Bác sĩ cảnh báo trẻ em dễ bị béo phì do giáo dục sai về thực phẩm

Bác sĩ nói rằng béo phì ở trẻ em là một vấn đề về văn hóa, đòi hỏi các giải pháp xã hội ngoài chính sách, bắt đầu từ khi thụ thai.

Giải pháp tốt nhất đối với béo phì là tự giáo dục con em chúng ta. Trẻ hiểu được tác động của thực phẩm lên cơ thể – cũng như những vấn đề với nhiều loại thực phẩm được tiếp thị dành cho trẻ – có thể hình thành thói quen ăn uống lành mạnh suốt đời. Các chuyên gia cho biết việc cho trẻ tham gia vào việc nuôi trồng, mua sắm, chuẩn bị và nấu thức ăn giúp đem lại những hiểu biết vô giá có thể chống lại bệnh béo phì.

Con đường dẫn đến béo phì ở trẻ em bắt đầu trước khi chào đời và trở nên phức tạp hơn khi trẻ em trở thành mục tiêu của các nhà tiếp thị thực phẩm. Họ hứa hẹn về những niềm vui ngon miệng với các sản phẩm chế biến từ các nguyên liệu đáng ngờ và thậm chí gây bệnh.

Các bậc cha mẹ – nhiều nạn nhân của những tác động tương tự – có thể hy vọng trường học và chính phủ sẽ giáo dục và bảo vệ con em họ, nhưng sự thực là cha mẹ phần lớn phải tự lo cho con cái của mình.

Giải pháp tốt nhất là tự giáo dục con em chúng ta. Trẻ hiểu được tác động của thực phẩm lên cơ thể – cũng như những vấn đề với nhiều loại thực phẩm được tiếp thị dành cho trẻ em – có thể hình thành thói quen ăn uống lành mạnh suốt đời. Các chuyên gia cho biết việc cho trẻ tham gia vào việc trồng, mua sắm, chuẩn bị và nấu thức ăn giúp đem lại những hiểu biết vô giá có thể chống lại bệnh béo phì.

“Nếu trẻ phát triển những thói quen xấu, rất khó để thay đổi khi trẻ nhận được sự giáo dục củng cố thói quen này. Chúng là nạn nhân của hoàn cảnh này.” Tiến sĩ Nadia Ali đã có cuộc trò chuyện với The Epoch Times. Tiến sĩ Ali là bác sĩ chuyên khoa nội và y học tổng hợp. “Chúng ta cần hiểu nguyên nhân gốc rễ để có thể điều trị, đảo ngược và ngăn ngừa béo phì.”

Những nguyên nhân gốc rễ chủ yếu bắt nguồn từ hai yếu tố đơn giản và rõ ràng: Cách trẻ cung cấp năng lượng (1) và (2) vận động cơ thể. Tuy nhiên, giải quyết những vấn đề này không phải lúc nào cũng đơn giản. Có những yếu tố khác đóng một vai trò quan trọng.Một trong những yếu tố đó là hệ vi sinh vật đường ruột. Các nghiên cứu đã cho thấy mối liên hệ giữa sự biến đổi trong hệ vi sinh vật công sinh này với bệnh béo phì và hội chứng chuyển hóa. Thực phẩm và các yếu tố khác quyết định loại vi khuẩn nào chúng ta nuôi dưỡng và liệu chúng có giúp ích hay gây hại cho sức khỏe tổng thể hay không.

Cái giá cho bệnh béo phì ở trẻ em

Tiến sĩ Ali đang nỗ lực đảo ngược tình trạng béo phì ở trẻ em – mà không đổ lỗi cho trẻ em – bằng cách nhắc nhở mọi người rằng đại dịch gây tử vong và tốn kém này có thể được khắc phục. Tiến sĩ Ali cho biết, thật không may, hầu hết các phương pháp, bao gồm cả hướng dẫn mới của Hội Nhi khoa Hoa Kỳ (American Academy of Pediatrics) bao gồm việc sử dụng dược phẩm và phẫu thuật giảm béo cho trẻ em từ 13 tuổi, chỉ là các giải pháp tạm thời. Nói cách khác, chúng chỉ điều trị các triệu chứng béo phì, chứ không phải nguyên nhân.

Đó là một sự lãng phí tốn kém đáng tiếc. Tổng chi phí trực tiếp và gián tiếp do béo phì ở trẻ em được dự đoán là 13.62 tỷ USD vào năm 2022 và 49.02 tỷ USD vào năm 2050, theo nghiên cứu được công bố trên tập san Obesity Reviews vào tháng 11/2022. “Do gánh nặng kinh tế gia tăng, nên cố gắng hơn và bổ sung nguồn lực để giúp đỡ các chương trình chống béo phì ở trẻ em bền vững và có thể mở rộng,” bài báo nêu rõ.

Béo phì ở trẻ em là yếu tố dự đoán số một về béo phì ở người trưởng thành, có thể dẫn đến tiểu đường loại 2, bệnh tim mạch, tăng tỷ lệ tử vong, chết sớm, tàn tật, và suy giảm sức khỏe tâm thần. Tất cả đều là những gánh nặng bệnh tật lớn đối với hệ thống y tế quốc gia và là nguồn tiêu hao lớn đối với tài chính công và sức khỏe cộng đồng.

Suốt nhiều năm, những lời chỉ trích đã nhắm vào các trường y khoa không cung cấp sự giáo dục về dinh dưỡng đầy đủ. Nếu không có kiến thức này, các bác sĩ thường tập trung vào việc điều trị các bệnh phát sinh từ cách ăn uống kém và béo phì thay vì chính bệnh béo phì. Sự thiếu hiểu biết về dinh dưỡng cũng dẫn đến một hệ thống chăm sóc sức khỏe không cung cấp sự hỗ trợ có ý nghĩa để giúp mọi người ăn uống tốt hơn và giảm cân, ngay cả khi người nộp thuế tài trợ những khoản trợ cấp khổng lồ cho những người trồng ngô.

Ngô, bao gồm cả siro ngô có hàm lượng đường fructose cao, là một trong những thành phần chính trong thực phẩm chế biến gây béo phì. Chính trị và sự thờ ơ đã làm suy yếu những cố gắng nhằm cải thiện các chương trình dinh dưỡng trong trường học, cũng như các chính sách liên quan đến chăm sóc sức khỏe, nông nghiệp, và thực phẩm tiêu dùng trong gia đình. Trong khi đó, cha mẹ và trẻ em phải chịu hậu quả của việc tiếp thị thực phẩm gây hiểu lầm.

Các bà mẹ đang thực hiện sứ mệnh

Thông tin thú vị và phù hợp với lứa tuổi là một trong những cách quan trọng để trao cho trẻ em quyền lựa chọn thực phẩm phù hợp với lợi ích sức khỏe của chính mình. Và trong khi chính phủ phần lớn để các gia đình tự chống chọi với các công ty thực phẩm buôn bán những sản phẩm hấp dẫn, rẻ tiền, dễ chế biến và chứa các thành phần có vấn đề, thì một số phụ huynh đang cố gắng lấp đầy khoảng trống giáo dục này.

Chán nản và thất vọng vì lượng thông tin dinh dưỡng ít ỏi trong các trường học, cô Liz Haselmayer đã viết một cuốn sách bài tập cho con của mình và phát hành cho công chúng mà không biết liệu các gia đình khác có muốn sự giáo dục về thực phẩm thực sự hay không. Doanh số bán hàng trong tháng đầu tiên đã vượt quá dự đoán của gia đình cô trong một năm. Hiện nay, Homegrown Education (Giáo dục tại nhà) cung cấp nhiều sản phẩm và có một chương trình podcast.

“Có rất nhiều kiến thức làm rối trí. Nếu nó gây rối trí cho người lớn thì [cũng] gây rối trí cho trẻ,” cô Haselmayer, người đã từng bị chứng cuồng ăn khi còn là một thiếu niên, cho biết. “Tôi đã sống một thập niên bị suy dinh dưỡng. Tôi không muốn con gái mình phải trải qua điều đó.”

Một phần mục đích của cô là tạo ra một câu chuyện trái ngược với số đông về các phương thức nông nghiệp – trở lại với những gì tự nhiên và truyền thống – thông qua việc giảm thiểu tối đa việc chế biến. Cô cũng dạy cho các con của mình điều gì xảy ra trong cơ thể khi ăn thực phẩm siêu chế biến và tại sao các con khó cưỡng lại chúng.

Cô Haselmayer nói: Tại sao bạn lại bị chứng bệnh phần lớn là do thực phẩm ăn vào và không xem xét thực phẩm là giải pháp? Bạn phải giải quyết ở nhiều góc độ khác nhau.”

Một người mẹ khác, cô Lindsey Garvin, đã được truyền cảm hứng để viết cuốn sách “The Army Inside You” (Tạm dịch “Đội quân bên trong cơ thể”), một cuốn sách dành cho trẻ nhỏ về hệ vi sinh vật, sau khi cô cố gắng giúp con mình hiểu về khía cạnh quan trọng này đối với sức khỏe.

Đầu tiên, cô Garvin tìm kiếm trong hệ thống thư viện công cộng lớn hơn của Seattle để tìm thứ gì đó mà cô có thể đọc cho con mình về sức khỏe đường ruột nhưng chỉ có thể tìm thấy một cuốn sách dành cho trẻ lớn hơn.

Từng là giáo viên trường học trước đây, cô Garvin đã nói về hệ vi sinh vật trong nhiều năm bằng ngôn ngữ mà con mình có thể hiểu được. Cô đã tự điều chỉnh chứng rối loạn hệ khuẩn ruột (mất cân bằng vi khuẩn đường ruột) và chữa khỏi ba căn bệnh kinh niên.

Cô nói: “Tuyến phòng thủ đầu tiên là xây dựng một hệ vi sinh vật khỏe mạnh trong cơ thể. Câu chuyện về hệ vi sinh vật thật đáng kinh ngạc. Các vi sinh vật của chúng ta có sức mạnh và có thể ảnh hưởng đến hầu hết mọi bộ phận trong cơ thể. Chúng ta có một thế giới vi khuẩn tuyệt vời sống trong cơ thể, nhiều hơn cả tế bào con người, giữ vai trò kiểm soát sức khỏe của chúng ta. Tuy nhiên, không ai nói với trẻ em về điều này.

Hệ vi sinh vật không chỉ ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất mà còn ảnh hưởng đến miễn dịch và sức khỏe tâm thần, đồng thời cung cấp góc nhìn về cách béo phì phát triển ở trẻ em. Cơ thể con người có một số hệ vi sinh vật, bao gồm cộng đồng vi khuẩn trong ruột có liên quan chặt chẽ đến tiêu hóa và miễn dịch. Nhiều nghiên cứu đã cho thấy mối quan hệ giữa rối loạn hệ khuẩn ruột với béo phì.

Phát triển sớm

Hệ vi sinh vật là một mô hình [cần thiết] để khỏe mạnh, có nguồn gốc từ việc sinh đẻ, lý tưởng nhất là từ âm đạo của người mẹ trong quá trình sinh. Hệ vi sinh vật của người mẹ là sản phẩm phụ của cách ăn uống, vì vậy nếu người mẹ đang theo cách ăn kiêng tiêu chuẩn kiểu Mỹ, điều đó sẽ góp phần tạo ra một quần thể vi khuẩn và nấm kém hơn hình thành trong hệ miễn dịch của bé.

Tiến sĩ Ali nói: “Trước khi nghĩ đến việc thụ thai, bạn cần nghĩ về loại môi trường mà bạn muốn tạo ra cho con mình. Điều này phải bắt đầu ngay cả trước khi một người phụ nữ mang thai.”

Những ảnh hưởng chủ yếu tiếp theo là môi trường của đứa trẻ, những gì trẻ ăn và liều kháng sinh đầu tiên dường như không thể tránh khỏi. Trẻ có xu hướng đi lại và cho mọi thứ vào miệng, vì vậy chắc chắn chúng sẽ nhiễm một số vi khuẩn theo cách đó. Một số bà mẹ có thể muốn bảo vệ con mình khỏi vi trùng bằng cách tiệt trùng mọi thứ trong tầm tay, nhưng hóa chất độc hại từ nhiều chất tẩy rửa thường gây ra nhiều vấn đề hơn so với một số vi trùng.

TIến sĩ Ali cho biết, khi nói đến việc thu nạp các vi khuẩn có ích, việc cho con bú bằng sữa mẹ tốt hơn so với sữa công thức, nhưng với nhiều bà mẹ quay trở lại làm việc ngay sau khi sinh em bé, việc cho con bú sữa công thức trở nên phổ biến hơn.

Mặc dù thuốc kháng sinh không được khuyến nghị trong giai đoạn đầu của các bệnh thường gặp ở trẻ như viêm tai giữa, nhưng cha mẹ thường khăng khăng đòi dùng và hầu hết các bác sĩ kê toa kháng sinh [cho trẻ]. Đó là một vấn đề đối với các vi khuẩn thiết yếu của trẻ. Kháng sinh không chỉ tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh mà còn tiêu diệt cả những vi khuẩn tốt có khả năng chống lại vi trùng. Điều này làm suy yếu hệ miễn dịch của trẻ và cũng có thể làm trẻ dễ bị béo phì.

Sai lầm liên quan đến thực phẩm của cha mẹ

Các bậc cha mẹ thường xuyên biến những thực phẩm tồi tệ nhất mà con cái họ có thể ăn thành những thực phẩm có giá trị cao nhất bằng cách sử dụng chúng như phần thưởng cho hành vi tốt. Các loại đồ ngọt như bánh quy, kẹo, và kem làm thay đổi cân bằng vi khuẩn ngay cả khi chúng gây ra một loạt vấn đề khác và nuôi dưỡng thói quen ăn đường suốt đời.

Tiến sĩ Ali nói: “Đây là sự khởi đầu của việc ăn uống theo cảm xúc. Chúng ta phải ngừng sử dụng thực phẩm làm phần thưởng. Điều này rất quan trọng. Chúng ta [cần] kiểm soát những gì sắp có trong tủ bếp và tủ lạnh của mình. Nếu mua thức ăn vặt, bạn sẽ ăn thức ăn vặt.”

Những thức ăn nhanh cũng gây ra vấn đề. Nhiều loại bánh quy giòn và thức ăn nhẹ đã qua chế biến kỹ được làm từ các thành phần biến tính liên quan đến nhiều vấn đề về sức khỏe – và các lợi khuẩn cũng không thích chúng.

Những khoảnh khắc dạy dỗ

Mặc dù khiến trẻ tự nguyện tránh xa những thực phẩm không lành mạnh kích thích vị giác có thể khó khăn, nhưng cha mẹ có thể làm nhiều việc để chuẩn bị tốt hơn cho con cái trước những cám dỗ phía trước.

Một gợi ý là để trẻ em tham gia vào từng bước của việc nuôi dưỡng chúng, bao gồm cả việc trồng rau, lập kế hoạch bữa ăn, mua sắm, và nấu ăn. Nói chuyện với trẻ về cách thực phẩm không chỉ giúp no bụng mà còn phục vụ nhiều mục đích khác.

Nếu hiểu rằng một số loại thực phẩm có thể góp phần gây bệnh và những thực phẩm khác có thể khiến trẻ cảm thấy nhẹ nhàng và hạnh phúc hơn, trẻ sẽ bắt đầu hình thành những liên kết với thực phẩm lành mạnh hơn. Bạn thậm chí có thể dạy trẻ về các thành phần khác nhau. Tất cả những điều này có thể hữu ích khi Big Food cố gắng bán thức ăn vặt cho trẻ em.

Cả cô Haselmayer và cô Garvin đều sử dụng từ “lừa dối” với con nhỏ của họ khi nói đến việc đóng gói và tiếp thị thực phẩm. Khi con của cô Garvin để ý thấy một chiếc hộp có những nhân vật thú vị, chúng sẽ điều tra danh sách thành phần.

Cô nói: “Điều đó khiến trẻ vào cùng một đội với người mẹ. Chúng sẽ nói kiểu như, ‘Không, tôi sẽ không bị lừa bởi điều đó đâu.’”

Lựa chọn thực phẩm ở trường học

Mặc dù các chuyên gia dinh dưỡng và phụ huynh đã nhiều lần cố gắng điều chỉnh thực đơn của căng tin trường học, nhưng đây vẫn là một lĩnh vực mà Tiến sĩ Ali cho rằng tiếp tục thụt lùi. Đối với một số trẻ em, bữa trưa do nhà trường cung cấp là bữa ăn duy nhất mà chúng ăn. Điều này làm kéo dài các vấn đề dai dẳng mang tính chu kỳ và hệ thống xung quanh tình trạng nghèo đói và béo phì ở trẻ em.

“Các trường học là nơi có thể chấm dứt điều này,” Tiến sĩ Ali nói.

Thực đơn thường bao gồm các món chiên bằng dầu không tốt cho sức khỏe, thực phẩm chế biến sẵn, thực phẩm không an toàn, thực phẩm ít chất dinh dưỡng và thậm chí cả thức ăn vặt. Và sau đó là các chất gây ô nhiễm thực phẩm.

Vào tháng 9, Tổ chức Moms Across America đã công bố kết quả của một dự án toàn quốc đo lường lượng thuốc trừ sâu, kim loại nặng, thuốc thú y, hormone và dưỡng chất trong 43 bữa ăn trưa của các trường công lập ở 15 tiểu bang.

Cô Zen Honeycutt, giám đốc Moms Across America cho biết trong một thông cáo báo chí: “Kết quả kiểm tra bữa ăn trưa ở trường cho thấy rằng chúng ta đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng quốc gia. Chính phủ đang cho phép trẻ em bị đầu độc bằng một số lượng đáng kinh ngạc các chất độc gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe, hành vi, và học tập. Ngoài ra, tỷ trọng dinh dưỡng trong thực phẩm gần như hoàn toàn thiếu khiến cơ thể trẻ thiếu chất dinh dưỡng, không thể phát triển đúng cách, và thiếu dưỡng chất mà bộ não cần để học hỏi và đưa ra quyết định đúng đắn.”

Một số phát hiện của nghiên cứu:

  • Hơn 95% các mặt hàng có lượng glyphosate, thuốc diệt cỏ được sử dụng phổ biến nhất trên thế giới.
  • Hơn 65% mẫu có chứa thành phần lúa mì và tất cả các sản phẩm lúa mì được xét nghiệm dương tính với glyphosate, trung bình 42.09 nanogam trên gam (ng/g) thực phẩm.
  • Mức glyphosate trung bình trong pizza là 154.51 ng/g.

Một số mặt hàng có mức glyphosate trên 25 ng/g. Các nghiên cứu trên động vật cho thấy mức này có hại khi tiêu thụ liên tục cùng với các mặt hàng glyphosate khác. Glyphosate đã được chứng minh là gây ung thư, rối loạn nội tiết, tổn thương tinh trùng và cơ quan sinh sản. Có bằng chứng cho thấy glyphosate cũng gây rối loạn hệ vi sinh vật.

Bữa trưa ở trường đặt ra một tình huống khó khăn cho cha mẹ. Đôi khi thông điệp tại trường và ở nhà có thể không nhất quán. Đối với một đứa trẻ đang cố gắng ăn uống lành mạnh ở trường, có thể cảm thấy bất công khi bạn bè xung quanh không ăn như vậy và dường như có những bữa ăn nhẹ và bữa ăn hấp dẫn hơn. Khi những thực phẩm đó được cung cấp bởi trường học, điều đó có thể dẫn đến việc giáo dục thực phẩm trở nên mâu thuẫn.

Tiến sĩ Ali nói rằng, ngoài việc đề nghị nhà trường thay đổi thực đơn, phụ huynh cũng có thể nêu vấn đề với ban giám hiệu trường. Hiệu trưởng cần nghe ý kiến của phụ huynh.

Cô nói: “Cha mẹ có rất nhiều quyền nhưng họ đã không sử dụng quyền đó.”

Đề xuất chính sách

Có những cố gắng nhằm giải quyết vấn đề chương trình ăn trưa tại trường học. Một số dự luật đã được đưa ra trong phiên họp Quốc hội trước đó nhằm mục đích cải thiện các chương trình ăn trưa và lắp đặt các khu vườn tại các trường học. Thật không may, tất cả chúng đều chưa được thông qua ở ủy ban.

Sự thay đổi cũng cần thiết bên ngoài trường học. Tiến sĩ Ali cho biết những thay đổi này bao gồm việc liệt kê tất cả các thành phần trên thực đơn của nhà hàng, bao gồm cả thức ăn nhanh và thêm cảnh báo “nguy hiểm” cho các món ăn có hàm lượng calorie cao, tương tự như nhãn cảnh báo trên bao thuốc lá.

Cô nói: “Không có lý do gì để không làm điều này,” và cho rằng kích thước khẩu phần thức ăn nhanh và món tráng miệng cần phải giảm xuống một nửa. “Không cần khoa học tên lửa để nhận ra [điều này].”

Honeycutt đề nghị chính phủ hành động ngay lập tức để “cung cấp thực phẩm hữu cơ, giàu chất dinh dưỡng cho trẻ em của đất nước chúng ta.”

Sự thay đổi đã diễn ra chậm lại khi béo phì ở trẻ em đã được xem là một đại dịch trong vài năm qua.

Tiến sĩ Ali đặt câu hỏi: “Nếu chúng ta đang đối mặt với một đại dịch, tại sao lại không xem xét béo phì như một dịch bệnh? Nên có sự tư vấn, và nên đưa tin điều này để nhắc đi nhắc lại với mọi người nhiều lần rằng điều này rất quan trọng và bạn cần phải chú ý.”

Quan điểm được bày tỏ trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times. Epoch Health hoan nghênh thảo luận chuyên nghiệp và tranh luận thân thiện. Để gửi bài viết ý kiến, vui lòng tuân theo các hướng dẫn này và gửi qua biểu mẫu tại đây.

Thiên Vân biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times.

Amy Denney
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Amy Denney là ký giả về sức khỏe của The Epoch Times. Amy có bằng thạc sĩ về báo cáo các vấn đề công cộng của Đại học Illinois Springfield và đã đạt được một số giải thưởng về báo cáo điều tra và sức khỏe. Cô tập trung vào hệ vi sinh vật, các phương pháp điều trị mới và sức khỏe tích hợp.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn