Chất làm ngọt tự nhiên trong La hán quả kiểm soát hiệu quả đường máu và mỡ máu

Hướng dẫn cơ bản về cách cai nghiện đường (Phần 3)

Trong loạt bài này, chúng ta sẽ tìm hiểu về những chất làm ngọt tốt và xấu, những kết quả bất ngờ khi cắt giảm đường và cách đạt được điều này.

Cũng như cỏ ngọt, La hán quả thu hút sự chú ý rộng rãi như một chất làm ngọt tự nhiên, trong đó nổi bật nhất là khả năng kiểm soát lượng đường máu và mỡ máu bên cạnh đặc tính chống ung thư.

La hán quả có hình dáng bên ngoài giống như trái dưa nhỏ. Người Trung Hoa cổ xưa dùng La hán quả như một chất làm ngọt tự nhiên và dùng trong y học cổ truyền.

La hán quả chứa nhiều hợp chất dinh dưỡng khác nhau, bao gồm mogroside, vitamin C, các nguyên tố vi lượng, acid linolenic và các acid béo không bão hòa khác.

La hán quả thực sự chứa đường tự nhiên, chủ yếu là fructose và glucose. Tuy nhiên, không giống như hầu hết các loại trái cây khác, đường tự nhiên từ La hán quả không thực sự tạo ra vị ngọt. Thay vào đó, vị ngọt đậm đến từ một nhóm hợp chất có tên là mogroside.

Các chất mogroside chiết xuất từ La hán quả thu được qua quá trình chế biến không nhất thiết chứa fructose hoặc glucose. Mogroside ngọt hơn sucrose từ 200 đến 350 lần và chất làm ngọt La hán quả về cơ bản có nguồn gốc từ mogroside. Mogroside chiếm khoảng 1.2% trong La hán quả tươi và 3.8% trong bột La hán quả khô.

Tác dụng chống tiểu đường của đường La hán quả

Giống như cỏ ngọt, đường La hán quả là chất làm ngọt không chứa calorie. Loại đường này thường được mô tả là có hương vị tương tự như đường mía, nhưng đường mía là chất làm ngọt có hàm lượng calorie cao.

Một thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên đối chứng do International Journal of Obesity (Tập san Quốc tế về Béo phì) công bố năm 2017, cho thấy tiêu thụ chất làm ngọt La hán quả một tiếng trước bữa ăn không làm tăng lượng đường trong máu.

Sau khi theo dõi tiếp, các nhà nghiên cứu kết luận rằng, so với đường sucrose, thì các chất làm ngọt tự nhiên, bao gồm cả chất làm ngọt từ La hán quả, có tác động không đáng kể đến lượng đường trong máu sau bữa ăn và sự tiết insulin.

Hiện tại có rất ít nghiên cứu trên người về chất làm ngọt La hán quả, không giống như cỏ ngọt. Tuy nhiên, nhiều mô hình tế bào và thí nghiệm trên động vật cho thấy mogroside mang lại nhiều tác dụng có lợi khác nhau cho cả bệnh tiểu đường loại 1 và loại 2. Mogroside được chứng minh là có tác dụng điều chỉnh các kháng nguyên tế bào lympho ở chuột bị bệnh tiểu đường loại 1 và có tác dụng điều trị các triệu chứng. Một nghiên cứu khác cho thấy chiết xuất từ La hán quả cũng có thể làm giảm nhẹ và sửa chữa các tổn thương của tế bào beta tuyến tụy và thúc đẩy bài tiết insulin.

Mogroside được chứng minh là có hiệu quả làm giảm lượng đường và mỡ trong máu ở bệnh nhân tiểu đường loại 2. Trong một nghiên cứu liên quan đến chuột bị bệnh tiểu đường, những con được sử dụng chiết xuất La hán quả hoặc mogroside giảm đáng kể lượng đường trong máu lúc đói, protein huyết thanh glycated và tình trạng kháng insulin.

Hơn nữa, các hợp chất flavonoid có trong La hán quả có thể làm giảm đáng kể lượng đường trong máu và bảo vệ tuyến tụy, trong khi polysaccharide có thể cải thiện tình trạng rối loạn lipid máu và giảm lượng đường huyết.

La hán quản có đặc tính chống ung thư, chống viêm và chống oxy hóa

Mogroside trong La hán quả cho thấy đặc tính chống ung thư

Nhiều thí nghiệm khác nhau cho thấy mogroside thể hiện các hoạt động chống ung thư toàn diện. Mogroside có thể ức chế sự xâm lấn và di chuyển của các tế bào ung thư phổi, gây ra hiện tượng chết tế bào theo chương trình và cản trở sự phát triển của các tế bào ung thư đại trực tràng và thanh quản. Hơn nữa, mogroside có thể làm xáo trộn chu kỳ phát triển của tế bào ung thư tuyến tụy và gây chết tế bào. Chiết xuất La hán quả cũng được phát hiện có tác dụng ức chế ung thư gan.

Ngoài ra, mogroside có thể giúp ức chế độc tính của chất gây ung thư. Các nghiên cứu trên động vật cho thấy chất phytochemical trong La hán quả thậm chí có thể trực tiếp tiêu diệt các tế bào khối u.

La hán quả có lợi cho não và hệ thần kinh

Mogroside có thể làm giảm tình trạng viêm thần kinh trong tế bào não và giúp kiểm soát bệnh Alzheimer. Ngoài ra, mogroside có thể cải thiện hiệu quả các hành vi tâm thần phân liệt ở chuột và điều chỉnh sự suy giảm vĩnh viễn một phần của hệ thần kinh.

La hán quả hoạt động như một chất chống oxy hóa

Mogroside là chất chống oxy hóa, hoạt động bằng cách loại bỏ các gốc tự do và bảo vệ tế bào, ức chế tổn thương oxy hóa DNA, do đó làm chậm quá trình lão hóa. Ngoài ra, mogroside còn có tác dụng chống lại tổn thương mô do tập thể dục, bao gồm cả chấn thương tim. Một nghiên cứu trên tập san Thực phẩm cho thấy mogroside cũng có thể cải thiện bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu bằng cách ngăn ngừa sự tích tụ mỡ trong gan và ức chế quá trình peroxy hóa lipid.

Ngoài ra, các flavonoid và polysaccharides có trong La hán quả cũng cho thấy hoạt động chống oxy hóa mạnh mẽ.

Ai nên tránh tiêu thụ đường La hán quả?

Chất làm ngọt từ La hán quả có vẻ khá an toàn dù đã trải qua quá trình chiết xuất nhân tạo.

Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ công bố, chiết xuất La hán quả được phân loại là “thường được công nhận là an toàn.” Tuy nhiên, không có lượng tiêu thụ cụ thể hàng ngày được chấp nhận đối với chiết xuất La hán quả, điều này thường xảy ra vì bằng chứng an toàn của thành phần này đã được thiết lập với số lượng cao hơn mức cần thiết để đạt được hiệu quả mong muốn trong thực phẩm.

Theo Trung y, La hán quả được coi là có tính hàn nhẹ và có ít tác dụng phụ. Những người có thể chất hàn, chẳng hạn như những người thường xuyên đi cầu phân lỏng, có lưỡi to, nhợt nhạt hoặc có vết răng nổi rõ ở mép lưỡi nên hạn chế ăn La hán quả.

Vì La hán quả thuộc họ Cucurbitaceae, bao gồm các loại cây phổ biến như dưa chuột, bí xanh, bí đỏ, dưa nên những người dị ứng với những thực phẩm này cũng dễ bị dị ứng với La hán quả.

Lựa chọn chất làm ngọt từ La hán quả: Những cân nhắc và thách thức

La hán quả mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe nhưng việc trồng La hán quả có thể gặp nhiều thách thức. La hán quả có tỷ lệ nảy mầm thấp và cần được chăm sóc cẩn thận.

La hán quả tươi cũng khó bảo quản và hiếm thấy trên thị trường. Tuy nhiên, La hán quả khô có thể được tìm thấy ở một số cửa hàng tạp hóa châu Á, cửa hàng thuốc thảo dược Trung Hoa và trực tuyến.

Phương pháp sấy truyền thống đối với La hán quả là sấy khô bằng không khí nóng ở nhiệt độ cao. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, phương pháp đông khô ở nhiệt độ thấp được sử dụng rộng rãi hơn, giúp giữ được nồng độ cao hơn các hợp chất có lợi, đặc biệt là mogroside.

Vì có độ ngọt cao, chất làm ngọt La hán quả dạng bột rắn thường được tìm thấy trong các siêu thị thường được trộn với các chất khác như erythritol và một số sản phẩm thậm chí có thể chứa sucrose. La hán quả có thể chỉ chiếm khoảng 1% thành phần của các sản phẩm này.

Tự làm si rô La hán quả và trà La hán quả

Bạn cũng có thể thử tự làm si rô La hán quả bằng La hán quả khô.

La hán quả sấy khô cho một thức uống ngọt ngào, tốt cho sức khỏe. (Ảnh: gnepphoto/Shutterstock)
La hán quả sấy khô cho một thức uống ngọt ngào, tốt cho sức khỏe. (Ảnh: gnepphoto/Shutterstock)

Bỏ vỏ La hán quả rồi lấy thịt và hạt. Ngâm thịt và hạt của La hán quả trong nước 90ºC trong 30 phút với tỷ lệ 1g La hán quả khô với 15ml nước. Sau đó, lọc lấy nước và bảo quản để dùng dần.

Sau đó, bạn có thể đổ nước nóng vào và tiếp tục ngâm thịt và hạt nhưng nhớ kéo dài thời gian ngâm phù hợp với mỗi lần ngâm tiếp theo.

Bạn có thể gia giảm lượng nước khi pha La hán quả rồi đem đun sôi nước La hán quả đã pha để thu được si rô La hán quả.

Một cách dùng La hán quả đơn giản khác là thêm La hán quả khô vào trà. Bạn sẽ được thưởng thức trà có vị ngọt tự nhiên và đồng thời nhận được lợi ích của trà và của các hợp chất từ La hán quả.

Tiếp theo: Đây là loại đường gây tranh cãi và phổ biến nhất.

Công Thành biên dịch

Thu Anh biên tập

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Flora Zhao
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Cô Flora Zhao là một ký giả sức khỏe của The Epoch Times. Để tham khảo thêm các mẹo bổ ích, bạn có thể gửi email theo địa chỉ: [email protected]
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn