Một hóa chất có khả năng gây độc được thêm vào nhiều loại thực phẩm và sản phẩm

Vào mùa hè năm 2022, người tiêu dùng đã đệ trình ít nhất hai vụ kiện để chống lại nhà sản xuất kẹo Skittles do có một chất độc trong sản phẩm. Thành phần được đề cập là titanium dioxide, còn được gọi là E171, mà nhà sản xuất Mars, Inc. đã cam kết loại bỏ từ sáu năm trước.

Titanium dioxide đã bị cấm làm chất phụ gia thực phẩm ở Liên minh Âu Châu kể từ tháng 02/2022, chín tháng sau khi Cơ quan An toàn Thực phẩm Âu Châu công bố một báo cáo xem đây là chất phụ gia thực phẩm không an toàn.

Titanium Dioxide từ lâu đã phổ biến ở Mỹ

Từ giữa những năm 1960, Titanium dioxide đã được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) chấp thuận là một thành phần thực phẩm, với những hạn chế cụ thể. Phụ gia thực phẩm phổ biến có màu trắng, không mùi, không vị này được sử dụng như chất làm trắng, làm đặc và tạo kết cấu. Titanium dioxide là một khoáng chất tự nhiên cũng xuất hiện trong một số sản phẩm không phải thực phẩm như kem chống nắng.

Một số loại thực phẩm chứa titanium dioxide có thể khiến một số người ngạc nhiên.

Dưới đây là một số ví dụ về thực phẩm có thể chứa titanium dioxide:

  • Kẹo: Lớp phủ kẹo sáng bóng và đầy màu sắc thường được thêm titanium dioxide.
  • Kẹo cao su: Nhiều loại kẹo cao su có chứa titanium dioxide.
  • Đồ nướng: Titanium dioxide thường được thêm vào các món nướng như bánh mì và bánh ngọt để làm tăng kết cấu và hình dạng bên ngoài.
  • Các sản phẩm từ sữa: Titanium dioxide đôi khi được sử dụng làm trắng trong một số loại sữa chua, phô mai và sữa ít béo.
  • Gia vị: Titanium dioxide đôi khi được sử dụng để thêm độ mịn cho nước sốt, chẳng hạn như mayonnaise và salad trộn.

Cơ quan liên bang nói với The Epoch Times trong một tuyên bố qua thư điện tử: “FDA tiếp tục cho phép sử dụng an toàn titanium dioxide như một chất phụ gia tạo màu trong thực phẩm theo các thông số kỹ thuật và điều kiện, bao gồm cả việc lượng titanium dioxide không vượt quá 1% trọng lượng của thực phẩm.”

Rủi ro sức khỏe liên quan đến việc tiêu thụ Titanium Dioxide

Mặc dù titanium dioxide, còn được gọi là TiO2, thường được xem là an toàn ở Hoa Kỳ, nhưng các nghiên cứu chỉ ra những rủi ro sức khỏe tiềm ẩn liên quan đến việc tiêu thụ chất này đang được tiến hành.

Nghiên cứu trên chuột cho thấy titanium dioxide liên quan đến những thay đổi về hệ vi sinh vật đường ruột, tình trạng viêm nhiễm, và ung thư đường hô hấp.

Bà Emily Feivor, một chuyên gia dinh dưỡng đã đăng ký tại Northwell Health cho biết: “Đã có những nghiên cứu chỉ ra rằng titanium dioxide có thể tác động tiêu cực đến sức khỏe đường ruột bằng cách làm tăng vi khuẩn ‘xấu’, do đó tạo ra nhiều chứng viêm hơn trong cơ thể. Hầu hết các nghiên cứu đều kết luận rằng tiêu thụ lượng thấp titanium dioxide từ thực phẩm không gây rủi ro cho sức khỏe con người.”

Hạt nano titanium dioxide, một biến thể khác của chất phụ gia có kích thước nhỏ hơn đáng kể, đã được chứng minh là có hại trong một số nghiên cứu. Khi hít phải các hạt nano titanium dioxide, chúng có thể di chuyển đến não và các cơ quan khác, chẳng hạn như thận và gan.

Các tác giả nghiên cứu viết: “Trong hầu hết các nghiên cứu, các hạt nano TiO2 dường như đã gây ra stress oxy hóa, thay đổi mô bệnh học, sinh ung thư, nhiễm độc gene và rối loạn miễn dịch.” Dựa trên những phát hiện này, họ kết luận rằng việc sử dụng các hạt nano titanium dioxide và các vật liệu tương tự ở người phải được “loại trừ hoặc quản lý chặt chẽ” để giảm thiểu rủi ro sức khỏe tiềm ẩn.

Các chất phụ gia thực phẩm khác bị cấm ở Âu Châu nhưng vẫn được phép ở Mỹ

Titanium dioxide không phải là chất phụ gia thực phẩm duy nhất bị cấm ở nước ngoài, nhưng chất này vẫn được phép sử dụng trong các sản phẩm của Hoa Kỳ.

Potassium bromate, bị cấm ở các quốc gia Canada, Vương quốc Anh và Liên minh Âu Châu, được sử dụng phổ biến trong bánh mì bán lẻ ở Hoa Kỳ. Theo Bộ Y tế New Jersey, potassium bromate có thể gây kích ứng mũi, cổ họng và phổi, đồng thời gây khó thở và khò khè. Ngoài ra, một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng hợp chất này gây ra khối u thận và tuyến giáp ở chuột.

Một phụ gia thực phẩm khác được sử dụng ở Hoa Kỳ nhưng bị cấm ở Âu Châu là propylparaben (E217), miễn là nó không vượt quá 0.1% trong các thực phẩm. Propylparaben được sử dụng trong một số thực phẩm chế biến, thuốc và mỹ phẩm như một chất bảo quản kháng khuẩn. Tuy nhiên, một đánh giá nghiên cứu năm 2018 cho thấy propylparaben là một chất gây rối loạn nội tiết, có nghĩa là nó có thể can thiệp vào các hormone nội tiết, có khả năng dẫn đến ung thư và rối loạn phát triển. Ngoài ra, một nghiên cứu trên chuột cho thấy propylparaben có liên quan đến các vấn đề trong sự phát triển phôi.

Tẩy bằng chlorine – quy trình rửa thịt khử trùng bằng nước thêm chlorine – là một phương pháp phổ biến trong ngành chăn nuôi gia cầm của Hoa Kỳ để giảm nguy cơ nhiễm khuẩn. Mặc dù chlorine không được xem là một chất phụ gia thực phẩm, quá trình này đã là một chủ đề tranh luận do những rủi ro tiềm ẩn đối với sức khỏe và môi trường của nó. EU đã cấm rửa bằng chlorine vào năm 1997 do lo ngại về an toàn thực phẩm, vì vậy các nhà sản xuất Hoa Kỳ không thể xuất khẩu thịt gà sang khu vực này.

Các kim loại khác có trong thực phẩm mà bạn không biết

Bên cạnh titanium dioxide, các nhà sản xuất thực phẩm cũng có thể thêm các kim loại khác, chẳng hạn như bạc, kẽm và đồng, ở dạng hạt nano vào sản phẩm cho nhiều mục đích khác nhau.

Do đặc tính kháng khuẩn, các hạt nano bạc và đồng đôi khi được sử dụng làm chất bảo quản trong vật liệu đóng gói thực phẩm và các sản phẩm thực phẩm khác. Tuy nhiên, có những lo ngại rằng việc tiếp xúc với các hạt nano bạc hoặc đồng có thể gây hại cho sức khỏe con người. Nghiên cứu cho thấy các hạt nano bạc có thể tích tụ trong các cơ quan khác nhau, bao gồm gan, thận, não và cơ quan sinh dục nam. Các hạt nano cũng có thể gây ra stress oxy hóa và tổn thương DNA.

Các hạt nano zinc oxide (oxit kẽm) đôi khi được thêm vào như một chất phụ gia hoặc chất bổ sung dinh dưỡng cho các sản phẩm thực phẩm. Kẽm là một chất dinh dưỡng thiết yếu cho sức khỏe con người, nhưng việc tiếp xúc với các hạt nano zinc oxide ở mức độ cao có thể gây độc. Một nghiên cứu về sinh vật biển đã liên kết các hạt nano zinc oxide với chứng viêm, mất cân bằng oxy hóa, tổn thương gan và thận.

Bạn muốn đọc về những chủ đề nào? Vui lòng cho chúng tôi biết tại [email protected]

Thanh Long biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times

George Citroner
BTV Epoch Times Tiếng Anh
George Citroner là ký giả chuyên mục sức khỏe của The Epoch Times. Ông George Citroner đưa tin về sức khỏe và y học, bao gồm các chủ đề ung thư, bệnh truyền nhiễm và tình trạng thoái hóa thần kinh. Ông đã được trao giải thưởng Báo cáo xuất sắc về chỉnh hình truyền thông (MORE) vào năm 2020 cho một câu chuyện về nguy cơ loãng xương ở nam giới.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn