Nghiên cứu: Ung thư não có liên quan chặt chẽ đến GDP và việc sử dụng điện thoại di động

Một nghiên cứu của Trường Y thuộc Chinese University of Hong Kong đã phát hiện ra rằng tỷ lệ ung thư não nguyên phát có liên quan đến sự giàu có và việc phát hiện sớm căn bệnh ung thư có thể có lợi cho những người có nguy cơ cao ở các nước giàu có.

Mặc dù ung thư não nguyên phát không thuộc loại ung thư phổ biến nhưng tỷ lệ sống sót thấp hơn nhiều so với bất kỳ loại ung thư nào khác. Cộng đồng y tế vẫn chưa tìm ra được nguyên nhân chính gây ung thư não.

Theo dữ liệu của Cơ quan quản lý bệnh viện Hồng Kông, trung bình có 240 trường hợp ung thư não nguyên phát mới và 115 trường hợp tử vong ở Hồng Kông được ghi nhận hàng năm tính từ năm 2011 đến năm 2020.

Nhóm nghiên cứu của trường Đại học đã tham khảo cơ sở dữ liệu quốc tế từ Tổ chức Ung thư Toàn cầu, Cơ sở dữ liệu về tỷ lệ tử vong của Tổ chức Y tế Thế giới và Tổ chức Y tế Toàn cầu thuộc Tổ chức Y tế Thế giới cho nghiên cứu của họ. Dựa trên các dữ liệu thu thập được, nhóm nghiên cứu đã tính toán, phân tích tỷ lệ mắc bệnh, tỷ lệ tử vong và tỷ lệ phổ biến của các yếu tố gây nguy cơ ung thư não khác nhau.

Nghiên cứu đã phát hiện ra rằng các khu vực khác nhau sẽ phải chịu gánh nặng bệnh tật do ung thư não khác nhau. Trong số các quốc gia, tỷ lệ mắc bệnh ở Nam Âu là cao nhất, trong khi tỷ lệ tử vong ở Tây Á ở vị trí đứng đầu của số liệu phân tích.

Nghiên cứu cho thấy ung thư não tỷ lệ thuận với tổng sản phẩm quốc nội bình quân đầu người, chỉ số phát triển con người, chấn thương sọ não, phơi nhiễm nghề nghiệp từ các chất gây ung thư và sử dụng điện thoại di động. Dữ liệu cho thấy các quốc gia hoặc khu vực có nhiều yếu tố rủi ro nghiêm trọng nói trên có tỷ lệ tử vong cao hơn.

Nghiên cứu cũng phát hiện ra tỷ lệ mắc bệnh của nam thanh niên ở các nước phát triển ngày càng tăng. Nhóm nghiên cứu đã dùng phương pháp AAPC (phương pháp Thay đổi tỷ lệ phần trăm trung bình hàng năm) để so sánh thì thấy mức tăng cao nhất về tỷ lệ mắc bệnh ở nam giới là Slovakia (4.4). Đối với nữ giới thì mức tăng cao nhất là Đan Mạch (3.4).

AAPC là thước đo những thay đổi tổng thể về tỷ lệ mắc hoặc tử vong do ung thư trong một giai đoạn cụ thể. Ví dụ: nếu theo AAPC mà tỷ lệ mắc bệnh của một số bệnh ung thư ở một quốc gia là 5 trong 10 năm qua thì có nghĩa là tỷ lệ mắc bệnh ở quốc gia đó tăng trung bình 5% mỗi năm trong khoảng thời gian 10 năm.

Một điều đáng chú ý là: tỷ lệ này tăng cao hơn đối với những nam giới có độ tuổi từ dưới 50 và thể hiện rõ rệt nhất lại là ở Slovakia. Thay vì cho thấy xu hướng giảm tỷ lệ tử vong do ung thư não nguyên phát một cách rõ rệt thì xu hướng tử vong lại giữ ở mức ổn định.

“Tỷ lệ mắc và tử vong do ung thư não nguyên phát thay đổi theo từng vùng, có thể là do liên quan đến khả năng phát hiện, chẩn đoán và mức độ phổ biến của các yếu tố nguy cơ ở mỗi vùng. Tuy nhiên, nguyên nhân vẫn chưa được xác định và cần điều tra thêm”, Tiến sĩ Jason Huang Junjie, tác giả đầu tiên của nghiên cứu và là Phó giáo sư nghiên cứu của Trường Y tế Công cộng và Chăm sóc Ban đầu Jockey Club thuộc Chinese University of Hong Kong Medicine cho biết.

Giáo sư Martin Wong Chi-sang – trưởng nhóm nghiên cứu nói thêm: “Các nhà hoạch định chính sách ở các khu vực khác nhau nên thực hiện các chiến lược phòng ngừa có mục tiêu và dựa trên bằng chứng để kiểm soát các yếu tố rủi ro liên quan”.

Nghiên cứu về ung thư não do Đại học Hồng Kông Trung Quốc thực hiện cùng với Hiệp hội các trường đại học Vành đai Thái Bình Dương, đã được công bố trên tạp chí y khoa có thẩm quyền quốc tế Society of Neuro-Oncology vào ngày 1 tháng 9 năm 2022.

Khánh Nam biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Vincent Lam
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn