Một dự án kỷ luật tự giác của tôi

Kiểm soát cảm xúc, ham muốn và hành động giúp chúng ta tạo ra một cuộc sống tốt đẹp hơn

“Kỷ luật là sự chọn lựa giữa những gì bạn muốn bây giờ và những gì bạn muốn nhất.”

-Abraham Lincoln

Tôi đã học được một bài học quý giá từ con trai mình

Từ khi còn trong bụng mẹ, theo kết quả siêu âm thì con tôi rất thích mút ngón tay cái. Sau khi bé chào đời, chúng tôi đã cố gắng cho bé sử dụng núm vú giả, nhưng thường thì núm vú giả bị tuột ra và thay vào là ngón tay cái của bé. Ngón tay cái cùng với chiếc chăn lụa đã trở thành nguồn an ủi và là phương tiện ru ngủ của bé. Ngón tay cái của bé dường như ở trong miệng nhiều hơn là ở bên ngoài.

Khi đến tuổi đi học mẫu giáo rồi mà bé vẫn không có dấu hiệu từ bỏ thói quen mút ngón tay cái, tôi nảy ra ý tưởng là cho bé xem ảnh những người có hàm răng lệch do thường xuyên mút ngón tay. Sau khi được nghe giải thích rằng điều này có thể sẽ xảy ra với mình, bé đã miễn cưỡng đồng ý rằng khi thay chiếc răng sữa đầu tiên cháu sẽ ngừng mút ngón tay cái của mình.

Vài tháng sau, khi chiếc răng sữa đầu tiên bị rụng, bé nhớ lại lời hứa của mình và hỏi: “Mẹ ơi, như vậy là con phải ngừng mút ngón tay cái của mình phải không?”. Sau khi tôi trả lời: đúng, bé đáp: “Nhưng nếu con không làm được thì sao? Mút ngón tay giúp con dễ ngủ hơn, mà có khi con còn không biết là mình đang mút ngón tay cơ”. Tôi đã bảo cậu bé đừng lo lắng, và tôi biết bé có thể làm được.

Khi đến giờ đi ngủ, bé hỏi: “Mẹ ơi, mẹ cho con mút ngón tay cái mỗi tối nay nữa được không?” Tôi nói với con rằng tôi biết điều đó thật khó khăn, nhưng nếu con càng mút ngón tay cái của mình lâu thì sẽ càng khó dừng lại. Tôi bảo bé đừng nghĩ về điều đó quá nhiều, và chẳng bao lâu sau thì bé đã ngủ.

Trong ba đêm tiếp theo, đêm nào con tôi cũng hỏi tôi cùng một câu hỏi đó, mỗi đêm một lần. Thật ngạc nhiên là chỉ sau vài ngày, bé đã lăn ra ngủ mà không cần phải mút ngón tay. Tôi ngạc nhiên trước sức mạnh ý chí của cậu bé, và việc bé có thể từ bỏ sự phụ thuộc suốt đời vào ngón tay cái của mình nhanh như thế nào.

Một cái nhìn sâu sắc hơn

Khả năng có kỷ luật tự giác như vậy của con trai ngay từ khi còn nhỏ đã gây ấn tượng với tôi. Đó không phải là lần duy nhất tôi nhận thấy điều đó, và tôi nói đùa rằng sức mạnh ý chí của cậu bé chắc là từ cha của cậu bé, một người cũng có tính kỷ luật cao không kém. Mặc dù tôi cũng đã nỗ lực để làm tốt hơn về mặt này, nhưng tôi chắc chắn vẫn còn có chỗ cần phải cải thiện.

Soi vào bản thân mình, tôi nhận ra rằng đã có những lúc tôi đã buông thả, lười biếng, muốn những gì thoải mái và dễ dàng, đôi khi nói hoặc làm những điều để thể hiện hoặc làm cho đẹp mắt trong mắt người khác, và đôi khi, bỏ qua lịch trình và mục tiêu mà tự mình đã đặt ra. Vì vậy, để cải thiện bản thân, tôi quyết định thực hiện dự án kỷ luật tự giác cá nhân của riêng mình.

Tôi nghĩ rằng cách tốt nhất để bắt đầu là tìm hiểu ý nghĩa chính xác của kỷ luật tự giác, cũng như những nội dung của nó.

Theo từ điển tiếng Anh của Google, kỷ luật tự giác được định nghĩa là: 1. khả năng kiểm soát cảm xúc và khắc phục điểm yếu của bản thân; 2. khả năng theo đuổi những gì người ta cho là đúng, bất chấp những cám dỗ từ bỏ nó. Từ điển Merriam-Webster định nghĩa kỷ luật tự giác là: thay đổi hoặc điều chỉnh bản thân vì mục đích cải thiện.

Về bản chất, kỷ luật tự giác kiểm soát ham muốn và cảm xúc của một người để đổi lấy lợi ích lớn hơn, ngay cả khi điều đó đòi hỏi nhiều thời gian và nỗ lực hơn.

Vậy thì: những gì liên quan đến kỷ luật tự giác? Theo các chuyên gia, kỷ luật tự giác bao gồm các tính cách như ý chí, sự can đảm, dũng cảm, quyết tâm, kiên trì, nhẫn nại, kiên định, có định hướng, thận trọng, kiềm chế, cẩn thận, kiên cường, kiên quyết, kiên nhẫn, chăm chỉ và điều độ.

Nhưng chỉ có những đức tính này thôi thì chưa đủ, kỷ luật tự giác còn phải dựa trên lòng tốt và trí tuệ nữa. Ví dụ, một tên tội phạm có thể có sự kiên nhẫn của một vị thánh trong khi chờ đợi để cướp một ngôi nhà, nhưng sự kiên nhẫn này không được sinh ra từ lòng tốt cũng như trí tuệ. Do đó, cần phải có một trái tim và một tư duy dựa trên chuẩn mực đạo đức mạnh mẽ.

Có vẻ như kỷ luật tự giác không phải là vấn đề đơn giản. Nó không chỉ đòi hỏi khả năng mà còn cả sự sẵn sàng điều chỉnh hành vi của chính mình sao cho phù hợp với các giá trị, cam kết và mục tiêu của họ. Tuy nhiên, nói thì nghe có vẻ dễ nhưng thực hiện được kỷ luật tự giác là một việc rất khó khăn.

Chìa khóa của hạnh phúc và thành công

H.A. Dorfman, nhà tâm lý học thể thao hàng đầu và là tác giả viết về các kỹ năng tinh thần cần thiết để đạt được thành công trong thể thao chuyên nghiệp nói: “Kỷ luật tự giác là một dạng tự do. Tự do khỏi lười biếng và uể oải, tự do khỏi mong đợi và đòi hỏi của người khác, tự do khỏi yếu đuối và sợ hãi – và nghi ngờ. Kỷ luật tự giác cho phép người ném bóng cảm nhận được cá tính, sức mạnh bên trong và tài năng của mình. Anh ấy là chủ nhân của, chứ không phải là nô lệ của những suy nghĩ và cảm xúc của mình.”

Dorfman biết rằng kỷ luật tự giác là chìa khóa dẫn đến thành công, không chỉ ở trong thể thao mà còn trong cuộc sống nữa.

Trên thực tế, các nghiên cứu cho thấy rằng người có kỷ luật tự giác sẽ đạt được nhiều thành quả hơn trong mọi lĩnh vực của cuộc sống—từ sức khỏe tốt hơn đến ít lo lắng và trầm cảm hơn, ít nghiện ngập hơn, tập trung tốt hơn, tăng tính trung thực, các mối quan hệ hài hòa hơn, thành công và hạnh phúc hơn ở nơi làm việc hoặc trường học, và an ninh tài chính tốt hơn so với các đối tác ít kỷ luật hơn của họ.

Khi chúng ta thiếu kỷ luật tự giác, chúng ta nuông chiều những mặt ích kỷ của mình và giảm ý thức trách nhiệm của cá nhân. Thay vì phải tuân theo một tiêu chuẩn cao hơn, yêu cầu chúng ta phải kiềm chế các hành động bốc đồng và ham muốn của mình thì chúng ta lại dễ dàng đổ lỗi cho người khác về những sai sót mà chúng ta mắc phải.

Ngược lại, khi chúng ta tự kiềm chế, chúng ta không những cảm thấy tốt hơn về bản thân mà còn nghĩ đến người khác trước. Sự tín nhiệm của chúng ta tăng lên một cách tự nhiên, chúng ta cảm thấy hạnh phúc và tự tin hơn, và chúng ta có cảm giác kiểm soát được cuộc sống của mình.

Rèn luyện tính kỷ luật tự giác cho con cái chúng ta

Vị Tổ phụ Lập Quốc Hoa Kỳ Benjamin Franklin, người rất am tường về tầm quan trọng của kỷ luật tự giác đã nói: “Giáo dục con bạn biết cách tự chủ, có thói quen nuôi dưỡng niềm đam mê, định kiến và khuynh hướng xấu của chủ thể theo hướng đúng đắn và hợp lý, và bạn sẽ làm được nhiều điều để xóa bỏ sự khốn khổ trong tương lai của các con và tội ác của xã hội.”

Trên thực tế, nhiều nghiên cứu đã chứng minh được điều này. Ví dụ, một nghiên cứu đã theo dõi 1,000 trẻ em từ sơ sinh đến 32 tuổi và phát hiện ra rằng “sự tự chủ ở thời thơ ấu là thước đo dự đoán sức khỏe thể chất, sự phụ thuộc vào chất kích thích, tình hình tài chính cá nhân và hậu quả phạm tội của đứa trẻ.” Sự thành công khi thực hiện các nhiệm vụ trong cuộc sống phụ thuộc vào khả năng của trẻ trong việc “trì hoãn sự hài lòng, kiểm soát các cơn bốc đồng và điều chỉnh biểu hiện cảm xúc.”

Thật thú vị là nghiên cứu cho thấy khả năng tự kiểm soát không liên quan đến trí thông minh hay tầng lớp xã hội của một người, khả năng tự kiểm soát có thể dạy và học được. Các nhà nghiên cứu kết luận rằng việc dạy trẻ tự kiểm soát trong thời thơ ấu không chỉ mang lại lợi ích cho cá nhân mà còn có thể làm giảm chi phí xã hội, thúc đẩy sự thịnh vượng và ổn định.

Vậy chúng ta nên áp dụng những phương thức nào để có thể thấm nhuần tính kỷ luật tự giác cho trẻ em? Ví dụ, các nghiên cứu cho thấy rằng một số lớp học nhất định, như võ thuật, nhạc và sử dụng thông thạo ngôn ngữ thứ hai là những phương thức giúp tăng cường khả năng tự kiểm soát tuyệt vời.

Những gì diễn ra ở nhà cũng rất quan trọng. Theo Viện nghiên cứu Child Mind, “Trẻ em cần được dạy và thực hành kỹ năng tự điều chỉnh. Bí quyết là không được tránh những tình huống khó khăn. Thay vào đó, cha mẹ có thể hướng dẫn trẻ vượt qua những tình huống khó khăn.” Khi các con trẻ hòa mình vào cuộc sống bên ngoài thì chúng ta nên “khuyến khích chúng sống chậm lại và suy ngẫm. Với sự giúp đỡ của ba mẹ, trẻ có thể học cách tự hỏi: Điều gì đã xảy ra? Tại sao? Làm thế nào để mình có thể khắc phục được điều đó cho lần tiếp theo? Chánh niệm rõ ràng là đóng một vai trò quan trọng.

Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng các trò chơi như Đèn đỏ, Đèn xanh hoặc trò chơi đóng băng dạy trẻ chống lại các thói quen và kiềm chế các cơn bốc đồng cũng có thể hữu ích cho việc giáo dục các bé tính kỷ luật tự giác. Giao cho trẻ một nhiệm vụ và xác định các quy tắc thực hiện nhiệm vụ đó là một cách khác để rèn luyện tính tự giác. Khi trẻ tạm dừng lại để suy ngẫm về hành vi của mình thì chúng sẽ biết được liệu hành vi đó có phù hợp với việc làm đúng hay không.

Rèn luyện kỷ luật tự giác của bản thân chúng ta

Theo tác giả tự lực học Napoléon Hill, “Kỷ luật tự giác bắt đầu bằng việc làm chủ suy nghĩ của mình. Nếu bạn không kiểm soát những điều bạn nghĩ, bạn sẽ không thể kiểm soát được những điều bạn làm. Đơn giản, kỷ luật tự giác cho phép bạn suy nghĩ trước và hành động sau.”

Nếu chúng ta không có những suy nghĩ đúng đắn, chúng ta không thể có những hành động đúng đắn. Do đó, chúng ta nên chú ý kỹ đến nhiều suy nghĩ ngẫu nhiên mà chúng ta có trong ngày—và điều chỉnh những suy nghĩ không phù hợp với con người chúng ta muốn trở thành—là rất quan trọng.

Cuối cùng, kỷ luật tự giác là một bước đệm giúp chúng ta hành động theo các giá trị và lý trí của mình, thay vì hành động theo cảm xúc hoặc để thỏa mãn ham muốn của mình.

Để hỗ trợ nỗ lực thực hành tính kỷ luật tự giác này, tôi đã lập một trang Facebook, cùng với một nhóm Facebook mang tên “Dự án Kỷ luật Bản thân”. Tại trang Facebook này, bạn có thể chia sẻ những câu chuyện cá nhân, những khó khăn và thành công của mình—đồng thời hy vọng nhận được những ý kiến góp ý và động lực từ những người khác trong quá trình thực hiện.

Những phương thức khả thi khác mà chúng ta có thể thực hiện để cải thiện tính kỷ luật tự giác là gì?

Đầu tiên là nên dành thời gian để tự suy ngẫm. Biết chính mình, như Socrates đã nói, là rất quan trọng. Thật không may, nhiều người trong chúng ta chưa bao giờ thực sự dừng lại để xác định giá trị của mình. Nếu không có kết quả của việc suy ngẫm này thì chúng ta có thể lúng túng hoặc hành động theo cách mà sau này chúng ta hối hận. Điều quan trọng là phải suy nghĩ xem chúng ta là ai, chúng ta muốn trở thành ai và giá trị của chúng ta là gì, sau đó viết những điều đó ra giấy và thường xuyên nhắc nhở bản thân.

Nếu các giá trị của bạn bao gồm những điều như: trung thực, tử tế, chính trực, nghĩ đến người khác trước, kiên nhẫn, khoan dung và tha thứ, thì khi bạn phải đối mặt với một tình huống khó khăn, những tính cách đó sẽ giúp cho việc rèn luyện tính kỷ luật và thực hiện những điều đúng đắn sẽ trở nên dễ dàng hơn nhiều.

Tiếp theo là tìm những điều có thể thúc đẩy bạn và quan trọng đối với bạn. Sau đó viết kế hoạch thực hiện ra giấy, liệt kê chi tiết các mục tiêu ngắn hạn và dài hạn, và đặt bản kế hoạch đó ở nơi bạn có thể nhìn thấy. Theo các nhà tâm lý học, việc tự giám sát giúp cải thiện sự tuân thủ và có kết cục tốt hơn, vì vậy hãy đánh giá xem bạn đã cải thiện ở đâu và bạn có thể làm tốt hơn ở đâu vào cuối mỗi ngày.

Chia sẻ kế hoạch của bạn (hoặc Dự án Kỷ luật Bản thân) với một người bạn, thường xuyên xem danh mục cần thực hiện và tìm kiếm sự hỗ trợ cũng giúp bạn tăng thành công. Điều này không chỉ mang lại cảm giác là cần phải có trách nhiệm đối với công viêc mà còn tạo ra sự hỗ trợ về mặt tinh thần.

Bạn nên có thái độ lạc quan và quyết tâm. Khi có những sai lầm không thể tránh khỏi xảy ra thì đừng nản lòng mà thay vào đó, hãy học hỏi từ những sai lầm của bạn, đứng dậy và tiếp tục bước đi, luôn cố gắng làm tốt hơn.

Bạn nên nhớ rằng, sự tự kiềm chế giống như một cơ bắp; bạn càng sử dụng nó, nó càng mạnh hơn. Giống như đến phòng tập thể dục, lúc đầu thấy rất khó khăn và bạn có thể cảm thấy kiệt sức, nhưng khi bạn kiên trì thì sức chịu đựng và sức mạnh của bạn sẽ tăng lên và việc thực hiện điều này dường như không còn khó khăn nữa.

Khi các hành động chúng ta càng ngày càng xuất phát từ những suy nghĩ tích cực thì chúng sẽ càng trở nên mạnh mẽ hơn và khi đó những phần không tích cực sẽ trở nên yếu đi và dần biến mất.

Gần đây, tôi đã hỏi con trai mình, hiện 15 tuổi, rằng làm thế nào mà cháu có thể tự kỷ luật như vậy (vì cháu mới đang ở tuổi thiếu niên mà đã muốn tự khép mình vào kỷ luật). Cậu ấy trả lời: “Con nghĩ đó là bởi vì: con nghĩ rằng những điều mà con đang cố gắng vượt qua chẳng có gì là quá quan trọng cả. Con nghĩ rằng: cách nhìn nhận vấn đề như thế của con sẽ làm cho con có thể từ bỏ được các tính xấu một cách dễ dàng hơn”.

Trong câu trả lời của con đã chứa đựng cả sự khôn ngoan trong đó. Khi chúng ta không coi trọng những gì chúng ta đang cố gắng vượt qua—như khi chúng ta từ bỏ việc tranh giành hơn thua với ai đó trong cuộc tranh luận và thay vào đó là lòng trắc ẩn, bỏ ngủ nướng để dậy và tập thể dục, hoặc không mua một món đồ mới nào đó để có thể duy trì ngân sách—nghĩa là chúng ta đã củng cố được tính kỷ luật tự giác của mình. Bằng cách không bám vào những phần của bản thân mà chúng ta cần buông bỏ, thì việc đạt được kỷ luật tự giác sẽ trở nên khả thi.

Như Abraham Lincoln đã nói, tất cả chỉ là vấn đề chúng ta mong muốn điều gì nhất.

Bài viết này được đăng lần đầu trên Tạp chí Radiant Life.

Khánh Nam biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times

Tatiana Denning
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Cô Tatiana Denning, D.O. là một bác sĩ gia đình và chủ sở hữu của Simpura Weight Loss and Wellness. Cô tin vào việc cung cấp cho bệnh nhân kiến ​​thức và kỹ năng cần thiết để duy trì và cải thiện sức khỏe của chính họ thông qua quản lý cân nặng, tạo lập thói quen lành mạnh để phòng ngừa bệnh tật.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn