Hạt kiều mạch: Giải pháp từ thiên nhiên cho người cao huyết áp

Thầy thuốc Trung y Trương Duy Quân (Zhang Weijun) giới thiệu về lợi ích sức khỏe của hạt kiều mạch và hướng dẫn cách sử dụng để có sức khỏe tốt hơn.

Được trồng hơn 8,000 năm, kiều mạch là một loại ngũ cốc cổ xưa chưa bao giờ biến đổi gene và ngày càng trở nên phổ biến cho những người mong muốn ăn nhiều thực phẩm lành mạnh hơn.

Thầy thuốc Trung y Trương Duy Quân – hậu duệ thế hệ thứ năm của gia đình Trung y Đài Loan Hoài Sinh Đường (Huai Sheng Tang), chia sẻ công thức chăm sóc sức khỏe bằng kiều mạch gia truyền giúp hạ huyết áp, hạ cholesterol và hạ đường huyết – tất cả đồng thời bảo vệ sức khỏe của mạch máu.

Theo truyền thuyết Trung Hoa, vào thời Bắc Tống, binh lính của tướng quân Dương bị quân Liêu bao vây tại đèo Yanmen ở vùng biên giới Tây bắc. Họ đang cạn kiệt nguồn cung cấp lương thực và binh lính đã kiệt sức. Hơn nữa, tình trạng thiếu thuốc men dẫn đến thương vong. May mắn thay, người dân đã quyên góp kiều mạch cho binh lính. Chỉ sau vài ngày được ăn kiều mạch, họ không chỉ lấy lại được sức khỏe mà còn chứng kiến những người bị thương, bệnh tật hồi phục mà không cần dùng thuốc. Cuối cùng, quân của tướng Dương đã đột phá thành công vòng vây của quân Liêu và thắng lợi trở về kinh đô.

Kiều mạch có giá trị dinh dưỡng cao và không chứa gluten

Thầy thuốc Trương cho biết kiều mạch là loại ngũ cốc có sức sống mãnh liệt, vừa chịu hạn vừa kháng sâu bệnh nên có thể trồng trọt ngay cả ở những vùng khô cằn. Từ quan điểm dinh dưỡng hiện đại và những hiểu biết sâu sắc từ tài liệu y học cổ đại của Trung Hoa, kiều mạch thực sự rất có lợi cho sức khỏe con người.

Kiều mạch có hàm lượng protein tương đối cao so với các loại ngũ cốc khác và chứa nhiều loại acid amin thiết yếu.

Kiều mạch rất dồi dào khoáng chất như phosphorus, potassium, magnesium, calcium và sắt. Trong số này, magnesium có vai trò quan trọng trong việc điều hòa tim, giảm cholesterol và ngăn ngừa nhồi máu cơ tim (đau tim) do xơ vữa động mạch (làm dày hoặc xơ cứng động mạch do tích tụ mảng bám). Ngoài ra, magnesium còn giúp làm dịu hệ thần kinh và tăng chức năng hệ thần kinh trung ương ở người cao tuổi, từ đó giúp cho chất lượng giấc ngủ tốt hơn.

Kiều mạch, đặc biệt là kiều mạch Tartary vùng Himalaya, chứa khoáng chất vi lượng selen, giúp điều chỉnh chức năng miễn dịch.

Kiều mạch cũng rất dồi dào chất xơ, tốt cho sức khỏe tiêu hóa và có lợi cho việc kiểm soát lượng đường trong máu ở những người bị bệnh tiểu đường.

Mặc dù trong tên gọi có chữ “mạch” nhưng kiều mạch khác với lúa mạch và lúa mì. Kiều mạch không chứa gluten nên phù hợp với những người không dung nạp gluten.

Kiều mạch là nguồn rutin và có công dụng kháng viêm

Kiều mạch cũng chứa một loại polyphenol thực vật có giá trị được gọi là rutin, đôi khi được gọi là vitamin P. Rutin có nhiều lợi ích sức khỏe như kháng viêm, kháng khuẩn và kháng virus đồng thời rất tốt cho sức khỏe tim mạch.

Thầy thuốc Trương giải thích rằng từ xa xưa, bột kiều mạch được dùng để điều trị nhiễm trùng da toàn thân. Đối với những bệnh nhân bị nhiễm trùng da có mủ, bột kiều mạch nghiền mịn được trải đều trên giường, và bệnh nhân sẽ nằm trên giường, để bột kiều mạch bám đều vào cơ thể. Rutin trong kiều mạch có đặc tính chống viêm và kháng khuẩn, có thể giúp giảm nhiễm trùng da.

Trong mùa cúm mùa thu đông, rutin có trong kiều mạch giúp cơ thể gia tăng khả năng chống lại virus và các chất gây dị ứng. Ngoài ra, uống trà kiều mạch tốt cho nướu răng vì giảm chảy máu nướu do viêm.

Nghiên cứu đã tiết lộ rằng rutin hoạt động như một chất chống oxy hóa, bảo vệ mạch máu và giảm nguy cơ xơ vữa động mạch bằng cách ức chế quá trình oxy hóa lipoprotein mật độ thấp trong máu. Đáng chú ý, kiều mạch Tartary có hàm lượng rutin cao hơn đáng kể so với kiều mạch thông thường, cao hơn tới 80-100 lần.

Rutin còn có tác dụng hạ huyết áp, do đó thường xuyên uống trà kiều mạch và kết hợp ăn mì soba có thể giúp giảm nguy cơ đột quỵ.

Kiều mạch trong Trung y

Theo thầy thuốc Trương, Trung y dùng kiều mạch với nhiều mục đích:

  1. Giảm sẹo mụn: Một khi mụn phát triển, việc chữa lành có thể khó khăn và màu sắc của sẹo có xu hướng sẫm dần. Điều này có thể được giải quyết bằng cách uống trà kiều mạch, vì trà này sẽ giúp chuyển mụn từ màu sẫm sang màu đỏ và thúc đẩy quá trình lành vết thương dần dần.
  1. Giảm viêm: Hỗn hợp bột kiều mạch và giấm gạo có thể được sử dụng để điều trị viêm mô tế bào.
  1. Cải thiện tình trạng viêm ruột và tiêu chảy: Rang bột kiều mạch cho đến khi chuyển sang màu vàng, sau đó đun sôi với nước để uống, có thể giúp giảm tiêu chảy.
  1. Trị vết bỏng và bỏng nước: Thoa hỗn hợp bột kiều mạch và nước lên vùng bị bỏng hoặc bỏng nước để tránh phồng rộp.

Kiều mạch thông thường và kiều mạch Tartary

Kiều mạch có thể được phân loại thành kiều mạch thông thường và kiều mạch Tartary. Kiều mạch thông thường là loại thường thấy trên thị trường, có hạt hình tam giác. Kiều mạch Tartary hay còn gọi là kiều mạch đắng, có hạt hình elip.

Kiều mạch Tartary có nhiều lợi ích sức khỏe hơn, chứa hàm lượng vitamin B1, B2 và rutin cao hơn. Cả vitamin B1 và ​​B2 đều đóng vai trò quan trọng trong quá trình trao đổi chất. Cụ thể, vitamin B1 có thể bảo vệ dây thần kinh và bộ não, cải thiện tình trạng đau nhức cơ thể và tâm trạng chán nản. Vitamin B2 giúp da khỏe đẹp và góp phần vào sự phát triển của tóc và móng.

Kiều mạch thông thường được sử dụng rộng rãi như một loại ngũ cốc để tiêu thụ và có sẵn trên thị trường. Nó thường được chế biến dưới dạng cháo kiều mạch hoặc nghiền thành bột và ngâm trong nước nóng. Để tăng hương vị, bạn có thể cho thêm các loại hạt và đậu đen rang vào cháo. Bột kiều mạch cũng có thể được kết hợp với bột củ sen và dùng bằng cách ngâm trong nước.

Theo truyền thống, kiều mạch Tartary được rang và dùng để pha trà kiều mạch. Nó cũng có thể được nghiền thành bột và trộn với bột mì để làm mì soba.

Công thức gia truyền của thầy thuốc Trương

Gia đình thầy thuốc Trương, những người làm nghề y qua nhiều thế hệ, tập trung vào liệu pháp ăn kiêng và giữ gìn sức khỏe, tin rằng “nguyên liệu cứu mạng đều có trong bếp.” Dưới đây, Thầy thuốc Trương chia sẻ cách tiêu thụ kiều mạch của mình:

1. Sữa đậu nành kiều mạch

Nấu kiều mạch sống và đậu nành vàng với nhau, sau đó xay nhuyễn để tạo thành sữa đậu nành với kiều mạch. Hỗn hợp này có kết cấu đặc và sền sệt giúp tăng độ béo của sữa đậu nành.

2. Cơm khoai lang hạt

Nấu kiều mạch với gạo lứt, hạt ý dĩ và khoai lang để chuẩn bị một bát cơm khoai lang ngũ cốc. Kiều mạch thông dùng để tăng hương vị cho món cơm này.

3. Mì Soba

Mì Soba là một món ăn truyền thống của Nhật Bản, thường được chế biến bằng cách nấu, làm lạnh và phục vụ với nước chấm làm từ nước tương tảo bẹ và trang trí bằng những sợi rong biển.

Ngoài ra, thầy thuốc Trương còn giới thiệu hai cách thưởng thức độc đáo:

  • Mì Soba với sữa đậu nành: Bắt đầu bằng cách đổ sữa đậu nành vào tô và nêm muối. Sau đó, thêm mì soba đã nấu chín vào và trộn với sữa đậu nành đã nêm gia vị. Cuối cùng, rưới một ít sốt rong biển lên và trang trí bằng dưa chuột, hành lá và tùy ý một quả trứng luộc mềm để hoàn thiện món ăn.
  • Mì Soba với Pesto: Thầy thuốc Trương cũng thích sử dụng mì soba để thay thế cho mì Ý. Phương pháp này bao gồm nấu mì, làm lạnh và sau đó rưới ba muỗng canh nước sốt pesto lên. Bạn có thể thêm thịt, trứng và hải sản vào món mì này. Để tăng thêm sự đa dạng và hương vị, hãy cân nhắc thêm đậu bắp, ớt ngọt và súp lơ xanh vào món ăn.

Trà kiều mạch Tartary: Một cách giảm huyết áp tự nhiên

Đồ uống yêu thích của Thầy thuốc Trương là trà kiều mạch, được làm bằng cách ủ kiều mạch Tartary đã rang trong nước nóng. Đây là sự lựa chọn tuyệt vời cho những ai thích thứ gì đó có hương vị hơn nước thường và muốn tránh đồ uống có đường.

Trà kiều mạch mua ở cửa hàng thường được rang sẵn và ngâm trong nước nóng. Nếu bạn mua kiều mạch Tartary thô, bạn sẽ cần rang lên để giảm vị đắng. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là vị đắng của kiều mạch đến từ rutin – càng đắng thì hiệu quả hạ huyết áp càng cao.

Thầy thuốc Trương gợi ý rằng nếu bạn gặp các triệu chứng như huyết áp cao, đau cổ hoặc tê ngón tay, bạn có thể dùng trà kiều mạch như một phương pháp sơ cứu. Theo Thầy thuốc Trương, sau khoảng nửa giờ, huyết áp của bạn sẽ giảm dần.

(Ảnh: New Africa/Shutterstock)
(Ảnh: New Africa/Shutterstock)

Lưu ý phản ứng dị ứng tiềm ẩn đối với kiều mạch nảy mầm

Trong những năm gần đây, có xu hướng tiêu thụ ngũ cốc nảy mầm để tăng giá trị dinh dưỡng và cải thiện khả năng tiêu hóa. Tuy nhiên, Thầy thuốc Trương cảnh báo rằng tiêu thụ một lượng đáng kể kiều mạch nảy mầm có thể dẫn đến dị ứng da, đặc biệt ở những người có làn da nhạy cảm.

Bốn nhóm người khác không nên tiêu thụ kiều mạch

1. Người có vấn đề về tiêu hóa

Kiều mạch rất giàu chất xơ hòa tan và tinh bột kháng, một loại tinh bột khó tiêu hóa. Mặc dù nó có thể làm lượng đường trong máu tăng chậm hơn nhưng những người dễ bị đầy hơi hoặc có vấn đề về tiêu hóa nên tránh tiêu thụ quá mức vì có thể gặp khó chịu ở đường tiêu hóa.

2. Những người đã phẫu thuật đường tiêu hóa hoặc cần bữa ăn ít cặn

Bệnh nhân đã từng phẫu thuật đường tiêu hóa, có tiền sử về ung thư đường tiêu hóa, hoặc bị loét hệ tiêu hóa, do đó cần có chế độ ăn ít chất cặn bã, nên tránh tiêu thụ cả hạt kiều mạch. Điều này là do kiều mạch có thể gây kích ứng niêm mạc đường tiêu hóa, làm trầm trọng thêm tình trạng loét đường tiêu hóa. Giải pháp là trộn kiều mạch vào sữa kiều mạch hoặc dùng bột kiều mạch.

3. Người bị giãn tĩnh mạch thực quản

Những người bị giãn tĩnh mạch thực quản cũng nên hạn chế ăn cả hạt kiều mạch vì độ cứng của vỏ ngoài của kiều mạch có thể làm tổn thương các mạch máu trong thực quản.

4. Người bị bệnh thận

Những người bị bệnh thận nên tránh ăn quá nhiều kiều mạch vì nó có thể làm tăng gánh nặng cho thận do hàm lượng phosphorus và potassium cao hơn.

Hướng dẫn mua kiều mạch

Khi chọn kiều mạch thô, hãy chọn những hạt có kích thước đồng đều, đầy đặn và có vẻ ngoài sáng bóng. Hạt mất độ bóng có thể cho thấy việc bảo quản kéo dài. Đối với bột kiều mạch và bột kiều mạch đã nấu chín, hãy chọn những loại không có mùi dầu mỡ hoặc nấm mốc khó chịu.

Bảo quản kiều mạch ở nơi khô ráo, thoáng mát và thông gió tốt. Nếu bạn mua với số lượng lớn thì nên cân nhắc sử dụng tủ đông để bảo quản.

Thầy thuốc Trương cũng thường xuyên mua mì soba khô. Kiều mạch chứa chất béo không bão hòa đã có thể bị oxy hóa nhẹ khi tiếp xúc với không khí, nên sẽ có mùi và có vị dầu nhẹ nhưng không phải là mì soba bị hư. Tuy nhiên, nếu bạn nhận thấy mùi dầu nồng nặc, khó chịu hoặc phát hiện các vết mốc thì tốt nhất nên vứt bỏ.

Gối kiều mạch cho giấc ngủ ngon

Gối được dồn bằng vỏ kiều mạch cân bằng về độ cứng và độ đàn hồi, khả năng thoáng khí tuyệt vời và tác dụng làm mát, ngay cả trong những đêm hè nóng bức.

Thầy thuốc Trương giải thích rằng ngủ trên gối vỏ kiều mạch có thể giúp cho vùng đầu và cổ thả lỏng và chất lượng giấc ngủ được cải thiện. Sau một đêm ngon giấc trên chiếc gối vỏ kiều mạch, bạn có thể cảm thấy sảng khoái và tỉnh táo hơn. Bạn cũng có thể trộn hạt quế với vỏ kiều mạch để tạo mùi thơm giống coffee.

Thu Anh biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

T C Yang
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn