Hiệu quả bất ngờ của thiền định chánh niệm với ung thư

Tinh thần có ảnh hưởng sâu sắc tới tình trạng bệnh tật của cơ thể

Đối với bệnh nhân ung thư, cảm xúc sợ hãi là rất chân thực và có thể tiếp diễn trong thời gian dài. Vậy làm thế nào để ứng phó với những cảm xúc vốn là phản ứng rất chân thực sinh ra từ căn bệnh ung thư này? Nghiên cứu cho thấy việc giảm căng thẳng dựa trên thiền định chánh niệm là một giải pháp can thiệp có ý nghĩa cho bệnh nhân ung thư.

Ung thư để lại cho chúng ta rất nhiều đau thương. Không chỉ là những ảnh hưởng về thể chất thường được chú ý đến, mà còn là những vết sẹo tinh thần đau đớn có thể bắt gặp ở bất cứ bệnh nhân ung thư nào.

Tình trạng mất cân bằng cảm xúc kéo dài sẽ khiến cơ thể bị quá tải và phản ứng lại theo cách tiêu cực. Nói cách khác, những cảm xúc tiêu cực có thể dẫn đến nhiều phản ứng hóa sinh bên trong có thể gây tổn hại đến cơ thể theo thời gian.

Sợ hãi là một trong những cảm xúc rõ ràng, dễ nhận biết và có tác động tới sức khỏe thể chất nhiều nhất. Đối với bệnh nhân ung thư, cảm xúc sợ hãi là rất chân thực và có thể tiếp diễn trong thời gian dài. Chán nản cũng là một cảm xúc khác mà bệnh nhân ung thư phải trải qua. Theo Viện Ung thư Quốc gia (NCI), cứ 3 bệnh nhân ung thư thì có 1 người chịu đau khổ về tinh thần hoặc cảm xúc với tỷ lệ cao nhất ở bệnh nhân ung thư vú và ung thư đầu-cổ lần lượt là 42% và 41%.

Cũng theo Viện Ung thư Quốc gia, 25% bệnh nhân ung thư gặp các triệu chứng trầm cảm, 45% rối loạn lo âu và nhiều người xuất hiện các triệu chứng của rối loạn căng thẳng sau chấn thương. Thật đáng buồn khi những bệnh nhân ung thư có tỷ lệ tự tử cao gấp đôi so với thông thường.

Xoay chuyển tình thế từ những cảm xúc tiêu cực

Vậy làm thế nào để ứng phó với những cảm xúc vốn là phản ứng rất chân thực sinh ra từ những mối đe dọa như căn bệnh ung thư? Nghiên cứu cho thấy việc giảm căng thẳng dựa trên chánh niệm là một giải pháp can thiệp có ý nghĩa cho bệnh nhân ung thư vú.

Chánh niệm chỉ đơn giản là thực hành các bài tập thiền định và tập trung suy nghĩ giúp giảm thiểu căng thẳng và nâng cao nhận thức về hiện tại.

Mục tiêu của chánh niệm là chủ ý thoát khỏi niềm tin, suy nghĩ hoặc cảm xúc lệch lạc, thay vào đó tập trung vào khoảnh khắc hiện tại. Nếu có thể nhảy thoát ra khỏi những dòng suy nghĩ và cảm xúc miên man, bạn có thể khám phá ra một sức mạnh của bản thân mà rất có thể bạn chưa từng biết trước đó.

Nghiên cứu “Bằng chứng về Tác dụng của Chánh niệm trong Ung thư: Lợi ích và Cách thực hiện” được công bố trên Tập san Cureus, đã đánh giá tác động của các phương thức chánh niệm khác nhau đối với bệnh nhân ung thư. Dưới đây là những kết luận:

  • Rối loạn giấc ngủ liên quan đến ung thư: Kết quả cho thấy tình trạng mất ngủ và các rối loạn giấc ngủ khác thường thấy ở bệnh nhân ung thư đã giảm đáng kể.
  • Xạ trị: Những người thường xuyên thực hành giảm căng thẳng dựa trên chánh niệm (viết tắt là MBSR) đã có những cải thiện đáng kể so với những người không thực hành kỹ thuật này.
  • Chánh niệm và phản ứng miễn dịch: Các tế bào T của những người trong nhóm tham gia MBSR hoạt động tích cực hơn. Tế bào T giữ rất vai trò quan trọng trong hệ miễn dịch, có hiệu quả trong việc chống lại các tế bào ung thư và những tác nhân tấn công từ bên ngoài.

Phương pháp thiền định chánh niệm giảm căng thẳng

  • Tọa thiền: Ngồi trong tư thế thoải mái và hoàn toàn tập trung tâm trí vào hơi thở.
  • Chú ý đến phần cơ thể bên trong: Tập trung ý thức vào từng phần riêng biệt trên cơ thể.
  • Không phán xét: Dành tất cả sự chú ý cho những gì đang diễn ra tại thời điểm hiện tại, nhưng không phán xét.
  • Nhẫn nại: Chấp nhận thực tế rằng các sự việc đang diễn ra theo cách của riêng chúng.
  • Suy nghĩ như người mới bắt đầu: Cố gắng xem mọi thứ như thể là lần đầu tiên.
  • Tin tưởng bản thân: Học cách tôn trọng cảm xúc của bản thân thay vì kìm nén hoặc nghi ngờ.
  • Tránh gắng sức quá mức: Chỉ tập trung vào thiền định, chấp nhận bất kỳ suy nghĩ nào nảy sinh.
  • Học cách buông bỏ: Cố gắng buông bỏ những chịu đựng đã trải qua.
  • Thực hành lòng tốt: Đừng chỉ trích bản thân, hãy luôn tử tế và niềm nở khi đối mặt với những khó khăn.
  • Tò mò như đứa trẻ: Tìm hiểu về bất cứ điều gì xuất hiện trong trải nghiệm của bạn mà không nên phán xét.
  • Nghệ thuật chấp nhận: Hãy bình tĩnh và xem xét một cách khách quan mọi suy nghĩ, cảm xúc, cảm giác, niềm tin diễn ra trong tâm trí.

Thay đổi bức tranh trong tâm trí thường không dễ dàng. Việc này cũng cần có thời gian và cố gắng giống như muốn có được thân hình cân đối vậy. Nếu bạn đang phải đối mặt với một tình huống khó khăn, thì những cố gắng này đặc biệt đáng giá.

Hãy thử bắt đầu bằng cách hướng tâm trí đến những suy nghĩ tích cực. Sẽ có thể cần phải luyện tập bởi vì chúng ta thường bị lạc khỏi dòng chảy suy nghĩ hiện tại. Khi nhận thấy điều này, hãy dừng lại, tập trung hơi thở và chuyển hướng suy nghĩ. Hãy hình dung rằng bạn có một cơ thể khỏe mạnh hơn, một cơ thể như chưa từng có ung thư.

Để duy trì trạng thái tích cực nhất có thể, tôi đã tách khỏi một số người nhất định và tìm đến những người có suy nghĩ đồng điệu. Họ đã khuyến khích tôi bởi họ hiểu những gì tôi đã trải qua.

Nếu bạn cũng ở trong trường hợp này, hãy xem đây là cơ hội để tập trung vào trận chiến mà bạn đang chiến đấu. Và đừng mắc sai lầm trong cuộc chiến chống ung thư. Vì sao bạn không thử kết hợp nghệ thuật chánh niệm vào các giải pháp chống ung thư của mình?

Thanh Long biên dịch
Tú Liên biên tập
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times

James Templeton
BTV Epoch Times Tiếng Anh
James Templeton là nhà sáng lập của hệ thống y tế Uni Key Health Systems vào năm 1992 và quỹ sức khỏe Templeton Wellness Foundation, với nỗ lực cống hiến và giúp đỡ mọi người đạt được những lợi ích sức khỏe.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn