Cô gái vượt qua ung thư giai đoạn cuối: ‘Thay đổi lớn nhất là tâm tính’

“Ngay cả khi tôi mắc ung thư giai đoạn 4, tôi vẫn muốn sống một cuộc sống mãn nguyện”, cô Tinh Hỉ Á (Xing Xiya) người Đài Loan cho biết.

Ở tuổi 33, cô bị chẩn đoán mắc bệnh ung thư biểu mô tuyến phổi giai đoạn cuối, tuy nhiên, cô đã vượt qua tỷ lệ sống sót là 4% và chiến thắng căn bệnh trong vòng 10 năm. Đồng thời, cô còn làm chủ một trang web dành cho người hâm mộ, xuất bản sách và đi diễn giảng, trở thành một “người hướng dẫn” cho những bệnh nhân ung thư.

Khối u ung thư phổi giai đoạn cuối như hoa Mãn thiên tinh

Vào năm 2012, cô Tinh Hỉ Á 33 tuổi đi khám vì ho kinh niên, cô không thường xuyên thức khuya, không hút thuốc cũng không uống rượu, nhưng không ngờ lại mắc ung thư biểu mô tuyến phổi giai đoạn 4.

Tinh Hỉ Á kể lại rằng khi cô bị chẩn đoán mắc ung thư phổi, khối u trông giống như hoa Mãn thiên tinh (hoa baby), hơn nữa có cả ở hai lá phổi trái và phải. Do đó, cô không thể chọn phẫu thuật, lựa chọn duy nhất của cô là tiếp nhận hóa trị.

Lúc đó Tinh Hỉ Á bệnh nặng và phải nằm trên giường bệnh, cảm thấy rất yếu. Nhìn mẹ tần tảo chăm sóc, cô phát hiện tóc mẹ chỉ sau một đêm đã bạc đi vì lo lắng cho căn bệnh của cô.

“Hóa ra câu chuyện về Ngô Tử Tư là có thật”, Tinh Hỉ Á nói. Cô rất bất ngờ khi biết tóc người ta thật sự sẽ bạc đi chỉ sau một đêm vì quá lo lắng. Nhìn thấy dáng vẻ tiều tụy của mẹ, bản thân cô cũng thấy buồn và tự trách mình.

Vì vậy, Tinh Hỉ Á đã có một ước nguyện, mong ông trời cho cô sống lâu hơn mẹ, dù chỉ một giây, để mẹ cô không phải chịu nỗi đau “người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh”. Đồng thời, cô cũng hạ quyết tâm, dù quá trình điều trị tiếp theo có khó khăn đến đâu, cô cũng sẽ kiên trì tiếp tục.

Nỗ lực chiến đấu với ung thư và sống sót

Bệnh căn bệnh ung thư phổi của Tinh Hỉ Á là ung thư biểu mô tuyến phổi tiến triển. Vì thể ung thư của mỗi bệnh nhân là khác nhau nên cần phải kiểm tra thêm để đưa ra phương pháp điều trị chính xác nhất.

Ung thư biểu mô tuyến phổi là một loại ung thư phổi không tế bào nhỏ (NSCLC). Ông Lý Cương Viễn (Li Gangyuan), Phó Viện trưởng Bệnh viện Song Hòa tại Đài Loan cho biết phương pháp điều trị chính cho bệnh ung thư phổi không tế bào nhỏ giai đoạn cuối là điều trị bằng thuốc, bao gồm liệu pháp miễn dịch, liệu pháp nhắm mục tiêu (Targeted Therapy) và liệu pháp hóa trị, v.v.

Hiện tại, liệu pháp nhắm mục tiêu có thể đưa ra phương pháp điều trị chính xác tùy theo tình trạng của những người khác nhau, và tỷ lệ bệnh nhân đạt được hiệu quả chữa bệnh tốt lên tới 70%-80%. Tuy nhiên, sau khi Tinh Hỉ Á trải qua các cuộc kiểm tra sâu hơn, cô phát hiện ra rằng loại khối u của mình không thể điều trị bằng liệu pháp nhắm mục tiêu, ngoại trừ hóa trị ra thì không còn cách nào khác. Cô đã phải trải qua các quá trình gian khổ như cấy ghép mạch máu nhân tạo, hóa trị, rút chất lỏng từ phổi, v.v.

Cô gái vượt qua ung thư giai đoạn cuối: ‘Thay đổi lớn nhất là tâm tính’
Tinh Hỉ Á đang tiến hành trị liệu chống ung thư. (Ảnh do Tinh Hỉ Á cung cấp)

Mặc dù tình trạng của cô đã có một lần được cải thiện sau khi tiếp nhận điều trị, được các bác sĩ đánh giá là “ba bệnh nhân hàng đầu”, nhưng sau đó khối u bắt đầu có biểu hiện kháng thuốc hóa trị. Phim chụp X-quang cho thấy màu trắng đục, nghĩa là phổi của cô lại bắt đầu tràn dịch.

Vào thời điểm đó, bác sĩ nói với Tinh Hỉ Á rằng có một loại thuốc nhắm mục tiêu mới đang tìm kiếm đối tượng thử nghiệm lâm sàng, mà cô vừa hay đáp ứng các điều kiện, do đó có thể tham gia thử nghiệm.

“Bạn tôi đã nhắn tin để động viên tôi, nói rằng chắc chắn là do tôi đã làm việc rất chăm chỉ nên Ông Trời đã cho tôi cơ hội uống thuốc nhắm mục tiêu”. Tinh Hỉ Á cho biết, điều này đã cho cô sức mạnh để suy nghĩ tích cực, cô sẽ nỗ lực vì tất cả các thành viên trong gia đình và bạn bè, những người quan tâm đến cô.

Sau hai tháng trải qua các tác dụng phụ nghiêm trọng như nôn, đau dạ dày, tiêu chảy và dị ứng da nghiêm trọng v.v., cơ thể cô mới dần thích ứng với loại thuốc nhắm mục tiêu mới. Kết quả điều trị khiến cô vui mừng, hình ảnh chụp cắt lớp vi tính cho thấy khối u đã nhỏ đi rất nhiều.

“Khi bạn nhìn cận cảnh cuộc sống của mình, nó có thể là một bi kịch; nhưng khi bạn kéo dài ống kính, cuộc sống có thể là một vở kịch vui”. Đây là một câu nói của Charlie Chaplin, và Tinh Hỉ Á cảm thấy câu nói này rất phù hợp với tình huống của bản thân. Nhờ sự kiên trì không bỏ cuộc mà cô mới kéo dài được sự sống cho đến tận bây giờ, tiếp xúc được với nhiều loại thuốc trên thị trường để kiểm soát căn bệnh của mình.

Sau khi mắc ung thư, thay đổi lớn nhất là tâm tính

Sau khi mắc ung thư, Tinh Hỉ Á cảm thấy sự thay đổi lớn nhất của cô là ở tâm tính. Cô cho biết, hóa ra cái chết lại gần với mình như vậy, đời người cũng chỉ ngắn ngủi mấy chục năm, rất nhiều sự việc kỳ thực không cần suy tính quá nhiều.

“Điều nên làm là sống cho hiện tại”, Tinh Hỉ Á nói. Cô cho rằng điều quan trọng hơn là sống hạnh phúc mỗi ngày và làm bất cứ điều gì mình muốn. “Đừng nghĩ mình là một bệnh nhân, bạn mới có thể sống hạnh phúc”.

Trong khi tiếp nhận điều trị Tinh Hỉ Á đã xem một bộ phim và được truyền cảm hứng bởi một câu trong bộ phim đó: “Tế bào ung thư có thể kết liễu cuộc đời bạn, nhưng chúng không thể ngăn bạn sống hạnh phúc”. Lúc đó cô đã quyết tâm rằng mình phải sống một cuộc sống hạnh phúc.

Cô đã lập một danh sách những mong muốn với tổng cộng 46 mục, sau đó hoàn thành từng mục một. Trong đó cũng có rất nhiều mục là bạn tốt hoặc thậm chí là người lạ đã giúp đỡ hoặc cùng cô hoàn thành, khiến cô vô cùng cảm động.

Lập thời gian biểu chống ung thư

Về cuộc sống hàng ngày, Tinh Hỉ Á đã có rất nhiều sự điều chỉnh. Trước đây, cô thường ăn ở ngoài nhưng giờ thì cố gắng hạn chế. Bữa sáng của cô rất lành mạnh, một quả trứng luộc và nước ép. Cô chú trọng hơn đến việc tập thể dục, thay đổi từ tập thể dục không thường xuyên sang tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày.

Dưới đây là thời gian biểu chống ung thư của Tinh Hỉ Á:

06:00: Uống viên nang Antrodia

06:30: Uống nước nghêu (tự làm, khoảng 1 cân nghêu vàng, 2 ngày uống 1 lần)

7:00: Uống nước ép rau củ (600ml)

07:30: Sữa đậu nành không đường (300ml), trứng luộc (hoặc trứng hấp) 1 quả

07:40: Dưỡng chất: dưỡng chất cơ bản, dầu cá, coenzym Q10, men selen, curcumin

07:45: Đi làm

10:00: Uống thuốc nhắm mục tiêu

12:00: Ăn trưa (không giới hạn chủng loại, nhưng không ăn đồ chiên rán và thịt chế biến sẵn, thịt chủ yếu là gà và cá)

13:00: Dưỡng chất: dưỡng chất cơ bản, dầu cá, coenzym Q10, men selen, curcumin

14:00: Trà xanh (250~300ml)

16:00: Trái cây: nửa trái táo, trái kiwi, trái ổi, thêm 2-3 loại trái cây theo mùa (tổng cộng hơn 5 loại trái cây khác nhau)

18:00: Tan tầm về nhà

19:00: Ăn tối (chế độ ăn bình thường, chủ yếu là rau, ít thịt, sử dụng dầu oliu và muối biển để nấu)

Cô gái vượt qua ung thư giai đoạn cuối: ‘Thay đổi lớn nhất là tâm tính’
Món ăn để chống ung thư của cô Tinh Hỉ Á. (Ảnh do cô Tinh Hỉ Á cung cấp)

20:00: Dưỡng chất: dưỡng chất cơ bản, dầu cá, coenzym Q10, men selen, curcumin, men vi sinh

20:30: Tập thể dục 1 tiếng: bánh đà 30 phút + bình suý công (Ping Shuai Gong) 30 phút

21:30: Tắm

22:30: Đi ngủ

※ Cố gắng 2 ngày cuối tuần đều đi leo núi vào buổi sáng (không nghỉ giữa chừng, lên và xuống núi trong khoảng 1 tiếng)

Phát huy tinh thần vị tha

Có một lần Tinh Hỉ Á đến bệnh viện và nhìn thấy một bệnh nhân đang khóc bên ngoài phòng khám, trông rất đau buồn, nên cô đã đi đến trò chuyện. Bệnh nhân đó được bác sĩ thông báo rằng cần hóa trị, anh ấy cảm thấy rất đáng sợ, bởi vì anh ấy nghe những người khác nói rằng một khi hóa trị thì tình trạng sẽ trở nên tồi tệ hơn.

Tinh Hỉ Á nói với anh ấy rằng cô cũng đang trải qua hóa trị liệu, và hỏi anh ấy rằng: “Anh có nghĩ rằng tình trạng của tôi đang trở nên tồi tệ hơn không?”.

Lúc đầu anh ấy không tin. Tuy nhiên, khi Tinh Hỉ Á nói với anh ấy rằng cô cũng bị ung thư phổi giai đoạn 4 và chia sẻ kinh nghiệm hóa trị, anh ấy đã cảm thấy nhẹ nhõm, đôi mắt tuyệt vọng đã trở nên tràn đầy hy vọng.

“Tôi liền cảm thấy rằng bản thân thực sự hạnh phúc”, Tinh Hỉ Á cảm thán. Cô cho rằng mình đang làm một điều gì đó “vị tha”, kiểu hạnh phúc này so với khi được dùng một bữa ăn thịnh soạn hoặc được ra ngoài chơi thì mạnh mẽ hơn nhiều.

Cô bắt đầu chia sẻ một số câu chuyện, suy nghĩ và tình trạng của mình với các bệnh nhân khác thông qua blog, thậm chí còn viết những trải nghiệm của bản thân thành sách để xuất bản. Tinh Hỉ Á hy vọng rằng blog của cô có thể ảnh hưởng đến những bệnh nhân ung thư, và hướng dẫn họ đi trên con đường đúng đắn để chiến đấu với căn bệnh.

Rất nhiều bệnh nhân ung thư đã được truyền cảm hứng từ các bài viết của Tinh Hỉ Á. Cũng có một số bệnh nhân sau khi đọc cuốn sách của cô đã có thêm sức mạnh, tăng thêm dũng khí để tiếp tục sống.

Cô Tinh Hỉ Á cười nói, “Kỳ thực, tôi xuất bản sách không phải vì để kiếm tiền, bởi vì hiện tại viết sách cũng không kiếm được tiền. Tôi cảm thấy chỉ cần có thể giúp được ai đó, tôi sẽ thực sự cảm thấy rất vui”.

Lý Hành thực hiện
Xuân Hoàng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ

Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn