Thiền định ảnh hưởng như thế nào đến quá trình lão hóa tế bào?

Tiến sĩ Dean Ornish nói rằng phương pháp ăn uống chú trọng thực vật, tập thể dục và can thiệp kiểm soát căng thẳng (chẳng hạn như thiền định) có thể đảo ngược quá trình lão hóa DNA. Vậy việc kiểm soát căng thẳng thực sự có thể mang lại tác dụng gì?

Trong nghiên cứu về quá trình đảo ngược lão hóa, tôi đã nhấn mạnh nghiên cứu mang tính bước ngoặt của ông Dean Ornish. Nghiên cứu chứng minh rằng cách ăn uống ít chất béo, chú trọng thực vật và thực phẩm toàn phần giàu trái cây, rau củ, ngũ cốc nguyên hạt, đậu nành,… cùng với đi bộ, kiểm soát căng thẳng và hỗ trợ có thể đảo ngược các bệnh tim mạch, giãn động mạch không cần dùng thuốc và phẫu thuật. Đồng thời lối sống theo cách này cũng giúp đảo ngược sự tiến triển của ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn đầu, và là giải pháp can thiệp đầu tiên được chứng minh có thể làm tăng hoạt động của telomerase.

Telomerase là một enzym có chức năng xây dựng và duy trì đầu mút của nhiễm sắc thể, hay telomere, có tác dụng làm chậm quá trình lão hóa tế bào. Phát hiện mới mẻ thú vị trên khuyến khích mọi người nên áp dụng lối sống lành mạnh để tránh hoặc chống ung thư và các bệnh liên quan đến tuổi tác. Nhưng liệu rằng cách ăn uống, tập thể dục hay kiểm soát căng thẳng có thực sự hữu ích hay không? Đó là điều mà các nhà nghiên cứu đã cố gắng tìm hiểu sau sáu năm kể từ khi nghiên cứu trên được xuất bản.

Trước tiên, hãy xem xét đến vấn đề căng thẳng. Trong bộ phim The Holiday, nhân vật Cameron Diaz đã thốt lên rằng “Căng thẳng nghiêm trọng… sẽ khiến DNA trong tế bào ngắn lại cho đến khi không thể nhân lên được nữa.” Liệu rằng Hollywood đã có sự hiểu biết đúng đắn về mặt khoa học? Phải chăng những người bị căng thẳng quá mức sẽ có telomere ngắn hơn bình thường? Để trả lời cho câu hỏi này, các nhà nghiên cứu đã đo độ dài telomere ở những bà mẹ có con bị bệnh kinh niên (chắc hẳn, không có điều gì có thể gây căng thẳng hơn thế). Kết quả cho thấy, một người phụ nữ dành thời gian chăm sóc cho đứa con bị bệnh càng lâu thì telomere sẽ càng ngắn lại. Sự ngắn thêm của telomere ở những bà mẹ bị căng thẳng nhất cũng tương đương với sự ngắn lại của telomere do tình trạng lão hóa trong ít nhất một thập niên.

Chúng tôi cũng thấy điều tương tự ở những người phải chăm sóc bệnh nhân Alzheimer và những người làm việc nặng nhọc đến mức kiệt sức. Ngay cả những người bị lạm dụng khi còn nhỏ cũng có thể lớn lên với telomere ngắn hơn. Chúng ta không thể thay đổi quá khứ, nhưng nếu có thể kiểm soát tình trạng căng thẳng, liệu rằng chúng ta có thể khiến một số telomere phát triển trở lại?

Nếu bạn bắt đầu một khóa tu thiền và thực hành thiền định trong vòng 500 giờ, bạn thực sự có thể tăng mức hoạt động của telomerase. 600 giờ thiền định cũng có thể hữu ích, nhưng chúng ta sẽ cần một phương pháp khắc phục nhanh hơn, và nghiên cứu thú vị mới đây đã giúp đưa ra câu trả lời.

Những người chăm sóc các thành viên gia đình bị chứng sa sút trí tuệ ngẫu nhiên thiền định 12 phút mỗi ngày trong vòng 8 tuần (tổng cộng chỉ khoảng 10 tiếng) và đã đạt được nhiều lợi ích to lớn. Hoạt động tinh thần và tâm lý tốt hơn kèm theo sự tăng hoạt động của telomerase cho thấy tình trạng tế bào lão hóa do căng thẳng đã được cải thiện một cách đáng kể.

Thanh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times

Michael Greger
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Michael Greger, M.D., FACLM là một bác sĩ và tác giả của một số cuốn sách bán chạy nhất New York Times. Ông đã thuyết trình tại Hội nghị về các vấn đề thế giới, Viện Y tế Quốc gia và Hội nghị thượng đỉnh về cúm gia cầm quốc tế, đã làm chứng trước Quốc hội, xuất hiện trên “The Dr. Oz Show” và “The Colbert Report” và được mời làm nhân chứng chuyên môn để bào chữa cho Oprah Winfrey tại phiên tòa xét xử “phỉ báng thịt” nổi tiếng.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn