Viêm có phải là thủ phạm đằng sau các căn bệnh kinh niên của bạn?

Nghiên cứu y học cho thấy phản ứng miễn dịch bất thường này hiện diện trong ngày càng nhiều bệnh và tình trạng kinh niên

Rất lâu trước khi COVID-19 hướng sự chú ý cao độ vào hệ thống miễn dịch, nghiên cứu về các tác động rộng rãi của chứng viêm đối với sức khỏe con người đã rất phát triển.

Hơn 10 năm trước, nghiên cứu trên tập san EMBO Reports phát hiện rằng mặc dù chứng viêm “từ lâu đã là một triệu chứng phổ biến của nhiều bệnh truyền nhiễm,” nhưng ngày càng có nhiều nghiên cứu cho thấy tình trạng viêm “cũng có liên quan mật thiết với nhiều loại bệnh không truyền nhiễm, thậm chí có thể là tất cả các loại bệnh.”

Viêm là gì?

Viêm thường là một phản ứng miễn dịch cơ bản và diễn ra bất cứ khi nào cơ thể bị thương hoặc khi nhận ra có sự xâm nhập của các tác nhân từ bên ngoài, chẳng hạn như mầm bệnh. Đó là viêm cấp tính. Nhưng trong một nền văn hóa nơi mọi người thường ăn các thực phẩm không tốt cho sức khỏe – có thể xem đó như là hành vi nạp chất độc hại vào cơ thể – hoặc liên tục bị căng thẳng, tiếp xúc với chất độc từ môi trường hoặc dùng các thuốc có vấn đề, thì mọi người cũng có thể bị viêm kéo dài, còn được gọi là viêm kinh niên.

Khi bị nhiễm virus, vi khuẩn, chất độc hoặc bị thương, cơ thể sẽ kích thích hệ thống miễn dịch phóng thích các tế bào gây viêm và các cytokine. Trong viêm cấp tính, quá trình này sẽ kết thúc, nhưng trong viêm kinh niên, các triệu chứng như đau bụng và ngực, mệt mỏi và sốt có thể kéo dài và có liên quan đến các bệnh như hen suyễn, bệnh Alzheimer, viêm khớp dạng thấp, ung thư và tiểu đường Type 2.

Viêm có thể ẩn sau nhiều căn bệnh

Theo EMBO Reports, đây là nghiên cứu về ung thư đầu tiên nhấn mạnh vai trò của viêm trong quá trình tiến triển bệnh. Các tác giả viết rằng, vai trò của tình trạng viêm trong ung thư đại trực tràng thật đáng ngạc nhiên, vì tình trạng viêm này có liên quan đến sự biểu hiện của “các gene thụ thể toll-like 4” (TLR4s) làm kích hoạt phản ứng viêm cấp tính, giúp cảnh báo hệ thống miễn dịch để [đối phó với] nhiễm trùng.

Các nhà nghiên cứu quan sát thấy “vi khuẩn liên tục được bổ sung thông qua thực phẩm mà chúng ta ăn vào, và do đó hệ miễn dịch không thể loại bỏ vi khuẩn hoàn toàn; điều này có thể dẫn đến nhiễm trùng kinh niên do hoạt động không ngừng của các thụ thể toll-like (TLR).”

Các tác giả đã viết rằng nghiên cứu hiện tại cho thấy tình trạng viêm không chỉ là thủ phạm đằng sau “sự khởi phát, tiến triển, chuyển đổi ác tính và xâm lấn” của bệnh ung thư, mà đứng đằng sau “ung thư di căn.” Đó là do “các tế bào miễn dịch sản xuất các loại oxy phản ứng làm tổn thương DNA”, [từ đó gây nên ung thư].

Các bệnh khác có liên quan đến chứng viêm, bao gồm các bệnh lý về hệ thần kinh trung ương như xơ cứng teo cơ cột bên hay hội chứng ALS (trong đó chứng viêm được cho là có liên quan đến tình trạng các tế bào thần kinh chết đi) và bệnh hen suyễn, trong đó các thụ thể glucocorticoid đôi khi không liên kết với corticosteroid và do đó không thể dừng các phản ứng miễn dịch.

Trong viêm khớp dạng thấp, các tế bào viêm có thể tấn công các mô khớp, dẫn đến tổn thương, đau và biến dạng khớp. Và nghiên cứu trên Frontiers of Immunology liên kết một số chứng trầm cảm với “sự tăng kích hoạt phản ứng viêm của hệ miễn dịch, [từ đó] ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương và ngoại vi.”

Điều trị chứng viêm như thế nào và bệnh nhân có thể làm gì?

Bệnh viện Cleveland cho biết khi tình trạng viêm là do chấn thương thực thể, thì có thể điều trị bằng cách nghỉ ngơi, chườm đá và chăm sóc vết thương. Trong trường hợp nhiễm virus hoặc vi khuẩn, có thể điều trị dứt điểm bằng cách giải quyết căn bệnh hoặc tác nhân “xâm lấn” đóng vai trò khởi phát gây bệnh.

Tình trạng viêm kinh niên thường đòi hỏi phải thay đổi lối sống, nhưng bác sĩ có thể kê các loại thuốc chống viêm không kê đơn gọi là NSAID (thuốc chống viêm không steroid) hoặc chích thuốc corticosteroid.

Hiện tại nhiều chuyên gia cảm thấy rằng các yếu tố lối sống mới là chìa khóa thực sự để giải quyết tình trạng viêm nhiễm.

Các tác giả của EMBO đã viết: “Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy các bệnh có tình trạng viêm có thể được điều trị thông qua tập thể dục, thay vì dùng thuốc. Tác dụng tích cực của việc tập thể dục đối với các quá trình viêm đã được biết đến từ lâu.”

Các vấn đề về lối sống như thừa cân, hút thuốc, uống rượu quá mức, căng thẳng và không tập thể dục đều có thể góp phần gây viêm.

Các chất bổ sung để chống viêm

Các nguồn y tế gợi ý một số chất bổ sung giúp điều trị chứng viêm kinh niên, bao gồm:

  • Vitamin A
  • Vitamin C
  • Vitamin D
  • Bổ sung dầu cá
  • Các loại thảo mộc chống viêm, chẳng hạn như nghệ, gừng và tỏi

Các thực phẩm chống viêm

Đôi khi một chút gia vị có thể có lợi cho sức khỏe. Khi nói đến nghệ và hoạt chất curcumin của nó, các tác giả EMBO viết rằng bằng chứng lâm sàng cho thấy loại gia vị đặc trưng trong ẩm thực Ấn Độ này có hiệu quả chống lại bệnh viêm ruột, bằng cách “loại bỏ các gốc tự do, tăng các chất chống oxy hóa và ảnh hưởng đến nhiều con đường truyền tín hiệu.”

Ngoài ra, những người có nguy cơ bị viêm nên tuân theo cách ăn Địa Trung Hải và ăn nhiều thực phẩm có đặc tính chống viêm, bao gồm:

  • Cá béo chẳng hạn như cá thu, cá hồi và cá mòi
  • Rau lá xanh, chẳng hạn như rau bina và cải xoăn
  • Dầu ô liu
  • Cà chua

Đồng thời, nên tránh thực phẩm chiên rán và đồ ăn nhanh có thể gây viêm, bao gồm:

  • Các loại thịt ướp muối nitrate, chẳng hạn như xúc xích
  • Dầu tinh chế cao và chất béo trans
  • Carbohydrate tinh chế, chẳng hạn như đường, bánh ngọt và bánh mì trắng

Các chất dinh dưỡng là chìa khóa chống viêm

Tiến sĩ Barry Sears, một chuyên gia hàng đầu về chứng viêm, đã viết trên tập san Frontiers in Nutrition: “Phản ứng viêm cấp tính ban đầu là có tác dụng bảo vệ vì nó cảnh báo hệ thống miễn dịch phản ứng với vết thương. Tuy nhiên, nếu phản ứng viêm ban đầu không dừng lại, sẽ dẫn đến tình trạng viêm kinh niên ở mức độ nhẹ. Tình trạng viêm không dừng này sẽ dẫn đến tổn thương mô làm thay đổi phản ứng viêm bảo vệ ban đầu, có liên quan đến nhiều tình trạng bệnh kinh niên.”

Ông Sears viết, để chữa lành chứng viêm này, người ta phải bổ sung “các chất dinh dưỡng từ thức ăn hoặc các chất chuyển hóa của chúng để kích hoạt AMPK và tăng lượng SPM”.

AMPK, hay protein kinase được hoạt hóa, là một loại enzyme cảm biến năng lượng được bảo tồn về mặt phát sinh gen, có trong tất cả các tế bào của động vật có vú. AMPK giúp các tế bào quản lý năng lượng, đặc biệt là từ glucose và acid béo. SPM, hay các chất trung gian phân giải lipid chuyên biệt, giúp giảm viêm.

Trong các bài viết của mình, ông Sears đã chỉ ra ba phương pháp ăn kiêng có thể giải quyết tình trạng viêm nhiễm và thực hiện được những mục tiêu sau:

1) Tuân theo một cách ăn kiêng chống viêm, rõ ràng trong hạn chế calorie, vì “hạn chế calorie là phương pháp can thiệp trị liệu thành công nhất để cải thiện khoảng thời gian khỏe mạnh (định nghĩa là tuổi thọ trừ đi số năm tàn tật) ở hầu hết mọi loài đã được nghiên cứu.”

2) Bổ sung SPM, là các hormone giúp kiểm soát quá trình giải quyết tình trạng viêm còn lại. Ông Sears viết rằng SPM là một “siêu họ protein” gồm resolvin, maresin và protectin, tất cả những chất này đều có tác dụng giải quyết tình trạng viêm. Các tế bào của chúng ta tạo ra SPM từ các acid béo không bão hòa đa. Nói cho đơn giản là chúng ta nên ăn nhiều acid béo omega-3.

3) Kích hoạt công tắc chuyển hóa tổng thể, AMPK, được điều chỉnh bởi AMP (adenosine monophosphate, là một nucleotide có trong tế bào) và ATP (adenosine triphosphate, là một loại enzyme có trong tất cả các tế bào). Ông Sears quan sát thấy hệ thống này khởi động một loạt các yếu tố phiên mã gen tích cực giúp chuyển đổi quá trình trao đổi chất từ đồng hóa sang dị hóa để khôi phục mức ATP.

Kết luận

Có được hiểu biết và điều trị chứng viêm tốt hơn có thể có tác dụng quan trọng đối với các bệnh chính và giúp thuyên giảm bệnh.

Ví dụ, các nhà nghiên cứu tại Đại học Carnegie Mellon đã cố gắng liên kết căng thẳng, viêm và nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm bằng cách xem xét sự kháng thụ thể glucocorticoid, được cho là góp phần gây nên các bệnh liên quan đến chứng viêm khác như hen suyễn.

Bài báo thảo luận về nghiên cứu trên EMBO Reports lưu ý rằng: “Quá trình viêm giúp điều chỉnh tăng khả năng miễn dịch đối với virus cảm lạnh và là nguyên nhân gây ra các triệu chứng cảm lạnh phổ biến như tăng sản xuất chất nhầy trong mũi.”

“Nghiên cứu gợi ý rằng căng thẳng không nhất thiết làm tăng khả năng lây nhiễm, nhưng nó làm các triệu chứng trầm trọng hơn. Điều này cho thấy thay vì [áp dụng] các cơ chế chống virus thì việc chống viêm có thể là phương thuốc hiệu quả nhất cho nhiều bệnh nhiễm trùng đường hô hấp trên.”

Các phát hiện cho thấy mối liên quan giữa mức cytokine tiền viêm và biểu hiện của các triệu chứng, đây sẽ là tin tốt cho bất kỳ bệnh nhân nào đang phải đối phó với các tình trạng viêm. Tại sao? Bởi vì, theo các tác giả, “có… hy vọng thiết lập một quy tắc chung để hiểu được nhiều bệnh lý được xem là không liên quan trước đây, thông qua các cơ chế gây viêm cơ bản.”

Thiên Vân biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Martha Rosenberg
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Cô Martha Rosenberg là ký giả được công nhận trên toàn quốc và là tác giả có các tác phẩm được Trung tâm Ung thư Memorial Sloan Kettering, Kỷ yếu Phòng khám Mayo, Thư viện Khoa học Sinh học Công cộng, Địa lý Quốc gia và Wikipedia trích dẫn. Sự tiết lộ của Rosenberg với FDA, Sinh ra với chứng bệnh nghiện thức ăn vặt được đánh giá cao rộng rãi và giúp cô trở thành phóng viên điều tra nổi tiếng. Cô đã giảng dạy ở nhiều trường đại học trên khắp Hoa Kỳ và sống ở Chicago.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn