4 lưu ý khi uống nước để có sức khỏe tối ưu, kéo dài tuổi thọ và giảm nguy cơ bệnh tật

Nước không chỉ có tác dụng giải khát mà còn giúp cơ thể loại bỏ độc tố và kiểm soát cân nặng. Nghiên cứu gần đây còn gợi ý rằng cung cấp đủ nước cho cơ thể có thể là yếu tố chính giúp kéo dài tuổi thọ và chống lão hóa. Ngược lại, không uống đủ nước có thể dẫn đến nồng độ sodium trong huyết thanh tăng cao, làm tăng nguy cơ bị các bệnh kinh niên như đột quỵ, suy tim và suy giảm nhận thức.

Loại nước nào tốt nhất cho sức khỏe và làm thế nào có thể bảo đảm lượng nước tối ưu trong cuộc sống hàng ngày?

Theo y học hiện đại, cơ thể con người có khoảng 60% là nước. Các chất dinh dưỡng từ thực phẩm, chẳng hạn như vitamin và khoáng chất, cần hòa tan trong nước để lưu thông trong máu và đến các cơ quan khác nhau. Nước cũng đóng một vai trò trong việc cải thiện sự trao đổi chất của cơ thể và loại bỏ chất thải.

Mất nước và uống không đủ nước có thể gây ra nhiều hậu quả hơn là chỉ khát nước, chẳng hạn như mệt mỏi, lo lắng, trầm cảm, kém tập trung, ngủ không yên và khó thở. Hơn nữa, mất nước có thể dẫn đến phát triển nhiều bệnh, bao gồm viêm kinh niên, đau kinh niên, táo bón, huyết áp cao và tiểu đường. Thậm chí béo phì do ăn quá nhiều có thể liên quan đến tình trạng mất nước trong cơ thể. Đối với một số bệnh nhân, giải pháp cho bệnh của họ có thể chỉ đơn giản như là tăng lượng nước uống.

Theo nghiên cứu mới nhất của Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ, giữ nước [đầy đủ] nhằm duy trì nồng độ sodium huyết thanh bình thường có thể là yếu tố chính giúp kéo dài tuổi thọ và chống lão hóa. Ngược lại, nồng độ sodium huyết thanh tăng cao có thể làm tăng nguy cơ bị các bệnh kinh niên khác nhau.

Trong một nghiên cứu theo dõi 11,255 cá nhân trong 25 năm và loại trừ những người tham gia có nồng độ sodium huyết thanh cao do các yếu tố như béo phì và sử dụng thuốc, các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng ngay cả khi nồng độ sodium huyết thanh nằm trong phạm vi bình thường từ 135 đến 146 mmol/l, những người có nồng độ cao hơn có nguy cơ cao hơn bị lão hoá về mặt sinh học và phát triển các bệnh kinh niên ở độ tuổi trẻ hơn.

So với nồng độ sodium huyết thanh bình thường, nồng độ sodium huyết thanh trên 142 mmol/l có liên quan đến 64% nguy cơ cao hơn bị các bệnh kinh niên như đột quỵ, suy tim, rung tâm nhĩ, bệnh mạch máu ngoại vi, bệnh phổi mãn tính, tiểu đường và suy giảm nhận thức.

Uống đủ nước có thể giúp ngăn ngừa bệnh tật

Người xưa Trung Quốc có câu, “Thức ăn tốt hơn thuốc, nhưng nước còn tốt hơn thức ăn.” Nước được coi là “dược vương” và hầu như tất cả các văn bản Trung Y đều coi nước là phương thuốc đầu tiên. Ví dụ, trong Bản thảo cương mục, nước được liệt kê đầu tiên. Tương tự như vậy, chương đầu tiên của cuốn sách liệu pháp ăn kiêng nổi tiếng có tên Phương pháp Tùy tức cư, do thầy thuốc thời nhà Thanh là Quang Sĩ Hùng viết, cũng dành để nói về nước. Điều này chứng tỏ tầm quan trọng của nước trong quan điểm của các nhà y học cổ đại Trung Quốc.

Lý Thời Trân, tác giả nổi tiếng của cuốn Bản thảo cương mục, nhấn mạnh tầm quan trọng của nước, gọi nước là nguồn gốc của nhiều [quá trình] chuyển hoá. Theo ông, có hơn 40 loại nước, bao gồm nước mưa, sương, sương ngọt, sương mùa đông và nước giếng, mỗi loại có tác dụng chữa bệnh độc đáo. Nước với các tính chất khác nhau, chẳng hạn như ấm, nóng, mát hoặc lạnh, có thể được sử dụng để điều trị các bệnh khác nhau.

Bốn lưu ý cần ghi nhớ khi uống nước để có sức khỏe tối ưu

Ngày nay, nhiều người không uống đủ nước. Điều này phần lớn là do con người hiện đại có xu hướng ưa chuộng sữa, nước ép trái cây và đồ uống có đường. Tác dụng của các thức uống này đối với các chức năng trong cơ thể là khác với nước.

Các loại thức uống kể trên không thể thay thế nước một cách hiệu quả và không cung cấp đủ nước cho da. Ngoài ra, một số người chọn uống cà phê, trà hoặc rượu thay cho nước. Tuy nhiên, những đồ uống này có tác dụng lợi tiểu mạnh, có thể lấy đi nhiều nước hơn từ cơ thể và gây mất nước.

Uống nước thường là lựa chọn tốt nhất để duy trì sức khỏe tốt, và cũng có một số lưu ý nhất định cần nhớ khi uống nước vì sức khỏe.

Nhiệt độ nước

Nhiệt độ của nước nên gần bằng với nhiệt độ cơ thể. Uống nước quá nóng có thể gây hại cho cổ họng, thậm chí dẫn đến ung thư miệng. Mặt khác, nước quá lạnh có thể ảnh hưởng đến quá trình lưu thông máu.

Thời điểm uống nước

Nên uống nhiều nước hơn vào buổi chiều từ 3 đến 5 giờ chiều. Trong giai đoạn này, kinh mạch bàng quang hoạt động tích cực và cơ thể có thể sử dụng nước một cách hiệu quả để hỗ trợ quá trình trao đổi chất và giải độc.

Hai tiếng trước khi đi ngủ, bạn cũng nên uống một cốc nước. Trong giấc ngủ sáu đến bảy tiếng, cơ thể không thể tự bổ sung nước. Uống đủ nước trước khi ngủ có thể ngăn máu đặc lại vào ban đêm và buổi sáng, do đó làm giảm nguy cơ bị bệnh tim mạch.

Một số người có thói quen uống một cốc nước lớn vào buổi sáng. Tuy nhiên, điều này có thể không phù hợp với những người yếu lá lách. Nếu muốn uống nước vào buổi sáng khi bụng đói, bạn chỉ nên uống tối đa 50ml để nuôi dưỡng cơ thể.

Nước đun sôi

Không nên uống nước chưa đun sôi vì loại nước này có thể khiến cơ thể bị lạnh và dễ bị bệnh. Nước phải được đun sôi trước khi uống.

Nước đun sôi trong các bình nấu khác nhau có vị khác nhau. Trong các loại ấm inox, ấm gang, ấm gốm thì nước đun trong ấm gốm có mùi vị dễ chịu nhất, đặc trưng bởi chất liệu ấm và mịn của gốm.

Lượng nước nên uống

Không phải ai cũng nhất định cần uống đủ 8 ly nước mỗi ngày. Lượng nước nên uống mỗi ngày phụ thuộc vào nhiều yếu tố, chẳng hạn như khí hậu, tỷ lệ trao đổi chất, giới tính, tuổi tác, lượng thức ăn, loại công việc và tình trạng thể chất. Khuyến nghị chung là uống từ 6 đến 10 cốc nước (khoảng 250 ml mỗi cốc), tương đương khoảng 1,500 đến 2,400 ml mỗi ngày.

Những bệnh nhân không thể đi tiểu bình thường, chẳng hạn như những người bị bệnh tim, thận hoặc phù nề, phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ và không nên tự ý uống quá nhiều nước.

Nước tự nhiên tốt hơn nước đã qua xử lý: Chỉ cần hai bước lọc

Trong những năm gần đây, nhiều thương hiệu nước tinh khiết đã xuất hiện trên thị trường. Các nhà sản xuất nước tuyên bố rằng các sản phẩm của họ đã trải qua nhiều quy trình thanh lọc và mang lại nhiều lợi ích y tế. Điều này đã gây khó khăn cho người tiêu dùng trong việc quyết định mua loại nước nào. Tuy nhiên, thực tế là nước tinh khiết chưa chắc đã tốt hơn nước tự nhiên.

Ví dụ, nước ion kiềm có thể có lợi cho cơ thể, nhưng uống loại nước này trong một thời gian dài có thể gây bất lợi cho sức khỏe. Nước ion kiềm có tính mát nên thích hợp với những người có thể chất ẩm nhiệt hoặc nội nhiệt quá mức. Tuy nhiên, những người có thể trạng thiếu dương có thể thấy rằng uống nước kiềm làm tình trạng của họ trầm trọng thêm.

Nước thẩm thấu ngược (RO) là một loại nước phổ biến khác sử dụng kỹ thuật RO để chiết xuất nước tinh khiết và loại bỏ khoáng chất. Có một quan niệm sai lầm phổ biến rằng nhu cầu khoáng chất và nguyên tố vi lượng hàng ngày của cơ thể nên đến từ thực phẩm hơn là nước uống. Tuy nhiên, sự thật là nước uống thực sự cung cấp cho cơ thể 20% lượng khoáng chất và nguyên tố vi lượng cần thiết mỗi ngày. Khi nước tinh khiết đi vào cơ thể, nước có thể hòa tan các khoáng chất và nguyên tố vi lượng từ xương hoặc các bộ phận khác của cơ thể, dẫn đến cạn kiệt dần các chất dinh dưỡng thiết yếu này và gây ra các triệu chứng thiếu khí thận.

Khi dùng các loại nước tinh khiết, nên kiểm tra xem chúng có thực sự có lợi cho cơ thể hay không, thay vì tin tưởng một cách mù quáng vào những tuyên bố của nhà tiếp thị. Nguyên tắc chung là bất kỳ loại nước uống nào không ở trạng thái tự nhiên đều không có lợi cho sức khỏe con người về lâu dài.

Trên thực tế, uống nước máy tại nhà là lựa chọn tốt nhất cho sức khỏe của chúng ta. Trước khi sử dụng, bạn chỉ cần trải qua hai quy trình lọc đơn giản: thứ nhất là sử dụng than hoạt tính để loại bỏ mùi và tạp chất, thứ hai là lọc bỏ các chất độc hại và vi khuẩn.

Cuối cùng, tốt nhất là nên ưu tiên sự đơn giản và tự nhiên khi chăm sóc cơ thể.

Minh Thư biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Dr. Wu Kuo-Pin
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Bác sĩ Wu Kuo-pin (Ngô Quốc Bân) là giám đốc Phòng khám Trung y Tâm y đường, Đài Loan. Năm 2008, ông bắt đầu học chuyên ngành Trung y và lấy bằng cử nhân tại Đại học Trung Y ở Đài Loan.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn