Nhìn thấy món quà từ nghịch cảnh

Cuộc sống không cho chúng ta tất cả những gì chúng ta muốn, cuộc sống là một phần của những gì chúng ta cần.

Có một số rào cản phổ biến ảnh hưởng đến những thay đổi lớn trong cuộc đời của bạn, đó là khi bạn:

  • Cảm thấy mọi nỗ lực đều vô nghĩa
  • Chống lại sự nỗ lực
  • Thất vọng với bản thân hoặc với người khác
  • Không thích hành động
  • Cảm thấy gấp gáp hoặc sự thôi thúc hực hiện những thói quen cũ

Mỗi từng rào cản này đều có thể làm hủy hoại nỗ lực sáng tạo ra một số thứ mới mẻ của chúng ta. Nhưng rõ ràng là những trạng thái kể trên cũng không có gì sai —vì đây chính là những đặc tính tuyệt vời mà con người sở hữu. Và vì thế, nếu muốn tạo ra sự thay đổi mạnh mẽ thì chúng ta phải học cách vượt qua những rào cản này.

Tôi muốn giới thiệu một công cụ kỳ diệu mà tôi gọi là “nhìn thấy món quà.”

Nếu bạn thực hành công cụ “nhìn thấy món quà” thì bạn có thể vượt qua được bất kỳ rào cản nào nêu ở trên. Hãy cùng xem.

‘Nhìn thấy món quà’ nghĩa là gì?

Nghĩa là từ trong bất kỳ hoạt động nào, với bất kỳ người nào, bạn cũng có thể tìm thấy một món quà nào đó. Đôi khi món quà đó được hiện ra một cách hiển nhiên—ví dụ như người trước mặt bạn là một người tốt bụng và hào phóng khiến bạn rất dễ dàng cảm thấy họ như một món quà. Hay khi bạn đang đắm mình trong ánh hoàng hôn, bạn có thể cảm nhận được sự kỳ diệu và niềm vui của món quà trong khoảnh khắc đó.

Nhưng không phải lúc nào cuộc sống cũng xuôi chèo mát mái như vậy, cũng có những tình huống khó khăn hơn xảy đến—ví dụ như người trước mặt bạn là người hay gây phiền phức, hoặc bạn đang bị bệnh, bị chấn thương, hoặc dự án mà bạn đang thực hiện thật là nhàm chán và khó khăn. Trong một số tình huống, hoặc với một số người, chúng ta không muốn nhìn thấy món quà. Chúng ta chỉ muốn thốt ra những lời kêu ca, phàn nàn.

Vậy thì OK! Hãy cứ để bản thân lên tiếng phàn nàn, và xem món quà thể hiện sự thất vọng hay tuyệt vọng trong lòng bạn.

Làm thế nào để cảm xúc đó trở thành một món quà cho bạn?

Nếu bạn tiếp tục ôm giữ cảm xúc đó thì bạn nên thư giãn một chút. Sau đó, bạn sẽ nghĩ kỹ hơn về hoàn cảnh hiện tại. Nếu như người trước mặt bạn đang khiến bạn thất vọng thì đồng nghĩa với việc họ đang cấp cho bạn một thứ gì đó. Hẳn là có một món quà trong đó, nếu bạn muốn xem.

Bạn có sẵn sàng xem không?

Nếu bạn đang đảm nhận một dự án quá sức của bản thân hoặc bạn cảm thấy dự án đó quá nhàm chán thì bạn có thể khó nhìn thấy món quà—nhưng nếu bạn đầu tư suy nghĩ lâu hơn một chút thì bạn sẽ nhìn thấy món quà trong tĩnh lặng. Bạn sẽ bắt đầu nhận ra những gì dự án dạy cho bạn. Điều đó sẽ bắt đầu thay đổi bạn.

Món quà là bài học dạy cho bạn; là cái làm thay đổi bạn, và là sợi dây kết nối giữa bạn với thần thánh, giữa bạn với chính bạn và với mọi thứ xung quanh bạn. Món quà là sự thiêng liêng của khoảnh khắc và của bạn. Món quà là sự nhận thức sâu sắc về điều kỳ diệu của cuộc sống.

Nó luôn ở đó, nếu chúng ta sẵn sàng tìm kiếm.

Làm cách nào để sử dụng công cụ ‘Nhìn thấy món quà’ để thay đổi bản thân một cách hiệu quả.

Hãy xem xét từng yếu tố cản trở sự thay đổi mà tôi đã đề cập ở trên

Cảm thấy mọi nỗ lực đều vô nghĩa: Có cảm giác như bạn sẽ không bao giờ hoàn thành được những gì bạn muốn đạt được, vì vậy dù có cố gắng đến mấy đi nữa, bạn cũng cảm thấy vô nghĩa. Cảm giác vô nghĩa này là rào cản ngăn cản mỗi chúng ta. Liệu bạn có thể nhìn thấy món quà trong khi cố gắng hoàn thiện công việc, thậm chí ngay cả khi bạn không đạt được mục tiêu không? Nỗ lực có thể là một món quà bất kể kết quả không?

Chống lại nỗ lực: Bạn có một dự án đang chờ bạn bắt đầu hoặc bạn đã lên kế hoạch tập thể dục ngày hôm nay, nhưng rồi bạn lại đang chống lại nó. Nhiều việc khác có vẻ khẩn cấp hơn, vì vậy bạn lại trì hoãn việc thực hiện dự án hay việc tập thể dục đó. Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn tạm dừng một phút để ngồi yên và tìm xem món quà trong dự án hoặc bài tập thể dục đó là gì? Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn để cho món quà đó vẫy gọi bạn, động viên bạn thực hiện sự thay đổi mà bạn muốn thực hiện trong cuộc sống và trong thế giới của mình?

Thất vọng với bản thân hoặc với người khác: Người trước mặt bạn thật đáng ghét. Hoặc bạn không được sống theo kỳ vọng của bạn. Những loại thất vọng như vậy đối với bản thân hoặc với người khác sẽ là một rào cản lớn cho việc tạo ra một cái gì đó mới trong cuộc sống của bạn. Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn dừng lại vài phút, hít thở, sống chậm lại và tìm kiếm món quà từ những người này hoặc từ chính bạn? Có thể người khó chịu này đang vô tình dạy bạn điều gì đó? Có thể vẫn có điều gì đó tốt đẹp mà bạn sẽ tìm thấy từ họ? Có thể bạn sẽ tìm thấy món quà trong sự thiêng liêng từ sự thất vọng của bạn?

Không thích làm: Đôi khi, để hoàn thành mục tiêu, chúng ta phải làm điều gì đó mà mình không thích. Điều này thường khiến chúng ta quyết định rằng mục tiêu đó không đáng giá. Nhưng nếu có thể có một món quà trong hoạt động khủng khiếp này thì sao? Chúng ta có thể tìm thấy nó và cho phép mình nhận món quà đó không? Sự nhìn nhận mang hướng tích cực này sẽ cho phép chúng ta có nhiều khả năng tiếp cận hơn so với việc chúng ta cắt ngay mọi hoạt động mà chúng ta không thích.

Sự thôi thúc thực hiện một thói quen cũ: Giả sử bạn đang cố gắng để thay đổi chế độ ăn uống của mình hoặc hạn chế việc truy cập mạng xã hội. Cái ý định tốt nhất này có thể sẽ không được thực hiện bởi sự thôi thúc phải làm những gì mà bạn thường làm. Nhưng sự thôi thúc chỉ là một cảm giác nhất thời trong cơ thể, không phải là cái quyết định cuộc sống của chúng ta. Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn có thể ngồi nghĩ về sự thôi thúc này trong giây lát và nhìn thấy món quà trong cảm giác đó? Điều gì sẽ xảy ra nếu khoảnh khắc thôi thúc chỉ đơn giản là cảm giác thay đổi như thế nào, và món quà là học cách tồn tại với cảm giác thay đổi đó?

Như vậy bạn có thể thấy rằng việc nhìn thấy món quà có thể mở khóa những tiềm năng mạnh mẽ của chúng ta. Tất cả những gì bạn cần làm là sẵn sàng ngồi yên tĩnh trong giây lát và sẵn sàng quan sát.

Có thể món quà sẽ mở ra những khả năng mới trong cuộc sống của bạn.

Khánh Nam biên dịch.

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Leo Babauta
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Anh Leo Babauta là tác giả của sáu cuốn sách; là tác giả của blog Zen Habits với hơn 2 triệu người đăng ký, và cũng là chuyên gia của một số chương trình trực tuyến giúp bạn làm chủ thói quen của mình. Truy cập ZenHabits.net
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn