Thiền định làm tăng lợi khuẩn đường ruột và giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch

Kết quả thí nghiệm mới nhất cho thấy thiền định trong thời gian dài có thể làm tăng hệ vi khuẩn có lợi cho sức khỏe đường ruột, giúp giảm lo lắng, trầm cảm và giảm nguy cơ mắc bệnh tim.

Là một thực hành tôn giáo, thiền định đã tồn tại từ hàng ngàn năm ở Đông phương. Trong gần nửa thế kỷ qua, thiền định đã nhận được sự quan tâm rộng rãi trong y học hiện đại và dần trở nên phổ biến ở xã hội Tây phương.

Ngày càng có nhiều nghiên cứu khẳng định những lợi ích khác nhau của thiền định đối với cơ thể con người.

Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí General Psychiatry vào ngày 16/01/ 2023 đã báo cáo rằng thiền định trong thời gian dài có thể điều chỉnh sự cân bằng của hệ vi sinh đường ruột và có tác động tích cực đến sức khỏe thể chất và tinh thần.

Các nhà nghiên cứu đã phân tích mẫu phân và máu của 37 tu sĩ Phật giáo từ ba tu viện Tây Tạng, và 19 cư dân sống gần đó – những người có cùng độ tuổi và thói quen ăn uống.

Các nhà sư này thực hành thiền định ít nhất hai giờ/ngày, trong khoảng thời gian kéo dài từ 3 năm đến 30 năm.

Phân tích các mẫu phân cho thấy hai nhóm vi khuẩn lành mạnh là Megamonas và Faecalibacterium trong ruột của nhóm nhà sư nhiều hơn đáng kể so với những cư dân sống gần đó.

Các nhà nghiên cứu cho biết: hai loại vi khuẩn này ảnh hưởng đến tình trạng viêm nhiễm và quá trình trao đổi chất của cơ thể, có liên quan đến việc giảm số lượng những ca bệnh tâm thần và có thể tăng cường chức năng miễn dịch.

Ngoài ra, phân tích các mẫu máu cho thấy các nhà sư có chỉ số cholesterol thấp hơn đáng kể so với các mẫu tương tự trong nhóm đối chứng. Điều này cho thấy họ có nguy cơ mắc bệnh tim mạch thấp hơn.

Thiền định làm giảm lo lắng và giảm đau

Trong những năm gần đây, nhiều nghiên cứu y học đã xác nhận lợi ích của thiền định đối với sức khỏe thể chất và tinh thần của con người.

Tiến sĩ Leah Weiss, giảng viên tại Trường Kinh doanh Stanford cho biết trong một cuộc phỏng vấn với NTDTV rằng thiền định có thể giúp tập trung tốt hơn, cải thiện hiệu quả công việc và ảnh hưởng đến khả năng điều chỉnh cảm xúc của con người, giúp mọi người bình tĩnh hơn.

Thiền định và chánh niệm có thể giúp cải thiện tuổi thọ và giảm cơ hội phát triển ung thư bằng cách tăng độ dài của telomere. (Ảnh: Shutterstock)
Thiền định và chánh niệm có thể giúp cải thiện tuổi thọ và giảm cơ hội phát triển ung thư bằng cách tăng độ dài của telomere. (Ảnh: Shutterstock)

Bà cũng trích dẫn nghiên cứu cho thấy thiền định có hiệu quả trong giảm đau mãn tính mà thuốc không đáp ứng. Khi thực hành thiền định, người ta sẽ học được cách không chống lại cơn đau mà thay vào đó là giảm căng thẳng.

Với sự thư giãn như vậy, cơ thể ít phải chịu đựng đau đớn hơn một cách đáng kể, khẳng định vị thế của trí tuệ cổ xưa đã tồn tại qua hàng ngàn năm.

Năm 1979, học giả người Mỹ Jon Kabat-Zinn đã tạo ra chương trình Giảm căng thẳng dựa trên chánh niệm, sử dụng thiền định để giúp chống lại căng thẳng, đau mãn tính và các bệnh khác.

Nghiên cứu cho thấy sau khi 90 bệnh nhân đau mãn tính trải qua 10 tuần tập thiền, họ sử dụng ít thuốc giảm đau hơn, tăng khả năng vận động và cải thiện sự tự tin. Trong thời gian theo dõi 15 tháng sau khi kết thúc chương trình, hầu hết các bệnh nhân tham gia chương trình vẫn đang thực hành thiền định và cảm nhận được hiệu quả giảm đau lâu dài.

Mọi người ở mọi lứa tuổi hoặc tầng lớp xã hội khác nhau đều có thể thực hành và hưởng lợi từ thiền định (Ảnh: Tatomm/iStock)
Mọi người ở mọi lứa tuổi hoặc tầng lớp xã hội khác nhau đều có thể thực hành và hưởng lợi từ thiền định (Ảnh: Tatomm/iStock)

Thực hành thiền định trong cuộc sống hàng ngày

Tiến sĩ Yang Jingduan, một nhà thần kinh học, bác sĩ tâm thần và là người sáng lập Viện Y học Tích hợp Yang ở Hoa Kỳ cho biết trong một chương trình của NTDTV rằng lối sống hiện đại đã làm cho con người luôn ở trong tình trạng căng thẳng và stress mãn tính trong một thời gian dài dẫn đến “hệ thống thần kinh giao cảm” của cơ thể liên tục ở trạng thái tăng động.

Theo thời gian việc này sẽ gây tích tụ độc tố, giảm khả năng miễn dịch, lưu thông máu kém, rối loạn nội tiết và các vấn đề khác. Thiền định có thể giúp nâng cao “hệ thống thần kinh đối giao cảm, giúp cơ thể tự chữa bệnh và tái tạo.

Ông cũng chỉ ra rằng thiền định bắt nguồn từ các tôn giáo và thực hành tâm linh của Đông phương, có thể giúp con người tập trung vào thời điểm hiện tại để họ có thể trở nên tự chủ, thanh tĩnh và thoát khỏi những ý nghĩ lộn xộn.

Ông tiếp tục nói rằng thiền cũng có thể được áp dụng trong cuộc sống hàng ngày. “Khi bạn có thể chăm chú làm một việc duy nhất nghĩa là bạn đã ở trong trạng thái thiền định. Khi bạn dùng bữa, chỉ nghĩ đến việc ăn và không nghĩ gì khác. Hãy quên đi tất cả những điều của ngày hôm qua, kỳ nghỉ của ngày mai”.

Mọi người nên luôn chú tâm quan sát suy nghĩ của mình và những điều mà họ thực sự có thể kiểm soát. “Một khi bạn nghĩ về những gì bạn có thể làm bây giờ và làm điều đó ngay lập tức, không chậm trễ, bạn sẽ cảm thấy thư giãn gần như ngay lập tức.”

Khánh Nam biên dịch.

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times.

Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn