cứu cũng phát hiện các cựu chiến binh không bị Parkinson có nguy cơ cao mắc các tiền triệu khác nhau của Parkinson. Những tiền triệu này bao gồm suy giảm nhận thức và rối loạn hành vi trong giấc ngủ REM (RBD).

Các nhà nghiên cứu kết luận: “Các phát hiện của nghiên cứu cho thấy nguy cơ bị bệnh PD (bệnh Parkinson) cao hơn ở người tiếp xúc với TCE và VOCs trong nước cách đây 4 thập niên. Hàng triệu người trên toàn thế giới đã và đang tiếp tục tiếp xúc với chất gây ô nhiễm môi trường phổ biến này.”

Thủy quân lục chiến trì hoãn giải quyết vấn đề trong nhiều thập niên

Một Phiên điều trần của Hạ viện năm 2010 lưu ý rằng Thủy quân lục chiến phải mất hơn bốn năm để đóng cửa các giếng nước bị ô nhiễm. 24 năm sau, Quốc hội đã thông qua một đạo luật để buộc quân đội phải thông báo cho các cựu chiến binh về việc họ bị phơi nhiễm với chất độc và có thể gặp phải những tác động sức khỏe tiềm tàng.

Phiên điều trần cũng tiết lộ trong năm 2010, Bộ Cựu chiến binh (VA) đã nhận được 191 khiếu nại từ các cựu chiến binh Trại Lejeune. Trong số này, 15 đến 16 trường hợp sau đó được xem xét và cuối cùng có 5 đến 6 cựu chiến binh được cấp yêu cầu bồi thường khi VA xác định bệnh của họ có thể là do tiếp xúc với hóa chất từ nước uống của Trại Lejeune.

TCE từ lâu đã được cho là liên quan đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng và là chất bị cấm ở Liên minh Âu Châu và hai tiểu bang của Hoa Kỳ (New York và Minnesota).

Trong một bài báo nghiên cứu gần đây, Tiến sĩ Earl Ray Dorsey, giáo sư thần kinh học tại Đại học Rochester, và các đồng nghiệp đã kêu gọi cấm TCE, do chất này có liên quan đến nhiều vấn đề sức khỏe, bao gồm cả bệnh Parkinson. Ông Dorsey và nhóm nghiên cứu viết rằng: “Thông qua việc xem xét một bài tổng quan lý thuyết và bảy trường hợp minh họa, chúng tôi cho rằng hóa chất phổ biến này đang góp phần vào sự gia tăng toàn cầu của bệnh Parkinson và TCE là một trong những nguyên nhân vô hình trong đó và là yếu tố có thể phòng ngừa được.”

Ông Dorsey nói với thời báo The Epoch Times rằng, nghiên cứu mới liên quan đến tiếp xúc với TCE chứa trong nước độc hại tại Trại Lejeune “chắc chắn bổ sung thêm” bằng chứng về khả năng gây hại của hóa chất này. Ông cũng lưu ý rằng một nghiên cứu được thực hiện cách đây một thập niên đã phát hiện các cặp song sinh có nghề nghiệp phải tiếp xúc với TCE trong Thế chiến II có nguy cơ bị bệnh Parkinson cao hơn 500% so với người không tiếp xúc.

“Ngoài ra, chúng tôi biết từ các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm [rằng] khi cho chuột nhắt hoặc chuột cống ăn TCE, chúng sẽ xuất hiện các đặc điểm lâm sàng và bệnh lý của bệnh Parkinson,” ông nói thêm.

Ông Dorsey cho biết TCE, cùng với các hóa chất khác như paraquat, có liên quan đến bệnh Parkinson, căn bệnh gây ra tổn thương ty thể, một bào quan sản xuất năng lượng của tế bào.

Ông nói: “Giờ đây, chúng ta có ngày càng nhiều bằng chứng dịch tễ học và các nghiên cứu có ý nghĩa trên động vật, tất cả đều cho thấy TCE có thể là nguyên nhân thực sự quan trọng gây ra bệnh Parkinson.”

Khi được hỏi về tính chắc chắn của việc tiếp xúc với TCE sẽ dẫn đến chứng rối loạn thoái hóa thần kinh này, ông Dosey nhấn mạnh rằng, giống như trong cuộc sống, khoa học không có gì là bảo đảm chắc chắn.

Ông so sánh mối liên quan này giống như việc hút thuốc và ung thư phổi. Ông nói: “Chỉ 10% người hút thuốc bị ung thư phổi, nhưng điều đó không làm mất đi sự thật rằng hút thuốc lá gây ung thư phổi. Vì vậy, chỉ một số ít người tiếp xúc với TCE sẽ phát triển bệnh Parkinson, nhưng như những gì bạn thấy từ nghiên cứu, nguy cơ tăng lên 70%, [và] đó có thể là một đánh giá khiêm tốn.”

Ông Dorsey, đồng tác giả cuốn sách “Ending Parkinson’s Disease” (Tạm dịch: Chấm dứt bệnh Parkinson), cho rằng căn bệnh này có thể phòng ngừa được và ông cũng đang quyên góp số tiền thu được từ cuốn sách cho mục tiêu trên. Ông nói: “Bệnh Parkinson, căn bệnh về não phát triển nhanh nhất thế giới, phần lớn có thể phòng ngừa được và giờ đây chúng ta có bằng chứng thực sự rõ rệt về một trong những nguyên nhân có thể ngăn ngừa được đó. Nếu chúng ta, giống như các quốc gia khác ở Tây Âu, cấm hóa chất này, chúng ta có thể tiến gần hơn đến viễn cảnh mà bệnh Parkinson ngày càng hiếm gặp vào một ngày nào đó, thay vì trở nên phổ biến hơn.”

Thanh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The EpochTimes

George Citroner
BTV Epoch Times Tiếng Anh
George Citroner là ký giả chuyên mục sức khỏe của The Epoch Times. Ông George Citroner đưa tin về sức khỏe và y học, bao gồm các chủ đề ung thư, bệnh truyền nhiễm và tình trạng thoái hóa thần kinh. Ông đã được trao giải thưởng Báo cáo xuất sắc về chỉnh hình truyền thông (MORE) vào năm 2020 cho một câu chuyện về nguy cơ loãng xương ở nam giới.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn