Âm nhạc và sức khỏe tinh thần: Sự tương đồng giữa liệu pháp từ thế kỷ 19 và đơn thuốc “xã hội” ngày nay

Âm nhạc có ảnh hưởng mạnh mẽ đến người nghe, giúp cải thiện trạng thái tinh thần đồng thời được chứng minh là có tác dụng giảm bớt cô đơn, đau đớn, lo âu và trầm cảm.

Vì lý do này mà ngày càng nhiều bác sĩ kê đơn thuốc âm nhạc. Liệu pháp này- nhằm hướng dẫn bệnh nhân tìm đến các hoạt động đa dạng như tham gia các hội nhóm, lớp học nghệ thuật và dàn hợp xướng—được gọi là kê đơn xã hội (social prescribing) và đã có từ khá lâu đời ở Vương quốc Anh.

Kê đơn thuốc là những hoạt động âm nhạc sẽ trợ giúp sức khỏe tinh thần cho bệnh nhân, chống cô lập, khuyến khích hoạt động thể chất và trí óc minh mẫn.

Mặc dù kê đơn xã hội là một liệu pháp tương đối mới nhưng việc sử dụng âm nhạc làm một công cụ trị liệu thì đã có từ lâu. Lần đầu tiên âm nhạc được sử dụng làm liệu pháp điều trị phổ biến là vào thế kỷ 19 tại các bệnh viện dưới triều đại Victoria. Thời đó âm nhạc dùng để hỗ trợ cho việc điều trị của bệnh nhân.

Âm nhạc trong bệnh viện tâm thần

Các bệnh viện tâm thần dưới thời Victoria thường gắn liền với điều kiện vệ sinh kém, quá đông đúc, nguy hiểm và bệnh nhân bị giam giữ trái với ý muốn của mình. Thật vậy, kiến thức về bệnh tâm thần và não bộ còn rất hạn chế dưới thời Victoria. Bởi vậy nhiều phương pháp điều trị bị coi là man rợ thời nay đã từng được áp dụng, bao gồm để cho chảy máu, dùng đỉa hút máu, cạo đầu và tắm nước đá.

Tuy nhiên, từ cuối thế kỷ 18 thì những người hành nghề y không còn dùng các kiểu điều trị cưỡng chế thể chất nghiêm trọng nhất đó nữa. Một phương pháp thực hành mới xuất hiện, được gọi là “quản lý dựa trên đạo đức” vốn tập trung vào sử dụng việc làm, khẩu phần ăn uống, môi trường xung quanh và các hoạt động giải trí làm hình thức trị liệu .

Khi bệnh viện tâm thần do nhà nước điều hành bắt đầu có mặt ở nước Anh vào đầu thế kỷ 19, âm nhạc nhanh chóng được đưa vào làm hình thức của quản lý dựa trên đạo đức để đánh lạc hướng bệnh nhân vào thời điểm ngoài giờ làm việc và khiến họ “bận rộn”. Cả âm nhạc và khiêu vũ đều là những phương tiện giải trí hiệu quả cho một số lượng lớn bệnh nhân.

Vào giữa thế kỷ 19, hầu như tất cả các bệnh viện tâm thần lớn hơn ở Vương quốc Anh đều có ban nhạc riêng và thường tổ chức các buổi khiêu vũ với sự tham gia của hơn một trăm bệnh nhân. Những bệnh viện tâm thần cũng tổ chức những buổi hòa nhạc và các sự kiện với sự tham gia của nhiều nghệ sĩ biểu diễn lưu động, từ phác thảo truyện tranh đến ca sĩ biểu diễn solo và dàn hợp xướng nghiệp dư. Các buổi khiêu vũ và hòa nhạc thường là cơ hội duy nhất để bệnh nhân gặp gỡ nhau trên diện rộng, tạo nên môi trường giao tiếp xã hội quan trọng.

Âm nhạc và sức khỏe tinh thần: Sự tương đồng giữa liệu pháp từ thế kỷ 19 và đơn thuốc “xã hội
Âm nhạc và khiêu vũ giữ cho bệnh nhân “bận rộn” ngoài giờ làm việc. (Ảnh: Wellcome Collection)

Trong các bệnh viện tâm thần quy mô nhỏ, chủ yếu dành cho những bệnh nhân giàu có, bệnh nhân có thêm những lựa chọn để sáng tác nhạc như một phần trong quá trình điều trị của họ. Người bệnh thường mang theo nhạc cụ và các buổi hòa nhạc nhỏ do bệnh nhân và nhân viên tổ chức là phổ biến.

Lợi ích của âm nhạc

Phần lớn giá trị trị liệu của âm nhạc gắn liền với khả năng xã hội. Nhiều người cho rằng bệnh nhân hưởng lợi từ việc chuẩn bị cho các hoạt động xã hội và những hoạt động này cũng được sử dụng để khen thưởng cho việc hành xử tốt. Âm nhạc cũng được dùng để phá vỡ cuộc sống tẻ nhạt tại bệnh viện tâm thần.

Ví dụ, tại một bệnh viện tâm thần tư nhân, tiến sĩ Alfred Wood đã viết: “Những hoạt động giải trí này gặp phải rất nhiều rắc rối trong quá trình chuẩn bị và sắp xếp và tôi có thể nói thêm rằng, chi phí rất tốn kém; nhưng điều này là vô giá vì là sự giải cứu cho cuộc sống đơn điệu tại bệnh viện tâm thần. Niềm vui mà họ có được trong lúc chuẩn bị cũng như trong lúc diễn ra sự kiện là đủ để bù đắp cho những nỗ lực để tạo nên các hoạt động ấy…”

Đặc biệt, các điệu nhảy giúp bệnh nhân vận động và vui vẻ. Ngay cả những bệnh nhân không thể khiêu vũ cũng thích âm nhạc và quan sát các bệnh nhân khác.

Các sự kiện âm nhạc cũng đòi hỏi những yêu cầu nghiêm ngặt về cách hành xử. Bệnh nhân cần có khả năng tự kiểm soát tốt để tham gia và cư xử phù hợp. Chính quá trình tuân thủ những yêu cầu này đã hình thành nên một phần quan trọng của quá trình phục hồi. Bác sĩ William AF Browne, một trong những bác sĩ tâm thần xuất sắc nhất dưới thời Victoria, vào năm 1841 đã viết về sự tự chủ cần có trước, trong và sau khi vui chơi.

Nhiều người khác cho rằng âm nhạc sẽ giúp bệnh nhân nhớ về những ngày tháng hạnh phúc hơn, mang lại cho họ hy vọng và niềm vui trong quá trình điều trị. Bác sĩ Browne cũng trích dẫn “sức mạnh của âm nhạc giúp xoa dịu, làm phấn chấn, tỉnh táo hoặc xúc động.” Ông cho rằng ngay cả những bệnh nhân khó tính cũng có thể hưởng lợi từ âm nhạc. Ông viết: “Có hoặc có thể có một thế giới ẩn sâu trong nội tâm con người mà có thể tiếp xúc đến được thông qua âm nhạc.”

Nhà báo James Webster trong một bài báo ghi lại năm 1842 rằng “những ảnh hưởng do âm nhạc tạo ra đối với diện mạo và hành vi của nhiều bệnh nhân thường khá rõ ràng.” Các ghi chép bao gồm các câu chuyện về những bệnh nhân dường như được chữa khỏi nhờ âm nhạc.

Ông Webster trích dẫn ví dụ về một cô gái trẻ, trước đây “buồn rầu” và “sững sờ”, dưới ảnh hưởng của âm nhạc cô ấy dường như trở nên “nhẹ nhõm” và “vui vẻ”— biểu hiện “là người đã thay đổi hoàn toàn”. Bác sĩ Browne cũng đã viết trong một cuốn sách của mình về tác dụng kỳ diệu của âm nhạc đối với một bệnh nhân, người này thức dậy vào buổi sáng sau khi nghe buổi biểu diễn các giai điệu truyền thống của Scotland và đã khỏi bệnh.

Liệu pháp âm nhạc

Vào những năm 1890, nhiều bác sĩ đã thực hiện các thí nghiệm về mối liên hệ giữa âm nhạc và bệnh tâm thần. Bác sĩ Herbert Hayes Newington, giám đốc y tế của một trong những bệnh viện tâm thần uy tín nhất thời kỳ đó, đã sử dụng âm nhạc để chẩn đoán bệnh và giúp phát triển các lý thuyết về cách thức hoạt động của bộ não. Mục sư Frederick Kill Harford, người đã vận động mang âm nhạc đến các bệnh viện công vào đầu những năm 1890, tin rằng âm nhạc có thể điều trị chứng trầm cảm, xoa dịu nỗi đau thể xác và giúp ngủ ngon.

Mặc dù âm nhạc vẫn tồn tại trong các bệnh viện tâm thần như một hình thức trị liệu nhưng không còn được sử dụng điều trị trên quy mô lớn như trước, khi những phương pháp mới như phản ứng điện ra đời vào thế kỷ 20.

Do đó, đối với bệnh nhân ở các bệnh viện tâm thần dưới thời Victoria, âm nhạc là một phần quan trọng của việc điều trị sức khỏe tâm thần—không chỉ tạo cơ hội để tham gia hoạt động sáng tạo mà còn đáp ứng nhiều nhu cầu khác: quan hệ xã hội, tình cảm, cảm xúc và mở mang kiến thức. Với những gì chúng ta biết hiện nay về lợi ích của âm nhạc đối với sức khỏe tâm thần, thì không ngạc nhiên khi các bác sĩ bắt đầu sử dụng lại loại hình nghệ thuật này.

Công Thành biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn