Tiếp xúc với ánh sáng có thể làm giảm chứng sa sút trí tuệ?

Ngày càng nhiều nghiên cứu cho thấy liệu pháp ánh sáng có thể là phương pháp điều trị quan trọng và an toàn cho chứng sa sút trí tuệ

Rối loạn thần kinh thoái hóa, bao gồm chứng sa sút trí tuệ và bệnh Alzheimer, có thể ảnh hưởng đáng kể đến khả năng nhận thức và chất lượng cuộc sống tổng thể của một người. Mặc dù hiện nay không có cách trị khỏi cho những căn bệnh này, các nhà nghiên cứu đang khám phá những phương pháp điều trị mới giúp làm chậm quá trình tiến triển hoặc giảm bớt triệu chứng cụ thể của bệnh. Trong đó, liệu pháp ánh sáng là phương pháp điều trị đầy hứa hẹn.

Ánh sáng có thể chữa bệnh

Quang trị liệu, còn được gọi là liệu pháp ánh sáng hay điều chế quang sinh học, liên quan tới việc dùng các bước sóng ánh sáng cụ thể để kích thích tế bào trong cơ thể. Một phân tích gộp được công bố trên tập san Brain and Behavior vào tháng 04 đã xem xét 12 thử nghiệm có đối chứng và kết luận rằng liệu pháp quang học “có thể là một trong những giải pháp can thiệp phi dược lý hứa hẹn nhất để cải thiện triệu chứng cốt lõi của sa sút trí tuệ.”

Đối tượng nghiên cứu bao gồm những người lớn tuổi ở mọi lứa tuổi bị nhiều loại sa sút trí tuệ khác nhau, như bệnh Alzheimer, sa sút trí tuệ mạch máu, sa sút trí tuệ thể Lewy, Parkinson và loại hỗn hợp/các nguyên nhân khác.

Cô Isabella Park, Bác sĩ Y khoa Chỉnh hình, phó giám đốc y tế kiêm giám đốc lão khoa và chăm sóc giảm nhẹ của Northwell Long Island Jewish Forest Hills, nói với The Epoch Times rằng, kết quả nghiên cứu cho thấy liệu pháp quang học có thể cải thiện đáng kể chức năng nhận thức – bao gồm trí nhớ, sự chú ý và chức năng điều hành – ở bệnh nhân sa sút trí tuệ.

Cô lưu ý rằng: “Những tác động tích cực này đã được quan sát thấy trong cả can thiệp ngắn hạn và dài hạn,” nhưng cũng cảnh báo rằng không nên dùng liệu pháp quang trị liệu để thay thế cho các phương pháp điều trị sa sút trí tuệ khác, như thuốc và liệu pháp hành vi.

Mặc dù lĩnh vực này vẫn còn ở giai đoạn ban đầu, nhưng ngày càng nhiều bằng chứng cho thấy liệu pháp quang học có thể giúp cải thiện chức năng nhận thức và giảm các triệu chứng suy giảm nhận thức.

Liệu pháp ánh sáng giúp giảm tình trạng viêm não

Một trong những cơ chế hoạt động chính của liệu pháp quang học là giúp giảm tình trạng viêm trong não. Chứng viêm là yếu tố quan trọng góp phần gây ra nhiều rối loạn thần kinh, bao gồm cả bệnh Alzheimer.

Nghiên cứu dựa trên mô hình động vật cho thấy liệu pháp quang học có thể giúp giảm viêm não, từ đó làm chậm tiến triển của bệnh thoái hóa thần kinh.

Một cơ chế tác động khác của liệu pháp quang học là cải thiện chức năng ty thể. Ty thể đóng một vai trò quan trọng trong sức khỏe tế bào não và được xem là “nhà máy phát điện” của tế bào.

Các nghiên cứu liên quan đến động vật cho thấy một loại liệu pháp quang học cụ thể, được gọi là quang sinh học xuyên sọ (tPBM – transcranial photobiomodulation), có thể giúp cải thiện chức năng ty thể, từ đó cải thiện nhận thức và làm chậm quá trình rối loạn thoái hóa thần kinh.

Liệu pháp này được thực hiện bằng cách chiếu ánh sáng cận hồng ngoại lên da đầu, để ánh sáng xuyên qua hộp sọ và kích thích tế bào não.

Các nhà nghiên cứu tại Đại học Birmingham ở Vương quốc Anh và Đại học Sư phạm Bắc Kinh ở Trung Quốc đã phát hiện thấy liệu pháp không xâm lấn này có thể cải thiện khoảng 10% trí nhớ ngắn hạn và trí nhớ công việc ở mọi người. Tác giả Dongwei Li, một sinh viên tiến sĩ thỉnh giảng tại Trung tâm Sức khỏe Bộ Não của Đại học Birmingham và đồng tác giả nghiên cứu, cho biết trong một tuyên bố rằng liệu pháp này là “an toàn, đơn giản, không xâm lấn, và không có tác dụng phụ.”

Trong nghiên cứu, 90 người tham gia cả nam lẫn nữ trong độ tuổi từ 18 đến 25 được điều trị bằng cách chiếu ánh sáng laser lên da đầu, để ánh sáng đi đến vỏ não trước trán bên phải hoặc trái với bước sóng 1064 nm. Họ cũng được dùng giả dược để xác nhận hiệu quả quan sát khi điều trị.

Sau hơn 12 phút, những người tham gia được kiểm tra trí nhớ. Người dùng liệu pháp cho thấy sự cải thiện trí nhớ rõ ràng so với nhóm không điều trị.

Một tổng quan hệ thống gần đây trên nhiều nghiên cứu phát hiện thấy sự kết hợp giữa tPBM và kích thích thị giác (VS) với bước sóng cụ thể đem lại những lợi ích có thể đo lường được.

“Các nghiên cứu trên người cho đến nay đều ủng hộ việc dùng PBM ở bước sóng ánh sáng 810-870 nm với tần số 40 Hz để cải thiện khả năng kết nối mạng lưới bộ não và trí nhớ ở người lớn tuổi và bệnh nhân AD [bệnh Alzheimer], trong khi 40 Hz VS ở người bình thường dường như giúp cải thiện khả năng nhận thức, ” các tác giả nghiên cứu kết luận.

Liệu pháp ánh sáng mạnh

Một loại trị liệu bằng ánh sáng khác được nghiên cứu là liệu pháp ánh sáng mạnh, tức là tiếp xúc với ánh sáng chói trong một khoảng thời gian nhất định mỗi ngày.

Mặc dù chủ yếu được nghiên cứu để điều trị chứng rối loạn cảm xúc theo mùa, nhưng một nghiên cứu cho thấy liệu pháp ánh sáng này cũng giúp cải thiện chức năng nhận thức ở người bị sa sút trí tuệ.

Các tác giả nhận thấy chương trình can thiệp trị liệu bằng ánh sáng trong các buổi kéo dài 30 phút “mang lại kết quả đầy hứa hẹn và tác động tích cực ngay lập tức đến tâm trạng, mức độ kích thích, độ bão hòa oxy trong máu và nhịp tim của người bệnh.”

Theo cô Yuko Hara, giám đốc lão hóa và phòng ngừa tại Alzheimer’s Drug Discovery Foundation, những người bị chứng sa sút trí tuệ thường bị gián đoạn chu kỳ thức-ngủ.

Cô Hara cho biết: “Một số nghiên cứu nhỏ gợi ý rằng việc tiếp xúc với ánh sáng hoặc liệu pháp ánh sáng có ích cho bệnh nhân sa sút trí tuệ nhờ giúp khuếch đại đầu vào cảm giác thị giác để kích thích các tế bào cụ thể ở vùng dưới đồi, một bộ phận có tác dụng điều chỉnh nhịp sinh học.”

Một lý do khiến phương pháp này trở nên hứa hẹn có thể là bởi ánh sáng có tác động tích cực đến trạng thái bối rối kích động hay hiện tượng mặt trời lặn, xảy ra ở một số người bị chứng sa sút trí tuệ vào cuối ngày.

Cô Hara nói: “Điều chỉnh ánh sáng là một trong những cách giúp ngăn chặn hoặc đối phó tốt hơn với trạng thái mặt trời lặn. Việc tiếp xúc với ánh sáng tự nhiên vào buổi sáng và ánh sáng trong phòng nhẹ hơn vào buổi tối có thể giúp điều chỉnh nhịp sinh học. Điều này cũng có thể cải thiện mô hình giấc ngủ ở những người bị sa sút trí tuệ. Giấc ngủ kém có thể gây suy giảm trí nhớ ở người bị sa sút trí tuệ. Theo một số nghiên cứu, thuốc ngủ có thể có hại nhiều hơn là lợi.”

Cô Hara cho biết: “Các loại thuốc ngủ không được khuyến cáo do làm tăng nguy cơ té ngã, tương tác thuốc và các tác dụng phụ khác. Mặt khác, liệu pháp ánh sáng nói chung là an toàn.”

Mặc dù việc dùng liệu pháp quang học để điều trị các rối loạn thoái hóa thần kinh vẫn còn tương đối mới—và kết quả là rất hứa hẹn—điều quan trọng là cần thêm nhiều nghiên cứu giúp chúng ta hiểu đầy đủ về cách dùng tốt nhất trong việc điều trị bệnh.

Trong khi liệu pháp quang trị liệu có thể là lựa chọn khả thi cho một số người, chúng ta cũng cần cân nhắc cả lợi ích và rủi ro tiềm ẩn, chẳng hạn như khả năng kích ứng da dầu và rối loạn giấc ngủ nếu dùng sai thời điểm trong ngày, để đưa ra bất kỳ quyết định điều trị nào. Hy vọng là với việc tiếp tục nghiên cứu và thay đổi, các lựa chọn điều trị mới sẽ được phát triển để cải thiện cuộc sống của những người bị rối loạn thần kinh thoái hóa.

Thanh Ngọc biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

George Citroner
BTV Epoch Times Tiếng Anh
George Citroner là ký giả chuyên mục sức khỏe của The Epoch Times. Ông George Citroner đưa tin về sức khỏe và y học, bao gồm các chủ đề ung thư, bệnh truyền nhiễm và tình trạng thoái hóa thần kinh. Ông đã được trao giải thưởng Báo cáo xuất sắc về chỉnh hình truyền thông (MORE) vào năm 2020 cho một câu chuyện về nguy cơ loãng xương ở nam giới.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn