Lịch sử máy đo điện tâm đồ
Máy đo điện tâm đồ đầu tiên vào năm 1887 là một cỗ máy nặng tới 600 pound (272kg). Nhưng hiện tại, chúng ta có thể sử dụng một thiết bị chỉ bằng chiếc đồng hồ đeo tay để ghi điện tim.
Đã hơn bốn tuần kể từ khi tôi mắc COVID-19. Hiện tại, ngoài cơn ho thỉnh thoảng kéo dài và một chút mệt mỏi, tôi đã cảm thấy dễ chịu hơn. Vấn đề duy nhất còn lại là những cơn tức ngực khó chịu. Ban đầu, nó gây khó chịu thường xuyên trong một thời gian ngắn ở mức độ nhẹ. Sau đó, trở nên đều đặn, nhưng không bao giờ gây “đau đớn”.
Thay vì suy nghĩ như một bác sĩ, tôi cố gắng làm một bệnh nhân và nghiêm túc đến bệnh viện làm một xét nghiệm máu đơn giản và điện tâm đồ.
Điện tâm đồ, hay ECG, thường được gọi là EKG, có nguồn gốc từ Đức. Tôi đã không đo điện tâm đồ trong một thời gian dài. Đó là một thiết bị đơn giản nhưng lại cung cấp rất nhiều thông tin. May mắn thay, tất cả đều tốt. Tôi chỉ bị một số ảnh hưởng nhẹ sau COVID.
Vào năm 1887, nhà sinh lý học người Anh Augustus Désiré Waller lần đầu phát hiện ra máy đo điện tâm đồ. Ông đặt các điện cực lên ngực và lưng của bệnh nhân, sau đó các xung điện của tim sẽ làm cho thủy ngân trong một số ống chuyển động. Những xung động này sẽ được chiếu lên một tấm ảnh phẳng (bằng kim loại) để tạo ra một hình ảnh tĩnh.
Điều này có thể gợi nhớ đến những hình ảnh về Tiến sĩ Frankenstein. Nhưng hãy nhớ rằng khoa học thời đó mới chỉ ở giai đoạn sơ khai. Máy điện tâm đồ Waller rõ ràng là không chính xác lắm. Theo bài báo “AD Waller and the Electrocardiogram, 1887” (Tạm dịch: AD Waller và điện tâm đồ, 1887) được xuất bản trên Tạp chí Y Khoa British, ông thậm chí còn không nhận ra tầm quan trọng của phát minh của mình trong thực hành lâm sàng.
Trong khi Tiến sĩ Waller bỏ lỡ tầm quan trọng của phát minh của mình, những người khác thì không. Công trình của ông đã được Willem Einthoven, một giáo sư sinh lý học tại Đại học Leiden ở Hà Lan tiếp tục nghiên cứu. Giáo sư Einthoven đã sử dụng điện kế dây để tiến hành ghi điện tâm đồ đầu tiên của con người vào năm 1905. Điện kế là một thiết bị dùng để phát hiện và đo dòng điện nhỏ.
Máy của Tiến sĩ Einthoven nặng 600 pound (hơn 272kg). Các bệnh nhân trong bệnh viện được kết nối với máy đo bằng dây điện thoại kéo dài từ phòng xét nghiệm đến vị trí của bệnh nhân với khoảng cách gần một dặm. Bệnh nhân phải đặt mỗi tay vào một chiếc xô đựng nước muối, và chân trái vào một chiếc xô đựng đầy dung dịch. Những chiếc xô này đóng vai trò như điện cực để dẫn dòng điện. Tiến sĩ Einthoven đã đặt ra thuật ngữ điện tâm đồ và đoạt giải Nobel về sinh lý học và y học năm 1924.
Ngài Thomas Lewis của Bệnh viện Đại học College ở London là người đầu tiên ghi lại nhịp tim không đều trên lâm sàng. Kể từ đó, điện tâm đồ đã nhanh chóng trở thành phương thức “hiện đại” giúp phân biệt cơn đau tim với cơn đau ngực đơn thuần.
Và sau một thế kỷ, chúng ta đã thấy rõ sự tiến bộ khác biệt. Ngày nay, chúng ta có Điện tâm đồ 12 đạo trình đại diện cho 12 vectơ điện được đo bằng điện tâm đồ đầy đủ.
Ngày nay, Apple và Kardia đã sản xuất các thiết bị cầm tay đơn giản có thể cung cấp hình ảnh nhịp tim có giá trị. Điều này nghĩa là họ có thể phát hiện ra rối loạn nhịp tim như rung nhĩ (Afib). Thiết bị di động Kardia nặng 18g, tương đương 0,04 pound so với chiếc máy nguyên bản nặng 600 pound (272kg). Rung nhĩ có mối liên hệ chặt chẽ với đột tử do tim và có thể dẫn đến cục máu đông, đột quỵ và suy tim. Theo một bài báo năm 2018 trên PLoS One, bệnh nhân mắc rung nhĩ có nguy cơ tử vong do mọi nguyên nhân tăng gấp 3,7 lần so với dân số chung,.
Đau tim, được gọi là nhồi máu cơ tim (MI), xảy ra khi cơ tim không nhận đủ máu (oxy), gây thiếu máu cục bộ và chết các tế bào cơ tim. Điện tâm đồ là một phương pháp đơn giản nhanh chóng để giúp chẩn đoán tình trạng này. Bệnh động mạch vành là nguyên nhân cơ bản chính dẫn đến nhồi máu cơ tim. Các triệu chứng của nhồi máu cơ tim có thể khác nhau nhưng thường bao gồm:
- Đau hoặc khó chịu ở ngực
- Cảm thấy yếu, choáng váng hoặc ngất xỉu
- Đau ở hàm, cổ hoặc thậm chí lưng
- Đau ở một hoặc cả hai vai hoặc cánh tay
- Khó thở
Một số người thực sự có biểu hiện đau dạ dày [khi bị nhồi máu cơ tim]. Điều này đôi lúc khiến các bác sĩ cấp cứu trở nên bối rối. Phụ nữ cũng có thể có một biểu hiện khác khi bị đau tim. Họ thường không bị “đau ngực”, nhưng có thể bị đau dạ dày, hàm hoặc cổ và cảm thấy mệt mỏi. Nhiều người vẫn có biểu hiện điển hình, trong khi nhiều người thì không. Điều này có thể dẫn đến việc chậm trễ trong việc tìm kiếm sự chăm sóc y tế.
Bệnh tim là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho cả nam và nữ. Theo báo cáo của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ, có khoảng 659,000 người chết mỗi năm vì bệnh tim, tương đương cứ 4 người thì có 1 trường hợp tử vong.
Trung tâm Thống kê Y tế Quốc gia báo cáo rằng khoảng 805,000 người ở Hoa Kỳ bị đau tim mỗi năm, với khoảng 1/5 là “đau tim thầm lặng” không có triệu chứng.
Điều mà hầu hết mọi người không nhận ra, đó là bệnh tim, chứ không phải ung thư vú, là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở phụ nữ, với gần 300,000 ca tử vong vào năm 2017. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh, con số này tương đương với 1/5 trường hợp tử vong.
Tú Liên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times