Ăn quá nhiều đường có thể dẫn đến rối loạn tâm thần như thế nào?

Hướng dẫn cơ bản về cai nghiện đường (Phần 9)

Trong loạt bài này, chúng ta sẽ tìm hiểu về những chất làm ngọt tốt và xấu, những kết quả bất ngờ khi cắt giảm đường và cách đạt được điều này.

Bà Kate 55 tuổi bị chứng trầm cảm, lo âu và Rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD). Cảm xúc của bà thay đổi một cách thất thường. Bên cạnh đó, bà còn phải vật lộn với chứng ăn vô độ (BED) và dẫn đến tình trạng béo phì. Những vấn đề này đã kéo dài nhiều thập niên nhưng vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện.

Bà Kate cũng là người hảo ngọt.

Chỉ đến khi bác sĩ tâm lý khuyên bà cai đường thì những triệu chứng này mới dần cải thiện.

Hai tuần sau khi cai đường, bà Kate đã giảm được gần 2kg và ít cáu gắt hơn. Bà không còn thèm đường nữa và năng lượng của cơ thể vẫn ổn định suốt cả ngày, cũng không “run rẩy và tức giận” sau bữa ăn vài tiếng đồng hồ như trước kia.

Ngoài ra, chất lượng giấc ngủ của bà cũng cải thiện. Trước đây, bà thường gặp ác mộng một vài lần trong tuần nhưng bây giờ tình trạng này đã biến mất. Điều thú vị là, bà nhận thấy rằng khi bà ăn đường trở lại, thì “độc tính” mà bà liên tưởng với đường sẽ tái xuất hiện, dẫn đến tình trạng đầy hơi và lo lắng.

Bà nói, “Những cảm giác cũ sẽ xuất hiện trở lại.”

Bác sĩ Jessica Russo, người đang điều trị cho bà Kate, là một bác sĩ tâm lý học lâm sàng có cơ sở hành nghề tư nhân tại thành phố Philadelphia.

Bác sĩ Russo nói với The Epoch Times rằng, “Đường có thể góp phần vào chứng trầm cảm của bà [Kate].”

Mối liên quan giữa đường và chứng rối loạn tâm thần

Tình trạng của bà Kate không phải là trường hợp hiếm gặp. Nghiên cứu sâu rộng đã chỉ ra rằng đường bổ sung có liên quan đến nhiều chứng rối loạn tâm thần khác nhau, trong đó thực đơn ăn quá nhiều đường góp phần gây ra tình trạng lo âu, căng thẳng và tăng động.

Theo bác sĩ tâm lý học lâm sàng Laurel Basbas, ăn quá nhiều đường “có thể khiến chứng rối loạn cảm xúc thêm trầm trọng.” Bà nói với The Epoch Times rằng bà đã quan sát quá nhiều trường hợp như vậy trong quá trình thực hành lâm sàng của mình suốt nhiều năm qua.

Trong một nghiên cứu năm 2023 được công bố trên Tập san Frontiers in Public Health (Lĩnh vực Sức khỏe Cộng đồng), các nhà nghiên cứu đã đánh giá mối liên quan giữa tổng lượng đường tiêu thụ và các triệu chứng trầm cảm ở hơn 16,000 người Mỹ trưởng thành. Các phát hiện cho thấy tỷ lệ người bị các triệu chứng trầm cảm tăng lên khi lượng đường ăn vào cao hơn; những người nằm trong top 20% những người tiêu thụ nhiều nhất có nguy cơ bị trầm cảm cao hơn 56% so với những người nằm trong 20% những người ​​tiêu thụ lượng đường thấp nhất.

Thói quen tiêu thụ đồ uống có đường là một trong những yếu tố chính góp phần nên thực đơn ăn uống dư thừa đường thời nay. Một lon soda chứa tới 40g đường.

Một phân tích gộp được công bố trên Journal of Affective Disorders (Tập san Rối loạn Cảm xúc) năm 2019, bao gồm 10 nghiên cứu quan sát với hơn 365,000 người tham gia, cho thấy người tiêu thụ nhiều đồ uống chứa đường thì có nhiều nguy cơ bị trầm cảm, cao hơn 31% so với người ít tiêu thụ đồ uống có đường nhất. Một nghiên cứu tiến cứu ở Anh quốc cũng cho kết quả tương tự.

Tiêu thụ đường quá mức ảnh hưởng đến chức năng của bộ não, gây mất tập trung và thậm chí làm trầm trọng thêm các triệu chứng của chứng rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD).

Một đánh giá hệ thống và phân tích gộp được công bố năm 2020, bao gồm bảy nghiên cứu với gần 26,000 người tham gia, đã ghi nhận mối quan hệ tích cực giữa lượng đường tổng thể và mức tiêu thụ đồ uống có đường với các triệu chứng rối loạn tăng động giảm chú ý. Một đánh giá hệ thống và phân tích gộp khác được công bố trên Journal of Affective Disorders (Tập san Rối loạn Cảm xúc) năm 2019, bao gồm 14 nghiên cứu đề xuất rằng thói quen ăn quá nhiều đường tinh luyện và chất béo bão hòa có thể làm tăng nguy cơ bị chứng rối loạn tăng động giảm chú ý lên 41%.

Đường làm tăng nguy cơ rối loạn tâm thần vì 3 lý do

1. Đường làm cạn kiệt các dưỡng chất thiết yếu trong bộ não

Đường gây ra các triệu chứng rối loạn tâm thần vì đường làm thay đổi hệ vi sinh vật đường ruột, dẫn đến thiếu hụt các dưỡng chất thiết yếu cho bộ não và hệ thần kinh.

Bà Basbas nói, “Chúng ta phải cẩn trọng với dinh dưỡng vì dinh dưỡng tốt có thể cải thiện [vấn đề], [và] dinh dưỡng kém sẽ làm vấn đề thêm trầm trọng.”

Bà Sheridan Genrich, một chuyên gia dinh dưỡng lâm sàng và liệu pháp thiên nhiên người Úc, nói với The Epoch Times rằng, “Hệ vi sinh vật đường ruột tạo ra vitamin nhóm B và vitamin K, là thực phẩm của chúng ta.”

Vitamin nhóm B rất quan trọng đối với bộ não.

Bà Russo nói, “Khi bị thiếu hụt [vitamin nhóm B], người ta có thể cảm thấy mơ hồ, thậm chí hoang tưởng – nói chung là cách suy nghĩ không rõ ràng như một dạng của chứng trầm cảm.” Khi nồng độ vitamin B giảm, việc sản sinh hồng cầu [trong tủy xương] sẽ giảm, dẫn đến khả năng vận chuyển oxy trong máu giảm và [cơ thể] tụt năng lượng. Ngoài ra, các vitamin nhóm B rất cần thiết cho quá trình tổng hợp chất dẫn truyền thần kinh.

Bà Genrich cho biết, hệ vi sinh vật đường ruột cũng tạo ra chất dẫn truyền thần kinh, vốn được lưu trữ trong bộ não và là “chìa khóa cho tâm trạng [vui vẻ]”. Ví dụ, đường ruột sản sinh serotonin, chất chịu trách nhiệm mang lại cảm giác hạnh phúc và khỏe mạnh. Serotonin cũng là tiền thân của melatonin, một hormone giúp ngủ ngon.

Một chất gọi là hoạt chất dinh dưỡng thần kinh có nguồn gốc từ bộ não (BDNF) giúp bảo tồn tính toàn vẹn của khớp thần kinh và cải thiện khả năng sống sót của tế bào thần kinh. Mức BDNF giảm có thể gây trầm cảm và teo hồi hải mã. Các mô hình nghiên cứu trên động vật đã ghi nhận rằng thói quen ăn quá nhiều đường làm giảm nồng độ BDNF.

Bà Genrich cho biết, calcium và magnesium đều là “các khoáng chất bị cạn kiệt đáng kể do thói quen ăn quá nhiều đường. Cơ thể rất thông minh và luôn cố gắng bảo vệ chúng ta được an toàn.”

Khi chúng ta tiêu thụ quá nhiều đường, calcium và magnesium sẽ được rút ra từ xương để điều chỉnh sự biến động của lượng đường huyết và cân bằng nội môi [môi trường bên trong cơ thể]. Sự thiếu hụt calcium và magnesium không chỉ dẫn đến loãng xương mà còn ảnh hưởng đến hệ thần kinh. Theo bà Genrich, magnesium “kìm hãm” những cảm xúc dâng trào và việc thiếu magnesium có thể khiến “ai đó cảm thấy kém thoải mái.”

Bà cho biết, ăn quá nhiều đường cũng dẫn đến thiếu hụt các dưỡng chất thiết yếu như sắt và vitamin C.

Tóm lại, sự thiếu hụt các dưỡng chất thiết yếu này góp phần gây ra sự biến động về mặt cảm xúc, suy giảm nhận thức, khả năng tập trung kém và dễ cáu gắt. Ngoài ra, như bà Genrich đã mô tả, dinh dưỡng kém còn tạo ra cảm giác “căng thẳng nhưng mệt mỏi.” Đây là lý do tại sao một số người dù rất buồn ngủ nhưng cảm thấy vô cùng căng thẳng.

2. Đường gây viêm

Tiêu thụ quá nhiều đường có thể dẫn đến viêm. Chứng viêm đang được nghiên cứu như một yếu tố góp phần hoặc là nguyên nhân gây ra các rối loạn tâm thần, bao gồm chứng trầm cảm và lo âu.

Bà Russo nói, “Tôi nghĩ rằng quý vị chỉ cần biết những thông tin cơ bản về đường và đường cát trắng hay đường tinh luyện là gì, thì mọi vấn đề sẽ trở nên dễ hiểu.”

Viêm là yếu tố trung gian chính gây ra chứng trầm cảm, có nguồn gốc từ đường; các chỉ số viêm trong máu tăng lên sẽ ảnh hưởng đến cảm xúc. Ngoài ra, chứng viêm cũng được xem là tác nhân sinh lý gây ra các triệu chứng trầm cảm, như mệt mỏi, năng lượng thấp, khó ngủ và thay đổi khẩu vị.

Một nghiên cứu tổng quan được công bố năm 2020 cho thấy đường bổ sung làm đảo lộn các quá trình trao đổi chất, viêm và sinh học thần kinh khác nhau, ảnh hưởng đáng kể đến quá trình viêm trong cơ thể và bộ não. Nghiên cứu đã xác nhận rằng thức uống không cồn với hàm lượng đường cao cũng và đường vốn được thêm các loại vào trà, cà phê và ngũ cốc có liên quan đến việc các chỉ số viêm trong máu tăng cao.

Đường cũng có thể gây viêm ruột. Bà Genrich cho biết, niêm mạc ruột có một lớp tế bào dày, đóng vai trò như một hàng rào giống như da, giúp bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân bên ngoài. Tuy nhiên, đường có thể gây tổn thương chức năng hàng rào bảo vệ trong ruột, làm thay đổi tính thấm của ruột. Do đó, những chất không nên xâm nhập trực tiếp vào cơ thể có thể đi từ ruột vào máu, dẫn đến viêm.

3. Đường gây teo bộ não và phá vỡ dopamine

Bà Russo nhấn mạnh những người tiêu thụ quá nhiều đường thường có lượng đường trong máu tăng cao, gây hại cho mạch máu não. Những mạch này đóng một vai trò quan trọng trong việc cung cấp máu dồi dào oxy cho bộ não. Khi các mạch máu này bị tổn thương, làm giảm lưu lượng máu lên bộ não, gây chết tế bào não.

Bà nói, “Đây là hiện tượng được gọi là teo não.”

Đường kích thích bộ não phóng thích dopamine tạo cảm giác khoái cảm, mặc dù tiêu thụ quá nhiều đường trong thời gian dài có thể làm [bộ não] giảm tiết ra dopamine. Điều này khiến mọi người tiêu thụ càng nhiều đường hơn để duy trì cảm giác thỏa mãn và bắt đầu một vòng luẩn quẩn. Kết quả là hệ thống khen thưởng của bộ não bị gián đoạn, dẫn đến các vấn đề về cảm xúc.

Các yếu tố khác

Ăn quá nhiều đường bổ sung có thể dẫn đến mức đường huyết cao hơn và tăng tình trạng kháng insulin, có thể tăng nguy cơ bị các triệu chứng trầm cảm và cũng phổ biến hơn ở những người có các triệu chứng như vậy. Hơn nữa, các nhà nghiên cứu cho rằng tình trạng kháng insulin làm gián đoạn việc sử dụng năng lượng, trực tiếp gây ra các triệu chứng trầm cảm.

Đường tạo ra các loại oxy phản ứng (ROS) trong quá trình trao đổi chất và việc hấp thụ quá nhiều đường có thể dẫn đến căng thẳng oxy hóa, dẫn đến tổn thương tế bào, viêm nhiễm và đẩy nhanh quá trình lão hóa. Một phân tích gộp gồm 29 nghiên cứu chỉ ra rằng những người bị trầm cảm có mức độ căng thẳng oxy hóa cao hơn và mức độ chất kháng oxy hóa thấp hơn so với những người khỏe mạnh.

Việc hấp thụ quá nhiều đường sẽ thúc đẩy việc tạo ra các sản phẩm cuối glycation tiên tiến (AGE) trong cơ thể, dẫn đến một loạt các phản ứng có hại. Các thí nghiệm trên động vật đã xác nhận rằng hàm lượng AGEs cao có thể ảnh hưởng đến việc tạo ra các tế bào thần kinh mới ở vùng hải mã, do đó làm suy giảm chức năng của vùng hải mã, dẫn đến trầm cảm và suy giảm nhận thức.

Đường gây hại cho cơ thể và ảnh hưởng đến bộ não, tâm trạng và thần kinh. Nếu quý vị chưa gặp phải các tình trạng này, thì cũng đã đến lúc cân nhắc cắt bỏ đường khỏi thực đơn ăn uống.

Tiếp theo: Bệnh viêm ruột được nhiều người coi là chứng rối loạn đường ruột, do đường gây ra, thậm chí là bệnh ung thư đại tràng.

Công Thành biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Flora Zhao
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Cô Flora Zhao là một ký giả sức khỏe của The Epoch Times. Để tham khảo thêm các mẹo bổ ích, bạn có thể gửi email theo địa chỉ: [email protected]
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn