Trái lựu ngon miệng, đẹp mắt và có nhiều lợi ích sức khỏe

Trái lựu đỏ với những lợi ích sức khỏe đáng kể nay đã vào mùa. Từ “pomegranate” trong tiếng Latin, pomum grantum, nghĩa là “táo nhiều hạt.” Dưới lớp da cứng, lựu chứa hàng trăm hạt có thể ăn được, gọi là arils, mỗi hạt bao quanh bởi nước ép ngọt và chua bao quanh một hạt nhỏ, trắng, giòn. Vỏ, lá và rễ của trái lựu chứa nhiều các hợp chất có lợi cho sức khỏe.

Lịch sử

Cây lựu – có tên Latin là Punica granatum – có lịch sử lâu đời và đầy màu sắc. Từ các bản ghi chép cổ, cây lựu khởi nguồn từ Iran và đã được trồng khắp khu vực Địa Trung Hải, bao gồm Á, Phi, Âu, và Bắc Ấn Độ trong hàng thế kỷ qua, do khả năng dự phòng và điều trị nhiều bệnh tật. Nhiều nền văn hóa đã tôn vinh trái lựu do ý nghĩa tâm linh và tôn giáo. Ví dụ:

  • Theo truyền thống Do Thái, trái lựu thiêng liêng, vì thỉnh thoảng có trái lựu chứa 613 hạt, được tin là tượng trưng cho 613 điều răn trong Kinh Torah.
  • Trong thần thoại Hy Lạp, trái lựu là một ẩn dụ cho ham muốn và tội lỗi.
  • Trong một số nền văn hóa Á châu, trái lựu là biểu tượng cho khả năng sinh sản và phong phú.
  • Ở Ấn Độ, y học Ayurvedic coi trái lựu như một loại dược phẩm toàn diện. Ngày nay, cồn thuốc và bột thuốc từ hạt, nước ép, và vỏ của trái lựu được sử dụng để điều trị ký sinh trùng, tiêu chảy, lở loét và các tình trạng khác.

Lợi ích sức khỏe của trái lựu

Trái lựu có lợi cho sức khỏe đến từ hàm lượng cao các chất chống oxy hóa độc đáo, giúp chống lại nhiều loại gốc tự do.

Hạt và vỏ trái lựu chứa hai chất chống oxy hóa chính, punicalagin và acid punicic. Hạt cũng giàu vitamin B và C, acid folic( Vitamin B9), potassium, và sắt. Vỏ chứa flavonoid anthocyanin, làm cho trái lựu có màu đỏ rực rỡ. Loại lựu màu vàng hiếm gặp có ít lợi ích sức khỏe hơn.

Trái lựu có lợi cho sức khỏe tim

Nước ép lựu đã được chứng minh có lợi cho tim do hàm lượng chất chống oxy hóa cao và cải thiện cao huyết áp và tình trạng viêm. Các hợp chất polyphenol punicalagin và ellagitannin giúp ngăn chặn thành mạch máu dày lên, do đó làm giảm cholesterol tích tụ và mảng bám. Các anthocyanins trong nước ép đã được chứng minh có tính chất bảo vệ tim mạch đối với bệnh tim thiếu máu cục bộ.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng nước ép lựu giảm cả huyết áp tâm thu và tâm trương.

Trái lựu có lợi cho sức khỏe bộ não

Ellagitannin trong trái lựu giúp giảm viêm. Một số nghiên cứu đã phát hiện ra rằng ellagitannin giúp bảo vệ bộ não khỏi bệnh Alzheimer và Parkinson bằng cách giảm tổn thương oxy hóa và tăng sự sống sót các tế bào não.

Trái lựu và bệnh ung thư

Các nhà khoa học nhận thấy triển vọng lớn trong lĩnh vực dự phòng ung thư của trái lựu. Sự quan tâm của cộng đồng khoa học đối với lựu tăng cao trong những năm gần đây do khả năng ngăn chặn hoặc ức chế một số loại ung thư, chi phí thấp và dễ dàng tìm kiếm.

Số lượng nghiên cứu về quả lựu được công cụ tìm kiếm PubMed của Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ đã tăng lên nhanh chóng trong năm năm qua.

Trong một số nghiên cứu sơ bộ trong nuôi cấy mô và thí nghiệm trên động vật, các chiết xuất từ trái lựu cho thấy khả năng ngăn chặn ung thư tiền liệt tuyến, vú, phổi và đại tràng bằng cách ảnh hưởng đến tình trạng viêm nhiễm, giúp ức chế hoặc ngăn chặn tế bào chuyển hóa, phát triển, tăng sinh khối u và di căn. Tuy nhiên, các nhà khoa học cần tiến hành thêm nghiên cứu lâm sàng để sao chép kết quả đã được tìm thấy trong nghiên cứu này.

Trái lựu có lợi cho sức khỏe thận

Trong một nghiên cứu, chiết xuất trái lựu có khả năng ức chế cơ chế hình thành sỏi ở những người có tiền sử sỏi thận tái phát, do potassium và chất chống oxy hóa trong nước ép lựu.

Nghiên cứu trên động vật đã phát hiện ra rằng chiết xuất lựu giúp điều chỉnh những thành phần thường gây sỏi thận trong máu gồm nồng độ oxalates, calcium và phosphate.

Trái lựu có lợi cho sức khỏe làn da

Trong y học Ayurvedic, từ lâu chiết xuất và tinh chất lựu được sử dụng để điều trị nhiều vấn đề về da, vết thương và lở loét. Ngoài ra, trái lựu điều trị hiệu quả và ngăn ngừa tái phát mụn trứng cá và mụn nhọt.

Các nghiên cứu gần đây trong phòng thí nghiệm về chiết xuất của trái lựu cho thấy khả năng ngăn chặn ung thư da do tác động của tia UV.

Trái lựu có lợi cho sức khỏe xương

Lâu nay, cộng đồng khoa học đã biết rằng các chất chống oxy hóa polyphenol giúp hình thành và tái tạo xương thông qua việc giảm viêm và giảm căng thẳng oxy hóa.

Theo một nghiên cứu, tất cả các bộ phận của trái lựu đều có hiệu quả trong việc ngăn chặn mất xương ở chuột thí nghiệm vì lựu chứa đầy chất chống oxy hóa. Các nhà khoa học giả thuyết rằng chiết xuất lựu là một phương pháp trị liệu tiềm năng cho phụ nữ bị loãng xương sau mãn kinh.

Trái lựu và và bệnh tiểu đường

Trong một nghiên cứu khác, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng nước ép lựu tươi tăng cường mức insulin và giảm kháng insulin ở những đối tượng bị tiền tiểu đường.

Do chỉ số tải đường huyết GL của lựu là 18, lựu là loại trái cây tuyệt vời giúp quản lý tốt đường huyết.

Trái lựu có lợi cho sức khỏe sinh sản

Do nước ép lựu làm tăng mức testosterone trong nước bọt của những người tham gia thử nghiệm, các nhà nghiên cứu giả thuyết rằng lựu có thể trở thành một phương pháp trị liệu trong tương lai cho các vấn đề về sinh sản ở nam giới có mức testosterone thấp.

Tuy nhiên, các thử nghiệm lâm sàng cần được thực hiện thêm để chứng minh điều này. Nước ép lựu cũng chứa folate, dưỡng chất cần thiết cho việc thụ thai và bảo vệ chống lại khuyết tật não có thể xảy ra trong thai kỳ.

Danh sách đầy đủ thông tin dinh dưỡng của trái lựu có sẵn trên trang web FoodData Central của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ.

Thận trọng khi ăn trái lựu

Những người đang dùng thuốc ức chế men chuyển angiotensin (ACE) và những người bị tiêu chảy không nên ăn hoặc uống nước ép lựu.

Bí quyết ăn trái lựu:

  • Hạt lựu có hàm lượng vitamin C cao nhất
  • Uống nước ép vào buổi sáng, khi đói bụng, để hấp thụ tối đa chất dinh dưỡng.
  • Tiêu thụ hạt lựu với salad hoặc sữa chua với granola.
  • Làm sinh tố gồm nước ép lựu, chuối và sữa chua.
  • Pha trộn nước ép lựu, giấm gạo, dầu, tỏi và đường để làm nước sốt salad.

CHỈNH SỬA: Một phiên bản trước của bài viết này đã nói rằng phụ nữ mang thai không nên ăn hoặc uống nước ép lựu.

Thiên Vân biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times

Sandra Cesca
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Sandra Cesca là một nhà văn và nhiếp ảnh gia tự do chuyên về chủ đề sức khỏe thể chất tổng thể, sức khỏe tinh thần, thực phẩm hữu cơ, phong cách sống lành mạnh và chăm sóc y tế toàn diện. Bà có kinh nghiệm về y học dị ứng, bệnh tự nhiên, vi lượng đồng căn, canh tác hữu cơ và sinh động lực học, và thực hành yoga.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn