Giải mã Ketosis: 7 tác dụng sinh học của cách ăn ketogenic

Bạn của tôi, Tiến sĩ Monti, nói với tôi rằng anh ấy đã áp dụng liệu pháp ăn kiêng ketogenic được hai tháng và cảm thấy rất tuyệt. Khi chia sẻ một chút về trải nghiệm của mình với cách ăn Keto, anh ấy còn khuyên tôi nên mua một bộ kit xét nghiệm để kiểm tra xem mình có đang trong trạng thái ketosis hay không.

Cách ăn ketogenic mang lại nhiều thay đổi sinh học cho cơ thể và ngoài việc sử dụng bộ xét nghiệm, bản thân cơ thể có thể cung cấp một số tín hiệu về việc liệu chúng ta có thực sự đang ở trạng thái ketosis hay không.

1. Giảm cân

Tin vui ngay lập tức đến với hầu hết mọi người trong tuần đầu áp dụng liệu pháp ăn kiêng ketogenic là giảm cân nhanh chóng. Nguyên nhân chính là do lượng carbohydrate và nước dự trữ trong cơ thể bị tiêu hao hết, cơ thể bắt đầu sử dụng chất béo làm nguồn năng lượng.

Sau lần mất nước một cách nhanh chóng ban đầu này, cơ thể sẽ tiếp tục đốt cháy chất béo trong cơ thể nếu quý vị tuân theo liệu pháp ăn kiêng ketogen và kiểm soát lượng calorie nạp vào.

Nhiều nghiên cứu về giảm cân đã chỉ ra rằng quý vị có khả năng giảm cân trong cả ngắn hạn và dài hạn sau khi chuyển sang cách ăn ketogenic.

2. Giảm cảm giác thèm ăn

Nhiều người cho biết họ ít khi cảm thấy đói hơn trong khi ăn theo kiểu ketogenic. Việc giảm cảm giác đói có thể là do lượng protein và rau củ nạp vào tăng lên, cũng như sự thay đổi về hormone gây đói của cơ thể. Bản thân thể ketone cũng có thể tác động đến bộ não để giảm cảm giác thèm ăn.

3. Cải thiện khả năng tập trung

Khi cơ thể ở trong trạng thái ketosis, não bắt đầu đốt cháy nhiều thể ketone hơn glucose. Thể ketone là nguồn năng lượng tuyệt vời cho não. Thể ketone có tác dụng tốt cho một số bệnh liên quan đến rối loạn não, chẳng hạn như chấn động não, động kinh và mất trí nhớ.

Đó là lý do tại sao những người ăn kiêng ketogenic lâu dài cho biết rằng họ thường có trí óc minh mẫn hơn cũng như có sự cải thiện các chức năng khác của bộ não. Lượng đường trong máu ổn định giúp cải thiện hơn nữa khả năng tập trung và chức năng não.

4. Mất ngủ

Nhiều người cho biết rằng họ bị mất ngủ hoặc thức dậy vào ban đêm khi họ mới bắt đầu cắt giảm đáng kể lượng carb nạp vào. Trạng thái mất ngủ sẽ được cải thiện dần dần sau vài tuần. Khi đã thích nghi với liệu pháp ăn kiêng này, mọi người sẽ ngủ ngon hơn trước.

5. Hôi miệng

Người ta thường nói rằng một khi cơ thể đạt trạng thái ketosis hoàn toàn, hơi thở sẽ có mùi hôi hoặc có vị trái cây. Điều này là do nồng độ thể ketone tăng cao. Thủ phạm chính là axeton, một trong những thể keton được bài tiết qua nước tiểu và hơi thở.

6. ‘Cúm Keto’

Khi lần đầu tiên thực hiện liệu pháp ăn kiêng rất ít carb, mọi người có thể bị sương mù não, mệt mỏi và cảm thấy không khỏe – các triệu chứng tương tự như bệnh cúm.

Những tác dụng phụ này đều là những phản ứng làm sạch bình thường của cơ thể. Cơ thể chúng ta đã sử dụng nhiều carbohydrate trong nhiều thập kỷ và khi buộc phải thích nghi với một cách hoạt động khác, nó sẽ không thể thực hiện toàn bộ việc chuyển đổi chỉ sau một đêm. Mọi người thường cần thực hiện liệu pháp ăn ketogenic trong 7 đến 30 ngày trước khi có thể hoàn toàn bước vào trạng thái ketosis.

Quý vị có thể bổ sung chất điện giải để giảm mệt mỏi trong quá trình ketosis và sử dụng tới 1000mg potassium (kali) và 300mg magnesium (magie) mỗi ngày.

7. Táo bón và tiêu chảy

Cả táo bón và tiêu chảy đều là những tác dụng phụ thường gặp khi bắt đầu quá trình ketosis. Thực hiện liệu pháp ăn ketogenic có thể đồng nghĩa với việc phải thay đổi hoàn toàn loại thực phẩm ăn vào. Điều này có thể gây ra vấn đề với hệ tiêu hóa. Chúng ta muốn đảm bảo rằng chúng ta ăn nhiều loại rau ít carb lành mạnh như bông cải xanh, bí xanh, củ đậu, cần tây và thậm chí cả bí ngô. Những loại rau này có hàm lượng carbohydrate thấp và chứa nhiều chất xơ.

8. Ba cách để phát hiện tình trạng ketogenic

Ngoài bảy dấu hiệu trên, chúng ta cũng có thể kiểm tra hàm lượng ketogenic trong máu và nước tiểu để xác nhận xem chúng ta có đang ở trạng thái ketogenic hay không.

  • Xét nghiệm máu: Cách đáng tin cậy và chính xác nhất là đo lượng beta-hydroxybutyrate trong máu. Trạng thái Ketosis dinh dưỡng được định nghĩa là lượng ketone trong máu nằm trong khoảng từ 0.5 mmol/L đến 3.0 mmol/L.
  • Máy đo hơi thở: Mặc dù không chính xác như xét nghiệm máu nhưng xét nghiệm máy đo hơi thở khá chính xác. Không giống như xét nghiệm máu, máy phân tích hơi thở theo dõi nồng độ aceton.
  • Que thử ketosis: Một kỹ thuật khác là đo lượng ketone trong nước tiểu hàng ngày bằng các dải chỉ thị đặc biệt. Đây là thước đo mức độ cơ thể ketone được bài tiết qua nước tiểu. Que thử có thể được sử dụng như một cách nhanh chóng và rẻ tiền để đánh giá nồng độ ketone hàng ngày. Tuy nhiên, kết quả thử nghiệm không đáng tin cậy bằng hai thử nghiệm trên.

Tóm lại, một số dấu hiệu chính và phương pháp phát hiện có thể giúp xác định trạng thái ketosis hay không. Tuy nhiên, nếu đang giảm cân và tận hưởng liệu pháp ăn kiêng ketogenic thì quý vị không cần phải lo lắng về mức độ ketone của mình.

Nam Khanh biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times.

Dr. Jingduan Yang
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Tiến sĩ Dương Cảnh Đoan có bằng M.D (Bác sĩ y khoa), là thành viên của Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ (F.A.P.A.) và là bác sĩ tâm thần có chứng nhận chuyên về Trung y cho các bệnh mạn tính về tâm thần, hành vi và thể chất. Tiến sĩ Dương cũng là người sáng lập Viện Y học Tích hợp Dương và Viện Châm cứu Lâm sàng Hoa Kỳ, đồng thời là Giám đốc điều hành của Northern Medical Center, Middletown, New York. Ông đã đóng góp cho các cuốn sách "Tâm Thần Học Tích Hợp," "Các Vấn Đề về Thuốc," và "Liệu Pháp Tích Hợp cho Bệnh Ung Thư." Ông cũng là đồng tác giả "Hướng về Phương Đông: Bí Quyết Cổ Xưa về Sắc Đẹp+Sức Khỏe cho Thời Hiện Đại" của HarperCollins và "Châm Cứu Lâm Sàng và Trung Y" của Oxford Press.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn