Lợi ích của việc trông trẻ đối với bậc ông bà

Một nghiên cứu mới so sánh giữa xã hội Á Châu và Tây phương đã phát hiện ra rằng mối quan hệ bền chặt giữa ông bà và những đứa cháu có thể mang lại lợi ích tương hỗ cho cả gia đình. Sự gắn kết này không chỉ giúp san sẻ công việc chăm sóc con cái cho các bậc cha mẹ mà còn giữ cho trí óc của ông bà luôn nhạy bén và ngăn ngừa sa sút trí tuệ.

Giáo sư danh dự của Đại học Nam Úc Marjory Ebbeck đã tiến hành nghiên cứu xem xét các mối quan hệ giữa các thế hệ ở Úc, Singapore và Hồng Kông. Kết quả cho thấy, ở nhiều nền văn hóa Á Châu, ông bà rất gắn bó với cuộc sống gia đình.

Giáo sư Ebbeck cho biết: “Ông bà thường sống cùng những đứa cháu nhỏ và đóng một vai trò tích cực trong việc giáo dục và phát triển của chúng.”

Mặc dù điều này chắc chắn có nghĩa là ông bà sẽ phải đảm nhận công việc chăm sóc trẻ. Nhưng việc này cũng mang lại những lợi ích đáng kể cho ông bà, bao gồm nâng cao giá trị bản thân, kết nối xã hội và cải thiện sức khỏe.

“Đổi lại, trẻ em sẽ có cơ hội được gần gũi và kính trọng ông bà, cũng như hiểu thêm về gia đình, văn hóa và những câu chuyện của họ,” Ebbeck nói.

Ở Hồng Kông và Singapore, vẫn còn tồn tại truyền thống Nho giáo về lòng hiếu thảo và sự kính trọng đối với người cao tuổi.

Bà cho hay: “Điều này có thể khiến các bậc ông bà có ý thức mạnh mẽ hơn về việc quyết định và mục đích [khi chăm sóc trẻ]. Sự gia tăng tương tác giữa các thế hệ cũng giúp ông bà kết nối với xã hội nhiều hơn.” 

Ngược lại, vì thiếu thốn, nhiều người cao tuổi ở Úc phải sống những năm tháng cuối đời xa gia đình. Nhiều người trong số họ phải ở trong các nhà dưỡng lão.

Ebbeck nói: “Do đó, họ thường cô đơn và ít gắn bó với các cháu hơn.”

Lợi ích của việc trông trẻ đối với ông bà
Trông trẻ có thể cải thiện tuổi thọ và kỹ năng nhận thức của bạn. (Ảnh: Monkey Business Images/Shutterstock)

Giáo sư Ebbeck nói rằng mối quan hệ chặt chẽ giữa các thế hệ có thể hỗ trợ cả những công dân già nhất và trẻ nhất tại Úc.

Bà cho biết: “Mối quan hệ giữa ông bà và các cháu không phải là một hiện tượng mới, nhưng do số lượng phụ nữ đi làm ngày càng nhiều, cũng như chi phí chăm sóc trẻ em tăng cao và một loạt các yếu tố khác đã khiến nhiều bậc ông bà trở thành những người chăm sóc trẻ quan trọng.

“Trong một xã hội đang già đi, cùng với ngày càng có nhiều cha mẹ làm việc lâu hơn, chúng ta cần tìm cách tạo ra sự tương trợ giữa các thế hệ.”

Một nghiên cứu trước đó về phụ nữ sau mãn kinh ở Úc cho thấy rằng việc trông cháu chỉ một lần một tuần có tác dụng ngăn ngừa bệnh Alzheimer. Việc tương tác với những đứa trẻ mới biết đi giúp kích thích các tế bào thần kinh trong các vùng não chịu trách nhiệm về khả năng biểu tượng, toán học và lời nói.

Một nghiên cứu ở Berlin với hơn 500 người tham gia từ 70 tuổi trở lên cũng cho thấy rằng các bậc ông bà có thể cải thiện tuổi thọ của họ nhờ việc trông trẻ.

Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng nguy cơ tử vong trong khoảng thời gian 20 năm đối với những ông bà chăm sóc cháu thấp hơn một phần ba so với những người không thực hiện công việc này.

Một số nhà tuyển dụng tiên phong của Úc, chẳng hạn như Westpac, Investa, Pitcher Partners và Đại học Quốc gia Úc, đã đưa ra các chính sách nghỉ phép cho ông bà nhằm hỗ trợ tài chính nhiều hơn cho các bậc cha mẹ và ông bà mới. Họ thừa nhận rằng việc nuôi dạy một đứa trẻ thực sự mất rất nhiều công sức và sự cố gắng của nhiều người. 

Các chính sách bao gồm năm ngày nghỉ phép có lương hoặc tối đa 12 tháng nghỉ phép không lương để các bậc ông bà có cơ hội chăm sóc cháu của mình. 

Tú Liên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times

Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn