Tiến sĩ Chloe thân mến: Cha mẹ hy vọng con trai trưởng thành ngừng mua sắm những thứ không cần thiết và độc lập về tài chính
Tiến sĩ Chloe thân mến,
Vợ chồng chúng tôi là người đang có con trai lớn sống cùng vì các vấn đề tài chính liên quan đến khoản nợ từ những năm cháu bắt đầu sang tuổi 20 và giờ đây cháu vẫn đang phải trả. Trong quá trình giúp đỡ con, chúng tôi phát hiện ra rằng cháu vẫn còn tiếp tục mê mải mua sắm những thứ không cần thiết, những món hàng mà chúng tôi cho là phù phiếm. Chúng tôi đã cố gắng trao đổi về mối quan tâm này của mình với con nhưng cháu lại tức giận và nói rằng chúng tôi đã không ủng hộ cháu.
Năm nay cháu 27 tuổi và có một công việc ổn định nhưng chúng tôi cảm thấy là cháu không làm việc (hoặc kiếm tiền) hết khả năng của mình. Điều này cũng không phải là vấn đề quan trọng lắm đối với chúng tôi vì chúng tôi hiểu rằng không phải ai cũng muốn ưu tiên kiếm tiền ở mức tối đa nhất có thể. Cháu đã nói rằng mặc dù cháu biết điều quan trọng là phải có một công việc, nhưng cháu cũng cảm thấy “cuộc sống còn nhiều thứ hay hơn là tiền bạc”, và cháu thích dành thời gian cho bạn bè của mình hơn là kiếm tiền. Mối quan hệ của chúng tôi nói chung là hài hòa, ngoại trừ vấn đề cháu phải sống chung với chúng tôi.
Chúng tôi thích có con trai ở cùng, nhưng chúng tôi cũng nghĩ rằng vào thời điểm này của cuộc đời thì cháu nên sống độc lập sẽ tốt hơn. Chúng tôi không tính tiền thuê nhà vì cảm thấy khó xử khi làm điều đó với con của mình khi con gặp khó khăn về tài chính, nhưng chúng tôi cũng không muốn làm bất cứ điều gì khiến cháu nghĩ rằng cháu đang là chủ của căn nhà này giống như những chủ nhà bình thường khác. Chúng tôi rất muốn nhìn thấy con mình có quyết tâm được sống độc lập và mong muốn làm việc để được sống trong căn hộ của riêng con (hoặc ít nhất là thuê chung với người khác).
Vậy chúng tôi nên làm gì?
Trân trọng, Cha mẹ yêu thương
Kính gửi cha mẹ yêu thương,
Tôi xin cảm ơn vì ông bà đã chia sẻ với tôi. Ông bà rõ ràng là những bậc cha mẹ yêu thương, những người luôn mong muốn điều tốt nhất cho con trai mình.
Việc mua sắm những thứ không cần thiết của con trai ông bà vẫn diễn ra có nghĩa là cậu ấy về sống với ông bà không phải là để giảm bớt gánh nợ của mình. Sự tức giận và buộc tội của cậu ấy rằng ông bà “không ủng hộ” cậu ấy – nghe có vẻ phi lý – vì rõ ràng là ông bà đang rất ủng hộ cậu ấy bằng cách miễn tiền thuê nhà và thể hiện sự quan tâm đến tình hình tài chính của cậu ấy.
Tôi khuyên ông bà cần phải làm gì ư? Vì tôi có rất ít thông tin liên quan đến tình huống này của gia đình ông bà nên lời khuyên của tôi là: Hãy lưu ý để phán đoán tình hình một cách thông minh và tham khảo lời khuyên từ những nguồn đáng tin cậy như các nhà trị liệu gia đình (chuyên gia tư vấn tâm lý gia đình) hoặc giáo sĩ nếu cần. Song song với những hành động đó thì ông bà cũng nên tâm sự với con nhiều hơn.
Hãy nói với con rằng cha mẹ yêu thương và tôn trọng con như một người trưởng thành có thể đưa ra lựa chọn của riêng mình. Giải thích rằng điều này bao gồm cả việc tôn trọng sự lựa chọn của con là không ưu tiên kiếm nhiều tiền ngay cả khi con đang mắc nợ, mặc dù thực tế là có thể có cách giải quyết khác. Hãy khẳng định với con rằng cha mẹ đã nhận ra là con không cần phải có sự chấp thuận của cha mẹ khi mua những thứ không cần thiết mặc dù con đang trong nợ nần. Phần tiếp theo thì tế nhị hơn:
Cha mẹ nên nhắc con rằng cửa nhà luôn luôn mở rộng đón con là để giúp con khắc phục những sai lầm tài chính trong quá khứ, nhưng đồng thời cha mẹ cũng thấy lo ngại vì con dường như con không ưu tiên lắm cho việc này.
Tuy nhiên vào thời điểm này mà chia sẻ như thế thì có thể con của ông bà sẽ rất tức giận. Nếu thế thì cha mẹ nên giải thích rằng tình yêu và sự tôn trọng của cha mẹ dành cho con bao gồm cả niềm tin rằng con có đủ mạnh mẽ để tự đứng vững khi con có thể quản lý tài chính của mình một cách độc lập.
Hãy giải thích với con rằng con không nhất thiết phải làm mọi việc theo cách của cha mẹ. Đồng thời, cha mẹ cũng nói cho con biết rằng cha mẹ sẽ cho con ở chung, nhưng kèm theo điều kiện là con phải gặp chuyên gia tư vấn nợ và tuân theo các đề xuất của họ, có thể là sẽ ưu tiên cho việc trả nợ trước. Khi con không còn nợ nần gì nữa thì cha mẹ mong rằng con sẽ sống độc lập như một người đàn ông 30 tuổi có năng lực.
Nếu cậu ấy cứ khăng khăng rằng những điều ông bà đang nói thể hiện sự “không giúp đỡ” của ông bà đối với cậu ấy thì ông bà nên thừa nhận rằng ông bà không sẵn sàng “trợ giúp” tài chính cho cậu ấy theo cách mà cậu ấy muốn. Cha mẹ sẽ cần giải thích rằng những gì cha mẹ đang thực sự cố gắng giúp đỡ con là chỉ cho con nhận biết trách nhiệm của một người trưởng thành 30 tuổi là như thế nào.
Hãy giải thích rằng ông bà e ngại sẽ làm hại con bằng cách tước đi của con những động cơ thường thúc đẩy mọi người cố gắng làm việc, tăng thu nhập để có được, chẳng hạn như sống trong một ngôi nhà tiện nghi và mua những thứ đẹp đẽ – và chiều theo ý của cậu ấy bằng cách tiếp tục cho phép cậu ấy sống miễn phí tiền thuê nhà, tiếp tục mua sắm những thứ không cần thiết và tiếp tục mang nợ thẻ tín dụng; rằng ông bà e ngại chính mình có thể đang “ủng hộ” một quan điểm quản lý tài chính không lành mạnh.
Nếu cậu ấy vẫn tức giận và dọa sẽ bỏ nhà ra đi, ông bà hãy nói rằng ông bà yêu thương cậu ấy. Sự gần gũi dựa trên những hỗ trợ tài chính không thực sự là sự gần gũi – đó là tống tiền về tài chính và tình cảm. Cha mẹ không muốn để điều đó kiểm soát. Hãy lặp lại rằng ông bà yêu thương và tôn trọng cậu ấy, cậu ấy được tự do giải quyết việc này theo cách cậu ấy muốn – nhưng cậu ấy sẽ không được ở miễn phí mà không thực hiện điều kiện mà ông bà đã đưa ra đối với độ tuổi này và cho cả giai đoạn của cuộc đời cậu ấy nữa, và điều đó mới thực sự là không giúp đỡ.
Trân trọng,
Tiến sĩ Chloe
Khánh Nam biên dịch.
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times