Người nhận tạng cấy ghép biểu hiện tính cách của người hiến tạng, tại sao?

Ngày càng có nhiều bằng chứng về trí nhớ tế bào và bản chất vật chất của thứ mà chúng ta coi là tâm linh

Tóm lược:

Một lượng lớn các bằng chứng thực nghiệm ủng hộ sự tồn tại những thay đổi tính cách của những người nhận tạng ghép. Các trường hợp được báo cáo cho thấy những thay đổi trong sở thích, cảm xúc, tính khí, trí nhớ và danh tính của người được cấy ghép, bao gồm cả kết cục tiêu cực và tích cực, từ việc thải ghép, tử vong sau ghép cho đến sự thay đổi hoàn toàn về nhân cách của người đó.

Tiến sĩ Larry Dossey, cựu chánh văn phòng tại Bệnh viện Medical City Dallas và là biên tập viên của EXPLORE: The Journal of Science and Health, đưa ra một cách giải thích khác với giả thuyết về trí nhớ tế bào: đó có thể là vấn đề ý thức, không phải vấn đề về mô cơ thể.

Không chỉ có não và các tế bào thần kinh giữ lại trí nhớ. Chúng ta có thể có sáu cơ chế có thể được lưu trữ ký ức: trí nhớ biểu sinh, bộ nhớ DNA, bộ nhớ RNA, bộ nhớ protein, bộ nhớ thần kinh trong tim và bộ nhớ năng lượng.

Điều này có nhiều ý nghĩa đối với tương lai của khoa học sự sống. “Tuổi thọ, đường đời và các đặc điểm của tâm trí và tinh thần của mỗi người cuối cùng sẽ được xác định khi chúng ta có những cách nghiên cứu tốt hơn.” Tiến sĩ Đồng Vũ Hồng nói.

Từ câu chuyện ghép tim của cô Claire Sylvia

Một người New England 48 tuổi tên là Claire Sylvia đã rất bối rối khi cô đột nhiên thích đồ ăn vặt, bia, gà tẩm bột chiên và lái mô tô sau khi cấy ghép tim phổi. Điều này không giống với cô Claire mà gia đình và bạn bè của cô ấy biết.

Trong cuốn hồi ký bán chạy nhất của mình, “Ghép tim,” Sylvia đã mô tả trải nghiệm thay đổi của cá nhân mình và của những người nhận tạng ghép mang đặc điểm tính cách trái ngược với những người hiến tạng. Khi Sylvia tìm kiếm gia đình của người hiến tặng, cô biết được rằng mọi đặc điểm mới mà cô có được đều đến từ một cậu bé tuổi teen đã hiến trái tim và lá phổi cho cô.

Câu chuyện của Sylvia đặc biệt đến nỗi nó đã trở thành một trong những câu chuyện cấy ghép được biết đến nhiều nhất trong lĩnh vực y tế và khoa học năng lượng.

Nhận xét về cuốn sách của mình, tác giả cuốn sách “Chữa bệnh bằng lượng tử”, Tiến sĩ Deepak Chopra nói, “Đây là một câu chuyện phải được kể và nghe … là một ví dụ hấp dẫn về cách trí nhớ tế bào có thể tồn tại lâu hơn cái chết vật lý như thế nào.”

Câu chuyện này, và nhiều câu chuyện tương tự như vậy khẳng định ý tưởng rằng có nhiều thứ liên quan đến tâm trí và cơ thể hơn là các phân tử và vật chất. Khi xem xét những câu chuyện như của Sylvia, chúng ta có thêm một tầng ý tưởng để xem xét và nghiên cứu.

Tổ chức Y tế Thế giới đã báo cáo 5,400 ca ghép tim trên toàn thế giới vào năm 2008. Tại Hoa Kỳ, có tổng cộng 3,408 ca cấy ghép được thực hiện trong năm 2018 và 73,510 người đã được ghép tim trong ba thập kỷ qua. Những nhà nghiên cứu về hiện tượng trí nhớ tế bào cho biết những thống kê đó chỉ ra một số lượng lớn các cá nhân có khả năng bị thay đổi nhân cách sau khi phẫu thuật cấy ghép tim.

Tiến sĩ Đồng Vũ Hồng, bác sĩ bệnh truyền nhiễm và đồng sáng lập công ty công nghệ sinh học Thụy Sĩ cho biết, “Y học hiện đại có sự hiểu biết cặn kẽ về cấu trúc tế bào và phân tử của cơ thể người. Tuy nhiên, chỉ bấy nhiêu đó thì không phải là bức tranh hoàn chỉnh về cơ thể con người. Ngoài cấu trúc phân tử, cơ thể con người có cấu trúc và các hạt nhỏ hơn nhiều, thuộc phạm vi ‘tâm’ hoặc ‘tâm linh.’ Trung y giải thích rằng mỗi cơ quan của cơ thể con người – tim, thận, gan, lách, phổi — có tâm trí hoặc các phân tử ở cấp độ tâm linh, nhưng mắt người của chúng ta không thể nhìn thấy được. Trí nhớ tế bào là một khả năng và có ý nghĩa quan trọng, còn cơ thể, tâm trí và tinh thần của chúng ta là toàn bộ.”

Năm 2009, Trường Y Harvard đã định nghĩa ký ức tế bào sinh học là “một phản ứng bền vững của tế bào đối với một kích thích nhất thời” trong não. Để hình thành ký ức, não phải truyền tải kinh nghiệm vào các tế bào thần kinh để các tế bào thần kinh có thể được kích hoạt lại và nhớ lại. Tuy nhiên, lý thuyết hiện tại về trí nhớ tế bào mở rộng lý thuyết rằng ký ức, cũng như các đặc điểm tính cách, không chỉ được lưu trữ trong não.

Từ những kiến thức khoa học chuyên sâu, chúng ta biết rằng ký ức tế bào cũng có thể được lưu trữ trong các cơ quan chính như tim, phổi, gan hoặc thận.

Bên cạnh những cơ quan nội tạng, chúng ta còn cần quan tâm đên có khoa học về năng lượng và ý thức. Chúng tôi tự hỏi có bao nhiêu ký ức được chứa đựng trong cơ thể và tâm trí con người, và bao nhiêu được lưu trữ trong vật chất không đo lường được được gọi là “tâm linh.”

Quay về trường hợp của Sylvia, người hiến tim cho cô là một chàng trai 18 tuổi đã chết trong một vụ tai nạn xe máy. Cậu ấy được biết đến là người yêu thích những món ăn đặc biệt đó đến nỗi có một hộp đựng gà tẩm bột chiên đã được lấy ra khỏi áo khoác của cậu ấy sau vụ tai nạn chết người. Ngay khi bình phục sau ca cấy ghép, Sylvia đã tự lái xe đến KFC để mua cho mình tình yêu mới nhất: gà tẩm bột chiên. Trước khi phẫu thuật, cựu vũ công chuyên nghiệp này là một người luôn chú trọng đến những món ăn lành mạnh, vậy sở thích mới này có thể đến từ đâu, nếu không phải từ người hiến tặng?

Lần đầu tiên chúng tôi nghe về câu chuyện của Sylvia trong cuốn sách mang tính biểu tượng của Tiến sĩ Bruce Lipton, “Sinh học của niềm tin: Giải phóng sức mạnh của ý thức, vật chất và phép lạ.” Tiến sĩ Lipton trích dẫn câu chuyện của Sylvia như một bằng chứng hỗ trợ cho niềm tin rằng dấu ấn của một cá nhân vẫn còn hiện hữu sau khi chết. Lipton tin rằng trí nhớ tâm lý và hành vi sẽ có ý nghĩa nếu chúng ta nhận ra rằng các cơ quan được cấy ghép vẫn mang các thụ thể nhận dạng ban đầu của người hiến tặng. Các tế bào tải cùng một thông tin về môi trường, và do đó trở thành “bất tử.” Tuy nhiên, mặc dù bị say mê bởi tiềm năng vô hạn của màng tế bào, Lipton cảm thấy rằng trí nhớ tế bào có thể được nghiên cứu sâu hơn.

Là một trong những nhà triết học về trí nhớ tế bào đầu tiên, ông viết, “Bạn biết đấy, tôi vô cùng tôn trọng trí thông minh của các tế bào đơn lẻ, nhưng tôi phải thừa nhận điều này. Đúng vậy, các tế bào có thể ‘nhớ’ rằng chúng là tế bào cơ hoặc tế bào gan, nhưng trí thông minh của chúng có giới hạn. Tôi không tin rằng các tế bào được ban tặng về mặt thể chất với cơ chế nhận thức có thể phân biệt và ghi nhớ mùi vị của gà tẩm bột chiên!”

Tuy nhiên, chúng ta có cần phải thừa nhận điều này không? Điều gì sẽ xảy ra nếu tế bào khả năng như vậy? Và điều gì sẽ xảy ra nếu những khả năng đó vượt ra khỏi tế bào và trở thành năng lượng nhiều hơn theo sau một người?

Nhiều điều đã xảy ra trong lĩnh vực khoa học năng lượng kể từ khi cuốn sách của Lipton được xuất bản vào năm 2005. Hết lần này đến lần khác, những thay đổi tính cách kỳ lạ và đặc biệt kỳ lạ đã xảy ra và được ghi lại sau khi người ta được ghép tim, gan hoặc thận.

Làm thế nào người ta có thể giải thích rằng sau khi cấy ghép, một người vốn thích ăn thịt lại nôn mửa khi nhìn thấy thịt, một người đồng tính nữ đột nhiên chỉ thấy đàn ông hấp dẫn, và một cậu bé 9 tuổi từng thích bơi trong hồ gia đình bây giờ sợ nước gần chết — sau khi chúng ta biết người hiến tim cho cháu là một đứa trẻ 3 tuổi đáng yêu đã tử vong vì đuối nước?

Đến bằng chứng thực nghiệm về những thay đổi nhân cách ở những người nhận tạng ghép

Mặc dù công nghệ ghép tạng từ người sang người đã có từ năm 1967, những trường hợp thay đổi nhân cách được báo cáo sớm nhất đã được Paul Pearsall, Ph.D, giáo sư điều dưỡng từ Đại học Hawaii, phân tích vào năm 1988; Tiến sĩ Gary Schwartz, giáo sư tâm lý học, y học, thần kinh học và tâm thần học tại Đại học Arizona; và tiến sĩ Linda Russek phó giáo sư lâm sàng của Đại học Arizona.

Với tư cách là trưởng nhóm nghiên cứu, giáo sư Pearsall đã thu thập các trường hợp lẻ tẻ về hiện tượng trí nhớ tế bào trong suốt sự nghiệp chuyên môn của mình. Ông cảm thấy cần phải viết một báo cáo bao gồm cả lý thuyết và thực nghiệm để thực hiện một nghiên cứu toàn diện, có đối chứng. Cho đến lúc đó, những câu chuyện chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên và những cuộc trò chuyện bên lề tình cờ nghe được trong văn phòng bác sĩ. Giáo sư Pearsall cảm thấy cần phải ghi lại những diễn biến này.

Trong số 74 trường hợp ghép tạng mà các tác giả đã thống kê và ghi chép lại có 23 trường hợp là ghép tim. Giáo sư Pearsall quan sát thấy những người ghép tim dường như là những người dễ bị thay đổi tính cách nhất. Sau khi phỏng vấn gia đình của người hiến tặng và thu thập thông tin từ người nhận và gia đình của họ, các tác giả đã quan sát từ hai đến năm điểm tương đồng cho mỗi trường hợp.

Những thay đổi bao gồm sở thích thực phẩm, âm nhạc, nghệ thuật, tình dục, giải trí và nghề nghiệp, cũng như nhận thức cụ thể về tên và trải nghiệm cảm giác liên quan đến người hiến tạng.

Vào năm 2019, Bác sĩ Mitchell Liester, Khoa Tâm thần của Trường Đại học Y Colorado, đã đưa ra một phân tích chuyên sâu về siêu dữ liệu và hàng thập kỷ của các câu chuyện. Bài báo của ông, “Những thay đổi về nhân cách sau khi cấy ghép tim: Vai trò của trí nhớ tế bào,” được xuất bản trong Medical Hypotheses, đã phân loại tính cách cá nhân của những người hiến tặng và những thay đổi mà họ đã trải qua. Nhiều trường hợp là từ các cuộc phỏng vấn của Pearsall.

Bác sĩ Liester nhận thấy rằng phần lớn bằng chứng thực nghiệm về những thay đổi tính cách ở những người nhận ghép tạng bao gồm những thay đổi tương tự về sở thích và ký ức từ cuộc đời của người hiến tặng mà Pearsall, Schwartz và Russek đã khám phá và thấy thú vị. Ngoài ra, Liester còn phân tích thêm về những thay đổi trong cảm xúc và tính khí cũng như những thay đổi của bản sắc.

Mặc dù gánh nặng chứng minh không dễ dàng xuất hiện, nhưng giờ đây chúng ta có nhiều lý thuyết và giả thuyết hơn về trí nhớ tế bào. Tương tự như trải nghiệm cận tử, hầu hết các trường hợp trải nghiệm trí nhớ tế bào đều không được nhiều người biết đến vì những e ngại về tự do cá nhân. Những người đủ can đảm trình bày trường hợp của mình thường là nhằm mục đích tìm kiếm sự hỗ trợ.

Tuy nhiên, người nhận tạng không chỉ thể hiện những thay đổi này trong tâm trí của họ. Theo giáo sư Liester, việc truyền thông tin thông qua cấy ghép tim thực sự có thể làm thay đổi sở thích, cảm xúc, tính khí, trí nhớ và danh tính của người nhận, với cả hậu quả tiêu cực và tích cực. Những thay đổi đó có thể có phạm vi từ sự thay đổi hoàn toàn về nhân cách của người ta đến việc thải ghép và tử vong. Vì lý do này, ông tin rằng cần phải nghiên cứu sâu hơn về những trường hợp bí ẩn này để hiểu rõ hơn về hiện tượng trí nhớ tế bào.

Nhiều người nhận tạng trong các trường hợp được nghiên cứu của Liester bắt đầu thích những thứ họ chưa từng thích trước đây. Họ cũng bắt đầu làm những việc mà trước đây họ chưa từng làm.

Những thay đổi trong sở thích âm nhạc

  • Trong một số trường hợp, sự thay đổi sở thích là một loại âm nhạc. Ví dụ, một người 45 tuổi nhận được trái tim của một cậu bé 17 tuổi, người thường đeo tai nghe và bật nhạc lớn. Giờ đây, người đàn ông 45 tuổi đã có thói quen tương tự, điều mà anh ấy nói rằng anh ấy sẽ không bao giờ nghĩ sẽ làm trước khi phẫu thuật.
  • Một trường hợp khác là một cô gái 18 tuổi nhận trái tim của một nam nhạc sĩ 18 tuổi chơi guitar và qua đời trong một vụ tai nạn ô tô. Trước đây cô ấy không bao giờ có thể chơi nhạc, nhưng bây giờ tất cả những gì cô ấy muốn trong cuộc sống là học chơi guitar. “Tôi cảm nhận được điều đó trong trái tim mình,” cô nói. “Trái tim của tôi nói rằng tôi phải chơi nhạc.”
  • “Tôi từng ghét nhạc cổ điển, nhưng bây giờ tôi yêu thể loại nhạc này,” một nam công nhân thợ đúc da trắng 47 tuổi, người nhận được trái tim của một thanh niên da đen 17 tuổi bị giết trong một vụ xả súng. Anh cho rằng tình yêu âm nhạc cổ điển mới bắt đầu của anh không thể đến từ người hiến tặng do định kiến ​​của anh về chàng trai trẻ. Tuy nhiên, anh không hề hay biết, người hiến tạng cho anh là một nhạc sĩ tài năng, người yêu nhạc cổ điển hơn tất cả. Mẹ của người hiến tặng cho biết, “Con trai chúng tôi đang đi bộ đến lớp học đàn vĩ cầm thì bị trúng đạn … Cháu qua đời ngay trên đường phố trong khi vẫn ôm chiếc vĩ cầm của mình.”

Thay đổi trong sở thích thực phẩm

Giáo sư Liester biết rằng sở thích đồ ăn thức uống cũng có thể thay đổi sau khi cấy ghép.

  • Ví dụ, một phụ nữ 29 tuổi tự gọi mình là “người kiếm tiền lớn nhất của McDonald’s” sẽ nôn mửa bất cứ khi nào cô ấy ăn thịt sau khi cấy ghép từ một người hiến tặng ăn chay 19 tuổi. Cô ấy nói, “Thậm chí mới ngửi thấy mùi thịt thì tim tôi đã bắt đầu đập mạnh rồi.”
  • Một ví dụ khác đến từ một người đàn ông 47 tuổi, sau khi cấy ghép, bắt đầu cảm thấy buồn nôn sau khi ăn. “Tôi thường xuyên cảm thấy buồn nôn và nếu tôi có thể nôn ra thì sẽ rất tốt,” anh kể lại. Người hiến tặng cho anh ta là một vận động viên thể dục 14 tuổi có xu hướng ăn uống vô độ, người sẽ bỏ bữa và nôn hết sau khi cô ăn xong.

Những thay đổi trong tình dục

Sau khi nhận được trái tim mới, một số người nhận cũng mô tả những thay đổi kỳ lạ trong sở thích tình dục, hoàn toàn đảo ngược sở thích giới tính của họ. Bây giờ họ có cùng sở thích với người hiến tạng cho họ.

Các thay đổi và chuyển đổi sở thích khác

Liester đã mô tả nhiều trường hợp những người nhận cấy ghép thay đổi sở thích của họ đối với nghệ thuật và màu sắc trong khi một số phát triển nỗi sợ hãi mới.

  • Chẳng hạn, một nam sinh viên mới tốt nghiệp 25 tuổi không bao giờ nghĩ đến việc đến viện bảo tàng đột nhiên trở thành một tín đồ nghệ thuật sau khi anh nhận được trái tim của một nữ nghệ sĩ phong cảnh 24 tuổi. Bạn gái của anh mô tả về anh chàng đã thay đổi của cô rằng, “Bây giờ anh ấy đi đến viện bảo tàng mỗi tuần. Đôi khi anh ấy đứng hàng phút và ngắm nhìn một bức tranh mà không nói một lời. Anh ấy yêu phong cảnh và chỉ chăm chú vào phong cảnh. Có lúc tôi đành để anh ấy ở đó và quay lại sau,” cô nói.
  • Một nữ vũ công 48 tuổi nhận tạng từ một nam thanh niên 18 tuổi thiệt mạng trong một vụ tai nạn xe máy đã thay đổi màu sắc yêu thích của cô từ những gam màu nóng như đỏ, hồng và vàng sang những gam màu lạnh như xanh lam và xanh lá cây. “Hầu hết đàn ông tránh xa những màu nóng, như tôi bây giờ,” cô nói.
  • Một cậu bé 9 tuổi nhận được trái tim của một bé gái 3 tuổi chết đuối trong hồ bơi của gia đình đã rất sợ nước sau cấy ghép của mình, mặc dù không biết gì về cái chết của cô bé. Mẹ cháu cho biết họ sống trên một cái hồ, và cháu rất thích bơi. Sau khi cấy ghép, thậm chí cháu còn không đặt chân đến sân sau vì nơi đó gần cái hồ. Người mẹ nói, “Cháu liên tục đóng và khóa các cửa sau. Cháu nói rằng cháu sợ nước và cháu cũng không biết tại sao cháu lại sợ.”

Thay đổi cảm xúc và tính khí

Giáo sư Liester phát hiện ra rằng người nhận tạng có thể trải qua hai loại thay đổi cảm xúc sau khi cấy ghép tim: cảm xúc mà họ xác định là có nguồn gốc từ người hiến tặng hoặc cảm xúc về sự điều chỉnh tính khí.

  • Ví dụ: cậu bé không biết người hiến tạng của mình là một bé gái 3 tuổi bị chết đuối tại nhà bạn trai của mẹ mình dưới sự chăm sóc của người giữ trẻ. Cậu bé không biết gì về cô bé này. Bé gái đó có tuổi thơ cơ cực vì cuộc ly hôn đau thương của cha mẹ cô và sau đó là bị cha bỏ rơi. Sau ca cấy ghép của cậu bé, cậu bé mô tả cảm xúc của người hiến tặng như thể cô bé ấy đang ngồi ngay đó với cậu, “Cô bé ấy có vẻ rất buồn. Cô bé ấy rất sợ hãi. Cháu đã nói với cô bé ấy là không sao, nhưng cô bé ấy vẫn rất sợ hãi. Bé nói rằng bé ước các bậc cha mẹ sẽ không ‘vứt bỏ con cái của họ.’ Cháu không biết tại sao bé lại nói như vậy.”
  • Những người nhận tạng khác mô tả những thay đổi về tính khí tổng thể sau khi nhận được ghép tim. Một người nói, “Trái tim mới đã thay đổi tôi … người mà trái tim tôi có được là một người điềm tĩnh, không vướng bận, và cảm xúc của anh ấy đã được truyền lại cho tôi bây giờ.”

Những thay đổi về nhận dạng cá nhân

Giáo sư Liester cho biết những thay đổi về nhận dạng cá nhân được nghiên cứu nhiều nhất trong lĩnh vực trí nhớ tế bào sau khi cấy ghép.

Một người 19 tuổi nhận được trái tim của một phụ nữ khác nhận xét: “Tôi coi cô ấy như em gái của mình. Tôi nghĩ rằng chúng ta phải là chị em trong một kiếp trước. Tôi chỉ biết người hiến tặng là một cô gái trạc tuổi tôi, nhưng còn hơn thế nữa. Tôi nói chuyện với cô ấy vào ban đêm hoặc khi tôi buồn. Tôi cảm thấy cô ấy đang trả lời tôi. Tôi có thể cảm nhận điều đó trong lồng ngực của tôi. Tôi đặt tay trái ở đó và ấn nó bằng tay phải. Cứ như tôi có thể kết nối với cô ấy vậy.”

Một cậu bé 5 tuổi không được cho biết tuổi hoặc tên của người hiến tặng, nhưng biết tên của người hiến tặng và tất cả các chi tiết về cái chết của anh ấy.

Những người nhận khác cũng có thể mô tả về những người hiến tặng và cái chết của họ. Một số khoảnh khắc về cái chết tái hiện trong giấc mơ của họ. Nhưng làm thế nào họ có thể biết những chi tiết này? Có nội tạng nào lưu trữ tất cả các thông tin về chi tiết của những người hiến tặng và kinh nghiệm sống của họ không? Hay đó là một nguồn năng lượng đang mang theo ký ức?

“Thật hấp dẫn, phải không?” Tiến sĩ Đồng Vũ Hồng cho biết. “Trong văn hóa Đạo giáo truyền thống của Trung Quốc có một thuyết cho rằng cơ thể con người là một vũ trụ. Nếu nó là một vũ trụ, mỗi tế bào hoặc cơ quan có thể là một tiểu vũ trụ. Sau đó, có một giả thuyết khác trong truyền thống Phật giáo từ thời Thích Ca, rằng có 3,000 thế giới trong một hạt cát. Nếu điều đó là sự thật, thì chúng ta có thể hiểu tại sao một cơ quan có thể lưu trữ nhiều thông tin về một cá thể con người như vậy ”.

Những ký ức từ cuộc đời của người hiến tặng

Có lẽ lần đi sâu nhất vào lĩnh vực siêu hình hoặc viễn vọng là khi người nhận mô tả “ký ức” từ cuộc sống của người hiến tặng, trao đổi nhận thức và các triệu chứng thể chất từ ​​xa, ngoài tầm với của các giác quan.

Giáo sư Liester cho biết những trao đổi này có thể xảy ra khi thức dậy hoặc khi ngủ, và bao gồm các trải nghiệm cảm giác liên quan đến người hiến tạng. Những hiện tượng này thường gặp và xảy ra phổ biến ở những người tự mô tả mình là người từng hoài nghi, những người khó phủ nhận bản chất tâm linh trong trải nghiệm cá nhân của họ.

  • Một người nhận đã nhận được ký ức từ người hiến tạng của cô ấy ngay sau khi một hương vị khác thường, nhưng đặc biệt đến miệng cô ấy. Cô ấy nói rằng cô ấy sẽ dọn dẹp nhà cửa hoặc ngồi đọc sách, sau đó bắt đầu nghĩ về cuộc sống của người hiến tặng — về việc cô ấy là ai và cô ấy sống như thế nào.
  • Ngoài ký ức kích hoạt vị giác, một số người nhận đã mô tả ký ức kích hoạt xúc giác. Một phụ nữ 29 tuổi có thể cảm thấy tác động của một chiếc xe hơi đâm vào ngực cô ấy, vì người hiến tạng của cô ấy là một thanh niên 19 tuổi thiệt mạng trong một vụ tai nạn xe hơi. Nhưng khi người phụ nữ nói với bác sĩ của cô ấy về cảm giác này cứ lặp đi lặp lại thì bác sĩ của cô ấy nói rằng cô ấy sẽ ổn.
  • Trong một bài báo năm 2008 có nhan đề, “Cấy ghép, trí nhớ tế bào và tái sinh”, Tiến sĩ Larry Dossey, cựu giám đốc nhân viên của Bệnh viện Thành phố Y tế Dallas và là biên tập viên của EXPLORE: The Journal of Science and Health, kể lại trường hợp năm 1995 của Sonny Graham, một giám đốc giải đấu gôn cư trú 69 tuổi đến từ Georgia, người đã được ghép tim từ một người đàn ông 33 tuổi đã tự sát. Sau khi viết thư bày tỏ lòng biết ơn đến gia đình người hiến tặng, Graham gặp góa phụ của người hiến tặng, yêu và cưới cô ấy. Sau đó, 12 năm sau ca cấy ghép, anh ta đã tự bắn mình, chết theo cách giống như cách người hiến tạng cho ông đã làm.

Tiến sĩ Dossey tự hỏi liệu những ký ức và đặc điểm tính cách có được chuyển từ người này sang người khác mà không thông qua ghép tạng không. Ông viết, nếu câu trả lời là có, điều này sẽ cho thấy rằng việc chuyển một cơ quan có thể không cần thiết trong các trường hợp bộ nhớ tế bào mà chúng ta biết và một quá trình cơ bản hơn đang hoạt động.

Ông nói, “Tôi đề nghị rằng ý thức của người hiến tạng về cơ bản thống nhất với ý thức của người nhận thông qua tâm trí phi địa điểm, và chính sự kết nối này tạo ra sự trao đổi thông tin giữa hai cá nhân, dưới dạng hiện tượng sau ghép.”

Trí nhớ tế bào: Bộ não và dây thần kinh không phải là từ cuối cùng trong trí nhớ

Một bài báo gần đây của tạp chí Scientific American do nhà văn từng đoạt giải thưởng Jennifer Frazer viết, đã ghi nhận bằng chứng cho thấy các tế bào có thể “ghi nhớ” nhiều hơn những gì chúng ta ghi nhận. Bài báo trích dẫn các ví dụ về những con chó của Pavlov và các thí nghiệm hiện tại về khuôn mẫu đoán trước những ký ức.

Bà Frazer viết: “Tôi nghĩ đã đến lúc chúng ta nên vứt bỏ những quan niệm định kiến ​​về những gì tế bào có khả năng hoạt động, thay vì [những] kết quả thí nghiệm bất ngờ.” Bà khẳng định rằng khoa học về trí nhớ tế bào “vẫn còn khá nhiều bằng chứng thuyết phục.” Tuy nhiên, bà cho biết, các nhà sinh học đang tìm hiểu sự phức tạp đáng kinh ngạc của tế bào, chẳng hạn như các vòng DNA ngoài nhiễm sắc thể và vật chất tối trong DNA, và đang “nói chuyện hào hứng từ một con tàu trên biển về bản chất của lục địa mới được phát hiện.”

Dựa trên những điểm tương đồng giữa não và tim, giáo sư Liester cho biết hệ thống phức tạp của các tế bào thần kinh trong tim thường được gọi là “não tim.”

Giáo sư Liester viết: “Hệ thống thần kinh trong tim đã được phát hiện tự sửa chữa lại sau khi cấy ghép tim,” một quá trình được gọi là khả biến thần kinh. “Khả biến thần kinh là một trong những đặc điểm cơ bản của bộ não được cho là có liên quan đến việc hình thành, lưu trữ và hồi phục ký ức. Do đó, có thể ký ức được lưu trữ trong hệ thống thần kinh trong tim và được chuyển đến người nhận tại thời điểm cấy ghép.”

Sau khi phân tích hàng chục trường hợp bệnh nhân báo cáo về sự thay đổi tính cách sau khi cấy ghép tim, Liester đã thảo luận về các vấn đề tâm lý xã hội và chứng suy nhược tâm thần sau khi phẫu thuật cấy ghép nội tạng. Một số trường hợp bị thải ghép hoàn toàn và dẫn đến tử vong. Liester tự hỏi liệu trải nghiệm của người nhận về đặc điểm tính cách của người hiến tặng có ảnh hưởng đến khả năng thải ghép hay không. Và khi xem xét các định nghĩa y tế và luật pháp hiện hành về cái chết, nếu trái tim của người hiến tặng sở hữu các đặc điểm tính cách như sở thích, cảm xúc và ký ức, thì người hiến tặng có nên được coi là đã chết nếu trái tim của họ vẫn tiếp tục cảm nhận và phản ứng với môi trường không?

Hơn nữa, ông còn đặt câu hỏi, “Những thay đổi này là tạm thời hay vĩnh viễn?” và “Những thay đổi có thể xảy ra không nếu người nhận không biết gì về người hiến tạng cho họ?” Và tại sao hiện tượng chuyển giao nhân cách không xảy ra với các quy trình khác sử dụng cơ thể người khác chẳng hạn như truyền máu? Tại sao chỉ những người được cấy ghép nội tạng lớn mới báo cáo những trường hợp như vậy?

Tiến sĩ Liester đưa ra giả thuyết rằng những ký ức từ cuộc sống của người hiến tặng được lưu trữ trong các tế bào của trái tim hiến tặng được người nhận “ghi nhớ” sau khi phẫu thuật.

Lý thuyết của ông bao gồm những thay đổi biểu sinh xảy ra trong quá trình methyl hóa DNA, sửa đổi histone và sản xuất miRNA trong một quá trình có thể tăng cường hoặc ngăn chặn việc sản xuất sản phẩm của gen, tạo ra mã biểu sinh xác định phiên mã và thông tin được mã hóa có thể được lưu trữ và truy xuất theo thời gian.

“Sự tồn tại của bộ nhớ biểu sinh không có cách nào phủ nhận sự tồn tại của bộ nhớ tế bào thần kinh,” ông nói, “Thay vào đó, bộ nhớ biểu sinh và bộ nhớ tế bào thần kinh đóng vai trò là những con đường duy nhất, chứng minh rằng nhiều cơ chế có thể được sử dụng để mã hóa, lưu trữ và truy xuất thông tin.”

Liester đã không thể tìm ra nghiên cứu để chứng minh giả thuyết của ông rằng DNA có thể được chuyển từ trái tim của người hiến tặng sang cơ thể của người nhận – nhưng ông nhận thấy “[giả thuyết] về việc chuyển gen ngang qua exosomes có thể cung cấp một cơ chế truyền thông tin / ký ức từ người hiến tặng sang người nhận có thể hợp lý, ”trích dẫn ví dụ về mã hóa thành DNA của nhà nghiên cứu Nick Goldman của Viện Tin sinh học Âu Châu, người đã lưu trữ tất cả 154 sonnet của Shakespeare trong DNA và chuỗi xoắn kép tổng hợp của ông không bỏ sót một dòng nào.

Ông nhận thấy RNA có thể dễ dàng giải thích hơn bằng cách xem xét một nghiên cứu gần đây về việc huấn luyện động vật thân mềm biển phản ứng với điện giật ở đuôi của chúng. Sau khi cho những con vật được huấn luyện liên tục bị điện giật, các nhà nghiên cứu đã lấy RNA từ những cá thể được huấn luyện và tiêm vào những cá thể non hơn. Leister viết, “Những con vật ngây thơ phản ứng như thể chúng đã được huấn luyện để phản ứng với điện giật.” Điều này có thể dẫn đến suy luận rằng những người được ghép tim có thể có khả năng nhận được trí nhớ dài hạn từ người hiến tạng bằng cách chuyển RNA trong các exosomes tế bào tim của người hiến tạng.

Về trí nhớ protein, Leister tìm thấy một bài báo năm 2001 được xuất bản trên Tạp chí Nghiên cứu Khoa học Thần kinh rằng những ký ức dài hạn được đưa ra giả thuyết có thể được lưu trữ trong các tế bào thần kinh dưới dạng các protein mới được tạo ra từ DNA tái tổ hợp.

Ông viết, “Mặc dù giả thuyết của họ tập trung vào sự hiện diện của protein trong tế bào thần kinh não, nhưng có thể các tế bào thần kinh khác, chẳng hạn như tế bào thần kinh tim, cũng có thể chứa các protein mới lưu trữ ký ức.” Liester muốn xem các nghiên cứu sâu hơn nhằm điều tra vai trò của prion và các protein khác có các miền giống prion trong việc hình thành và lưu trữ trí nhớ dài hạn, “cũng như khả năng chuyển những ký ức như vậy thông qua các protein được bao bọc bên ngoài giữa người cho và người nhận sau khi cấy ghép tim. ”

“Các giả thuyết trên giải thích đều được về trí nhớ tế bào, nhưng không có giả thuyết nào trong số đó có tác động trực tiếp đến bộ não và tinh thần của chúng ta,” Tiến sĩ Đồng Vũ Hồng nói. “Tôi nghĩ tiềm năng cho lĩnh vực này nằm ở hệ thống thần kinh trong tim và năng lượng điện từ do tim tạo ra.”

Trí nhớ phi cục bộ và vấn đề ý thức: Những người hoài nghi có nên xem xét việc về hiện tượng chuyển giao năng lượng?

Sự tích hợp tinh thần hoặc năng lượng của người hiến tặng vào tinh thần hoặc năng lượng của người nhận đã được chỉ ra bằng nhận xét của mẹ của một cậu bé 16 tháng tuổi tên Jerry, người có thể cảm nhận được năng lượng của con trai bà trong Carter, cậu bé đã nhận tạng của Jerry. Người mẹ nói, “Tôi có thể cảm nhận được con trai mình. Ý tôi là tôi có thể cảm nhận được cháu, không chỉ một cách tượng trưng. Cháu thực sự đang ở đó, tôi cảm nhận được năng lượng của cháu.”

Dossey đưa ra một lời giải thích khác với giả thuyết về bộ nhớ tế bào. Ông đưa ra giả thuyết rằng mối liên hệ chính giữa người cho và người nhận có thể là vấn đề ý thức, không phải mô. Ông cho rằng có thể có hai cơ chế liên quan, cả bộ nhớ tế bào và sự trao đổi thông tin giữa người cho và người nhận xảy ra thông qua trí nhớ phi cục bộ.

Dossey viết: “Hầu hết chúng ta đều miễn cưỡng tôn vinh các mối quan hệ phi địa phương của mình với những người khác. Chúng ta mãi bám riết ý tưởng rằng chúng ta là những cá nhân đơn độc, những người bị cô lập về thể chất và tinh thần với những người khác, bởi vì quan điểm này được khẳng định bởi văn hóa và ý thức chung. Tuy nhiên, trong suốt lịch sử, con người đã khám phá ra nhiều cách tuyệt vời để nhận ra mối liên hệ tinh thần của họ với những người khác. Đôi khi các đối tượng vật lý phục vụ mục đích này.”

“Ví dụ, một chiếc nhẫn, mề đay, bài thơ hoặc những bức ảnh có thể giúp những người yêu nhau cảm nhận được đồng điệu của họ. Họ hiểu rằng vật thể không chứa đựng những ký ức và suy nghĩ thực tế mà họ có về nhau mà là một biểu tượng khơi dậy sự liên tưởng trong ý thức của những người có liên quan. Một bộ phận của cơ thể – tim, phổi hoặc thận hiến tặng – có thể hoạt động theo cách tương tự thông qua ý thức phi cục bộ.”

Dossey cho biết những người hoài nghi và không tin tưởng vào trí nhớ tế bào có rất nhiều. Ông viết: “Hầu hết các nhà khoa học tin rằng kinh nghiệm tâm lý được lưu trữ trong não. Đây không phải là điều mà giới cấy ghép chấp nhận. Cấy ghép sẽ tạo ra những thay đổi trong khẩu vị và sở thích ăn uống đối với thuốc và các tác dụng phụ của thuốc. Những người khác sẽ nói rằng những thay đổi này chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên. Một số nhà tâm lý học nói rằng lời giải thích tốt nhất cho việc thay đổi sở thích và hành vi mới là thực hiện mong muốn, lời tiên tri tự hoàn thành và gợi ý, khi người nhận nghi ngờ hoặc thực sự tìm hiểu danh tính và tính cách của người cho họ.”

Về điểm này, Dossey trích lời Albert Einstein như sau, “Mọi thứ nên được thực hiện càng đơn giản càng tốt, nhưng không phải là đơn giản hơn.”

Dossey cho biết các nhà phê bình bác bỏ các hiện tượng sau cấy ghép vì không thể giải thích được. Ông nói, “Một trong những lý do khiến các hiện tượng sau cấy ghép khó thu hút sự chú ý trong cộng đồng khoa học-y tế là giả định rằng những diễn biến này vi phạm quy luật tự nhiên và do đó không thể có giá trị. Tôi rất tiếc phải nói rằng hầu hết những người hoài nghi giữ quan điểm này chỉ đơn giản là không được thông tin đầy đủ về những phát triển trong tâm lý học thực nghiệm và sự phát triển lý thuyết trong lĩnh vực này.”

“Người ta thường cho rằng những gì chúng ta không hiểu thì chúng không thể tồn tại, khoa học chính thống đã bác bỏ các hiện tượng tâm linh là ảo tưởng hoặc trò lừa bịp đơn giản bởi vì chúng hiếm hơn giấc ngủ, giấc mơ, trí nhớ, sự phát triển, đau đớn hoặc ý thức, tất cả đều không thể giải thích được trong các thuật ngữ truyền thống nhưng quá phổ biến để bị từ chối.”

Đáng buồn thay, Dossey nhận xét, “Người bình thường ngày nay cũng ngây thơ như người bình thường trong thời Trung cổ. Vào thời Trung cổ, mọi người tin vào uy lực tôn giáo của họ, bất kể điều gì. Ngày nay, chúng ta tin vào khoa học, bất kể điều gì.”

Xem xét chi tiết về những trải nghiệm sau cấy ghép chẳng hạn như trường hợp của cô Claire Sylvia, ông nghi ngờ những trường hợp này không chỉ là có giá trị nghiên cứu mà còn phổ biến hơn chúng ta nghĩ.

“Hy vọng rằng trường hợp của cô ấy sẽ tiếp tục khuyến khích những người nhận nội tạng công khai trải nghiệm của họ, cũng như những người đã từng có trải nghiệm cận tử. Những trường hợp này là một lời nhắc nhở rằng chúng ta gắn kết với nhau theo những cách sâu sắc – ý thức đó là một trong những trái tim.”

Pearsall đề xuất những thay đổi về tính cách sau khi cấy ghép tim có thể là kết quả của những thay đổi trong năng lượng của tim. Trích dẫn Pearsall, Liester đã viết, “năng lượng và thông tin là cùng một thứ. Mọi thứ tồn tại đều có năng lượng, năng lượng chứa đầy thông tin và năng lượng thông tin được lưu trữ là thứ tạo nên trí nhớ của tế bào.”

Liester viết, “Thay thế trái tim của một người bằng trái tim của người khác sẽ thay đổi trường điện từ của người nhận. Một loại năng lượng là năng lượng điện từ và một nguồn năng lượng điện từ là trái tim.” Bài báo của ông cho biết tim tạo ra một nguồn năng lượng có biên độ lớn hơn 60 lần so với biên độ của trường điện từ của não, và là trường năng lượng lớn nhất của cơ thể.

Liester tự hỏi liệu cơ thể có chứa các cơ chế đọc trường điện từ này hay không, “tương tự như cách‘ người đọc ’phân tích các thay đổi biểu sinh và sau đó sửa đổi biểu hiện gen.” Ông nói một cách triết lý rằng, “tri thức trực giác vượt qua tri thức lý trí, cho phép truy cập thông tin từ một nguồn khác ngoài bộ não.”

Ông nói thêm, “Mặc dù loại kiến ​​thức này thường bị khoa học Tây phương đương thời bỏ qua, nhưng nó đã được các nền văn hóa khác coi trọng và làm nền tảng trong hàng nghìn năm.”

Tiến sĩ Đồng Vũ Hồng cho biết, “Các nhà vật lý sinh học đã phát hiện ra rằng cơ thể con người đồng thời có thể phát ra các electron và photon, tạo ra ánh sáng không thể nhìn thấy bằng mắt thường,” đề cập đến công nghệ được phát triển vào năm 1939 được gọi là nhiếp ảnh Kirlian nhằm chụp các electron và photon do cơ thể con người phát ra trên phim để chứng minh sự tồn tại bí ẩn của chúng.

Tiến sĩ Đồng Vũ Hồng cho biết cơ thể có thể đọc trường điện từ và phân tích thông tin có trong trường EMG. Các thí nghiệm lặp đi lặp lại của giáo sư Luc Montagnier từng đoạt giải Nobel đã chứng minh lợi ích tái tạo tiềm năng của việc tạo ra cộng hưởng trường điện từ cường độ thấp. Một số lý thuyết sửa chữa trường năng lượng của ông đang được sử dụng để điều trị tổn thương do protein gai COVID gây ra. Để chứng minh sức mạnh của trường điện từ, thí nghiệm của Montagnier cho thấy DNA có thể được tạo ra trong một ống nước tinh khiết liền kề với một ống nước khác có chứa DNA.

Bà giải thích cách các thí nghiệm của Montagnier giải thích thêm về lý thuyết truyền năng lượng trong cấy ghép nội tạng. “Nếu trường năng lượng của cơ quan hiến tặng được ghi nhớ và được đọc bởi người nhận, thì thông tin chứa trong cơ quan đó có thể được người nhận truy xuất, vì vậy nó có thể được hợp nhất thành ‘phân tử’ hoặc ‘hạt’ tinh thần của người nhận.”

Bà nói thêm, “Các hạt vô hình và/hoặc trường năng lượng điện từ nằm trong các cơ quan được cấy ghép này có thể được tích hợp hoặc hợp nhất vào các hạt vô hình của người nhận và tính cách của người nhận cũng có thể bị thay đổi.”

Những hiểu biết sâu sắc về trí nhớ tế bào và ý nghĩa đối với khoa học đời sống trong tương lai

Xem xét nhiều cách thức chuyển bộ nhớ tế bào, lĩnh vực cấy ghép nội tạng có thể trải qua một sự thay đổi mô hình.

“Điều quan trọng hơn,” tiến sĩ Đồng cho biết, “có lẽ là năng lượng vô hình và tinh thần ở dạng trường điện từ vô hình hoặc chất vi hướng vô hình. Ví dụ: chụp ảnh Kirlian có thể hiển thị trường năng lượng hoặc trường điện từ của một người. “

Theo Liester và những người khác trong lĩnh vực nghiên cứu về trí nhớ tế bào, vẫn còn nhiều điều phải học. Nhận biết năng lượng hoặc các hạt vô hình mà mắt người không thể nhìn thấy có thể đặt ra nhiều câu hỏi triết học, bao gồm, như Liester và các nhà nghiên cứu khác đã hỏi:

Phần linh hồn hoặc phân tử tâm linh của một người có thể chuyển sang cơ thể của người khác không?

Và nếu năng lượng hoặc các hạt vô hình tiếp tục tồn tại ngay cả khi cơ thể chết đi, thì định nghĩa và khái niệm thực sự về cái chết là gì?

Bà Đồng tin rằng để trả lời được những câu hỏi này, chúng ta phải có cái nhìn khác về những định kiến ​​xuất phát từ khoa học đương đại.

“Những gì mọi người đã nói với chúng tôi về việc tiếp thu các đặc điểm từ người hiến tặng giúp chúng tôi hiểu được các mối liên hệ giữa cơ thể, tâm trí và tinh thần,” Trải nghiệm cận tử cũng có thể cho chúng ta cái nhìn về những điều chưa biết và giúp chúng ta suy nghĩ về ý nghĩa cuộc sống của chính chúng ta.”

“Cơ thể có tuổi thọ. Tâm trí và tinh thần dường như cũng có tuổi thọ của riêng chúng. Cái chết của cơ thể vật lý không nhất thiết có nghĩa là tâm trí và cơ thể tâm linh sẽ chết cùng một lúc.”

“Tuổi thọ, đường đời và các đặc điểm của tâm trí và tinh thần của mỗi người cuối cùng sẽ được xác định khi chúng ta có những cách nghiên cứu tốt hơn. Trước khi chúng ta tìm ra câu trả lời cuối cùng, ít nhất chúng ta có thể biết rằng tinh thần, linh hồn và cảm xúc là những vật chất được lưu trữ trong cơ thể chúng ta có thể được chuyển sang người khác, thông qua tạng ghép hoặc bằng cách đầu thai.”

Tiến sĩ Đổng Vũ Hồng (Yuhong Dong), bác sĩ y khoa và tiến sĩ về các bệnh truyền nhiễm, là Giám đốc Khoa học kiêm người đồng sáng lập của một công ty công nghệ sinh học Thụy Sĩ, đồng thời là cựu Chuyên gia Khoa học Y tế Cao cấp về Phát triển Thuốc Kháng Virus tại Novartis Pharma ở Thụy Sĩ.

Health 1+1 là nền tảng thông tin y tế và sức khỏe của Trung Quốc có uy tín nhất ở ngoại quốc. Thứ Ba đến thứ Bảy hàng tuần, từ 9 đến 10 giờ sáng theo giờ chuẩn miền Đông trên truyền hình và trực tuyến, chương trình gồm có những thông tin mới nhất về virus corona, phòng ngừa, điều trị, nghiên cứu khoa học và chính sách, cũng như bệnh ung thư, bệnh mãn tính, sức khỏe tình cảm và tinh thần, miễn dịch, bảo hiểm y tế, và các khía cạnh khác để cung cấp cho quý vị sự chăm sóc, trợ giúp đáng tin cậy và chu đáo.

Thu Anh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times

Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn