Hạ huyết áp nhờ thực hành chánh niệm

Chánh niệm là một phương pháp thực hành lâu đời qua hàng thế kỷ và đang trở nên phổ biến trong những năm gần đây. Một nghiên cứu mới đây cho thấy thực hành chánh niệm có thể giúp bạn có một trái tim khỏe mạnh.

Một thử nghiệm lâm sàng mới đây cho thấy việc thực hành chánh niệm có thể giúp mọi người kiểm soát tốt hơn tình trạng cao huyết áp, bằng cách giúp họ tuân theo các thay đổi lối sống lành mạnh.

Các nhà nghiên cứu nhận thấy, một chương trình chánh niệm tùy theo nhu cầu cá nhân kéo dài tám tuần có thể giúp mọi người giảm huyết áp tâm thu xuống gần 6 điểm trong thời gian theo dõi sáu tháng.

Các nhà nghiên cứu cho biết trong buổi thuyết trình hôm Chủ nhật (06/11) tại cuộc họp thường niên của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ ở Chicago, con số này tốt hơn đáng kể so với mức giảm 1.4 điểm ở những người được chăm sóc huyết áp thông thường. Đây vẫn là một nghiên cứu sơ bộ cho đến khi được công bố trên tập san được bình duyệt.

Kết quả trên có thể liên quan đến sức khỏe bệnh nhân, do các nghiên cứu trước đây phát hiện thấy huyết áp tâm thu giảm 5 điểm giúp giảm nguy cơ đau tim và đột quỵ hơn 10%, theo trưởng nhóm nghiên cứu, ông Eric Loucks, giám đốc Trung tâm Chánh niệm tại Đại học Brown.

“Việc hướng dẫn mọi người kỹ năng thực hành chánh niệm và sau đó áp dụng với những yếu tố ảnh hưởng đến huyết áp — như hoạt động thể chất, cách ăn uống, việc tuân thủ dùng thuốc hạ huyết áp hoặc uống rượu — có thể làm tăng hiệu quả của kế hoạch kiểm soát huyết áp,” ông Loucks cho biết.

Ví dụ, trong nghiên cứu này, những người tham gia được hướng dẫn thực hành chánh niệm có xu hướng tập thể dục nhiều hơn và ăn uống tốt hơn, ông lưu ý.

Khoảng 46% người Mỹ bị cao huyết áp, nhưng chỉ khoảng một nửa có thể kiểm soát huyết áp, ông Loucks cho biết.

Ông Loucks và các đồng nghiệp đã tuyển chọn khoảng 100 người bị cao huyết áp và chưa được điều trị để tham gia các buổi hướng dẫn theo nhóm hàng tuần về chánh niệm. Những người này cũng tham gia một khóa thiền chánh niệm trong cả ngày.

Ông Loucks cho biết, thực hành chánh niệm làm tăng nhận thức về suy nghĩ, cảm xúc và cảm giác thể chất của bản thân, giúp mọi người chú ý đến các phản ứng của mình và tự điều chỉnh cảm xúc.

Trong trường hợp này, chánh niệm giúp mọi người nhận thức và nhận ra cảm giác của bản thân sau khi đưa ra lựa chọn tốt hơn để cải thiện tình trạng huyết áp, ông nói.

“Chỉ đơn giản là việc cảm thấy tốt hơn sau khi hoạt động thể chất thường xuyên trong nhiều giờ và lựa chọn cách ăn uống hợp lý cũng có thể ảnh hưởng rất lớn đến cảm giác đối với tâm trí và cơ thể. Ví dụ, với một số người, khi ăn đồ ngọt làm tăng mức đường máu, họ có thể cảm thấy “say” đường,” ông Loucks cho biết. “Do vậy, chúng ta chỉ cần chú ý đến điều đó một cách tò mò mà không phán xét, và hành động một cách khéo léo để đáp lại những gì phát hiện ra.”

Sau đó, các nhà nghiên cứu đã so sánh mức độ kiểm soát huyết áp của bệnh nhân trong sáu tháng với một nhóm khác gồm 100 bệnh nhân được chăm sóc thông thường với máy đo huyết áp tại nhà, giáo dục về cách quản lý huyết áp và kết nối với bác sĩ.

Ông Loucks cho biết: “Chúng tôi nhận thấy trong sáu tháng theo dõi, huyết áp của những người thực hành chánh niệm đã giảm xuống khá tốt so với nhóm đối chứng.”

Phân tích sâu hơn cho thấy những người trong nhóm chánh niệm thường ăn các thực phẩm tốt cho tim mạch, tập thể dục và vận động nhiều hơn, ông Loucks nói. Họ cũng cho biết mức độ căng thẳng thấp hơn.

Ông Loucks cho biết: “Tôi mong rằng có thể nhân rộng điều này ở các nhóm người khác, với thời gian theo dõi lâu hơn và mẫu nghiên cứu khái quát hơn. Nếu có thể thực hiện và mang lại kết quả, đây có thể là một cách tiếp cận tuyệt vời giúp kiểm soát huyết áp cho khoảng một nửa người Mỹ bị cao huyết áp.”

Tiến sĩ Amit Khera, giám đốc chương trình phòng ngừa tim mạch tại UT Southwestern ở Dallas, cho biết việc thực hành chánh niệm có thể trợ giúp cho các chiến lược kiểm soát huyết áp.

Ông Khera nói: “Chúng ta cần các chiến lược bổ sung để giảm huyết áp. Quan trọng không kém là các chiến lược giúp mọi người có thể áp dụng các thói quen tốt để giảm huyết áp.”

Tiến sĩ Janani Rangaswami, giám đốc chương trình tim mạch tại Đại học George Washington ở Washington, D.C, cho biết thêm: Việc giảm huyết áp 6 điểm ở những bệnh nhân thực hành chánh niệm “là rất quan trọng và có ý nghĩa về mặt lâm sàng.”

Cô Rangaswami cho biết: “Cách tiếp cận dựa trên chánh niệm, cùng với tiêu chuẩn chăm sóc bằng dược liệu pháp, là một bổ sung thực sự có giá trị cho các tài liệu về cao huyết áp.”

Thông tin bổ sung

Đại học Harvard có nhiều thông tin hơn về chánh niệm.

Bài viết được đăng tải lần đầu trên trang HealthDay.

Thanh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times

Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn