Nghiên cứu: Ăn khuya dễ gây bệnh tiểu đường và các rối loạn chuyển hóa

Một nghiên cứu của Đại học Northwestern (Evanston, Illinois), được đăng trên trang Science vào tháng 10, cho thấy rằng việc ăn trước khi đi ngủ dễ gây béo phì và có thể làm rối loạn đồng hồ sinh học, rối loạn chuyển hóa, và tăng nguy cơ bị bệnh tiểu đường.

Nhóm nghiên cứu đã chia những con chuột ăn đêm thành hai nhóm được cho ăn hàm lượng chất béo cao vào lúc hoạt động (ban đêm) và không hoạt động (ban ngày). Các kết quả một tuần sau đó cho thấy những con chuột ăn trong thời gian không hoạt động tăng cân nhiều hơn.

Ông Chelsea Helper, tác giả chính của nghiên cứu, lưu ý rằng những con chuột tiêu hao nhiều năng lượng hơn vào những thời điểm cụ thể, vì vậy mặc dù cả hai nhóm đều tiêu thụ thức ăn giống nhau, những con chuột ăn trong thời gian hoạt động lại khỏe mạnh hơn.

Nhóm nghiên cứu tin rằng năng lượng được tạo ra có thể là cơ chế được đồng hồ sinh học dùng để kiểm soát cân bằng năng lượng trong cơ thể. Nghiên cứu cũng phát hiện rằng những con chuột được cấy ghép (biến đổi gene, đưa một đoạn DNA ngoại lai vào bộ gene của chuột) có khả năng sinh nhiệt tế bào mỡ cao hơn sẽ ít bị béo phì hơn, và cơ chế này có liên quan đến chuyển hóa creatine.

Ông Joseph B. Bass, một giáo sư tại Đại học Y khoa Northwestern, cho biết những động vật tiêu thụ thực phẩm có hàm lượng chất béo và carbohydrate cao dễ bị rối loạn đồng hồ sinh học. Đồng hồ sinh học rất nhạy cảm với thời gian bữa ăn, đặc biệt là ở mô mỡ. Tuy nhiên, bữa ăn có hàm lượng chất béo cao có thể làm rối loạn sự nhạy cảm này. Mặc dù cơ chế đằng sau chưa rõ ràng, các nghiên cứu đã phát hiện những động vật bị béo phì thường có khuynh hướng ăn nhiều hơn trong thời gian đáng ra phải đi ngủ, cho thấy một mối liên quan giữa béo phì và đồng hồ sinh học.

Ông Bass cũng nói rằng phát hiện này không chỉ giúp hiểu biết về cách ăn uống và thiếu ngủ [ảnh hưởng đến sức khỏe] mà còn có ý nghĩa đối với bệnh nhân được chăm sóc dài hạn. Bệnh nhân dựa vào ống dẫn thức ăn thường được cung cấp dinh dưỡng trong khi ngủ vào ban đêm; nhưng đây là thời điểm cơ thể tạo ra ít năng lượng nhất, vì vậy ông Bass tin rằng nghiên cứu này có thể giải thích về tỷ lệ béo phì và tiểu đường cao ở những người này.

Vân Hi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Kenneth LaFave
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Kenneth LaFave từng là nhà bình phẩm âm nhạc cho tờ Arizona Republic and The Kansas City Star, gần đây ông nhận được bằng tiến sĩ trong triết lý học, nghệ thuật, và tư duy phản biện từ trường European Graduate School. Ông là tác giả của ba tựa sách, trong đó bao gồm “Experiencing Film Music” (2017, Rowman & Littlefield).
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn