Bản tin đặc biệt

Tai nghe gây hại cho thính giác như thế nào?

Tai nghe có thể đem đến sự tiện lợi nhưng cũng kèm theo nhiều tác hại.

Vào ngày 24/11/2019, một chủ đề mới có tiêu đề “AirPods gây ù tai?” đã xuất hiện trên trang diễn đàn cộng đồng Apple.

Một người dùng Apple cho biết sau khi sử dụng AirPods một thời gian, anh nhận thấy có tiếng ù ù trong tai không dứt.

Theo lời kể, anh luôn hết sức bảo vệ thính giác. Anh không nghe bất cứ thứ gì ồn ào và luôn mang theo nút tai phòng trường hợp gặp bất cứ thứ gì có thể làm hỏng thính giác. Nhưng mọi thứ chỉ trở nên tồi tệ hơn.

“Tuy nhiên, bây giờ tôi lại nhận thấy rằng khi đeo AirPods và không nghe gì, tai nghe sẽ phát ra một âm thanh cao độ mà tôi có thể nói là giống hệt âm thanh ù tai. Điều này khiến tôi tin rằng AirPods thực sự đã gây ra chứng ù tai,” người dùng viết.

Kể từ khi chủ đề này được đăng tải vào năm 2019, hơn 3,200 người dùng Apple đã phản hồi bằng “Tôi cũng vậy.”

Bà Julie Prutsman, nhà thính học và người sáng lập Trung tâm Thính giác Giảm âm thanh, cho biết sự ra đời của tai nghe không dây Apple đã làm tăng rõ rệt đến việc dùng tai nghe, đặc biệt ở thế hệ trẻ. Trong vài năm qua, có ngày càng nhiều người trẻ tuổi đến phòng khám của bà vì tình trạng suy giảm thính lực và ù tai.

AirPods và các tai nghe khác của Apple chiếm phần lớn tai nghe được thanh thiếu niên sử dụng thời nay. Năm 2021, tai nghe Apple được xếp hạng đầu tiên trên thị trường tai nghe trùm đầu và tai nghe nhét tai của Mỹ. Một cuộc khảo sát năm 2022 của Piper Sandler đã khảo sát hơn 7,000 thanh thiếu niên và nhận thấy rằng 72% sở hữu AirPods.

Bà Prutsman nói với The Epoch Times rằng vấn đề cốt lõi không nằm ở loại tai nghe mà nằm ở một hiện tượng phổ biến: dùng tai nghe vô trách nhiệm. Các tính năng không dây và khử tiếng ồn tiện lợi, cùng với chất lượng âm thanh tốt hơn, càng làm gia tăng tình trạng dùng quá mức.

Bà Prutsman nói, “Điều này đang trở thành một vấn đề thực sự. Thật không may, người dùng không được giáo dục về những gì có thể xảy ra.”

Thời gian dùng kéo dài

Hiệp hội Chỉnh hình Hoa Kỳ ước tính rằng 20% ​​thanh thiếu niên thời nay sẽ bị mất thính lực, một phần do sử dụng tai nghe trùm đầu và tai nghe nhét tai. Một đánh giá được công bố trên International Journal of Audiology (Tập san Thính học Quốc tế) cho thấy khoảng 6% đến 60% người dùng tai nghe có triệu chứng mất thính lực, bao gồm khó nghe và ù tai.

Đồng thời, ngày càng có nhiều bạn trẻ thường xuyên sử dụng tai nghe. Vào tháng Hai, một cuộc thăm dò của University of Michigan đã khảo sát các bậc cha mẹ có con từ 5 đến 12 tuổi và phát hiện ra rằng 2/3 cho biết con họ dùng tai nghe trùm đầu và tai nghe nhét tai.

Hầu hết mọi người đều biết rằng âm thanh lớn có thể làm hỏng tai. Tuy nhiên, Tiến sĩ Clarice Saba, bác sĩ tai mũi họng người Brazil, cho biết nghe ở mức âm lượng thấp trong thời gian dài cũng có thể gây ra tổn thương.

Mọi người đeo tai nghe ở nơi làm việc, ở nhà và thậm chí cả khi ngủ. Tiến sĩ Saba cho biết, ngay cả khi âm thanh không phải lúc nào cũng lớn, việc đeo tai nghe trong nhiều giờ vẫn có thể khiến tai bị quá tải.

Ốc tai nằm bên trong tai, phía sau màng nhĩ, chịu trách nhiệm biến sóng âm thanh thành tín hiệu điện để truyền đến não. Việc dùng tai nghe trong thời gian dài sẽ gây căng thẳng và làm hỏng các tế bào ốc tai. Nếu một trong số ốc tai hỏng, sẽ có thể dẫn đến nghe kém.

Ốc tai nằm phía sau màng nhĩ, biến sóng âm thanh thành tín hiệu điện để truyền đến não. (Ảnh: The Epoch Times, Shutterstock)
Ốc tai nằm phía sau màng nhĩ, biến sóng âm thanh thành tín hiệu điện để truyền đến não. (Ảnh: The Epoch Times, Shutterstock)

Bà Prutsman nói thêm rằng thiệt hại do tiếng ồn gây ra “phụ thuộc vào liều lượng” và tích lũy. Một nghiên cứu năm 2021 được công bố trên Medicine (Tập san Y học) cho thấy trong số thanh thiếu niên dùng tai nghe hơn 80 phút mỗi ngày trong môi trường ồn ào, cứ năm người thì có một người mất thính lực. Rủi ro cao hơn 4.7 lần so với những người dùng tai nghe trong thời gian ngắn.

Dùng tai nghe trên 80 phút làm tăng nguy cơ mất thính lực lên gần gấp 5 lần. (Ảnh: The Epoch Times, Shutterstock)
Dùng tai nghe trên 80 phút làm tăng nguy cơ mất thính lực lên gần gấp 5 lần. (Ảnh: The Epoch Times, Shutterstock)

Tùy thuộc vào mức độ trầm trọng của tổn thương, người bệnh có thể bị giảm độ nhạy âm thanh, khó nhận biết âm thanh, ù tai và thậm chí mất thính lực.

Thường xuyên đeo tai nghe nhét tai cũng có thể gây ra môi trường tắc nghẽn và ẩm ướt, có thể dẫn đến nhiễm trùng tai. Loại tai nghe này cũng tạo ra áp lực trong tai lớn hơn so với tai nghe chùm ngoài tai.

Tai nghe gây hại cho thính giác như thế nào?

Đặc biệt, tai nghe nhét tai sẽ chà xát vào vùng da mỏng manh bên trong tai. Bác sĩ tai mũi họng, Tiến sĩ Michael Seidman nói với The Epoch Times, “Việc vô tình gãi tai khi đeo AirPods có thể gây ra những vết xước nhỏ trên da và dẫn đến nhiễm trùng.”

Ngoài ra, một số người có thể không thường xuyên vệ sinh tai nghe. Các mảng bám trên tai nghe có thể làm tăng nguy cơ. Tai nghe cũng chặn phần lớn lượng oxy từ bên ngoài vào ống tai, làm ảnh hưởng đến sức khỏe của hệ vi sinh vật trong tai.

Tiến sĩ Saba nói, “Da ở tai cần được thở. Tương tự với bàn tay, nếu bạn luôn sử dụng găng tay, bạn có thể gặp vấn đề.”

Khử tiếng ồn

Trong những năm gần đây, ngày càng có nhiều loại tai nghe trùm đầu và tai nghe nhét tai chống ồn được tung ra thị trường, mang đến cho mọi người sự riêng tư cần thiết khi nghe nhạc với những người xung quanh.

Tuy nhiên, việc khử tiếng ồn đi kèm với những cảnh báo rủi ro.

Vì những tai nghe này ngăn chặn các âm thanh xung quanh nên việc dùng trong thời gian dài có thể dẫn đến chứng tăng thính lực. Đây là tình trạng khả năng chịu đựng âm thanh của não giảm đến mức ngay cả những âm thanh môi trường xung quanh, chẳng hạn như tiếng ho hoặc gõ bàn phím, cũng có thể gây ra phản ứng căng thẳng.

Hành khách dùng điện thoại di động trên tàu điện ngầm ở thành phố New York. (Ảnh: Tada Images/Shutterstock)
Hành khách dùng điện thoại di động trên tàu điện ngầm ở thành phố New York. (Ảnh: Tada Images/Shutterstock)

Bà Prutsman cho biết ù tai và tăng thính lực thường có liên quan với nhau. Một nghiên cứu ước tính rằng khoảng 20% ​​số người bị ù tai cũng mắc chứng tăng thính lực.

Nhà thính học cho biết, “Mọi người nghĩ: ‘Tôi sẽ bảo vệ thính giác của mình hơn.’ Điều họ làm cuối cùng thực sự là khiến toàn bộ hệ thống thần kinh phản ứng thái quá với mức âm thanh bình thường.”

Các nghiên cứu đã cho thấy rằng chứng ù tai mạn tính có liên quan chặt chẽ đến tình trạng mất thính lực và chứng tăng hoạt động trí óc. Hầu hết bệnh nhân ù tai đều bị tổn thương thính giác, và não không ghi nhận được âm thanh đầu vào ở một số cao độ nhất định. Nghiên cứu cho thấy chứng ù tai là do não cố gắng bù đắp sự mất mát này bằng cách tái tạo lại âm thanh bị thiếu.

Những người ù tai nhẹ khó có thể nhận thấy âm thanh ảo [từ tai nghe] khi có những tiếng động tinh tế xung quanh át đi. Tuy nhiên, âm thanh cao độ [giống tiếng ù tai phát ra từ tai nghe] có thể dễ nhận thấy hơn khi người dùng đeo bảo vệ tai hoặc tai nghe chống ồn ở trong môi trường yên tĩnh.

Nhiều loại tai nghe trùm đầu và tai nghe nhét tai chống ồn đã được tung ra thị trường. Tuy nhiên, những tai nghe này đi kèm với những cảnh báo nguy cơ. (Ảnh: Sorbis/Shutterstock)
Nhiều loại tai nghe trùm đầu và tai nghe nhét tai chống ồn đã được tung ra thị trường. Tuy nhiên, những tai nghe này đi kèm với những cảnh báo nguy cơ. (Ảnh: Sorbis/Shutterstock)

Anh Ryan Edwards, 45 tuổi, người London, nói với The Epoch Times rằng chứng ù tai của anh trở nên trầm trọng hơn sau khi anh chuyển từ AirPods sang AirPod Pros, một phiên bản cập nhật có tính năng khử tiếng ồn.

Trước đây, chứng ù tai của anh Edwards giống như âm thanh “shhh” nhẹ nhàng. Khi đổi tai nghe, anh bắt đầu nhận thấy âm thanh thứ hai to hơn và giống như tiếng chuông báo động. Âm thanh này làm gián đoạn giấc ngủ và thậm chí sự tập trung của anh vào ban ngày.

Sau quá trình ngừng sử dụng, anh Edwards đã khẳng định nghi ngờ của mình về chiếc tai nghe chống ồn mới. Anh nói, “Tôi ngay lập tức ngừng sử dụng tai nghe.” Dù mới sử dụng được hai tuần nhưng phải mất gần một tháng chứng ù tai của anh mới “trở lại bình thường.” Anh đã chia sẻ kinh nghiệm của mình trên Tinnitus Talk, một diễn đàn trực tuyến dành cho bệnh nhân ù tai.

Bà Prutsman cho biết, “Bất cứ thứ gì cản trở việc nghe âm thanh tự nhiên bên ngoài đều có thể gây ra cảm giác ù tai lớn hơn.”

Tuy nhiên, một số người bị ù tai không nhận thấy rằng tai nghe chống ồn có thể gây ra chứng ù tai của họ. Nhà thính học cho biết thêm, đối với những người này, tai nghe khử tiếng ồn có thể giúp giảm âm thanh ồn ào và mang lại sự dễ chịu khi nghe.

Bà Hazel Goedhart, giám đốc Tinnitus Hub, một tổ chức bất vụ lợi dành cho bệnh nhân do những người ù tai điều hành, nói với The Epoch Times rằng bà dùng tai nghe chống ồn trong cuộc sống hàng ngày để ngăn chặn những âm thanh xung quanh có thể làm tổn hại thêm thính giác.

Bức xạ không dây

Tai nghe không dây, bao gồm cả AirPods, phát ra mức bức xạ thấp hơn nhiều so với giới hạn 1.6 watt/kg của Ủy ban Truyền thông Liên bang (FCC).

Các hướng dẫn hiện hành về bức xạ không dây được ban hành vào năm 1996 và được thực hiện nhằm hạn chế bức xạ từ điện thoại để ngăn ngừa làm nóng da người dùng.

Tuy nhiên, ba thập niên sau, các sản phẩm không dây phát ra bức xạ ngày càng trở nên phổ biến và một số nhà nghiên cứu bắt đầu bày tỏ lo ngại rằng bức xạ do điện thoại thông minh, sản phẩm Bluetooth và modem Wi-Fi phát ra có thể gây ra nhiều tác hại hơn người ta nghĩ trước đây.

Tai nghe gây hại cho thính giác như thế nào?

Điện thoại di động được cho là không gây hại vì chúng phát ra bức xạ không ion hóa, không thể làm tổn thương ADN và mất ổn định tế bào giống như bức xạ ion hóa (ví dụ tia X). Điều này là đúng nhưng bức xạ không ion hóa vẫn có thể gây ra quá trình oxy hóa bên trong tế bào, dẫn đến nguy cơ viêm nhiễm và tổn thương tế bào.

Nghiên cứu về nuôi cấy tế bào cho thấy bức xạ không ion hóa ở cường độ thấp hơn nhiều so với [ngưỡng] mà FCC đặt ra đã đủ để ảnh hưởng đến DNA và chức năng tế bào. Một nghiên cứu của Thổ Nhĩ Kỳ cho chuột sơ sinh tiếp xúc với tín hiệu Wi-Fi đã phát hiện ra rằng trường điện từ (EMF) ở các tần số này đã gây chết các tế bào tai. Tín hiệu Bluetooth yếu hơn tín hiệu Wi-Fi, mặc dù cùng tần số.

Tuy nhiên, hiện tại không có bằng chứng trực tiếp nào cho thấy Bluetooth có thể gây hại cho tai hoặc tế bào.

Nghiên cứu duy nhất điều tra tác động tiềm ẩn của Bluetooth đối với tai là một thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng với 12 bệnh nhân. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng việc tiếp xúc với Bluetooth không ảnh hưởng đến dây thần kinh thính giác của người tham gia, nhưng việc tiếp xúc với điện thoại di động thì có [ảnh hưởng].

Một số người nhạy cảm hơn với bức xạ phát ra từ các sản phẩm không dây so với những người khác. Điều này được gọi là quá mẫn cảm điện từ. Những người này có thể cảm thấy mệt mỏi, mất ngủ, ù tai và đau đầu khi tiếp xúc với dạng bức xạ này.

Đã ba thập niên kể từ khi các hướng dẫn hiện hành của FCC được ban hành và các sản phẩm không dây phát ra bức xạ ngày càng trở nên phổ biến. (Ảnh: Kateryna Sypailova/Shutterstock)
Đã ba thập niên kể từ khi các hướng dẫn hiện hành của FCC được ban hành và các sản phẩm không dây phát ra bức xạ ngày càng trở nên phổ biến. (Ảnh: Kateryna Sypailova/Shutterstock)

Bà Prutsman nói rằng tai nghe Bluetooth dường như có thể gây ra chứng ù tai ở một số bệnh nhân. Một số người cho biết họ cảm thấy giảm ù tai hơn khi chuyển sang tai nghe có dây.

Bà giải thích rằng chứng ù tai khiến hệ thần kinh trung ương của con người trở nên nhạy cảm hơn. Bà nói, “Không phải 100% số người báo cáo điều này. Vì vậy chúng tôi nghĩ rằng hệ thống thần kinh của mọi người là khác nhau và có sự nhạy cảm khác nhau với từng tác nhân.”

Điều trị và phòng ngừa

Chuyên gia thính học gợi ý mọi người nên dùng tai nghe có âm lượng tối đa 85 decibel, tương đương với âm lượng của máy xay thực phẩm hoặc giao thông đông đúc trong thành phố, để ngăn ngừa tổn thương thính giác.

Tai nghe gây hại cho thính giác như thế nào?

Mặt khác, Tiến sĩ Saba khuyến nghị mọi người nên thường xuyên tháo tai nghe trong khoảng thời gian mỗi hai tiếng, ngay cả khi nghe ở mức âm lượng thấp. Những người suy giảm thính lực và ù tai vẫn có thể dùng tai nghe nếu hạn chế “số lần sử dụng.”

Tiến sĩ Seidman khuyến cáo những người lo ngại về viêm tai nên đeo tai nghe trùm đầu. So với tai nghe trùm đầu, tai nghe nhét tai nằm sát màng nhĩ nên cũng có thể tạo ra áp lực lớn hơn bên trong ống tai, từ đó có thể làm nặng thêm tình trạng mất thính lực và đau đầu.

Ngoài ra, hãy dùng loa khi có thể. Một nghiên cứu của Ấn Độ đã khảo sát 1,000 sinh viên và nhận thấy, so với những người thường xuyên đeo tai nghe, những người nghe loa không bị suy giảm thính lực.

Mặc dù chứng ù tai không thể chữa khỏi nhưng nhiều phương pháp điều trị có thể giúp kiểm soát các triệu chứng.

Phòng khám của bà Prutsman cung cấp liệu pháp điều trị chứng ù tai, bao gồm việc yêu cầu bệnh nhân đeo tai nghe trị liệu bằng âm thanh để phát lại âm thanh bị mất do tổn thương thính giác, giúp xoa dịu bộ não đã hoạt động quá mức.

Bà nói, “Một khi xác định và thay thế những thông tin đầu vào bị thiếu để đưa vào não, chúng ta có thể ngay lập tức làm dịu đi một số trạng thái kích động.” Âm thanh cao độ được phát lại cho bệnh nhân qua những âm thanh êm dịu, nhẹ nhàng như tiếng đại dương hoặc tiếng nhạc cụ. Liệu pháp này mất từ 6-12 tháng.

Cuối cùng, bệnh nhân có thể ngừng điều trị, song bà cũng nói thêm, “Chứng ù tai không bao giờ biến mất hoàn toàn. Chỉ là chúng ta có thể ngăn chặn ý thức về điều đó.”

Bệnh nhân ù tai cũng cần xác định các nguyên nhân. Chứng ù tai có thể bị kích hoạt khi tiếp xúc với những tác nhân làm tăng gánh nặng cho hệ thần kinh, bao gồm caffeine, giấc ngủ kém, căng thẳng, nhiễm trùng và những tiếng ồn lớn. Điều này khác nhau ở mỗi người. Chuyên gia thính học chia sẻ, bà thậm chí từng gặp trường hợp mùi hành tây khiến bệnh nhân ù tai.

Nói chung, duy trì một lối sống và ăn uống lành mạnh [có thể] sẽ hữu ích. Trong quá trình thực hành, Tiến sĩ Seidman theo dõi xem việc loại bỏ caffeine, đường và rượu có giúp giảm bớt chứng ù tai của bệnh nhân hay không.

Ông có một bệnh nhân chỉ uống nửa tách cà phê mỗi ngày nói rằng, “Ông sẽ không tin điều này, nhưng khi giảm 1/2 tách cà phê, tôi thấy tiếng chuông báo thức đã [giảm âm lượng] từ 7/10 xuống 3/10.”

Máy trợ thính có thể điều trị tình trạng mất thính lực, chích steroid và thuốc giãn mạch có thể giúp phục hồi thính lực trong trường hợp ù tai và mất thính lực đột ngột.

Tai nghe có thể gây tổn hại thính giác, nhưng cũng có ưu điểm: đó là có thể trợ giúp thính giác. Nhờ các tùy chọn có thể tùy chỉnh của AirPod Pro cao cấp, một số người dùng nhận thấy rằng chúng có thể trở thành máy trợ thính bình dân.

Tiến sĩ Seidman cho biết bạch quả (Ginkgo biloba) có tác dụng cải thiện lưu thông máu cũng có thể giúp ích cho bệnh nhân ù tai nếu dùng với liều lượng thích hợp.

Vào những năm 1990, một báo cáo của ủy ban Đức về thuốc thảo dược đã phát hiện ra rằng chế phẩm Ginkgo tinh khiết giúp giảm bớt các triệu chứng ù tai. Các nhà nghiên cứu đã xác định được liều hiệu quả là 240mg mỗi ngày. Các nghiên cứu tiếp theo của các nhà nghiên cứu khác đã thử nghiệm tác dụng của liều 50mg ba lần mỗi ngày hoặc 120mg một lần mỗi ngày và không tìm thấy sự cải thiện đáng kể nào. Vì vậy, nhiều bác sĩ lâm sàng đã kết luận rằng Ginkgo biloba không có tác dụng.

Ông Edwards vẫn sử dụng phiên bản AirPods không có tính năng khử tiếng ồn, ít sang trọng nhất và vấn đề [ù tai] trước đây của ông vẫn chưa xuất hiện trở lại. Ông kiểm soát chứng ù tai bằng cách phát ra những tiếng động tĩnh xen kẽ với tiếng bíp vào ban đêm.

Đây là năm thứ 14 ông bị ù tai. Giống như nhiều người khác, ông ấy đã thử nhiều liệu pháp khác nhau, [có lẽ là] tất cả mọi thứ trên đời này, trước khi tìm được thứ gì đó rốt cuộc có hiệu quả với mình.

Ông nói “Tôi đã thuyên giảm phần nào nhờ liệu pháp âm thanh vào ban đêm. Đây là một [giải pháp] cứu cánh tuyệt đối.”

Apple đã không trả lời về đề nghị bình luận của The Epoch Times.

Nhóm biên dịch Anh ngữ chuyên mục Sức khỏe

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times