Một kỹ năng quan trọng giúp cho mọi mối quan hệ trở nên bền chặt

Khi tất cả mọi người đều bị phân tâm thì một người biết lắng nghe sẽ trở thành nhân tố chủ chốt của một cuộc giao tiếp

Thế giới hậu COVID-19 dường như đang tồn tại sự thiếu hụt các kỹ năng xã hội. Vài năm qua, chúng ta trở nên thành thạo hơn trong giao tiếp kỹ thuật số nhưng có vẻ ít thoải mái hơn khi giao tiếp trực tiếp.

Các phương tiện truyền thông đã lưu ý đến vấn đề này, với những câu chuyện nhắc nhở chúng ta rằng “Bây giờ tất cả chúng ta đều vụng về về mặt xã hội.” Tuy nhiên, chúng ta không thể chỉ đổ lỗi cho đại dịch. Nghiên cứu cho thấy rằng sự suy giảm tiếp xúc trực tiếp đã thực sự xảy ra trong nhiều năm, song song với sự gia tăng đều đặn của giao tiếp trực tuyến.

Đại dịch, với lệnh cô lập bắt buộc và sự chuyển đổi nhanh chóng sang công việc và trường học trực tuyến, đã làm tăng sự thay đổi này. Và các kỹ năng xã hội của chúng ta, những thứ mà cần được rèn luyện để luôn nhạy bén, đã bị ảnh hưởng.

Một công ty nghiên cứu có trụ sở tại Tokyo đã khảo sát hàng nghìn sinh viên đại học từ năm 2019 đến năm 2021 và so sánh các kỹ năng xã hội giữa sinh viên năm nhất và sinh viên năm ba. Họ phát hiện ra rằng khả năng xây dựng mối quan hệ tốt, hợp tác với người khác và rèn luyện tính kiên nhẫn của sinh viên đều giảm trong thời gian đó.

Các kỹ năng xã hội có thể đã suy giảm nhưng vẫn đóng vai trò rất quan trọng đối với sức khỏe và hạnh phúc của chúng ta—cả với tư cách cá nhân và cộng đồng. Trong thâm tâm chúng ta là những cá thể xã hội.

Giao tiếp là một quá trình nói và nghe hai chiều nhưng phần lắng nghe hiếm khi được dạy và dễ bị bỏ quên. Mài giũa kỹ năng lắng nghe là một cách hiệu quả—và nhẹ nhàng—để phát triển kỹ năng giao tiếp và khả năng kết nối có ý nghĩa với người khác.

Được lắng nghe là một trong số ít những điều khiến bạn cảm thấy cuộc sống này có ý nghĩa. Vậy thì nếu bạn có kỹ năng lắng nghe tốt thì bạn có thể tặng cho người mọi người một món quà vô cùng giá trị.

Hầu hết chúng ta có xu hướng tập trung vào những gì chúng ta muốn nói và coi nhẹ việc lắng nghe. Không chỉ vậy, hầu như tất cả chúng ta đều nghĩ rằng kỹ năng nghe của mình ở mức trên trung bình.

Giáo sư Scott D. Williams tại Đại học Wright State University’s Raj Soin College of Business tiểu bang Ohio gửi gắm tâm tư với các sinh viên mới tốt nghiệp của ông rằng, “Hầu hết mọi người đều nhất nhất tin rằng họ lắng nghe hiệu quả. Do đó, rất ít người nghĩ rằng họ cần phát triển kỹ năng nghe của mình. Nhưng trên thực tế, lắng nghe hiệu quả là điều mà rất ít người trong chúng ta làm được.”

Kỹ năng lắng nghe là cốt lõi của bất kỳ mối quan hệ tốt đẹp nào và việc chú tâm một chút vào kỹ năng này có thể để làm sâu sắc thêm sự giao tiếp mà chúng ta có với vợ/chồng, con cái hoặc đồng nghiệp của mình.

Mọi người luôn muốn được lắng nghe.

Một nghiên cứu được công bố trên tập san Khoa học thần kinh Xã hội vào tháng 09/2015 cho thấy nhận thức về việc lắng nghe tích cực thực sự kích hoạt các trung tâm khen thưởng của não. Những người tham gia nghiên cứu nhận xét về mặt giao tiếp và người đánh giá của họ một cách tích cực hơn khi họ thực hành lắng nghe tích cực.

Mặt khác, hầu hết mọi người—kể cả trẻ em—nhanh chóng nhận ra các dấu hiệu cho thấy người mà họ đang trò chuyện có đang thực sự tập trung vào điều gì đó khác hay không, chẳng hạn như thông báo mới nhất vừa xuất hiện trên điện thoại.

Lắng nghe tích cực có nghĩa lắng nghe hoàn toàn và thể hiện sự chú ý thích đáng, khiến cho đối phương cảm thấy có giá trị và được tôn trọng. Đây là một kỹ năng quan trọng không chỉ đối với các nhà trị liệu và các nhà tư vấn mà còn đối với tất cả chúng ta.

Cô Asma Rehman là một cố vấn chuyên nghiệp đồng thời là người sáng lập và giám đốc của Trung tâm Phục hồi Đau buồn ở thành phố Houston, tiểu bang Texas cho biết, lắng nghe tích cực có thể thấm nhuần mọi khía cạnh trong cuộc sống của chúng ta.

Cô nói với thời báo The Epoch Times rằng, “Bằng cách tích cực lắng nghe, chúng ta truyền đạt cho người khác rằng chúng ta đang coi trọng suy nghĩ họ. Lắng nghe vì thế mà giúp củng cố mối quan hệ và xây dựng lòng tin. Hơn nữa, hiểu được quan điểm của người khác sẽ làm cho cuộc trò chuyện hiệu quả hơn.”

Vậy làm thế nào để có thể lắng nghe tích cực? Xét cho cùng thì chúng ta luôn bị những phiền nhiễu tấn công dồn dập.

Một nghiên cứu vào tháng 05/2016 do Hiệp hội Máy điện toán công bố đã theo dõi hoạt động trực tuyến của 40 nhân viên thông tin trong hai tuần làm việc. Nghiên cứu này phát hiện ra rằng một người trưởng thành trung bình chỉ tập trung vào hoạt động trực tuyến của họ trong 40 giây ngắn ngủi trước khi sự chú ý của họ thay đổi.

Một nghiên cứu của Anh đã theo dõi hoạt động trực tuyến của 200 người trong vòng một tiếng vào buổi tối và phát hiện ra rằng những người tham gia đã chuyển đổi qua lại giữa các thiết bị (bao gồm điện thoại, máy tính bảng và máy tính) trung bình 21 lần trong 60 phút đó.

Khi chúng ta quá nhanh chóng và dễ bị phân tâm thì chúng ta cần nỗ lực để tập trung vào người đối diện—nhưng chúng ta có thể làm được nếu cố gắng. Kỹ năng nghe có thể được rèn giũa thông qua thực hành.

Cô Rehman nói, “Hãy bắt đầu bằng việc dành toàn bộ sự chú ý của chúng ta cho người nói và giảm thiểu sự phân tâm.”

Lắng nghe tích cực bắt đầu bằng không đa nhiệm trong các cuộc trò chuyện. Đối với hầu hết chúng ta, điều đó có nghĩa là hãy đặt các thiết bị điện tử ra khỏi tầm nhìn. Nếu chúng ta thực sự muốn tập trung toàn bộ sự chú ý của mình vào cuộc trò chuyện với người khác thì chúng ta cần cất thiết bị của mình đi.

Cô Rehman đưa ra một vài gợi ý hữu ích hơn như sau:

  • Điều quan trọng là phải tập trung vào những điểm chính của người nói và không bị lạc vào những tiểu tiết.
  • [Và] nếu điều gì đó vẫn chưa rõ ràng thì đừng ngần ngại yêu cầu làm rõ.
  • Tóm tắt các ý chính của người nói để bảo đảm bạn đã hiểu chúng một cách chính xác.
  • Cuối cùng, việc phản hồi một cách thích hợp có thể bao gồm việc đưa ra phản hồi, cung cấp sự trợ giúp hoặc chỉ đơn giản là thừa nhận quan điểm của người nói.

Đối với nhiều người, điều này đòi hỏi cuộc trò chuyện phải chậm lại và không cố gắng đưa ra câu trả lời trước khi người kia nói xong.

Việc dành toàn bộ sự chú ý cho người khác và nỗ lực để thực sự hiểu những gì họ đang nói không chỉ cải thiện khả năng giao tiếp mà còn thể hiện sự quan tâm và tôn trọng đối với người mà chúng ta đang nói chuyện cùng.

Đó là một phần quan trọng của mọi mối quan hệ lành mạnh.

Công Thành biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Zrinka Peters
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Cô Zrinka Peters là cây bút tự do thường viết các bài có chủ đề về sức khỏe, lối sống lành mạnh và giáo dục. Cô có bằng Cử nhân Văn học Anh của Đại học Simon Fraser và cô có nhiều bài viết được đăng trên báo giấy và trên các trang Health Digest, Parent.com, Today Catholic Teacher, và Education.com
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn