Trái vải tốt cho tim mạch và trí óc

Trái vải là loại trái cây nhiệt đới đặc biệt, có dạng quả cầu tròn kỳ lạ với lớp da sần sùi màu đỏ. Lớp vỏ sần sùi có thể dễ dàng bóc bằng ngón tay, để lộ lớp cùi màu trắng đục, ngọt và mọng nước bao quanh hạt màu sẫm.

Trái vải đã được trồng ở châu Á hàng ngàn năm và được sử dụng trong y học cổ truyền để giảm đau và điều trị chứng rối loạn tiêu hóa.

Theo chuyên gia dinh dưỡng Avni Kaul của Đại học Delhi, trái vải đặc biệt dồi dào polyphenol và flavonoid, hoạt động như chất chống oxy hóa mạnh mẽ trong cơ thể. Hạt của trái vải chứa hàm lượng polyphenol cao nhất so với bất kỳ loại trái cây nào được thử nghiệm, chỉ đứng sau dâu tây.

Quercetin và oligonol, hai chất chống oxy hóa mạnh mẽ, khiến trái vải có đặc tính giảm viêm, chống căng thẳng và trợ giúp sức khỏe tim mạch và tốt cho bệnh nhân tiểu đường.

Những lợi ích của trái vải

1. Trái tim

Nồng độ vitamin C cao của trái vải trợ giúp sức khỏe tim mạch bằng cách ngăn ngừa xơ vữa động mạch, tránh bị tăng huyết áp và đột quỵ. Potassium có trong trái vải góp phần cân bằng điện giải, điều chỉnh huyết áp và nhịp tim, trong khi nguyên tố đồng có trong quả vải rất cần thiết để sản xuất hồng cầu. Oligonol, chất quan trọng nhất trong số các polyphenol, tác động lên tuần hoàn ngoại biên như một thuốc giãn mạch.

2. Chuyển hóa glucose và bệnh tiểu đường

Mặc dù trái vải có chứa hàm lượng fructose và glucose đáng kể nhưng với chỉ số đường huyết thấp, chỉ ở mức 50 khiến cho trái vải phù hợp với người bị bệnh tiểu đường khi được tiêu thụ ở mức độ vừa phải.

Một nghiên cứu tổng quan năm 2013 được công bố trên Tập san Complementary and Alternative Medicine (Thuốc Bổ sung và Thay thế) cho biết chiết xuất từ hạt trái vải có hoạt tính trị bệnh tiểu đường giúp làm giảm tình trạng kháng insulin. Nghiên cứu này cũng cho thấy rằng polyphenol oligonol hữu ích đối với các vấn đề về mạch máu liên quan đến bệnh tiểu đường.

Tuy nhiên, trái vải chưa chín có chứa hợp chất hypoglycin A có thể làm giảm lượng glucose dẫn đến hạ đường huyết. Một báo cáo của Lancet năm 2017 đã chỉ ra mối liên hệ giữa việc tiêu thụ vải chưa chín với tình trạng hạ đường huyết và tử vong ở trẻ em suy dinh dưỡng ở Ấn Độ.

3. Bệnh ung thư

Nghiên cứu ở Trung Quốc về bệnh ung thư tuyến tiền liệt cho thấy oligonol trong trái vải hoạt động như một chất chống oxy hóa và có khả năng ngăn chặn sự phát triển tế bào của các bệnh ung thư khác.

Điều này giải thích tại sao trái vải trở thành một thành phần trong thảo dược truyền thống Trung Hoa dùng để bổ gan nhằm tăng cường chức năng gan và tuyến tụy. Một nghiên cứu gần đây sử dụng nuôi cấy tế bào và chuột sống được điều trị bằng chiết xuất từ vỏ của trái vải cho thấy khả năng bảo vệ tế bào khỏi bệnh gan nhiễm mỡ, có thể dẫn đến xơ gan, suy gan và ung thư gan. Nghiên cứu này cũng cho thấy khả năng của chiết xuất từ vỏ của trái vải để đẩy nhanh quá trình chữa lành tế bào của các tế bào gan bị tổn thương.

4. Bộ não

Các nghiên cứu sơ bộ trên chuột sử dụng chiết xuất oligonol và chế phẩm trà xanh cho thấy khả năng làm giảm bệnh suy giảm nhận thức ở bệnh Alzheimer giai đoạn đầu.

5. Giảm cân

Chất xơ cao và lượng calo thấp của trái vải có thể giúp giảm cân. Hàm lượng oligonol của trái vải có thể giúp chống lại chứng viêm và stress oxy hóa liên quan đến béo phì.

Một nghiên cứu kéo dài 12 tuần trên những phụ nữ thừa cân và béo phì cho thấy những người dùng oligonol có chiết xuất từ trái vải có lượng chất béo trung tính thấp hơn và không bị tăng cân so với những người dùng giả dược.

6. Tiêu hóa

Trái vải được biết đến như là một loại thuốc nhuận tràng do có lượng lớn chất xơ bên trong, giúp cải thiện tình trạng táo bón.

7. Da

Nồng độ vitamin C cao chứa trong trái vải là chất chống oxy hóa mạnh mẽ giúp giảm viêm và tác dụng chống lão hóa của quá trình oxy hóa. VItamin C giúp sản xuất collagen, do đó cải thiện vẻ ngoài của da đồng thời giảm nếp nhăn và đốm nâu.

Dinh dưỡng

Vitamin C có trong trái vải tương đương 89% nhu cầu khuyến nghị hàng ngày. Điều này giúp chữa lành và duy trì sức khỏe của hệ chức năng trong cơ thể.

Theo nghiên cứu của Food Data Central (Trung tâm Dữ Liệu Thực Phẩm) được công bố năm 2020, 100g hoặc khoảng 10 quả vải tươi chứa:

  • 66 calorie
  • 0.83g protein
  • 0.44g chất béo
  • 16.5g carbohydrate
  • 1.3g chất xơ
  • 15.2g đường
  • 71.5g vitamin C
  • 171mg potassium
  • 0mg cholesterol
  • Khoáng chất vi lượng calcium, selen, kẽm, mangan, sắt, đồng và magnesium

Những rủi ro khi ăn trái vải

Trái vải có chứa một số protein có thể dẫn đến phản ứng dị ứng hiếm gặp. Một số nghiên cứu đã báo cáo các triệu chứng như nổi mề đay, ngứa, sưng môi và lưỡi và khó thở.

Vải chưa chín có chứa hypoglycin A có thể gây độc nếu bạn ăn quá nhiều. Theo NutritionFacts.org, ăn 30 quả vải chín cùng một lúc là quá nhiều đối với trẻ em, trong khi người lớn chỉ nên ăn ít hơn 200 quả một lúc.

Mẹo ăn trái vải

  • Bóc vỏ và ăn phần quả mềm, bỏ hoặc để lại hạt cho bí quyết dưới đây.
  • Để hạt khô một cách tự nhiên, sau đó nghiền thành bột mịn bằng máy xay sinh tố hoặc máy xay gia vị. Bột hạt trái vải tự làm này có thể được cho thêm vào sinh tố, sữa chua hoặc làm gia vị cho nhiều món ăn khác nhau.
  • Vải tươi có thể được bảo quản trong tủ lạnh từ 5 đến 10 ngày và có thể được đông lạnh cả vỏ khi còn nguyên vỏ.

Nam Khanh biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Sandra Cesca
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Sandra Cesca là một nhà văn và nhiếp ảnh gia tự do chuyên về chủ đề sức khỏe thể chất tổng thể, sức khỏe tinh thần, thực phẩm hữu cơ, phong cách sống lành mạnh và chăm sóc y tế toàn diện. Bà có kinh nghiệm về y học dị ứng, bệnh tự nhiên, vi lượng đồng căn, canh tác hữu cơ và sinh động lực học, và thực hành yoga.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn