Chương trình 30 phút giúp trẻ vị thành niên chuyển từ trạng thái căng thẳng sang có động lực tích cực 

Các nhà tâm lý học đã phát triển một công cụ để giúp thanh thiếu niên chuyển những căng thẳng hàng ngày có thể dẫn đến lo lắng và trầm cảm thành nguồn động lực tích cực.

Anh Jeremy Jamieson, trợ lý giáo sư tâm lý học tại Trường Đại học Rochester cho biết: “Thanh thiếu niên thời nay đang trải qua căng thẳng nhiều hơn bao giờ hết, các triệu chứng căng thẳng như lo lắng và trầm cảm đang biểu hiện ở mức độ kỷ lục.”

Có những lý do cố định khiến thanh thiếu niên trở nên lo lắng, ví dụ như: đại dịch toàn cầu, chiến tranh Âu Châu, các vụ xả súng hàng loạt, bất ổn kinh tế và chi phí đại học đáng ngạc nhiên ở Hoa Kỳ.

Và theo sau là những căng thẳng thông thường mà thanh thiếu niên đã phải đối mặt từ hàng bao thế hệ, chẳng hạn như cách họ bị đánh giá bởi bạn bè, huấn luyện viên, giáo viên và người mình yêu mến. Và một điều ngày càng gia tăng, là cách họ bị đáng giá ở trong môi trường học thuật đầy cạnh tranh và khắt khe.

Anh Jamieson, người đứng đầu Phòng thí nghiệm Căng thẳng Xã hội của trường đại học, chuyên nghiên cứu về các tác nhân gây căng thẳng thông thường, cho biết, những tác nhân này đã phát triển đáng kể khi áp lực học tập đang ngày càng lớn và mạng xã hội ngày càng phổ biến hơn.

Anh nói: “Với thanh thiếu niên, thứ bậc xã hội, sự so sánh xã hội và đánh giá ngang hàng luôn là điều trọng yếu với họ, nhưng giờ đây, những điều này đang tồn tại mọi lúc mọi nơi. Mọi người đang nhận một lượng thích, không thích và bình luận hàng ngày qua mạng xã hội, một điều tạo nên trạng thái đánh giá xã hội liên tục. Đó là một trong những tai hại lớn nhất mà chúng ta từng thấy ở thanh thiếu niên.”

Mặc dù có những lý do chính đáng để hạn chế sử dụng phương tiện truyền thông xã hội, nhưng đánh giá ngang hàng là một thực tế trong cuộc sống, cũng như những thách thức ở trường học và nơi làm việc. Và tất cả điều này đều có thể gây căng thẳng.

Suy nghĩ thông thường của mọi người là đánh đồng căng thẳng với điều “tồi tệ,” nhưng như anh Jamieson cho biết, “căng thẳng là điều bình thường và thậm chí là đặc điểm xác định của tuổi vị thành niên,” cho phép thanh thiếu niên có thêm nhiều kỹ năng xã hội và trí tuệ phức tạp khi họ bước sang tuổi trưởng thành và cuối cùng gia nhập vào thị trường lao động.

Anh cho biết thêm: “Với những người nghiên cứu về quá trình căng thẳng và tâm sinh lý như chúng tôi, căng thẳng chỉ đơn giản là sự đòi hỏi cần thiết phải thay đổi — không tốt và cũng không xấu.”

Tuy nhiên, cách đối mặt với tình huống căng thẳng có thể khiến chúng ta trở nên trầm cảm, hoặc hướng tới khả năng hồi phục.

Chương trình 30 phút

Khái niệm cơ bản — rằng cách chúng ta phản ứng với căng thẳng có thể ép chúng ta xuống hoặc nâng chúng ta lên — tạo nguồn cảm hứng cho một chương trình đào tạo được phát triển và thử nghiệm thành công bởi anh Jamieson và đồng nghiệp tại Đại học Texas ở Austin, Đại học Stanford và Google Empathy Lab. (Các nhà nghiên cứu lưu ý rằng công cụ này không phù hợp với những người có tác nhân gây căng thẳng là kết quả của chấn thương hoặc lạm dụng thuốc.)

Như các nhà nghiên cứu giải thích trên tạp chí Nature, chương trình đào tạo trực tuyến 30 phút này sẽ dạy cho thanh thiếu niên cách để chuyển biến căng thẳng từ điều gì đó “tồi tệ” khiến họ lo sợ và đè nén thành nguồn động lực tích cực. Những phản ứng căng thẳng có thể bao gồm: lòng bàn tay đẫm mồ hôi, tim đập nhanh,…

Sự can thiệp này hoạt động bằng cách giúp thanh thiếu niên phát triển hai điều mà các nhà nghiên cứu gọi là “tư duy điều phối.”

Điều thứ nhất là tư duy phát triển, là ý tưởng rằng trí thông minh của một người có thể được phát triển để đối phó với thách thức. Anh Jamieson cho biết: “Về cơ bản, đó là niềm tin rằng khả năng của trí tuệ là không cố định và có thể phát triển thêm bằng sự nỗ lực, chiến lược hiệu quả và sự trợ giúp từ người khác. Ý tưởng rằng nếu tôi nỗ lực, tôi có thể phát triển, có thể học hỏi, có thể cải thiện và có thể vượt qua khó khăn.”

Điều còn lại là những gì các nhà nghiên cứu gọi là tư duy có thể cải thiện căng thẳng. Đó là ý tưởng rằng phản ứng căng thẳng không những không có hại mà còn có thể đẩy mạnh hiệu suất trong các tình huống thử thách. Ví dụ như lòng bàn tay đẫm mồ hôi, tim đập nhanh và thở sâu là những thay đổi sinh lý nhằm “huy động năng lượng và cung cấp máu chứa oxy đến não và các mô,” anh Jamieson giải thích.

Chương trình trên trình bày hai tư duy này như là một phần của quá trình nhất quán. Tư duy phát triển sẽ rèn luyện thanh thiếu niên cách để chấp nhận thay vì lảng tránh khó khăn, trong khi tư duy có thể cải thiện căng thẳng khuyến khích họ dựa vào phản ứng căng thẳng sinh lý để đối mặt với thử thách.

Các nhà nghiên cứu cho thấy trong sáu thí nghiệm ngẫu nhiên mù đôi được thực hiện ở cả phòng thí nghiệm và bên ngoài với tổng số 4,291 thanh niên (học sinh từ lớp 8–12 và sinh viên đại học), can thiệp đã cải thiện kết quả sức khỏe liên quan đến căng thẳng của những người tham gia, như phản ứng sinh học, sức khỏe tâm lý, triệu chứng lo lắng trong thời gian phong tỏa COVID-19, cũng như hiệu suất học tập.

Anh Jamieson cho biết: “Những thông điệp kết hợp này đã khiến nhiều thanh thiếu niên trong nghiên cứu xem yếu tố căng thẳng là điều có thể khắc phục được, thay vì là thứ gì đó quá sức và ngoài tầm kiểm soát của họ”.

Các phát hiện chính và bước tiếp theo

Dữ liệu cho thấy sự can thiệp của tư duy điều phối đã dẫn đến kết quả:

  • Cải thiện phản ứng sinh lý với căng thẳng, bao gồm tăng cung cấp máu chứa oxy đến não và cơ thể, đồng thời giúp cơ thể nhanh chóng đạt được cân bằng nội môi sau những biến cố thử thách
  • Cải thiện sức khỏe tâm lý (mọi người cảm thấy được yêu thích, có uy quyền, hài lòng, thoải mái về bản thân, có lòng tự trọng cao hơn và không cảm thấy bị từ chối, không an toàn hoặc gián đoạn tương tác)
  • Giảm suy nghĩ tiêu cực về bản thân, một triệu chứng nội tâm có thể dẫn đến trầm cảm
  • Giảm cortisol máu, một chỉ số nội tiết tố có tác dụng phản ứng với căng thẳng theo kiểu đe dọa
  • Thành tích học tập cao hơn (được đo bằng tỷ lệ vượt qua các lớp chính)
  • Giảm triệu chứng lo lắng

Anh Jamieson cho biết: “Hiện tại, chúng tôi thấy rằng chương trình đang hoạt động hiệu quả, và chúng tôi cũng đang nỗ lực để mở rộng quy mô chương trình. Chúng tôi biết rằng những thay đổi lớn nhất xảy ra ở những người có hoàn cảnh khó khăn về kinh tế, trải qua nhiều áp lực hàng ngày và có thành tích học tập thấp hơn.” Bước tiếp theo sẽ là các thử nghiệm trên quy mô lớn.

‘Căng thẳng có thể hữu ích’

Đa số mọi người đều hiểu rằng căng thẳng là một sự thích nghi có tính phát triển. Nhưng chúng ta cũng hiểu một bài kiểm tra lượng giác không gây ra mối đe dọa như khi bị một con sư tử đói tấn công. Do vậy, chúng ta cho rằng căng thẳng là không hợp lý, và bằng cách nào đó chúng ta cần loại bỏ điều này.

Nhưng đó là thông điệp sai lầm, anh Jamieson nói.

Ở mức cơ bản, chương trình nói về việc “giúp mọi người hiểu rằng căng thẳng có thể hữu ích. Đó là một ý tưởng thực sự lớn và mới lạ với nhiều người. Căng thẳng thường không được coi là điều có lợi và có thể thích nghi, mà được coi là thứ gây hại. Chúng tôi thực sự đang cố gắng thay đổi quan niệm sai lầm đó.”

Thay vào đó, những thanh thiếu niên trong thí nghiệm tham gia vào chương trình đã học một chút về cách hoạt động của trí óc. Và khi đang học, bạn thực sự đang thay đổi cấu trúc sinh lý não bộ thông qua việc đối mặt với căng thẳng.

Anh Jamieson nói: “Bạn càng làm việc chăm chỉ, bạn càng trở nên giỏi hơn trong các nhiệm vụ khác nhau, bao gồm cả việc đáp ứng nhiều thách thức trong cuộc sống bằng khả năng phục hồi.”

Nghiên cứu được tài trợ bởi National Science Foundation, Google Empathy Lab và Viện Y tế Quốc gia (NIH).
Bài báo được đăng tải lần đầu bởi Đại học Rochester

Thanh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times

Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn