Nghiên cứu chỉ ra tác dụng nổi bật của thiền định đối với những bệnh kinh niên

Loạt bài viết về thiền định

Mặc dù bắt nguồn từ nhiều truyền thống tôn giáo cổ xưa cách đây hàng ngàn năm, nhưng thiền định vẫn ngày càng được thực hành nhiều hơn trong thế giới hiện đại của chúng ta, giúp giảm căng thẳng và cải thiện chất lượng cuộc sống.

Ngoài việc giảm căng thẳng, thiền định còn mang lại cho chúng ta nhiều lợi ích không ngờ theo những cách không thể tưởng tượng được. Vậy chúng ta nên thiền như thế nào? Thời lượng tối ưu và tư thế tốt nhất là gì? Chúng ta có nên nghĩ về điều gì đó trong khi thiền không? Những câu hỏi này sẽ được các chuyên gia đông y và tây y giải đáp trong loạt bài viết của chúng tôi.

Một y tá về bệnh tâm thần – cô Deborah Collins-Perrica gần đây đã chia sẻ với Thời báo The Epoch Times về những lợi ích kỳ diệu của thiền định trong quá trình thực hành thiền của mình.

Bệnh nhân cũ của cô – một phi công chiến đấu trong Lực lượng Không quân Hoa Kỳ được chẩn đoán bị bệnh đa xơ cứng. Trước đây anh đã đi tư vấn nhiều bác sĩ thần kinh và được thông báo rằng với sự tiến triển của căn bệnh thì cuối cùng anh sẽ bị liệt.

Cô Collins-Perrica quyết định dạy thiền định cho anh, cụ thể là thực hành ngồi thiền theo bài công pháp thứ năm của Pháp Luân Đại Pháp (còn được gọi là Pháp Luân Công). Anh bắt đầu ngồi thiền với tư thế dễ nhất và tăng dần khả năng ngồi với khoảng thời gian dài hơn. Cuối cùng, anh đã ngồi thiền được tới cả giờ đồng hồ trong tư thế kiết già.

Vài năm trôi qua nhanh chóng và giờ đây người phi công đang tràn đầy năng lượng, hạnh phúc và làm việc toàn thời gian. Các bác sĩ thần kinh đã rất ngạc nhiên trước sự tiến bộ của anh và nói với anh rằng: “Chúng tôi không có lời giải thích khoa học nào cho những gì đang xảy ra với anh.” Theo cô Collins-Perrica: “Việc luyện tập Pháp Luân Công đã làm thay đổi hoàn toàn mọi thứ đối với anh ấy.”

Thiền định có khả năng chữa lành hoặc cải thiện các triệu chứng của các bệnh kinh niên bao gồm cả ung thư, bệnh tự miễn dịch, bệnh tim mạch và tiểu đường. Thậm chí thiền định có thể giúp bệnh nhân sống lâu hơn với chất lượng cuộc sống tốt hơn.

Thiền định ảnh hưởng đến các bệnh kinh niên như thế nào?

Tăng độ dài Telomere trên DNA

Telomere là các đoạn DNA giống như chiếc mũ được tìm thấy ở đầu mút của nhiễm sắc thể giúp duy trì tính toàn vẹn của chúng và kiểm soát chu kỳ phân bào. Sau mỗi lần phân bào các telomere sẽ bị ngắn lại một chút, không còn khả năng nhân lên hoặc sửa chữa các mô trong cơ thể. Khi độ dài của telomere đạt tới mức giới hạn, các tế bào sẽ bắt đầu quá trình apoptosis, hay còn gọi là chết tế bào theo chương trình.

Chiều dài của telomere sẽ ngắn dần khi chúng ta già đi, và quá trình bị ngắn đi này có liên quan đến nguy cơ bị các bệnh kinh niên như ung thư.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người có telomere dài hơn thực sự có thể sống thọ hơn và khỏe mạnh hơn.

Một nghiên cứu của Canada được công bố trên tập san Cancer đã phát hiện ra rằng thiền định có thể tăng độ dài của telomere và kéo dài tuổi thọ bằng cách giảm căng thẳng và hỗ trợ về mặt tinh thần.

Giảm căng thẳng

Ông Sunjya Schweig, bác sĩ y khoa, một chuyên gia về các bệnh kinh niên phức tạp nói với Thời báo The Epoch Times: Nhiều người rất hay căng thẳng do bệnh tật, và (trong vòng luẩn quẩn) sự căng thẳng lại làm cho căn bệnh trở nên tồi tệ hơn.”

Trong một nghiên cứu thực hiện với 90 bệnh nhân bị các loại ung thư khác nhau và các bệnh nhân này được phân vào nhóm thực hành thiền định hoặc nhóm trong danh sách chờ (nhóm đối chứng-ND). Nhóm thực hành thiền định đã thực hành thiền 1.5 giờ hàng tuần trong bảy tuần và thực hành thiền định tại nhà. So với nhóm đối chứng thì về tổng thể, nhóm thực hành thiền định đã giảm căng thẳng, trầm cảm, lo lắng, tức giận, bối rối, giảm triệu chứng của bệnh hơn. Các thành viên trong nhóm đã giảm 65% rối loạn tâm lý và 31% các triệu chứng liên quan đến căng thẳng.

Tăng khả năng miễn dịch

Những bệnh nhân bị các bệnh kinh niên thường có hệ thống miễn dịch yếu. Thiền định được chứng minh là giúp làm tăng khả năng miễn dịch thông qua việc sản xuất kháng thể và các tế bào miễn dịch khác.

Nghiên cứu cho thấy thiền định có thể làm tăng hoạt động của telomerase, giảm viêm một cách đáng kể và tăng số lượng tế bào CD4. T-CD4 những tế bào hỗ trợ của hệ miễn dịch chịu trách nhiệm gửi tín hiệu đến các tế bào miễn dịch khác để loại bỏ nhiễm trùng.

Một nghiên cứu từ Ấn Độ cho thấy thiền định có thể làm giảm interleukin-6 (một loại cytokine đóng vai trò chính trong phản ứng viêm), protein phản ứng C (một loại protein do gan sản xuất ra để phản ứng với viêm) và yếu tố hoại tử khối u-alpha (một loại protein đóng vai trò chính trong đáp ứng miễn dịch của cơ thể với nhiễm trùng và viêm nhiễm).

Cải thiện lưu thông máu

Hồ Nãi Văn là bác sĩ Trung y nổi tiếng trên thế giới, cho biết: khi ngồi thiền trong tư thế kiết già, chân sẽ bắt chéo và bị cong, do đó tuần hoàn ngoại vi của bàn chân không tốt. Tuy nhiên, sau khi kết thúc tư thế thiền, hai chân không còn bắt chéo nữa thì máu sẽ ngay lập tức chảy qua các tĩnh mạch, có thể giúp khai thông các tắc nghẽn ở phần dưới cơ thể.

Việc tái “khởi động nhanh” dòng máu đã làm cho oxy có thể tự do lưu thông đến các tế bào và cơ quan như tim và não, giúp cải thiện các triệu chứng liên quan đến bệnh kinh niên.

Cải thiện các triệu chứng của bệnh kinh niên

Nhiều nghiên cứu đã phát hiện thấy thiền định có thể cải thiện các triệu chứng của nhiều bệnh kinh niên như ung thư, bệnh tự miễn và hội chứng COVID kéo dài.

Có thể kéo dài tuổi thọ cho các bệnh nhân ung thư

Mặc dù không có bằng chứng lâm sàng nào cho thấy thiền định thực sự có thể chữa khỏi bệnh ung thư, nhưng với những lợi ích của thiền định như giảm căng thẳng và tăng mức năng lượng sẽ giúp nâng cao và kéo dài tuổi thọ cho các bệnh nhân ung thư.

Trong nghiên cứu của Canada đã được đề cập ở phần trên, 88 người sống sót sau ung thư vú được phân ngẫu nhiên vào ba nhóm, bao gồm một nhóm thực hành thiền định, một nhóm áp dụng liệu pháp hỗ trợ và một nhóm không tham gia thực hành thiền định hoặc liệu pháp hỗ trợ. Những người tham gia nhóm thực hành thiền định đã tham gia tám buổi thiền kéo dài 90 phút hàng tuần, trong khi những người tham gia nhóm liệu pháp hỗ trợ gặp nhau trong 12 tuần, 90 phút mỗi tuần.

Các nhà nghiên cứu sau đó đã phát hiện thấy chiều dài của telomere của những người tham gia các nhóm thực hành thiền định và liệu pháp hỗ trợ được giữ nguyên, trong khi chiều dài của telomere của nhóm thứ ba – những người không tham gia thực hành thiền định hoặc liệu pháp hỗ trợ đã trở nên ngắn hơn.

Vì chiều dài của telomere có liên quan đến tuổi thọ nên những người bệnh ung thư có tham gia thiền định và nhận liệu pháp hỗ trợ có thể được kéo dài tuổi thọ.

Cải thiện các triệu chứng của bệnh tự miễn

Trong khi cô Collins-Perrica trình bày bằng chứng kỳ diệu về cách thiền giúp bệnh nhân của cô hồi phục khi bị đa xơ cứng, thì đã có nhiều nghiên cứu chứng minh tác dụng của thiền định trong việc cải thiện các triệu chứng của nhiều bệnh tự miễn.

Một nghiên cứu trên 37 bệnh nhân bị bệnh vẩy nến từ trung bình đến nặng – những người đã phải dùng đến liệu pháp quang trị liệu hoặc quang hóa trị liệu bằng tia cực tím để điều trị. Một số bệnh nhân tham gia thực hành thiền định trong khi điều trị bằng tia cực tím, những bệnh nhân khác thì không.

Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng thiền định đã làm tăng đáng kể khả năng giải quyết tổn thương vảy nến cho những bệnh nhân thực hành thiền định. Các bệnh nhân trong nhóm thực hành thiền định khỏi bệnh vẩy nến sau 35 ngày, sớm hơn 16 ngày so với những người không thực hành thiền định.

Một nghiên cứu sơ bộ kéo dài 8 tuần cho thấy chương trình giảm căng thẳng dựa trên thiền chánh niệm (MBSR) đã cải thiện được bệnh và giảm nhu cầu dùng thuốc cho bệnh nhân mắc bệnh viêm gan tự miễn trong một năm, với 35 % bệnh nhân giảm trung bình nồng độ alanine aminotransferase (ALT) trong huyết thanh. ALT là một enzym trong gan được giải phóng vào máu khi các tế bào gan bị tổn thương. Hơn nữa, 71% người tham gia đã giảm đáng kể việc phải dùng thuốc ức chế miễn dịch.

Một bệnh tự miễn khác là lupus ban đỏ hệ thống (SLE) – một loại lupus phổ biến nhất có ảnh hưởng đến nhiều hệ cơ quan. Một nghiên cứu năm 2021 đã thực hiện với 26 bệnh nhân SLE được phân ngẫu nhiên vào nhóm thiền chánh niệm hoặc nhóm không thực hành thiền định. Sau khi hoàn thành khóa học thiền chánh niệm thì những thành viên của nhóm này có nhiều cải thiện hơn về chất lượng cuộc sống và các triệu chứng SLE so với nhóm không thực hành thiền định.

Các nhà nghiên cứu kết luận rằng thiền định có “tiềm năng trị liệu đáng kể” đối với bệnh nhân SLE.

Ngoài ra, khi thực hiện một tổng quan trên 21 nghiên cứu về tác động của thiền định đối với các bệnh tự miễn như viêm khớp dạng thấp và SLE, các nhà nghiên cứu đã phát hiện thấy khả năng tâm lý chịu tác động từ thiền định và những thay đổi về dấu ấn sinh học. Họ tuyên bố rằng việc thực hành thiền chánh niệm có tác động tích cực đến kết quả chữa trị của bệnh nhân và có thể được sử dụng kết hợp với liệu pháp dược lý trong điều trị các bệnh tự miễn.

Giảm nguy cơ bị bệnh tim mạch

Một nghiên cứu năm 2020 đã sử dụng dữ liệu từ tổ chức Khảo sát phỏng vấn sức khỏe quốc gia để phân tích và cho thấy việc thực hành thiền định có liên quan đến việc giúp giảm tỷ lệ bị các yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh tim mạch và bệnh tật.

Trong một nghiên cứu khác với 201 người tham gia là nam và nữ da đen bị bệnh mạch vành được phân ngẫu nhiên vào nhóm thực hành thiền định và nhóm giáo dục sức khỏe. Những người tham gia nhóm đầu tiên được bổ sung việc thực hành thiền định.

Trong 5.4 năm theo dõi, so với nhóm thứ hai thì những người tham gia nhóm thực hành thiền định đã giảm 48% nguy cơ đau tim, đột quỵ và tử vong do mọi nguyên nhân, 24% nguy cơ tử vong và nhập viện do bệnh tim mạch.

Một trong những bệnh tim mạch thường gặp là bệnh động mạch vành với nguyên nhân là do sự tích tụ mảng bám trong động mạch vành.

Một nghiên cứu được thực hiện ở Ấn Độ được công bố trên Tập san Quốc tế về Yoga với 60 người tham gia bị bệnh động mạch vành được phân ngẫu nhiên vào một nhóm thực hành thiền định và một nhóm không thực hành thiền định. Sau sáu tháng, các nhà nghiên cứu đã thấy lượng đường trong máu của nhóm thực hành thiền định giảm đáng kể, trong khi nhóm kia lại có sự gia tăng đáng kể nồng độ insulin huyết thanh lúc đói so với mức tương ứng của họ sáu tháng trước đó.

Sự gia tăng lượng đường trong máu có liên quan đến việc tăng nguy cơ bị bệnh động mạch vành. Một số loại thiền định như MBSR đã được phát hiện là có khả năng làm giảm đáng kể cả huyết áp tâm thu và tâm trương.

Dựa trên nghiên cứu hiện tại, Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ coi thiền định là một hoạt động có lợi cho sức khỏe tim mạch và khuyến nghị dùng thiền định như một phương pháp hỗ trợ cho việc giảm nguy cơ tim mạch theo hướng dẫn.

Cải thiện các triệu chứng COVID kéo dài

Thiền định cũng đã được áp dụng để điều trị các triệu chứng COVID trong đại dịch và được chứng minh là có hiệu quả trong việc cải thiện các triệu chứng COVID kéo dài.

Trong một nghiên cứu được công bố gần đây với 34 bệnh nhân bị hội chứng COVID kéo dài được phân ngẫu nhiên vào nhóm thực hành thiền định và nhóm không thực hành thiền định. Nhóm thực hành thiền định đã tham gia 10 buổi thiền định kéo dài 30 phút trong vòng 5 tuần.

Sau khi hoàn thành chương trình thiền định, những người tham gia nhóm thực hành thiền định thấy có sự cải thiện về tình trạng mệt mỏi về thể chất và tinh thần, đau cơ, trầm cảm và rối loạn tâm trạng. Các nhà nghiên cứu kết luận rằng thiền định có thể hữu ích trong việc chống lại các triệu chứng này ở những bệnh nhân bị hội chứng COVID kéo dài.

Ngoài ra, một bài tổng quan khác cho thấy thiền định có thể đem lại nhiều lợi ích sức khỏe cho bệnh nhân bị hội chứng COVID kéo dài bao gồm giảm các triệu chứng mệt mỏi, mất ngủ, đau đớn, suy giảm nhận thức và các vấn đề về vận động. Các tác giả kết luận rằng thiền định có thể đạt được điều này bằng cách duy trì sự cân bằng nội môi miễn dịch và điều chỉnh hệ thống thần kinh giao cảm.

Cải thiện triệu chứng bệnh tiểu đường

Các cơ quan y tế khuyến nghị nên áp dụng phương pháp thiền định để cải thiện các triệu chứng của bệnh tiểu đường và giảm dùng thuốc.

Một tổng quan và phân tích gộp được công bố gần đây đã kết luận rằng phương pháp thực hành tâm trí và cơ thể như thiền định có thể giúp cải thiện được việc kiểm soát đường huyết ở những bệnh nhân bị bệnh tiểu đường loại 2, với sự giảm đáng kể về mặt lâm sàng đối với HbA1c và đường huyết lúc đói.

Các thực hành tâm-thân được phát hiện là có hiệu quả gần như ngang bằng với thuốc trị tiểu đường và các tác giả kết luận rằng thiền định có thể được sử dụng như một phương pháp điều trị không dùng thuốc bổ sung cho bệnh tiểu đường, mặc dù phương pháp này không nên thay thế thuốc trị tiểu đường.

Theo một tổng quan hệ thống khác liên quan đến các bệnh nhân tiểu đường thì việc thực hành thiền định có liên quan đến những cải thiện đáng kể về huyết áp tâm thu và tâm trương, lượng đường trong máu, trọng lượng cơ thể, vòng eo và lipoprotein tỷ trọng cao (loại tốt).

Trong một nghiên cứu của Hàn Quốc với 48 bệnh nhân bị bệnh tiểu đường loại 2 và/hoặc cao huyết áp được phân ngẫu nhiên vào nhóm thực hành thiền định và một nhóm giáo dục sức khỏe. Sau tám tuần, so với nhóm giáo dục sức khỏe thì nồng độ lipoprotein tỷ trọng thấp (loại xấu) của nhóm thực hành thiền định đã giảm đáng kể.

Các nhà nghiên cứu gợi ý rằng thiền định có thể được sử dụng như một phương pháp điều trị bổ sung lâu dài cho bệnh tiểu đường.

Giúp quản lý cơn đau kinh niên

Một nghiên cứu được công bố trên Tập sanThần kinh học với 15 tình nguyện viên tham gia thực hành thiền định trong 4 ngày dưới tác động của sự kích thích có hại đã báo cáo mức độ khó chịu của cơn đau đã giảm được 57% và cường độ đau giảm 40%.

Trong một nghiên cứu khác với 48 người tham gia bị đau thắt lưng kinh niên, tất cả đều là nữ, được phân ngẫu nhiên vào nhóm thực hành thiền định và nhóm không thực hành thiền định và cả hai nhóm đều tiếp tục được hưởng chăm sóc y tế thông thường. Sau khi trải qua tám buổi thiền định, nhóm được thực hành thiền định cho biết mức độ đau giảm đi đáng kể so với nhóm còn lại.

Thiền định cũng đã được chứng minh là một phương pháp điều trị hiệu quả cho các chứng rối loạn đau kinh niên như đau cơ xơ hóa.

Các lợi ích đối với các bệnh kinh niên khác

Những bệnh nhân có vấn đề về đường ruột kinh niên, chẳng hạn như hội chứng ruột kích thích, hoặc bệnh tâm thần cũng có thể áp dụng thiền định để điều trị bệnh.

Việc tạo ra một môi trường lành mạnh hơn đã giúp chúng ta mở ra những con đường chữa bệnh rộng lớn hơn, như bảo vệ độ dài của telomere, giảm các biến cố về tim và giảm đau kinh niên. Căng thẳng chỉ làm trầm trọng thêm các triệu chứng của mọi bệnh tật, và khi điều đó xảy ra thì sức khỏe sẽ xấu đi một cách nhanh chóng. Thiền định là một phương thức mạnh mẽ giúp phòng ngừa hoặc cải thiện tất cả các bệnh kinh niên.

Khánh Nam biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Mercura Wang
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Mercura Wang là ký giả của thời báo The Epoch Times. Liên lạc với cô qua email: [email protected]
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn